By Di Li
Hồi cách đây vài tháng, Vietnam Airline chính thức mở đường bay Hà Nội – Yangon, tôi cũng định mua một vé, sau rồi lại thấy sờ sợ. Tôi nghe đồn đại nhiều về cái sự bất tiện của thông tin liên lạc ở Myanmar, về sự bế quan tỏa cảng của chính quyền quân sự. Mà một đất nước kinh tế trì trệ, cấn vận lâu năm, chắc dân không có lý do gì để phải nói tiếng Anh. Tôi vốn rất ám ảnh bởi nỗi người ta không hiểu mình nói gì. Đó là một “kinh nghiệm xương máu” ở những vùng đất trên lãnh thổ Trung Quốc, nơi tiếng Anh, tiếng Pháp dường như trở thành vô dụng. Nhưng thật kỳ lạ, dường như toàn dân Yangon đều có thể nói “Hello” thay cho lời chào “Mingalaba” hiền hậu. Có lẽ đây là dấu ấn vẫn còn để lại từ một thời thuộc địa Anh xa lắc chăng?
Dấu ấn của những người Anh
Dấu ấn của người Anh dường như in đậm ở bất kỳ nơi nào mà bước chân của họ ghé qua. Nhớ bận đi qua cửa khẩu Nongkhai từ Lào sang Thái, thấy xe đột ngột chạy băng băng trên lề trái, biết đã sang tới địa phận của Vương quốc Thái Lan. Ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Hồng Kông đều vậy cả, tay lái nghịch và đi lề trái. Nhưng ở Myanmar lạ kỳ hơn, là tay lái nghịch nhưng vẫn đi bên lề phải, không biết có phải quốc gia duy nhất trên thế giới tham gia giao thông theo kiểu tréo ngoe như vậy không. Tuy nhiên chiếc xe chở tôi trong suốt 5 ngày lại là một trong số ít có tay lái thuận. Chuyện xe cộ ở đây sẽ được nhắc tới trong phần sau, vì như mọi thành phố khác, giao thông luôn là cả một câu chuyện sinh động và gây tò mò. Người Anh có mặt ở Miến Điện (Burma) từ rất sớm (1824) và mãi đến sau Thế chiến lần thứ hai mới rời khỏi quốc gia này, vì thế ngày nay Yangon là sự tổng hòa của những công trình kiến trúc truyền thống và những tòa nhà kiểu Anh. Các công trình xây dựng từ thời thuộc địa như Tòa thị chính, nhà ga xe lửa, tòa án tối cao, nhà thờ Thiên chúa giáo, chợ Bogyoke Aung San, các biệt thự cổ và vô số tòa nhà khác vẫn hiện hữu trong lòng thành phố, đặc biệt là ở khu vực trung tâm (downtown). Ngay cả những công trình mới cũng bị ảnh hưởng phần nào từ kiến trúc thuộc địa này. Có bàn tay can thiệp của các nhà cầm quyền Anh, đường phố ở khu downtown thẳng tắp và giao cắt với nhau bởi những ngõ hẻm rất rộng ngăn cách giữa các khối nhà. Nhìn trên bản đồ, khu downtown được đóng khung lại, vuông thành sát cạnh khác hẳn những cung đường ngoằn ngoèo vùng ngoại vi mà có lẽ được mở rộng từ ngày Liên bang Miến Điện giành được độc lập. Nhìn bản đồ của tiểu vùng Mandalay (kinh đô cổ cách Yangon 700 km) còn đáng kinh ngạc hơn. Cả thành phố thẳng tắp thể đã được kẻ vẽ nắn nót từ trên cao trước khi quy hoạch thành phố. Tôi băn khoăn về điều này cho tới tận khi về đến nhà, tra cứu từ điển thấy quả đúng như vậy thật. Mandalay đã từng là trung khu hành chính và thương mại quan trọng dưới quyền cai trị của người Anh trong suốt thời thuộc địa.
