Tôi muốn người đọc phải ám ảnh

 

 

Văn học dòng trinh thám và kinh dị phát triển vô cùng rực rỡ ở phương Tây, có nhiều tác gia được đọc khắp thế giới và tên tuổi không xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Tuy nhiên ở nước ta, trước nay có truyện liêu trai, truyện ma quái – rùng rợn; tiểu thuyết trinh thám thì khá hiếm. Trong bối cảnh đó, cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị Trại Hoa Đỏ của nhà văn Di Li ra đời, lập tức thu hút sự chú ý của các nhà văn, của báo giới và công chúng văn học. Nhà văn Trần Thanh Hà đã có cuộc trao đổi với tác giả Di Li.

 

Văn học trinh thám - kinh dị là tất yếu của xã hội tiêu dùng. Nước ta đã xây dựng kinh tế thị trường 20 năm nay, đã hình thành xã hội tiêu dùng. Về văn học, người đọc của ta đã “tiêu dùng” rất nhiều và lập tức các tác phẩm bán chạy của thế giới, bằng cớ là những J.K. Rowling, Dan Brown, Stephen King, Stephen Meyer… đều được dịch nhanh chóng và trở thành hiện tượng xuất bản. Sách trinh thám, kinh dị nước ngoài bán chạy ở Việt Nam, chứng tỏ nhu cầu đọc dòng văn học này ở ta rất cao. Nhưng ta lại không có dòng văn học này. Theo chị vì sao?

Tôi cho rằng các thể loại văn học giả tưởng là một bậc cao hơn của giải trí tinh thần. Những thể loại này thường xuất hiện ở các quốc gia phát triển. Riêng về thể loại trinh thám thì có thể khẳng định rằng nó thường chỉ khởi nguồn ở những thành phố rất sầm uất. Vì vậy, dễ hiểu tại sao Nhật Bản vẫn là quốc gia dẫn đầu châu Á về dòng văn học trinh thám và kinh dị. Chúng ta không có dòng văn học này phần nhiều vì lẽ trên. Còn một lý do nữa, ta đều biết rằng người phương Tây nặng về lý tính, tư duy logic, và các phương pháp phân tích, trong khi đó người châu Á lại thiên về cảm tính và phương pháp tổng hợp. Thể loại trinh thám đòi hỏi một tư duy logic cao, là những thế mạnh của người phương Tây. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi thì cũng không có quá nhiều độc giả Việt Nam say mê sách trinh thám, cùng lắm họ chỉ quan tâm đến một số đầu sách trinh thám kinh điển của Conan Doyle và Agatha Christie. Nhiều đầu sách của các tiểu thuyết gia trinh thám nổi tiếng như Henning Mankell, James Patterson, Jonathan Kellerman… cũng không được tái bản nhiều. Trong khi đó, các tác phẩm giả tưởng thể loại kinh dị lại được săn lùng. Nên đó cũng là một lý do khiến tôi kết hợp hai thể loại trinh thám và kinh dị nhằm phục vụ nhu cầu độc giả.

 

Sự thiếu vắng trinh thám và kinh dị của văn học nội địa khiến chị lựa chọn trở thành người viết kinh dị?

Tất nhiên rồi, tôi muốn mình trở thành người đầu tiên, như bất kỳ một người sáng tạo nào khác. Tuy nhiên trước hết là tôi đam mê các thể loại này, bên cạnh các thể loại khoa học viễn tưởng và phiêu lưu mạo hiểm (mà tôi nghĩ rất có thể một ngày nào đó mình cũng sẽ thử nghiệm). Tôi có thể nói cả ngày không biết chán về văn học giả tưởng. Thế thì tại sao tôi không thử viết một cuốn? Nếu được công chúng chấp nhận, tôi sẽ viết tiếp, bằng không thì đành phải chấp nhận sự “bất tài” của mình và từ bỏ tham vọng tiểu thuyết vậy.

