Written by Di Li
(Bài đăng trên báo Đất Việt, số 232, ra ngày 5.4.2009)
Ngay từ khi bước chân đến Hội An, tôi đã định viết một bài về đô thị nhỏ bé nằm ven bờ Thu Bồn. Nhưng bẵng đi quá lâu, những công việc thường nhật khiến tôi cứ khất lần mãi cái dự định kia. Thành thử, nhiều lúc thấy mình như mắc nợ với Hội An, hay đúng hơn là mắc nợ với chính mình. Quảng Nam, một điểm đến hai di sản văn hoá, là lời chào trên những tấm pano to tướng mà tôi nhìn thấy dọc đường đi. Chẳng vậy mà trong danh sách của bất kỳ du khách quốc tế nào đến Việt Nam, không mấy khi thiếu được Hội An. Ngày nay, ít ai còn nhớ đến cái tên Faifoo của một thời hoàng kim, khi mà Hội An còn là một trong những thương cảng thịnh vượng nhất vùng Viễn Ðông, ngày ngày đón thuyền bè tấp nập chở hàng hoá và các thương nhân đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Italia... Trải qua gần 4 thế kỷ, Faifoo để lại một Hội An dịu dàng và tĩnh lặng. Nơi đây, thời gian và không gian như ngừng lại, và cho dù những bước chân của du khách có tấp nập cả ngày lẫn đêm vẫn không hề khiến cái vẻ dịu dàng kia bớt đi, trái lại càng phản chiếu thêm phần quyến rũ và lãng mạn.
Khu phố cổ Hội An gồm bốn con đường chính là Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi và Bạch Ðằng chủ yếu bày bán các đồ dệt may và thủ công mỹ nghệ. Ban ngày, Hội An cổ kính với những dãy nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia, mái ngói phủ rêu xanh mướt và những cột gỗ quý vẫn sáng bóng lên như thể ba trăm năm mới chỉ là hôm qua. Ðây từng là nơi mà người Chăm, người Kinh, người Nhật, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha cùng chung sống và buôn bán. Vì thế nét giao thoa văn hoá quả là độc nhất vô nhị.
Cách đây 5 thế kỷ, nước Ðại Việt tiến về phương Nam mở mang bờ cõi đã để lại một dấu ấn văn hoá vô cùng đặc sắc lên vùng đất nhỏ bé này, để rồi sau đó ba trăm năm, các chiến thuyền và thương thuyền phương Tây lại thực hiện một cục diện giao thoa văn hoá thứ hai thông qua những ý đồ truyền bá và thôn tính. Nhiều du khách nước ngoài đưa ra một công thức khi đến Luang Prabang (Kinh đổ cổ của CHDCND Lào được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá): Luang Prabang = Hội An + Sapa. Có thể Luang Prabang với những con phố nhỏ hẹp trầm mặc, cổ kính với trăm ngàn ngọn đèn lồng giấy thắp khu chợ đêm gợi nhớ đến Hội An xa xôi, nhưng dứt khoát có một điều, nếu ai đã từng một lần tới Hội An vào đúng ngày rằm, sẽ thấy chẳng nơi nào trên thế giới lặp lại những khoảnh khắc này. Từ năm 1998, phố cổ Hội An đã quay ngược vòng thời gian 300 năm trước, bằng cách treo đèn lồng trước hiên nhà và không sử dụng bất kỳ một thiết bị điện thông thường nào.
May mắn, tôi tới Hội An vào đúng dịp lễ Phật Ðản, và chính xác đó là cảm giác choáng váng khi đứng giữa những con phố ngập tràn sắc hoa đăng. Trên sông Thu Bồn, hàng ngàn chiếc đèn lồng giấy lung linh hoà cùng ánh sáng rực rỡ của từng con phố cổ. Hội An, lúc này đang sống lại những thời khắc hoàng kim, khi còn là một đô thị sang trọng. Những ngôi nhà cổ với các cột gỗ chạm trổ tinh vi lộng lẫy trong ánh đèn lồng. Du khách như trong men say, ngỡ đâu mình đang dự một lễ hội của một thành phố thế kỷ thứ 17. Các cửa tiệm tạp hoá, hiệu thời trang xa xỉ vẫn mở cửa hoạt động bình thường, tấp nập khách đến may đo, chọn vải. Những ngôi nhà hình ống rộng thênh thang, mặt trước là quầy tiếp khách. Hàng súc, hàng súc vải xếp chất ngất, rực rỡ dưới ánh đèn. Căn phòng nền gạch dẫn tới tận sân trong, rộng rãi đến không ngờ, mà nếu nhìn mặt tiền nhỏ hẹp, không mấy ai nghĩ rằng phần hậu ngôi nhà toả rộng đến như vậy (một kiểu kiến trúc quen thuộc của người Trung Quốc). Nhiều phần, tôi giả bộ vào mua bán, nhưng mắt cứ len lén ngắm nghía bên trong các toà nhà, thầm tưởng tượng xem cách đây dăm thế kỷ, người ta sống như thế nào. Nhưng tưởng tượng dễ lắm, vì mọi thứ vẫn còn nguyên trạng, từ cánh cửa kéo, cho đến bộ tràng kỷ, bức hoành phi, câu đối và những vách nhà màu gụ. Một cô gái dẫn tôi vào sân trong thử áo. Cô mặc áo dài, đi lướt dưới bóng cây cổ thụ lấp loáng ánh trăng đêm ở sân trong, miệng cười dịu dàng, như thể vẫn tiếp nối nụ cười như thế từ đời mẹ, đời bà của cô ở chốn đô thị cổ kính rất đỗi dịu dàng này. Là một nhân viên phục vụ quầy hàng, nhưng cô gái trẻ đất Hội An giống một tiểu thư khuê các, đi lại nhẹ nhàng mà tự tin, trong một khuôn viên sang trọng nhưng cũng đầy bí ẩn. Thế rồi hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn lồng hình tròn, hình vuông, hình quả trám, hình ống đủ màu sắc treo dọc phố tạo nên một không gian ánh sáng kỳ ảo không giống bất kỳ một kiến trúc chiếu sáng đương đại nào khiến du khách như mê đi trên mỗi bước chân.