Người Anh còn có hẳn một nghĩa địa khang trang trên đất Myanmar, nơi có 27.000 bia mộ của các tử sĩ Anh chết trận trong Thế chiến thứ hai. Nghĩa địa Htaukkyant nằm trên quãng đường từ Yangon tới tiểu vùng Bago. Ngoài cửa ghi dòng chữ “Their name liveth for evermore” (Tên họ sống mãi). Nhìn trên bia mộ, thấy tuổi các tử sĩ chỉ từ 20 – 30, kèm theo những dòng chữ Anh trìu mến thể như đó là các tấm đá đen đang được đặt ở Hampshire, Sunderland hay Southampton lãng đãng sương mù thay vì giữa cái nắng gắt trải dài bất tận trên mảnh đất chùa Vàng: One crowded hour of glorious life is worth an age without a name (Thà sống một giờ huy hoàng còn hơn sống thiên niên mà chẳng được ghi danh), Never a day without a thought of happy days we all enjoyed. Mum. Dad. Albert (Không phút nào cha mẹ không nghĩ đến những ngày hạnh phúc của chúng ta). Nghĩa địa Htaukkyant rộng đẹp như một công viên châu Âu, do người Anh xây dựng để tưởng niệm những binh sĩ chết trẻ của họ. Thực dân Anh là những kẻ chiếm đất Miến, nhưng người Myanmar vẫn tôn vinh một nghĩa địa trang trọng như vậy trên chính mảnh đất đã bị người Anh xâm lược, có lẽ chăng là cái tâm của một vùng đất Phật hiền hòa. Nay Htaukkyan đã trở thành một điểm du lịch không thể không ghé qua. Hàng năm, thân nhân của những binh sĩ có tên trên bia mộ lại đáp máy bay sang đây để đặt hoa cho người quá vãng.
Nơi thời gian lùi lại
Thỉnh thoảng tôi lại thấy giống như mình bị đẩy ngược về thì quá khứ khi dạo bước trên những vỉa hè Yangon. Trong quá trình nhiều năm bị Hoa Kỳ và EU cấm vận, nền kinh tế của đất nước 60 triệu dân này thuộc vào diện những nước nghèo trên thế giới, chỉ số HDI luôn nằm ở top cuối. Nỗi nghèo khó hiển hiện ngay cả trên các đường phố trung tâm của cố đô Yangon và trên những khuôn mặt luôn trắng vệt Thanakha của người dân lao động. Trong các khu chợ ngoài trời, giờ vẫn tìm thấy những cửa hàng sửa ô che nắng, sửa bật lửa ga, sửa dép… Tôi luôn mặc định một điều rằng hễ ở đâu càng nhiều những cửa hàng sửa chữa, ấy là nơi đó dân còn có nhu cầu trưng dụng đồ vật cũ. Vậy nên Âu Mỹ người ta vứt đi cả chiếc ô tô, ti vi, tủ lạnh, giày dép, quần áo vô thiên lủng rồi những thứ nhìn còn mới ấy lại được chuyển về những nước kém phát triển.
Các siêu thị ở Yangon khá sơ sài mặt hàng. Phần lớn nhãn mác đều in chữ China, Thailand hoặc India, song là những mặt hàng kém chất lượng. Dagon Plaza giống một cái chợ hơn là trung tâm thương mại, diện tích nhỏ, hàng hóa nghèo nàn và thưa thớt, song các nhân viên bảo vệ an ninh đứng lạnh lùng từ ngoài cửa. Túi xách của khách hàng phải đi qua máy soi. Nhân viên khám xét khách hàng bằng tay kỹ càng như khi qua cửa hải quan quốc tế. Là họ sợ khủng bố hoặc mang vũ khí vào siêu thị. Các chủng loại về thời trang trong Dagon cũng vô cùng tẻ nhạt. Người Myanmar, nam nữ quanh năm mặc… váy, là một loại vải cuốn đến gót chân mà mình gọi là xà rông còn họ gọi longyi. Nam mặc longyi kẻ ca rô sẫm còn nữ mặc vải hoa nhiều màu. Họ chỉ thay đổi thời trang bằng cách thay chất liệu, họa tiết và sắc màu trên longyi. Longyi của nữ có dây buộc còn của nam thì… có vẻ phức tạp hơn, dễ tuột hơn nên thi thoảng các bác mày râu lại gỡ “váy” ra vấn lại cạp trước thanh niên bạch nhật. Khách lạ thấy không quen phải tự biết ý mà quay mặt đi. Chỉ một số ít thanh niên thuộc loại sành điệu mới mặc quần. Vì thế tất nhiên ở những quán cà phê trong trung tâm thương mại không tìm thấy người mặc “váy”.
