Tại Nhật, câu hỏi "Bạn thuộc nhóm nào?" có ý nghĩa nhiều hơn một cuộc trò chuyện. Đó là một câu hỏi quan trọng liên quan tới nhiều vấn đề từ mai mối đến nhận việc. Từ "nhóm" trong câu hỏi trên với người Nhật là chỉ "nhóm máu" và không một cơ sở khoa học nào có thể triệt tiêu quan điểm rằng nhóm máu nói lên tất cả. Năm ngoái, bốn trong số 10 cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật đề cập nhóm máu quyết định tính cách như thế nào, nhà phân phối sách lớn nhất đất nước mặt trời mọc Tohan.Co cho biết. Nhà xuất bản Bungeisha cho hay, loạt sách về các nhóm máu B, O, A và AB đã bán rất chạy, hơn 5 triệu bản.
Taku Kabeya, phụ trách biên tập của nhà xuất bản Bungeisha cho rằng, quan điểm về nhóm máu xuất phát từ việc khẳng định hình ảnh cá nhân, các độc giả tìm thấy định nghĩa về nhóm máu của họ và thấy "Ồ, nó giống tôi". Theo định nghĩa của các cuốn sách, người có nhóm máu A cầu toàn nhưng hay lo lắng quá mức, nhóm B thường vui tươi nhưng hơi lập dị và ích kỷ, người có nhóm máu O hay tò mò, rộng rãi nhưng cứng đầu, người thuộc nhóm máu AB thì thường làm ra vẻ nghệ sĩ nhưng bí ẩn và khó hiểu.
Mọi thứ giống như đoán số tử vi nhưng công chúng không quan tâm tới điều này mấy. Thậm chí là Thủ tướng Taro Aso dường như cũng coi vấn đề nhóm máu là quan trọng khi tiết lộ ông thuộc nhóm máu A trên trang web chính thức của mình. Đối thủ của ông Aso là nhà lãnh đạo đảng đối lập Ichiro Ozawa mang nhóm máu B.
Ngày nay, nhóm máu cũng được mô tả trong trò chơi Nintendo và xuất hiện trên "những chiếc túi may mắn" của phụ nữ - vốn được may theo nhóm máu và bày bán tại trung tâm mua bán Printemps ở Tokyo. Một mạng truyền hình còn dự định phát một bộ phim hài về những người phụ nữ tìm chồng theo nhóm máu. Các công ty mai mối cũng đưa ra những bài trắc nghiệm về khả năng tương thích của nhóm máu. Ngoài ra, một số khác quyết định phân việc dựa trên nhóm máu của nhân viên. Trẻ em tại một số nhà trẻ được phân loại theo nhóm máu và đội bóng chày nữ từng đoạt huy chương vàng ở Olympic Bắc Kinh cũng dùng học thuyết về nhóm máu để huấn luyện từng cầu thủ.
Không phải tất cả mọi người coi mốt này là trò đùa vô hại, hiện giờ ở Nhật có thuật ngữ "bura-hara" để chỉ quấy rối liên quan đến nhóm máu. Bất chấp những cảnh báo được lặp đi lặp lại, nhiều chủ lao động vẫn yêu cầu ứng viên cung cấp nhóm máu khi phỏng vấn, Junichi Wadayama, một quan chức thuộc Bộ Y tế, Phúc lợi và Lao động cho hay. "Những gì liên quan tới nhóm máu phổ biến tới mức mọi người và thậm chí là quan chức công ty không nhận thức được rằng hỏi về nhóm máu có thể dẫn tới sự phân biệt đối xử", ông Wadayama cho hay.
Nhóm máu, do protein trong máu quyết định, không quyết định tính cách con người, ông Satoru Kikuchi, Phó giáo sư Tâm lý ở trường đại học Shinshu cho biết. "Đó là thứ khoa học giả mạo. Ý tưởng đó khuyến khích mọi người phán xét người khác theo nhóm máu mà không thấu hiểu thật sự. Nó giống như phân biệt chủng tộc".
Học thuyết về việc phân loại theo nhóm máu có nguồn gốc từ các nhà lý luận thời kỳ Đức Quốc xã và nó được Chính phủ quân sự Nhật thông qua hồi những năm 1930 để nuôi dưỡng những chiến binh tốt hơn. Ý tưởng này bị loại bỏ sau đó và mốt phân loại theo nhóm máu cũng nhạt dần. Tuy nhiên, ý tưởng này được khôi phục lại những năm 1970 khi Masahiko Naomi, một người ủng hộ thuyết nhóm máu không trên cơ sở y khoa nào, đưa ra vấn đề này.
Con trai của Masahiko là Toshitaka hiện đẩy mạnh vấn đề về nhóm máu thông qua một tổ chức tư nhân là Trung tâm nghiên cứu nhân loại ABO. Nhân vật này cho biết, tổ chức của ông ta không nhằm mục đích xếp loại hay phân chia loài người mà chỉ thúc đẩy mối quan hệ suôn xẻ và làm bộc lộ tài năng của một con người.
Hoài Linh (Theo AP)