 

Trước kia phương Tây cũng từng có lúc coi trinh thám và kinh dị là “cận văn học”, nhưng ngày nay không ai quan niệm như vậy nữa. Trinh thám và kinh dị có giá trị riêng của nó và có những giải thưởng mà danh giá không thua gì các giải Booker ở Anh  hay Goncour ở Pháp. Nhà văn viết trinh thám người Thụy Điển Stieg Larsson thậm chí được các thành viên Ủy ban Nobel đánh giá cao, tiếc rằng ông mất trước khi bộ ba tiểu thuyết Millennium được đọc khắp nơi. Nhưng ở VN, nó vẫn không được coi trọng. Ý kiến của chị như thế nào?

Các thể loại này không phải văn học hàn lâm, song điều đó không có nghĩa nó là loại văn học nằm ngoài chính thống. Năm 2003, Stephen King được Quỹ NBA (National Book Award - Giải thưởng sách toàn quốc) trao tặng thưởng danh dự vì sự đóng góp xuất sắc cho văn học Hoa Kỳ. NBA vẫn được ví như giải Oscar của văn học Mỹ và thường chỉ được trao cho các cây bút hàn lâm như Denis Johnson, Wright Morris, Joyce Carol Oates. Riêng tác phẩm “Mật mã Da Vinci” của Dan Brown được dịch ra 44 thứ tiếng với 40 triệu ấn bản và Dan đã được Tạp chí Time bình chọn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất của năm. Cách đây vài tháng tôi cũng có đọc bài viết của một nhà báo Việt Nam nói đại ý rằng: Ngay cả ở phương Tây, các nhà văn viết những thể loại giật gân như trinh thám, kinh dị, khoa học viễn tưởng… cũng bị giới trí thức kỳ thị và coi đó là văn học rác. Tôi đồ rằng có lẽ anh ta đang nhắc đến chuyện của… nửa thế kỷ trước. Trong một lần tiếp xúc với giáo sư Alain Guillemain, giảng dạy văn học ở một trường đại học Pháp, nhân buổi nói chuyện của ông ở trường ĐH Văn hóa, tôi cũng nhắc đến chủ đề này. Giáo sư cười và nói rằng “Còn phải xem đó là tác phẩm nào, của tác giả nào”. Tôi cũng nghĩ vậy, đừng đánh giá “vàng” và “rác” chỉ dựa trên thể loại, mà nên căn cứ vào tác giả và tác phẩm.

 

 

 

Ngày nay, trinh thám- kinh dị không còn là sở hữu của thế giới phương Tây nữa, vì ngay trong lòng các xã hội truyền thống châu Á đã xuất hiện nhiều nhà văn viết trinh thám- kinh dị mà phương Tây cũng phải sửng sốt, như Koji Suzuki ở Nhật, Quỷ Cổ Nữ ở Trung Quốc (xuất hiện lần đầu vào năm 2004). Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Tôi cho rằng tất cả chúng ta đang hội nhập, hội nhập cả về kinh tế lẫn văn hóa. Có thể các cường quốc châu Á khác hội nhập trước chúng ta (Nhật Bản là quốc gia duy nhất có nhà văn là thành viên của Hiệp hội các nhà văn kinh dị thế giới –HWA), nhưng chẳng sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ hội nhập được như họ. Tôi hy vọng thế.

 

Cuốn Trại Hoa đỏ là một câu chuyện rùng rợn được viết dưới hình thức trinh thám. Người viết kinh dị có thể mặc sức phóng túng trí tưởng tượng, có thể sử dụng bút pháp của thần thoại, siêu thực…, nhưng thể loại trinh thám lại đặc trưng ở sự tiết chế kinh khủng, và hơn hết, nó là một chủ nghĩa hiện thực lạnh lùng. Hai điều này có vẻ trái ngược. Vậy mà chị kết hợp trong một cuốn sách, và kết hợp rất nhuyễn…