Hầu như không có quán cà phê trên đường phố Yangon. Điều này cũng tương tự như Phnompenh, dường đàm đạo nơi quán xá là một khái niệm quá ư xa xỉ về mặt thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên sự hưởng thụ về nghệ thuật ở Yangon có vẻ khá nhộn nhịp. Thành phố từ đầu này tới đầu kia chỉ chừng 20 cây số nhưng có tới 15 rạp chiếu phim luôn tấp nập. Khắp nơi thấy bày bán băng đĩa nhạc và phim ảnh. Phim video được các hãng phim ở Myanmar sản xuất sòn sòn. Âm nhạc hội tụ từ Pop, Hip Hop cho đến Rock ‘n Roll. Tôi cũng mua một đĩa nhạc của nữ ca sĩ xinh đẹp đang nổi Lisengzi, người mà hình quảng cáo trên những tấm pano khổng lồ ngập tràn khắp đường phố, để cảm nhận một giọng ca đặc biệt và ngọt ngào với những bản phối khí khá hiện đại.
Chính phủ Myanmar đã cấm xe máy ở Yangon từ gần chục năm nay vì lý do an toàn, nên khắp thành phố chỉ thấy ô tô, nhưng là những loại xe mà khi bước lên nó người ta cứ băn khoăn không hiểu xe sẽ chết máy ở đoạn nào trên đường. Vì không xe máy nên nhiều phần dân sử dụng các phương tiện giao thông phải trả tiền: Xe buýt không điều hòa, xe tải chế hai hàng ghế gỗ ở thùng xe lộ thiên, xe lam, “xế lô” đạp chân có lắp thêm phần phụ giống xe ba bánh với hai chỗ ngồi nhưng là ngồi… quay lưng vào nhau gọi là Trishaw nhưng người Myanmar còn tặng thêm cho nó một cái tên mỹ miều nữa là “sidecar”. Đặc biệt taxi nhiều vô số kể, nhiều hơn bất cứ thành phố nào tôi đã từng đi qua. Taxi ở đây không lắp đồng hồ, chạy đến đâu mặc cả đến đấy tùy theo đoạn đường và độ “rắn” của khách, không có máy lạnh mà hứng gió trời. Đó là những cỗ xe cũ kỹ khủng khiếp đến độ những người Việt xưa nay cứ mặc định xế hộp là thứ tài sản sang trọng đáng để trưng bày nay cần phải suy nghĩ lại. Không có nhiều khả năng để tậu xe riêng, cho dù là xe không máy lạnh, người Yangon đành chịu chen chúc trên những thùng xe nóng như thiêu, mà xe nào xe nấy đều thấy dăm người đu bám phần hậu. Giá cả tiêu dùng và dịch vụ ở Yangon cũng không hề thấp cho dù thu nhập của người dân lao động và viên chức chỉ trung bình 50USD/tháng. Bù lại, công chức nhà nước vẫn được bao cấp phương tiện đi lại rồi chi phí điện thoại, vân vân. Cần phải nói thêm rằng cước phí điện thoại ở Myanmar rất đắt. Mua một SIM điện thoại cũng mất ngót 100USD.
Trong suốt chuyến đi, Balay là người dẫn đường. Cô 29 tuổi nhưng còn độc thân, khuôn mặt đậm nét Ấn. Hỏi ra thì ông ngoại cô là người Ấn Độ. Nhiều người ở Myanmar như thế, pha trộn dòng máu của những người di cư đến từ Ấn Độ, Thái Lan hay Trung Quốc. Balay người gốc Mandalay nhưng đã chuyển lên Yangon được 5 năm vì lý do công việc. Việc làm ở Myanmar là một mối bận tâm lớn của tất cả những người trẻ. Đất nước này thừa lao động, nhưng lại thiếu nguồn nhân lực tri thức cao, đặc biệt là trong những lĩnh vực về công nghệ. Vì thế, có một chỗ làm, cho dù thu nhập chỉ vài chục đô la mỗi tháng cũng đã là điều hạnh phúc. Dân số 5 triệu người, Yangon, như nhiều đô thị khác trên thế giới tiếp nhận làn sóng nhập cư đến từ tất cả các tỉnh nghèo trong cả nước, trong số đó có Balay. Cô có bằng thạc sỹ về môi trường, nhưng từ lúc tốt nghiệp chưa làm công việc nào khác ngoài hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Balay chia sẻ về ước mơ được đứng lớp của cô nhưng cứ chờ việc hoài suốt bao năm, cuối cùng cô đành gắn bó với nghề guide và quên hẳn giấc mộng giáo viên. Du lịch của Myanmar gần đây mới mở cửa, lượng khách hàng năm chỉ vài trăm ngàn mà dường như khách Việt cũng là một nguồn chủ yếu. Lúc ở Bago, rất nhiều người bán rong mời chúng tôi mua bưu thiếp và đám trẻ con ùa ra xin “một đô”. Ngay cả những đứa trẻ 3 tuổi má quệt Thanakha cũng lũn cũn chạy theo quờ tay lên vạt áo khách mà nói cái câu tiếng Việt đã được huấn luyện sẵn “một đô, một đô”. Hỏi giá bưu thiếp, người bán nói tiếng Việt rất sõi: Hai nghìn.