Tuy nhiên, sự mê mẩn không khí huyền ảo, xưa cũ, mê mẩn những kiến trúc cổ đa văn hoá, mê mẩn những món hàng tinh xảo đủ màu sắc cũng không bằng sự ngạc nhiên khi lần đầu tiếp xúc với người Hội An. Có lẽ không gian và kiến trúc cổ kính nơi đây giống hệt con người Hội An. Họ bị ảnh hưởng bởi không gian sống, hay chính con người họ quyết định không gian sống? Tôi không biết. Song cũng giống như những ngôi nhà cổ nơi phố Hội, người Hội An lịch lãm, nồng nhiệt, sang trọng nhưng không kiểu cách, và đặc biệt, nếu gặp họ lần đầu, ta có cảm giác như đã quen thuộc, gần gũi từ lâu lắm rồi. Mặc dù hầu hết các gia đình nơi phố cổ đều có cửa hiệu kinh doanh, hàng ngày tiếp xúc thông thương như từ thời cha ông họ cách đây vài thế kỷ, nhưng tôi thực sự kinh ngạc về cách ứng xử chân thành, trung thực và đầy tính văn hoá của họ, thứ văn hoá không phải lĩnh hội từ sách vở mà ngấm từ truyền thống. Ðến bất kỳ một cửa hiệu nào ở Hội An, bạn có thể ướm thử, hỏi giá, mặc cả thoải mái và sau chừng nửa tiếng mà không chọn được một món đồ gì, bạn đành phải bước ra khỏi cửa hàng nhưng thế nào cũng nhận được những nụ cười thân thiện như muốn nói "Thật tiếc quá, lần sau chị lại đến nhé." Nụ cười giản dị và chân thành, chân thành đến mức khiến khách phát ngượng lên được. Bạn có thể nửa đêm bấm chuông một cổng chùa để xin mua chỉ một gói trầm hương, có thể hỏi đường một người nào đó và được đi bộ cùng hai cây số để đưa bạn đến nơi cần đến. Bạn có thể thuê hẳn một chiếc xe máy mà chỉ cần để lại tấm chứng minh thư, hoặc thậm chí chẳng cần để lại thứ gì chỉ vì trông bạn... thật thà. Bạn mua một bức tranh ở một gallery nhỏ, thế rồi được anh hoạ sỹ tiện đường đưa về tận nhà, không quên đi mua tặng bạn chai dầu gió vì thấy bạn bị ho, rồi cứ thế... phóng thẳng đi, không thèm nhận một lời cảm ơn hay để lại một cái tên, một địa chỉ.
Tôi vẫn cứ nhớ cảm giác khi vào một gian hàng souvenir nhỏ, tình cờ nhìn thấy bức thư pháp có ghi câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh "Biển vẫn cậy mình dài rộng thế. Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn", cô bạn tôi reo lên và tự giới thiệu chúng tôi là đại biểu đang tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ tại Hội An, và tác giả bài thơ, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đang ở đây. Vậy là không dưng chúng tôi được đối xử như khách quý, thậm chí bà chủ tiệm còn hứa sẽ cho người đem hàng giúp về tận khách sạn. Người Hội An trọng tình nghĩa, trọng chữ nghĩa, để rồi tối cuối cùng ngồi nơi phố cổ, trong một quán bar thiết kế theo phong cách Ðông Dương với bộ bàn ghế mây, bụi trúc Nhật và ánh đèn vàng mờ ảo, ngắm những bước chân người qua lại, ngẫm rằng: Tôi ngồi đây, trong thế kỷ 21, trong thế kỷ 17 và cũng có thể là trong thế kỷ 30. Bởi vẫn mong rằng, 10 thế kỷ sau, phố cổ Hội An, người Hội An vẫn nguyên vẹn một màu xưa cũ.