Tôi đã chủ trương kết hợp phong cách giả tưởng phương Đông và chủ nghĩa duy lý của phương Tây. Có thể vì tôi nắm khá vững những nguyên tắc xây dựng cốt truyện các thể loại này. Mặc dù vậy, đúng như chị nói, là rất khó khi thể hiện điều này, vì nó dễ gây sự giả tạo kỳ cục nếu như người viết không làm chủ được tình huống. Điều này thậm chí cả một số tác gia viết trinh thám kinh dị của nước ngoài cũng mắc phải. Tôi đã nhìn thấy điều ấy ở những người đi trước nên may mắn rút được kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu các chi tiết siêu thực thể hiện thành công trong thể loại trinh thám, sẽ gây cho người đọc ám ảnh lâu dài, vì họ sẽ có cảm giác thật, rất thật về những bóng ma ám ảnh đang ở đâu đó xung quanh mình.

 

Chị là người có kinh nghiệm với thể loại kinh dị, cho nên không lạ là các nhân vật “ma” của chị rất ấn tượng: bóng ma mặc áo đen, Ráy… và những phần miêu tả sự rùng rợn của chị rất thành công, nhưng trong Trại Hoa đỏ chị có một nhân vật thành công bất ngờ: đại úy Phan Đăng Bách. Những trang về đời sống của công an chị tả rất sinh động, các chi tiết liên quan đến kỹ thuật điều tra chị cũng xử lý tốt. Chị làm thế nào để viết về công an tốt như vậy?

Tôi phải đọc rất nhiều tài liệu liên quan. Hơn nữa, khi viết về các nghề nghiệp mà mình không rành, người viết thường mắc phải tính chủ quan: nâng các nghề nghiệp đó thành một phạm trù khác biệt, thành ra dễ gây sự giả tạo. Tôi quan niệm một cảnh sát hình sự, một chính khách, một thương gia hay một nghệ sỹ thì cũng chỉ là con người bình thường, với đầy đủ những hỉ nộ ái ố của đời người. Họ cũng đam mê, cũng ghen ghét, cũng khát khao, cũng tham vọng, buồn, vui, đau khổ, giận dữ như bất kỳ ai khác. Tuy nhiên, đối với các nghề đặc biệt thì người ta có đôi chút khác biệt trong tính cách và tố chất so với những người bình thường khác. Tôi tập trung đi sâu vào khai thác điều ấy trong yếu tố tâm lý và hành vi.

 

Chúc mừng chị vì Trại Hoa đỏ đang là cuốn sách “hot” trên các sạp sách. Tôi cũng rất vui vì chị đang cùng đại úy Phan Đăng Bách quay trở lại trong một tiểu thuyết khác. Chị có tính đến khả năng có một series về Phan Đăng Bách, nhiều hơn 2?

Có chứ, cuốn thứ ba đang thành hình ý tưởng trong đầu tôi, cũng cùng thể loại trinh thám kinh dị, đề tài chiến tranh, nói về một cuộc thảm sát lịch sử ở Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, và nó đã để lại những hệ lụy ở thế kỷ 21. Cảnh sát hình sự Phan Đăng Bách sẽ được tôi cho lên lon thiếu tá trong cuốn này. Tuy nhiên tôi chưa có bất kỳ ý tưởng nào về cuốn thứ tư. (cười)

 

Nếu thành lập một Hội các nhà văn trinh thám VN, theo chị sẽ có bao nhiêu thành viên?

Tôi ước ao điều này xảy ra, vì trên văn đàn quốc tế đã có nhiều hiệp hội như vậy. Họ đủ uy tín, tài chính và nội lực để hoạt động độc lập đối với các hiệp hội nhà văn khác. Tuy nhiên các nhà văn trinh thám nước ngoài cho đến cuối đời thường sòn sòn tới ba bốn chục đầu sách. Vì vậy, theo tôi, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có một nhà văn nào thực sự được coi là nhà văn trinh thám chuyên nghiệp, nghĩa là chỉ chuyên tâm sáng tác thể loại trinh thám, sống bằng trinh thám và giành giải thưởng, uy tín bằng trinh thám. Tôi hy vọng trong tương lai mình sẽ trở thành nhà văn trinh thám chuyên nghiệp.

 

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

 

                                                                 Trần Thanh Hà thực hiện