Cần phải nói rằng công dân Yangon nói tiếng Anh khá thành thạo, ngay cả những người bán hàng hoặc lao động phổ thông. Thể như ai cũng sẵn sàng giao tiếp với khách ngoại quốc bằng tiếng Anh vậy, trong khi đây hoàn toàn không phải một thành phố du lịch như Bali hay Pataya. Người ta lại nêu cái lý do “thuộc địa Anh”, nhưng tôi đồ rằng không phải thế, Hà Nội từng là thủ phủ của Liên bang Đông Dương nằm dưới quyền Pháp trị nhưng giờ ra chợ Đồng Xuân đâu có thấy ai nói tiếng Pháp nhoay nhoáy thế đâu. Trong chợ Bogyoke Aung San (tên tổng thống đầu tiên của quốc gia Miến Điện độc lập), nơi mà đá quý được bày bán như vòng nhẫn nhựa trong tiệm tạp hóa, tất cả những người bán hàng đều có thể nói tiếng Anh lưu loát với ngữ âm chuẩn xác đến kinh ngạc. Chợ Bogyoke bán từ thực phẩm đến vải vóc, giày dép, từ đồ thủ công mỹ nghệ (chủ yếu gia công bằng chất liệu sừng, gỗ và vỏ trai) cho đến đá quý cỡ vài ngàn đô la Mỹ một viên. Đá quý là một đặc sản của Myanmar. Đây lại là điều thật mâu thuẫn của một quốc gia có nền kinh tế kém phát triển. Thực công bằng, Thượng đế sinh ra những dân tộc nghèo nhưng cũng sinh ra luôn những mỏ vàng, mỏ kim cương, ruby để bù đắp. Myanmar nổi tiếng với những viên ruby và saphire xanh tìm thấy từ hai vùng mỏ Mong Hsu và Mogok. Các thương nhân Trung Quốc khôn ngoan cũng thường tìm đến Myanmar để buôn đá về nước họ. Ở Yangon thiếu điện nên mỗi khi tôi bước vào một gian đá quý trong chợ Bogyoke là các nhân viên bán hàng lại vội vã bật điện lên để ánh sáng chiếu vào hàng triệu lát cắt đang lấp lánh dưới mặt kính. Để rồi khi tôi tay không đá quý cảm ơn bước ra ngoài, họ lại mỉm cười hiền lành và nhón tay... tắt điện đi. Một viên ruby nhỏ xíu giá hơn ngàn Mỹ kim, người ta bảo đương nhiên ruby ở đây rẻ nhất trên thế giới. Nhưng tôi không phải thợ kim hoàn, nhìn saphire xanh và pha lê cũng chẳng thể nào phân biệt nổi, chỉ nhận ra rằng kỹ thuật chế tác đá quý của người Myanmar còn thiếu tinh tế, rõ ràng thua xa những bàn tay khéo léo của thợ kim hoàn Trung Quốc.
Trong khi trước cổng siêu thị Dagon, mà tôi đã so sánh với chợ Đồng Xuân, người ta biến nó thành “cửa hải quan” thì ở chợ Bogyoke, nơi giá trị của những viên đá quý trong hàng trăm cửa hàng khó có thể ước đoán nổi, lại không có bất cứ một nhân viên bảo vệ nào. Chỉ riêng điều này thôi cũng thật khó hiểu. Tôi hỏi Balay và cô cũng chịu không cắt nghĩa nổi. Có điều rằng trong lịch sử của Bogyoke, chưa từng xảy ra bất cứ vụ cướp đá quý nào.
