Nguồn: Đất Việt
"Sóng chìm", "Tiếng khóc nàng Út"..., dù được trao giải với số phiếu cao, song hầu như không được bày bán ở hiệu sách. Còn những cuốn sách được bạn đọc đón nhận, đồng thời nhận được giải thưởng của Hội, thì trước đó đã khẳng định tên tuổi.
Sách hay nằm trên… kệ
Mới đây, Giải thưởng Hội Nhà văn 2008 được trao cho "Sóng chìm" (Đình Kính), "Tiếng khóc của nàng Út" (Nguyễn Chí Trung) và tập truyện ngắn "Ngôi nhà xưa bên suối" của Cao Duy Sơn. Trong bài nhận xét về các tác phẩm được trao giải năm nay, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tự tin nói: “Tôi nghĩ thể loại tiểu thuyết năm nay sẽ được bạn đọc đón nhận và đồng cảm”.
Sở dĩ, nhà thơ Hữu Thỉnh tự tin bởi "Sóng chìm" của Đình Kính được trao giải với 6/6 phiếu đồng thuận. "Tiếng khóc của nàng Út", tiểu thuyết của nhà văn bước sang tuổi 80 Nguyến Chí Trung được nhiều thành viên Hội đồng chấm giải nhận xét “có đoạn văn như thể được ông nuôi dưỡng cả một đời cầm bút, giờ mới có điều kiện phát lộ”.
Các cửa hàng sách ở Đinh Lễ, không bày bán những tác phẩm được giải của Hội Nhà văn
Tác phẩm đoạt giải được nhận xét "hoành tráng", nhưng trên thực tế, nhiều cuốn trong đó chỉ nằm trên kệ. "Và khi tro bụi" (Đoàn Minh Phượng) nhận giải thưởng Hội Nhà văn 2007, xuất bản 1.000 cuốn từ tháng 4/2006, nhưng hai năm rưỡi sau ngày phát hành, số sách này vẫn nằm khá nhiều trong kho sách NXB Trẻ Hà Nội. Còn "Những bức tường lửa" (Khuất Quang Thụy, Giải thưởng Hội nhà văn 2005) hầu như không còn có mặt trên các hiệu sách lớn ở Hà Nội.
Trước khi chính thức được vinh danh Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2008, "Sóng chìm" ra mắt độc giả từ năm 2006, với số lượng 500 cuốn. Khi được hỏi về "Sóng chìm", nhân viên Nhà sách Công ty Phát hành sách Việt Nam trả lời: “Chưa từng bán tác phẩm này”. Còn chủ hiệu sách số 3 Đinh Lễ, Hà Nội, cho biết, hiệu sách này đầu 2006 có "nhập năm cuốn, nhưng không mấy người hỏi".
Chung nỗi buồn, "Ngôi nhà xưa bên suối" e dè xuất bản… 870 cuốn, nay vẫn lặng lẽ ở góc khuất của vài hiệu sách. Tuy nhiên, như cách nghĩ của Đình Kính, Cao Duy Sơn, tác giả "Ngôi nhà xưa bên suối", cho rằng giải thưởng thuộc về tác giả, còn sách sống được hay không là do công chúng. Đôi lần nghĩ đến chuyện liên kết với các công ty sách tư nhân, nhưng nhà văn này thừa nhận “chưa quen với cách làm việc này, đành nhờ cậy Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà xuất bản và cơ quan truyền thông”.
Nhạt nhòa thương hiệu giải thưởng
Trái với các tác phẩm có giải thưởng, khách hàng đến bất kỳ hiệu sách nào ở Đinh Lễ hỏi sách của Di Li, Thuận, Y Ban, Tạ Duy Anh… sẽ được nhân viên mang ra tận cửa. "Cánh đồng bất tận", "Paris 11 tháng 8"… đến nay vẫn được các chủ nhà sách nhập về. "Cánh đồng bất tận" trở thành hiện tượng trong giới văn đàn suốt một năm trước khi chính thức khoác chiếc áo Giải thưởng Hội Nhà văn. Còn "Paris ngày 11 tháng 8" nổi tiếng trước khi được trao thưởng. Hầu hết tác giả được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận mà không cần gắn mác giải thưởng đều là người trẻ. "Khi nào anh thuộc về em" của Cấn Vân Khánh sau hai lần tái bản, có hơn 10.000 bản hiện diện trên các quầy sách. |
Khi được hỏi vì sao sách không xuất hiện nhiều tại các cửa hàng kinh doanh, nhà văn Đình Kính nêu rằng: “Viết là công việc của nhà văn, còn quảng bá sách đến với bạn đọc không thuộc phạm vi của họ”. Nhà văn Phạm Thanh Khương, tác giả "Dòng sông tật nguyền" cho rằng: “Khi cầm bút, nhà văn đã biết rõ độc giả của mình thuộc đối tượng nào”. Theo ông, lượng độc giả này dù không nhiều nhưng bền vững.
Nhận định về hiện trạng sách được giải vẫn ế, nhiều nhà văn cho rằng khoảng chục năm nay, văn xuôi Việt Nam không có thêm giọng điệu mới nào. Việc trao giải ở chừng mực nào đó còn nhiều vấn đề bất cập, không loại trừ có sự thiên vị. Song, các nhà văn khẳng định, không phải lúc nào số lượng độc giả cũng tỷ lệ thuận với giá trị của sách. Ngoài những lý do ngoại cảnh như nhà văn Đình Kính chia sẻ, cần kể thêm một nguyên nhân khác. Đó là không có kênh thông tin nào chuyển tải nội dung của các cuốn sách này đến với độc giả.
Kim Sen