Một bức tranh ảm đạm?

 

Cho đến nay, không ít người vẫn nghi ngại khi nói đến một dòng văn học trinh thám, kinh dị nước nhà bởi sự xuất hiện quá thưa thớt của các tác giả và sự đứt đoạn một thời kì dài không có sự phát triển của dòng văn học này. Có chăng , người ta chỉ điểm được vài cái tên như Thế Lữ, Phạm Cao Củng, Bùi Huy Phồn… Và cũng phải mãi tới giữa những năm 20 của thế kỷ trước, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây dòng văn học này mới bắt đầu xuất hiện qua các đại diện:  Thế Lữ với "Tiếng hú hồn mụ Ké", và một vài truyện mang yếu tố trinh thám khác. Rồi tiếp đó là Lê Văn Trương với "Những cảnh hoang tàn" của Đế Thiên Đế Thích...

 

Theo nhà văn Trần Thanh Hà , gần đây trên thị trường xuất bản, bắt đầu bung ra loạt truyện vụ án. Những tiểu thuyết loại này như "Cổ cồn trắng", "Hành trình của sói"… được xây dựng theo lối nệ thực, ít hư cấu, chủ yếu dựa vào tư liệu có sẵn. Thậm chí ta còn nhầm lẫn giữa fiction và non-fiction, giữa tư liệu và tiểu thuyết. Người viết tư liệu thì cứ tưởng mình đang viết tiểu thuyết… Và thực tế , cái gọi là “dòng văn học trinh thám Việt Nam” – chỉ là một vạch chỉ rất đỗi mờ nhòe và đứt gãy trong lịch sử văn học nước nhà.

 

Nhận diện những người tiên phong

 

Nhắc đến dòng văn học trinh thám, kinh dị , không thể không kể đến tên Thế Lữ. Ông là một trong số ít những nhà văn đầu tiên góp phần lớn hiện đại hóa truyện truyền kỳ, mở đầu truyện huyễn tưởng hiện đại và cũng mở đầu truyện kinh dị ở Việt Nam: Vàng và máu (1934), Bên đường thiên lôi (1936), Trại Bồ Tùng Linh (1941)... ; mảng truyện trinh thám: Lê Phong phóng viên (1937), Mai Hương và Lê Phong (1937), Đòn hẹn (1939), Gói thuốc lá (1940)... Sau này tập truyện ngắn chọn lọc của ông xuất bản, Nhà xuất bản Văn học Việt Nam đã đánh giá 'Người đọc nhận thấy rất rõ ông là người có tài quan sát có óc phân tích sắc sảo và có trí tưởng tượng hết sức phong phú'.

 

Một gương mặt khác mà khi nghiên cứu dòng văn học trinh thám Việt nam, người ta không thể bỏ qua, đó là Bùi Huy Phồn – tác giả của các cuốn sách: Gan dạ đàn bà (tiểu thuyết trinh thám, 1942); Mối thù truyền kiếp (tiểu thuyết trinh thám, 1942); Tờ di chúc (tiểu thuyết trinh thám, 1943). Ngoài ra còn một đại diện khác là Lê Văn Trương dù các tác phẩm thuộc dòng văn học này của ông không thật nhiều.

 

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra, ai là người đặt nền móng đầu tiên cho dòng văn học này tại Việt Nam? Gần đây, trên một số phương tiện thông tin báo chí, tên tuổi Phạm Cao Củng được nhắc đến như là người đầu tiên có công thử nghiệm việc bản địa hóa tiểu thuyết trinh thám phương Tây. Ông là tác giả của các truyện trinh thám tiêu biểu như: Vết tay trên trần (1936), Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Cái kho tàng nhà họ Đặng, Ba viên ngọc bích (1938), Người một mắt (1940), Kỳ Phát giết người (1941), Nhà sư thọt (1941), Đôi hoa tai của bà Chúa (1942), Đám cưới Kỳ Phát (1942)...

 

Suốt cuộc đời cầm bút, ông đã viết khoảng 200 cuốn sách, trong đó có gần 30 cuốn sách trinh thám, với hai serie: serie về thám tử Kỳ Phát và serie về Tám Huỳnh Kỳ. Hai serie trinh thám này được viết theo hai phong cách khác nhau. Loạt truyện về thám tử Kỳ Phát chịu ảnh hưởng nhiều của Conan Doyle, mang nhiều dáng dấp Sherlock Holmes. Còn Tám Huỳnh Kỳ là sự pha trộn của Arsène Lupin (nhân vật của nhà văn Pháp Maurice Leblanc)… Vì vậy, có thể coi Phạm Cao Củng là người mở đường, người cắm cột mốc trên địa hạt tiểu thuyết trinh thám VN. Về giá trị tác phẩm, sinh thời chính nhà phê bình Vũ Ngọc Phan - tác giả bộ Nhà văn hiện đại, đã nêu lên nhận xét tổng quát: "Trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn!".