Balay là một cô gái thời trang, mỗi ngày thay một bộ longyi với áo và dép xỏ ngón cùng màu (người Myanmar, cả nam lẫn nữ chỉ thịnh hành dép xỏ ngón chứ không mấy khi đi giày). Như nhiều phụ nữ Myanmar khác hay nhìn tôi bằng ánh mắt tò mò, tôi mặc gì Balay cũng nức nở khen đẹp. Rõ một điều rằng với một đất nước chỉ tôn thờ longyi thì những chiếc quần soọc, váy dài ngắn khác nhau của tôi là cả một “gu thời thượng”. Thời trang của người Myanmar còn thể hiện ở ba vệt Thanakha trên mặt. Với thời tiết nắng nóng quanh năm, người Myanmar truyền đời lấy bột Thanakha làm kem chống nắng. Balay đem dụng cụ đến cho tôi xem. Đó là một khúc cây Thanakha ngắn cỡ một gang, bán rất sẵn ngoài chợ. Cô mài vỏ trên chiếc đĩa đá, đổ chút nước vào trước khi mài. Vài phút sau, cô có chút bột sền sệt màu xi măng. Nam phụ lão ấu đều bôi Thanakha ở những phần nào phô ra dưới ánh mặt trời. Tôi hỏi đã bôi “kem” thì phải bôi đều, sao ai cũng nhôm nhem ba vệt trên hai má và trước trán thế kia. Balay bảo họ làm điểm nhấn thế cho... đẹp. Bột cây Thanakha còn được chế thành kem đóng sẵn trong hộp nhựa, bán phổ biến ở bất kỳ tiệm tạp hóa và điểm du lịch nào với giá 500 kyat (khoảng 10.000 đồng). Nhưng tôi ngờ rằng Thanakha đã trở thành văn hóa làm đẹp của người Myanmar nhiều hơn là tiện ích chống nắng. Vì thấy có cô gái da trắng bóc làm việc 8 tiếng trong siêu thị điều hòa mát lạnh, nắng vào lúc nào mà vẫn ba vệt trắng mặt. Bên cạnh “văn hóa Thanakha”, người Myanmar còn có văn hóa ăn trầu, từ tầng lớp lao động đến công nhân viên chức, già trẻ, nam nữ lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Ở một số nơi công cộng như chùa chiền, người ta đặt sẵn những chiếc ang đồng để cho khách thập phương nhổ bã trầu, bằng không thì bạ đâu nhổ đấy. Đang đi trên đường, thảng hoặc lại giật mình vì một nam nhân trẻ trung thò đầu ra khỏi cửa taxi và nhổ toẹt bã trầu trên đường phố. Ngoài mặc longyi, bôi Thanakha, môi đỏ vệt trầu, người Myanmar còn duy trì văn hóa ăn bốc trong bữa cơm và đi chân đất ở tất cả những ngôi chùa và thiền viện rộng lớn. Quả là miền đất này rất khác những nơi còn lại trên địa cầu. Cũng ở nơi đây, (dĩ nhiên là cách Yangon vài trăm cây số) các nhiếp ảnh gia quốc tế chớp được hình ảnh về những người đàn bà cổ dài nổi tiếng thuộc bộ tộc Padaung để tranh thủ đưa lên trang bìa những tạp chí lớn. Những chiếc vòng vàng được đặt vào cổ các bé gái và theo năm tháng số vòng kim loại nhiều lên, tạo ra những người đàn bà “cổ hươu kiêu kỳ”. Ở Yangon, người ta cho rằng những vệt Thanakha là đẹp thì ở Heho, những người đàn bà cổ dài cũng trở thành diễm lệ. Tại sao không?
Tuy nhiên, số ít thanh niên sành điệu thì không theo đuổi văn hóa ăn trầu, longyi, Thanakha và ăn bốc. Họ cũng mặc quần jean, môi phết son Chanel và hâm mộ Lady Gaga, Lisengzi. Tôi đồ rằng, một ngày nào đó, khi cánh cửa cấm vận đã mở ra, thì sẽ chỉ rất nhanh sau đó thôi, không biết “nơi thời gian lùi lại” có còn vẹn nguyên như cũ. Liệu khi ấy tôi quay lại Yangon có thể tìm thấy đâu những người đàn ông mặc váy má trắng vệt Thanakha, môi đỏ vết trầu, hay cơn lốc ào ạt của văn hóa phương Tây sẽ lại xóa sạch chúng đi mất như đã từng thực hiện những cục diện “giao lưu văn hóa” ở nhiều vùng đất phương Đông khác trước đây rồi.
Thành phố tôn giáo xa hoa
Yangon giờ đã thành cố đô. Từ năm 2006, thủ đô của Myanmar chính thức được dời về Naypyidaw mà tiền thân là một ngôi làng thuộc tỉnh Mandalay. Nhưng Yangon vẫn là thành phố sầm uất nhất của đất nước này. Là quốc gia chưa phát triển nhưng theo điều tra của Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Myanmar nằm trong top 15 nước chi tiêu quân sự nhiều nhất trên thế giới. Với tình trạng kinh tế như hiện nay cùng với các biện pháp trừng phạt kéo dài từ phía phương Tây đối với Myanmar vì sự đàn áp quân sự năm 1988, niềm hy vọng Naypyidaw sẽ trở thành một Putrajaya, thủ đô mới Malaysia, thực quá xa vời. Nhưng Myanmar có truyền thống… dời đô. Thi thoảng lại dời đô một lần, đến nay đã ngót 12 bận. Nên lịch sử của Myanmar có lẽ đã quen với việc này rồi.
