Written by Di Li
Bài đăng trên báo Lao động cuối tuần số 5 ra tháng 9/2006
“Salsa là một điệu nhảy cổ điển à?”, phần lớn người Việt Nam sẽ hỏi câu này. Người biết rồi thì sẽ nháy mắt hoặc tủm tỉm cười “Ồ, sexy lắm, dám nhảy cái đó hả?”. Nhưng đối với các fan hâm mộ cuồng nhiệt của vũ điệu Mỹ La tinh này thì một nét thay đổi sẽ hiện rõ trên khuôn mặt họ “À, Salsa. Nào chúng ta đi”…
Salsa từ đâu mà tới?
8 giờ tối, thời tiết trong những ngày giao mùa nóng nhức nhối nhưng bên trong CLB Khiêu vũ Thể thao Olympic, số 1 Giang Văn Minh, không khí còn nóng bỏng hơn bởi những vũ điệu Salsa cuồng nhiệt. Từng cặp bạn nhảy tay trong tay và cứ sau mỗi tiếng hô của vũ sư Hoàng Phương Benkai, họ lại chuyển động, miệt mài trong từng động tác phức tạp. Và mặc dù những chiếc quạt công nghiệp chạy hết công suất, lưng áo người nào người nấy đẫm mồ hôi. Rồi khi giai điệu quyến rũ của Ven tu, nồng nhiệt của Aunque Me Llore nổi lên, sự cản trở của thời tiết sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa. Những chuyển động của hông, của cánh tay và từng đôi chân nhịp nhàng hòa quyện trong tiếng nhạc của cảm xúc. Lúc này, cho dù những bạn nhảy không quen biết nhau, dù họ giữ cự ly không gian như thế nào trong lúc nhảy thì khoảng cách cũng không còn. Bởi trái tim của gần một trăm con người đã hoà cùng một nhịp trong tiếng trống dập dồn của vũ điệu Salsa, Bachata và Merengue.
Thầy Benkai, người điều khiển lớp học, năm nay 30 tuổi. Sau một tour du học thạc sỹ ở Malaysia, thầy “nhập khẩu” luôn cả vũ điệu bốc lửa này về nước. Với thân hình khá mũm mĩm và là cán bộ của Trung tâm Khoa học Nông nghiệp và Môi trường, ít ai tưởng tượng được rằng, hàng tối Benkai vẫn lên lớp Salsa đều đặn, là đồng sáng lập của diễn đàn Salsa Việt Nam và chủ trì nhiều cuộc giao lưu Salsa ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình… Ðã bắt đầu học khiêu vũ hơn 10 năm nhưng chính thức bước chân vào “địa hạt” Salsa được 3 năm, trong làng Salsa chuyên nghiệp Việt Nam, người ta đều biết đến Benkai. Nhưng anh cho rằng “Chúng tôi phải biết ơn Raoul rất nhiều vì chính Raoul mới là người đặt nền móng cho Salsa Việt Nam”. Raoul Imbach, người chính thức xây viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà Salsa Việt Nam, rất ngạc nhiên, là phó đại sứ của ÐSQ Thụy Sỹ. Từng là một ca sĩ nổi tiếng, Raoul đến với Salsa được 15 năm trong quãng thời gian công tác tại Costa Rica. Raoul kể lại cảm giác lần đầu tiên ông đến Việt Nam vào năm 2002 “Quả là một cú sốc khi tôi bay từ châu Mỹ Latinh đến Hà Nội. Tôi nhớ tiếng nhạc La tinh khủng khiếp và lúc đó cả Việt Nam không có chỗ nào cho Salsa cả. Tôi đành tự tổ chức những bữa tiệc Latinh nhỏ tại nhà và mời bạn bè đến tham dự. Thế rồi một số người gợi ý tôi nên tham gia dạy vài lớp”. Và hiện nay Raoul vẫn lên lớp hàng tuần tại Nutz Bar để “chia sẻ niềm vui và niềm say mê đến cho mọi người”.
