Bài đăng trên báo Đất Việt số 246, ra ngày 19/4/2009
Từ trước đến nay, dân ta vẫn có cái quan niệm nặng nề về “sản phẩm nghệ thuật hạng hai”. Quan niệm này ngấm sâu đến mức nhiều người đồng nghĩa “giải trí” với “rẻ tiền” và “lá cải”. Họ tẩy chay các sản phẩm nghệ thuật giải trí một cách cực đoan, kỳ thị và cho rằng chúng chỉ thích hợp với đối tượng khán giả bình dân. Họ chỉ thưởng ngoạn nghệ thuật theo cách riêng của mình bằng những sản phẩm hàn lâm. Tuy nhiên, ở những quốc gia phát triển, các sản phẩm giải trí đã được đưa lên một mức độ khác và phục vụ ngay cả tầng lớp trí thức. Trong một xã hội văn minh, người ta không chỉ hưởng thụ giải trí đích thực bằng những trò chơi mới lạ trong Theme Park (công viên chủ đề) mà bằng chính những sản phẩm nghệ thuật phổ biến hàng ngày. Vì thế, ngành công nghiệp giải trí từ lâu đã trở thành một miếng bánh khổng lồ để khai thác một cách chuyên nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2008, bộ phim “The dark night” (Kỵ sĩ bóng đêm) đã đem lại cho hãng Warner Bros và đạo diễn Christopher Nolan 996,8 triệu USD, tiếp đó là “Indiana Jones and The Kingdom of the Crystal Skull” (Indiana Jones và vương quốc sọ người) với doanh thu 786,6 triệu USD, “Kung fu Panda” – 631,9 triệu USD, “Hancook” – 624,4 triệu USD, “Iron man” – 581,9 triệu USD. Rồi trong lịch sử điện ảnh đã có rất nhiều bộ phim bom tấn thu hàng bao tải tiền như “King kong”, “Cuộc chiến tranh giữa các vì sao”, “Công viên kỷ Jura”, “Chiếc rương thánh tích”… Những bộ phim này không phải được sản xuẩt để đi tranh giải Oscar, chúng thuần túy là phim giải trí và trong số vài chục triệu lượt người xem không phải đều là khán giả bình dân. Trong lĩnh vực văn học giải trí, ta cũng có thể kể đến các nhà văn có thu nhập lớn nhất thế giới là J.K Rowling (300 triệu USD/năm), tiểu thuyết gia trinh thám James Patterson (50 triệu USD/năm), tiểu thuyết gia kinh dị Stephen King (45 triệu USD/năm).
Những sản phẩm nghệ thuật này cho dù không thuộc dòng hàn lâm, cho dù không có giá trị trường tồn vĩnh viễn với thời gian song đã tạo được một vị trí nhất định không chỉ trong làng giải trí mà còn trên phương diện nghệ thuật. Rất nhiều nhân vật là cha đẻ của các sản phẩm nghệ thuật giải trí đã được tạp chí Forbes xếp vào danh sách 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ. Cũng không ai dám bảo Steven Spielberg hay James Patterson là hạng lá cải, rẻ tiền. Rất nhiều người thuộc giới trí thức và tầng lớp cao vẫn thường xuyên thưởng thức những tác phẩm giải trí kiểu này. Không phải họ không có khả năng thưởng thức hay không quan tâm đến dòng nghệ thuật hàn lâm mà đơn giản là vì trong một xã hội có quá nhiều áp lực và cạnh tranh, người ta không thể lúc nào cũng có hứng thú với những tác phẩm mang nhiều tính triết lý cao siêu. Và đôi khi người ta vẫn cần một “sản phẩm giải trí” vào ngày cuối tuần cho nhẹ đầu óc. Tuy nhiên, vì tính giải trí chuyên nghiệp của sản phẩm nghệ thuật đã được xác định rất rõ ràng nên không phải các tác phẩm này không chứa đựng chút nào giá trị nhân văn, thẩm mỹ và giáo dục. Càng ngày, yếu tố giải trí và nghệ thuật càng xích lại gần nhau. Điều đó thể hiện qua việc rất nhiều bộ phim bom tấn mang tính giải trí, câu khách cũng đồng thời là những bộ phim giành được giải Oscar, như “Titanic”, “Chúa tể của những chiếc nhẫn” (3 phần), “Bản năng gốc” (phần 1)… Và cách đây vài năm, ông vua kinh dị Stephen King đã được Quỹ NBA (National Book Award – Giải thưởng sách toàn quốc) trao giải thưởng danh dự vì sự đóng góp xuất sắc cho văn học Hoa Kỳ. NBA vẫn được ví như Giải Oscar của văn học Mỹ và thường chỉ trao giải cho các cây bút hàn lâm như Denis Johnson, Wright Morris, Joyce Carol Oates.
Trong lĩnh vực nghệ thuật của ta, có thể do văn hóa, tập quán, điều kiện kinh tế… nên tính giải trí nhiều khi bị bỏ qua. Hơn nữa, do từ lâu khái niệm “giải trí” đã bị đánh đồng với “bình dân”, “lá cải”, “rẻ tiền” nên phần nhiều, khi những người sáng tạo ở nước ta chủ định tập trung vào tính giải trí, họ cũng không nghĩ nhiều đến tính nghệ thuật của nó, thành ra đôi khi nó cũng hóa “bình dân” thật. Tuy nhiên, gần đây đã có một số đơn vị tư nhân cho ra lò những sản phẩm mang tính giải trí khá chuyên nghiệp. Chỉ nhìn vào doanh thu của những sản phẩm này cũng đủ biết mức độ thành công của nó. Ví dụ như bộ phim “Giải cứu thần chết” đã đạt mức doanh thu 15 tỷ đồng, “Đẹp từng centimet” 11 tỷ đồng với hơn 200.000 lượt người đến rạp. Những bộ phim này đều có một điểm chung là diễn viên đẹp, hình ảnh và góc quay đẹp, nội dung hài hước dễ hiểu, song không rẻ tiền. Tất cả khán giả bước chân vào rạp xem những sản phẩm giải trí kiểu này đều có chung một nhận xét rằng “xem để rồi hôm sau quên ngay, không có tính tư tưởng và triết lý”. Tuy nhiên, họ vẫn cứ xem, bởi vì trong những ngày vui như đầu năm mới và lễ Valentine, không thể nào bắt tất cả khán giả ngồi trước màn ảnh xem một bộ phim chiến tranh nặng đầu, để rồi ra khỏi rạp cứ phải bị ám ảnh về nó. Những bộ phim giải trí của ta được ví như một ly kem mát, giải khát tức thì trong một ngày nắng đẹp, khi mà người ta vừa kết thúc một công việc trí óc mệt nhọc. Chúng ta cần những thực phẩm dinh dưỡng, nhưng cũng rất cần một ly kem, cho dù nó chẳng bổ béo gì. Vì thế, khi tận hưởng những sản phẩm giải trí, xin đừng chẻ nó ra thành năm bảy mảnh để tìm xem thông điệp ở chỗ nào, tư tưởng ở đâu. Hãy cứ thưởng thức nó để giãn bớt những áp lực thường ngày, cho dù ta sẽ quên nó ngay trong ngày hôm sau.
Di Li