Thành phố Yangon không mấy khi tắc đường. Đường xá gồ ghề nhưng rộng rãi và sạch sẽ. Chỉ ra khỏi khu downtown vài cây số, đã thấy rất nhiều vila và nhà vườn. Nhiều biệt thự cổ hoang phế chìm khuất trong cỏ dại chỉ được nhận ra rằng có người ở nhờ vào chiếc ô tô cũ kỹ đậu trước cửa. Thời điểm này đang là “mùa đông” của Myanmar, nhiệt độ đêm trở về sáng chưa đến 20oC và ngày lên đế 34oC. Sớm mai thức dậy, một mình đi dạo trên những vỉa hè yên tĩnh lành lạnh, co ro trong chiếc áo khoác mà ngắm nhìn những tháp chuông nhà thờ Thiên chúa giáo, đền thờ Hindu và hàng trăm ngôi chùa lấp lánh quay mặt về chùa vàng Swedagon, trái tim của Yangon, cảm thấy vô cùng an lành ở nơi đời sống vất vả mà không bon chen này, nơi đã trở thành cảm hứng cho đại văn hào Somerset Maugham viết cuốn du ký “The gentlemen in the parlour” (Những quý ông trong phòng khách) trong chuyến đi khởi hành từ Burma (Miến Điện) sang Thái Lan, Cambodia rồi cập bến Hải Phòng hồi trước Thế chiến thứ hai.
Nếu ai có tâm hồn mua sắm, tốt nhất đừng tìm đến Yangon. Đến nơi này, từ sáng chí tối người ta chỉ dẫn bạn đi chùa. Số lượng chùa chiền ở mỗi thành phố lên tới vài ngàn. Ngôi chùa đáng khâm phục nhất là Swedagon, một quần thể với 1000 chùa nhỏ bao quanh tòa tháp trung tâm. Tháp Swedagon 2500 tuổi tọa lạc trên đồi Singuttara, toàn thân lại được dát 500 kg vàng nên bất kể ngày hay đêm, từ vị trí nào trong thành phố cũng có thể nhìn thấy ngọn tháp vàng tỏa ánh hào quang rực rỡ. Quả xứng đáng niềm tự hào là trái tim của Yangon. Muốn lên quần thể chùa phải đi bằng cầu thang máy. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đi cầu thang máy trong chùa. Tôi đã bày tỏ lòng thán phục trước That Luang ở Vientian, chùa Phật Ngọc ở Bangkok, nhưng khi đối diện với tòa tháp vàng vòi vọi được tô điểm bằng 5448 viên kim cương và 2317 viên hồng ngọc, sự ngưỡng mộ đã trở nên sâu sắc. Như nhiều nước Đông Nam Á khác, các Phật tử Myanmar theo dòng tiểu thừa, khi cúng Phật thường dâng những dây hoa lan kết sẵn để choàng lên cổ Phật. Không chỉ hoa lan, các Phật tử còn dâng những tấm vàng lá để dát vào tháp. Vì vậy, dân nghèo thì cứ việc nghèo nhưng Yangon vẫn là một thành phố tôn giáo xa hoa với những đỉnh tháp vàng lộng lẫy. Phật giáo tiểu thừa thường hay tạc tượng Phật ở tư thế nằm với nét mặt luôn mỉm cười. Các nhà sư và ni cô mặc áo hồng, tía, đỏ, cam, vàng, đi chân đất, hở một bên vai. Chùa chiền lộng lẫy và sặc sỡ sắc màu thể cung điện. Tất cả những điều này hoàn toàn khác với những ngôi chùa mái ngói, cột gỗ nâu trầm đơn sơ nơi miền Bắc tôi ở. Các vị sư dòng Đại thừa cũng trầm mặc hơn thì phải trong sắc áo nâu sồng. Có bận tôi được diện kiến một bậc cao tăng từ Sài Gòn ra. Ông phàn nàn rằng các sư ngoài này tỏ ý thiếu coi trọng ông vì cái sự đi chân đất và cầm bát khất thực, họ cho rằng nhà sư phải có sự trang trọng, đạo mạo chứ đâu có nhẽ tuềnh toàng như thế. Chẳng hiểu điều này có thực không trong quan điểm của các dòng tu, nhưng tôi thực sự thích những gì đang được nhìn thấy ở Swedagon.