Trên thực tế, các vũ điệu Latinh đã xuất hiện ở Diva Cafe và Minh Minh Cafe từ năm 2000 do một ban nhạc Philippin phát động nhưng còn manh mún và chưa được tổ chức thành lớp nghiêm chỉnh. Lúc đó, Salsa mới chỉ dừng lại ở ngưỡng làm cho một số người đến quán hiểu rằng có một điệu nhảy như thế. ở hầu hết các nước trên thế giới, người ta đã biết đến Salsa từ lâu và đặc biệt là khu vực nói tiếng Tây Ban Nha, quê hương của những vũ điệu cuồng nhiệt, người dân coi đó là một sinh hoạt văn hoá thường nhật. Mặc dù người New York đã đặt tên cho Salsa (Salsa từ đó trở thành tên gọi chung cho các vũ điệu dòng Latinh như Mambo, Rhumba, Guaracha, Merengue, Bachata, Festejo, Guguanco, Cumbia) nhưng sáng lập ra nó lại là người Cuba (có tư liệu cho rằng người Puerto Rico). Salsa là sự kết hợp của hầu hết các vũ điệu La tinh kể trên và là một điệu nhảy phức tạp. Ðể nhảy được, người ta phải rất chú ý phân biệt các nhịp phách của trống trong nhạc nền, không như Merengue, Bachata và Reggeaton (những điệu nhảy dễ học với các nhịp điệu rõ ràng). Vì thế nó rất dễ gây căng thẳng cho những người học thiếu tự tin và kiên nhẫn.
Nhảy Salsa thế nào thì đẹp
Ngày nay, Salsa luôn được ví như một cái cây với ba nhánh chính là Cuban Salsa, New York Salsa và Los Angeles Salsa (L.A). Ngoài ra còn rất nhiều nhánh nhỏ khác được biến đổi cho phù hợp với văn hoá và thị hiếu của từng vùng. Kết hợp được phong cách L.A và Cuban để thể hiện một sự pha trộn hoàn mỹ với những kỹ xảo đặc biệt là mơ ước của tất cả những người học Salsa, cho dù biết rằng đạt được điều đó thật xa vời. Hầu hết các salsero (người nhảy salsa nam) và salsera (người nhảy salsa nữ) ở miền Bắc đều theo phong cách L.A, ngược lại phong trào Salsa Sài Gòn lại phổ biến phong cách Cuban mà cộng đồng Salsa ngoài Bắc cho rằng hơi cứng nhắc. Thực ra, phong cách nào chính là do những người đầu tiên truyền bá vũ điệu này. Nhắc tới Salsa Sài Gòn, đương nhiên người ta nghĩ ngay tới bar Casa Latina và thầy Fabien, quốc tịch Pháp, người có công truyền bá Salsa tại Sài Gòn. Quỳnh Anh, một fan ruột của Salsa, giám đốc Công ty Viet Cre-Ad (Sài Gòn) và là cựu MC VTV3, nhận xét những bước nhảy của Fabien là “rất uyển chuyển, mềm mại, ấn tượng và sexy”. Tuy nhiên, Benkai cũng như nhiều người khác ở Hà Nội lại phủ nhận “Fabien nhảy cứng nhắc, không có độ mềm dẻo, thiếu thần thái và cảm xúc”. Fabien và Fred hiện đang là Salsa King và Salsa Queen của giới mộ điệu Sài Gòn và họ hy vọng sau khi Casa Latina, địa điểm Salsa duy nhất ở Sài Gòn, đóng cửa sẽ có một studio mới do chính Fabien làm chủ.