 

Ngoài loại truyện trinh thám - suy luận trên đây, Phạm Cao Củng còn viết một loạt truyện trinh thám - mạo hiểm, khi ký tên Phượng Trì như "Bàn tay sáu ngón", lúc ký tên thật như: Hai người lên máy chém (1950); Người chó sói (1950), Chiếc gối đẫm máu (1951)... mà nhân vật trung tâm là Tám Huỳnh Kỳ.

 

Nhận xét về vai trò của Phạm Cao Củng, nhà văn Trần Thanh Hà cho rằng: Trong bối cảnh văn hoá Việt Nam ưa chuộng tư duy cảm tính, thiếu truyền thống tư duy lý tính, thì viết được tiểu thuyết trinh thám như Phạm Cao Củng đã là một thành công. Hơn nữa, cái ưu điểm của ông ấy là dù học hỏi phương Tây, nhưng ông ấy cũng biết “thổi” cho nhân vật một tính cách Việt, tâm hồn Việt, đời sống Việt, và những phẩm chất được ưa chuộng ở phương Đông, như trọng nghĩa khí, tình cảm, đạo đức, coi thường tiền bạc, không hành động vì thù lao. Còn nữa, viết truyện trinh thám trong hoàn cảnh đời sống dân ta khác xa với thế giới phương Tây, mà được đông đảo độc giả bình dân thời kỳ 1930- 1945 đón nhận, cũng là một may mắn hiếm hoi của rất ít nhà văn Việt nam!

 

Còn theo dịch giả Phạm Tú Châu: Cái đặc biệt mà người ta thấy ở tiểu thuyết trinh thám suy luận của Phạm Cao Củng là tuy vay mượn một thể loại văn học phương Tây nhưng ông đã Việt Nam hóa rất tài tình, cộng thêm phần sáng tạo riêng có. Những nhân vật và khung cảnh trong truyện của ông đều có tính chất Việt nam, hợp với trình độ người Việt hiện thời, không nhặt nhạnh những mẩu truyện ly kỳ của Tây phương và cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt lai Pháp. Đặc biệt, nhân vật thám tử Kỳ Phát đã được Phạm Cao Củng gán cho những phẩm chất vốn được ưa chuộng ở phương Đông như coi khinh quyền thế giàu sang, đồng tình với người dân thấp hèn, không quản mạo hiểm nguy nan, thù lao nhiều ít để làm sáng tỏ chính nghĩa. Khác với Sherlock Homes, Kỳ Phát tôn trọng pháp luật, song càng tôn trọng tình cảm và đạo đức hơn, do vậy nhân vật thám tử này có bóng dáng của hiệp sĩ nghĩa khí trong tiểu thuyết cổ Trung Hoa.Án phá xong, Kỳ Phát không bao giờ nhận tiền thù lao, thậm chí khi được hưởng một phần cái gia tài "không biết bao nhiêu là thoi vàng bạc và cả đống châu báu, chàng đã lẳng lặng bỏ đi... Chàng có đầy đủ phẩm chất của một tài tử lãng mạn, đa tình, nhưng lại phù hợp với "trình độ, tri thức và cuộc sống của người Việt nam" nói chung lúc đó.

 

Bản thân tác giả cũng từng tâm sự: "Sự thực, viết truyện trinh thám ở nước ta rất khó, vì dân ta vốn tính bình dị, ngay trong xã hội ít thấy xảy ra những vụ trộm hay án mạng khả dĩ có thể gọi là ly kỳ, bí mật. Phần lớn dân ta chưa hề trông thấy chính mắt một khẩu súng lục bao giờ, hiểu biết rất ít về cơ khí và hóa học, lại rất hiếm ai có được một chiếc xe hơi riêng của mình. Vì thế cho nên những vai chính trong truyện trinh thám Việt Nam chẳng thể mỗi lúc giơ được khẩu súng lục ra hay bắn nhau, không thể có được những nhà hầm có cơ quan bí mật hay luôn luôn nhảy lên xe hơi theo dõi quân gian như ở trong nhiều truyện trinh thám Âu Tây. Chính vì thế mà luôn luôn tôi chỉ ao ước viết được những truyện trinh thám mà việc rất có thể xảy ra được trong xã hội Việt Nam, và vai chính cần phải có được những tính cách hoàn toàn Việt Nam".

 

Hiện tượng Phạm Cao Củng cho thấy nhà văn và bạn đọc trẻ lúc bấy giờ khao khát được thể nghiệm, được đón đọc một thể tiểu thuyết lạ có sự gợi mở về trí tuệ. Sau Phạm Cao Củng, đầu những năm 1970 - 1980 của thế kỷ trước, loại truyện điều tra hình sự, tình báo, gián điệp từ Liên Xô và các nước Đông Âu cũng liên tiếp được dịch ở nước ta. Một số nhà văn Việt nam cầm bút viết nên những tác phẩm của mình. Chỉ có điều tiểu thuyết trinh thám theo đúng nghĩa ban đầu của thể loại thì cho đến nay, theo nhiều người nhận xét: vẫn chưa ai vượt qua được Phạm Cao Củng!