Quần thể Swedagon có hình tròn, và khi tham quan chùa người ta thường đi theo chiều kim đồng hồ. Cứ thế bước chân trần trên mặt đất nóng bỏng, nhẩn nha cũng phải nửa tiếng mới hết một vòng. Trên vòng tròn ấy có 7 pho Phật đá cẩm thạch, dưới chân tượng đều có những bồn nước với cốc bằng bạc để khách thập phương múc nước tắm cho Phật. 7 bồn nước này ứng với 7 hành tinh và 7 ngày trong tuần. Người có sinh nhật vào ngày nào thì tìm đến bồn nước tương ứng để tắm cho tượng Phật. Vì thế quanh các bồn nước không khi nào ngớt Phật tử. Họ xúm đông xúm đỏ tranh nhau múc nước tưới lên đầu Phật. Tôi chẳng biết bồn nước nào ứng với ngày sinh của mình nên cứ tấp đại vào một “hành tinh” bất kỳ mà tắm Phật. Nhìn tượng Phật chằng hoa lan đầy cổ, an tọa giữa trưa nắng chang chang mà mỉm cười một cách hài lòng với những dòng nước mát liên tục túa xuống từ đỉnh đầu, tôi không khỏi kìm giữ một cảm giác ngộ nghĩnh. Chẳng lẽ Phật nơi này cũng thân thiện giống cư dân ngày ngày đến cúng tế. Điều đó cũng hợp lẽ logic thôi, các hình tượng siêu nhiên và nhân thần cũng là do con người tạo ra, nên phản ánh rõ nhất bộ mặt con người địa phương nơi ấy. Có thể chăng nơi này nắng nóng quanh năm nên đến tượng Phật đá cũng cần phải được tắm mát?
“Mùa đông” nơi này rất giống thời tiết châu Âu khi vào hạ, đứng giữa mặt trời thì nóng gắt nhưng khi vào bóng râm lại thấy mát lạnh trong cảm giác dễ chịu và thanh thản lạ kỳ. Tôi ngồi dưới gốc bồ đề, ngắm những chiếc lá tròn có ngọn cong vút rơi rụng trên sân gạch và lắng nghe nam thanh nữ tú đọc kinh trong một gian thờ ở chùa Swemawdaw thuộc tiểu vùng Bago. Myanmar được chia thành 7 bang và 7 vùng hành chính. Bago cũng là một vùng như vậy, cách Yangon 80km. Từng là một kinh đô cổ, Bago có truyền thuyết kể rằng trước đây nơi này chỉ toàn là nước. Ngày ấy Đức Phật cùng các môn đệ của mình bay quanh vùng Đông Nam Á. Trên hành trình lúc trở về ngang qua Vịnh Martaban, đột nhiên Ngài thấy hiện ra đôi chim công vàng (Hamsh) hiện lên trên mặt nước khi thủy triều rút xuống. Khi ấy có một mỏm đá nhô lên chỉ đủ chỗ cho đôi chân chim, vì thế con trống phải cõng con mái trên lưng. Trước hiện tượng dị thường này, Đức Phật tiên đoán vùng nước ấy sau sẽ trở thành một Vương quốc. Quả nhiên 1500 năm sau đó, bùn lầy đã đùn lên tạo thành đất liền. Tộc Môn là những người đầu tiên đến khai phá vùng đất và đặt tên cho nó là Hanthawaddy, mà sau này là Pegu rồi Bago. Đôi chim Hamsh sau được tạc trong nhiều ngôi chùa, đặc biệt là chùa Hinthakone tọa lạc trên đỉnh đồi, chỗ được coi là mỏm đá nhô ra trên mặt biển làm nơi neo đậu của đôi chim Hamsh. Từ đó hình tượng chim Hamsh mái đậu trên lưng con trống cũng trở thành biểu tượng của Miến Điện. Trong suốt thời thuộc địa, rồi Liên bang Miến Điện (1943-1945), đôi chim Hamsh được in trên lá quốc kỳ. Du khách đến Yangon cũng có thể chụp hình lưu niệm với Karaweik, con thuyền nổi hình chim Hamsh trên hồ hoàng gia Kandawgyi, là biểu tượng cho tình yêu, lòng trung thành và hòa bình. Trên bầu trời, tôi không được nhìn thấy chim thần Hamsh. Chỉ có loài bồ câu béo tốt bay rợp trời rồi đậu thản nhiên trên vỉa hè. Thấy người đến chúng vẫn nhẩn nha đi lại tìm vài thứ hạt rơi. Ở đâu bồ câu còn thản nhiên được như thế, nghĩa là ở đó ta có được cảm giác yên tâm và an toàn. Myanmar còn có một phong tục thú vị, ấy là tại các khu công cộng, đặc biệt trong các chùa chiền, thiền viện, luôn xuất hiện những phụ nữ ngồi trước lồng chim trong nhốt hàng trăm con nhỏ xíu. Họ bán cho khách với giá 500 kyat/con (10.000 đồng) để khách phóng sinh. Người Myanmar hay như vậy, nghèo thế chứ nghèo nữa vẫn bỏ tiền ra chuộc chim phóng sinh và cúng vàng lên chùa.