Ðể nhảy được Salsa đã khó, nhảy thế nào cho đẹp lại càng khó hơn. Người đứng ngoài xem thường nhận xét theo cảm tính, một đôi nhảy đẹp phải ăn ý, vóc dáng đẹp, động tác dẻo và điêu luyện. Nhưng hãy cẩn thận, đề cập đến khái niệm này các salsaro và salsara không thích tí nào. Họ luôn khó chịu khi nhắc đến từ “nhảy đẹp”. Chưa có vũ điệu nào tự do, phóng khoáng và thể hiện cá tính như Salsa, vì vậy để định nghĩa được yếu tố thẩm mỹ là vô nghĩa. Nguyễn Mạnh Trường, phóng viên báo Xã hội Thông tin VNPT, một salsero rất sexy cho rằng “Salsa mang vẻ hoang dã của Châu Phi và nét quyến rũ của Nam Mỹ. Nó tạo cho người chơi một tâm lý thoải mái vì thế Salsa luôn khuyến khích người chơi tự tạo cho mình những bước nhảy mang đậm màu sắc cá nhân. Khi cả hai đều cảm nhận được niềm đam mê và sự bùng cháy trong tiếng nhạc, hãy cảm nhận vẻ đẹp theo cách riêng của mình”. Tuy không xác định rõ ràng yếu tố nhảy đẹp nhưng nhiều người còn chia các salsero ra làm hai kiểu. Thứ nhất là kiểu bạo lực chỉ biết đến mình nên hay đưa bạn nhảy vào các bước nguy hiểm. Ngoài những bước cơ bản thông thường như open break, cross body, rotating, titanic… thì các salsaro chỉ cần mình vui là chính này thường tung ra nhiều chưởng tuyệt chiêu rất dễ cho bạn nhảy nằm viện như quăng, quật, ngáng, thông cống, lôi xềnh xệch và xoáy vù vù. Mặc dù các salsara chuyên nghiệp thường thích thú khi gặp được một bạn nhảy có những tiểu xảo đặc biệt chưa từng thấy bao giờ nhưng sau khi bị “làm xiếc” đã sợ mất mật và không còn gì là vui nữa. Tuy nhiên, kiểu thứ hai rất được các bạn nữ ưa thích khi các salsaro nhạy cảm trong bước dẫn và chiều bạn nhảy. Benkai từng nhận xét rằng Raoul Imbach có lối nhảy “ích kỷ” trên sàn giao tiếp diện tích hẹp.
Quả thật phương pháp sư phạm của Benkai và Raoul rất khác nhau. Raoul luôn dặn dò các học viên phải nắm tay nhau thật chặt vì sợ khi hưng phấn bạn nhảy sẽ bị… văng ra ngoài. Còn Benkai lại hướng dẫn người học cầm tay thật nhẹ nhàng. Những người từng được Raoul cho “đi máy bay” đã tả lại cái cảm giác “hẫng vì máy bay rơi” vẫn còn cho đến tận bây giờ. Mặc dù đến cuối tháng sau thầy Raoul sẽ về nước song ông rất mừng vì phong trào Salsa Việt Nam đã bắt đầu khởi sắc. Raoul nói “Những ngày đầu tiên, người Việt Nam còn ngại ngùng khi nhìn thấy điệu nhảy này. Họ không quen với những động tác áp sát cơ thể và sexy. Tuy nhiên bây giờ thì mọi người đều thích nó. Người Nhật Bản, Ðài Loan cũng là những cư dân Á đông song rất say mê Salsa. Tôi hy vọng, Việt Nam cũng vậy”. Hiện nay Nutz Bar là nơi duy nhất của Hà Nội tổ chức Salsa vào tối thứ tư và thứ bảy. Mỹ Linh, sinh viên năm thứ nhất ÐH Văn hoá Hà Nội, một fan cuồng nhiệt của Salsa, rất quyến rũ trong chiếc váy ngắn và áo quây màu đen, dừng lại sau điệu nhảy thứ nhất “Ngoài lý do là một điệu nhảy trẻ trung, sôi động, Salsa còn thay thế cho một bài tập aerobic. Mơ ước của em là kiếm được một chiếc vé thăm quan lễ hội Salsa được tổ chức vào 29/9 ở Bangkok. Ðây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để học hỏi kinh nghiệm và ngắm nhìn các salsero và salsera quốc tế trình diễn”.