 

Sự thiếu vắng

 

Nếu có một khác biệt về sự phát triển của các loại hình tiểu thuyết ở Việt Nam so với tiểu thuyết nước ngoài, đó chính là sự xuất hiện muộn mằn và còi cọc của truyện trinh thám. Năm 2004, một tờ báo lớn trong Nam có phát động một cuộc thi viết truyện trinh thám với giải treo khá cao, nhưng rơi vào im lặng. Những bài gửi đến chỉ ở tầm ghi chép vụ việc phá án, chưa đạt về chất lượng văn chương - dù đây mới là thi viết truyện ngắn, chưa đòi hỏi kết cấu quy mô.

 

Trong khi đó, trên thế giới, truyện trinh thám phát triển hơn bao giờ hết, ngay cả ở một nước châu Á có vẻ cổ kính về văn hóa như Trung Quốc. Ngày nay, thể loại này không còn bị coi là "á văn chương", "cận văn chương" nữa. Không những thế, từ cuối thế kỷ XX, nó có những sự biến đổi rõ rệt, so với ngay khoảng giữa thế kỷ.

 

Nhà văn Đặng Anh Đào cho rằng: Giờ đây, nếu truyện trinh thám Việt Nam phát triển, có lẽ nó phải "cắt cầu", vượt qua giai đoạn viết lách theo kiểu Sherlock Holmes đã đành, mà phải bỏ qua cả lối viết của Agatha Christie, người được phong là "Nữ hoàng Tội ác" trong các thập niên 50-70. Bởi lẽ ngày nay, truyện trinh thám - có nghĩa là cuốn sách - đang phải đứng trước một đối thủ dễ dàng chinh phục công chúng rộng rãi: những phương tiện nghe - nhìn dễ tiếp cận hơn biết bao nhiêu! Có nhà phê bình đã đặt câu hỏi: việc gì mà phải đọc sách, trong khi chỉ cần bấm một nút, là đã có một xê ri phim trinh thám non-stop? Tổng quát lại bức tranh về truyện trinh thám ở Việt Nam, chúng ta thấy bật lên một tình trạng: Hàng nội không phát triển, trong khi phần bù lỗ cho việc in sách nghiêm túc ở các nhà xuất bản lại dựa vào truyện trinh thám dịch! Gần đây, ấn lượng của nó sút đi khiến có người nhận định dịch thuật của ta đã đi "đúng hướng"(?). Thật ra, việc gia nhập Công ước Berne đã khiến các nhà xuất bản không thể dịch chui, lại không có nhiều tiền để mua bản quyền. Thế nhưng gần đây, ta cũng vẫn theo đuổi khá sít sao một vài cuốn best-seller đậm màu trinh thám, như "Mật mã Da Vinci". Những cuốn như thế, hoặc cuốn "Nữ phụ tá và bùa mê đàn ông" (được dịch từ năm 2004) chứng tỏ độc giả Việt Nam đã tiếp nhận những cuốn sách uyên bác hơn trước đây. Bởi lẽ truyện trinh thám ngày nay đang thâm nhập vào cả những lĩnh vực khác, biến hoá thành nhiều loại: tiểu thuyết bí mật lịch sử (kiểu Mật mã Da Vinci…) tiểu thuyết tâm lý học tội phạm (kiểu Sự im lặng của bầy cừu), tiểu thuyết tội ác - hài hước (loại này còn ít được giới thiệu ở Việt Nam) v.v…

 

Gần đây, trên báo chí nhắc nhiều đến một cây bút trẻ là Di Li với seri truyện trinh thám, kinh dị. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho dòng văn học này. Trong khi nhiều cây bút trẻ đương đại còn mê mải đi sâu vào khai thác đề tài mang tính thời thượng về thế giới thứ ba, về tình yêu… thì tác giả trẻ Di Li lại gây được chú ý trên văn đàn bằng dòng văn học hoàn toàn khác, thể hiện một lối đi riêng, độc lập và chắc chắn cho riêng mình: Dòng văn học trinh thám kinh dị. Trước thách thức của quan niệm coi nhẹ văn chương giải trí và tìm cách dung hoà giữa giải trí và hàn lâm, cây bút trẻ Di Li đã chọn cho mình sự pha trộn nhuần nhuyễn của trinh thám và kinh dị thành trinh thám kinh dị .

 

Văn học trinh thám kinh dị dán mác văn học “nội 100%” hiện còn quá thiếu ở Việt Nam. Những thành tựu được nhắc tới mới chỉ dừng lại ở dạng thuần tuý: Liêu trai, trinh thám, kinh dị… xuất hiện ở không gian và thời gian vừa xa vừa cách biệt với đời sống đương đại của chúng ta. Vì thế với cái tên Di Li và lựa chọn trinh thám kinh dị có quyền hi vọng hướng đi mới, sự thay đổi cho văn học trẻ Việt Nam lắm chứ! Nhất là thời điểm thích hợp như hiện nay.

Thy Ngọc