Ở Bago, ngoài cung điện Kanbawza Thardi đã được phục chế, tượng bốn mặt Kyaik Pun… thì tôi rất ấn tượng với thiền viện Kyar Khat Wine. Các đoàn khách ngoại quốc ngày ngày kéo nhau đến đây để xem các nhà sư… ăn cơm. Các sư theo dòng Tiểu thừa vẫn có thể ăn thịt cá như người thường, chỉ tránh sát sinh và không ăn bữa tối. Ngày hai bữa sáng, trưa. Từ chính Ngọ trở đi họ sẽ nhịn cho đến sáng hôm sau. Bữa ấy tôi cũng có mặt ở thiền viện Kyar Khat Wine. Khoảng 11h30, vài trăm nhà sư mặc áo tía đứng im lặng ở điểm xuất phát từ những trai phòng rồi sắp hàng một bước chầm chậm đến nhà ăn. Trước cửa có sẵn vài xoong cơm sâu lòng đường kính to cả mét. Các thí chủ lấy đĩa xúc cơm lần lượt vào bát cho các sư. Cơm đây vón cục, nguội ngắt, nhìn đã thấy không ngon. Các sư lặng lẽ đi vào trong phòng, nơi thức ăn đã được bày sẵn. Họ ăn rất nhanh, chỉ chừng 10 phút là xong để còn kịp trở về trước Ngọ. Các sư cao tuổi hơn thì không phải cầm bát đi lĩnh cơm mà được ngồi ở mâm trên, với khẩu phần cũng thịnh soạn hơn. Khi chúng tôi mang công đức đến trước một vị sư già. Ông và những nhà sư khác ngừng bát rồi bắt đầu đều đều đọc những điều cầu phúc cho các thí chủ đang quỳ trước mặt. Tôi chẳng hiểu tiếng Myanmar, chỉ mấp máy miệng theo cho phải phép, lòng cầu an lành trở lại đến các nhà sư, cầu an lành cho chuyến bay của tôi lúc trở về.
Trên đường ra sân bay để quay về Hà Nội, tôi nhìn thấy thương hiệu của ngân hàng BIDV trên một còn phố. Myanmar là mảnh đất màu mỡ mà nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đều đang muốn khai phá. Nhiều công ty Mỹ-Âu lách luật nhờ các kẽ hở của lệnh cấm vận đã ở lại để tìm vận may. Chúng ta mở đường bay tuần 4 chuyến đến Yangon cũng là mở đường cho nhiều doanh nhân Việt sang khảo sát thị trường. Lúc chiếc xe du lịch chạy qua đường Wisara, tôi ngoái nhìn Swedagon lần nữa. Ngôi chùa Vàng với đôi chinthe* trắng khổng lồ oai phong ngồi trước cửa, khi về đêm sáng rực ánh đèn từ hàng lang lên tận đỉnh tháp, ban ngày ngạo nghễ trông sang Quảng trường Nhân dân, sang trọng và kiêu hãnh tựa cung điện của một đế chế thịnh vượng bậc nhất. Tôi yêu thích con đường này, con đường đẹp nhất Yangon, mà khi đứng ở đó, người ta sẽ không thể nhìn thấy những cỗ xe cũ kỹ chất đầy những người dân lao động đang cố đeo bám lấy thành xe, và tạm quên đi nỗi bực mình vì suốt tuần lễ không gửi được email do lệnh kiểm soát thư tín của chính quyền quân sự nơi này.
Chú thích
Các ngôi chùa ở Myanmar đều có đôi chinthe (sư tử thần) đứng canh gác ngoài cửa