Written by Di Li
Bài đăng trên báo Thể thao văn hóa cuối tuần số 34, ra tháng 8/2008


 
Từ những chân dung phiếm chỉ
 

Có một lần nhà văn TTH nói với tôi rằng chị rất buồn vì một nữ nhà báo vừa viết một câu chuyện về chị in trên báo ANTG. Đây là một câu chuyện đời tư được trao đổi trong lúc chuyện riêng, (TTH và nhà báo kia là bạn) song nhà báo nữ đã tự tiện bệ toàn bộ câu chuyện lên báo một cách chi tiết với những tình huống bóp méo sự thật không những khiến TTH bị những người trong cuộc hiểu lầm mà chân dung của chị hiện lên méo mó thành một người phụ nữ dại dột và đáng thương hại. Sau bài báo đó, TTH bị sốc đến vài tháng trời.


Những câu chuyện và chân dung phiếm chỉ là một thể loại dễ thể hiện trong báo chí. Đó là những câu chuyện có thật, sinh động, viết về những con người mà ai cũng biết, hoặc chí ít cũng được nhận biết bởi một số lượng công chúng nào đó. Vì thế, chân dung phiếm chỉ rất đắt khách, người đọc háo hức muốn được biết những câu chuyện riêng tư của những “người mà ai cũng biết là ai” ấy bị khui lên. Tuy nhiên, khổ chủ thì đành tức tối chịu đựng vì tác giả có nói rõ họ tên nhà anh ra đâu, anh tự vận vào người thì ráng mà chịu. Bình thường, chân dung phiếm chỉ đơn giản chỉ là một mẩu chuyện vài dòng minh họa cho cả bài báo, kiểu như ca sỹ A đã từng tuyên bố thế này, diễn viên B đã hành động thế kia. Đó là “kỹ thuật” hết sức bình thường đối với một phóng viên. Song đôi khi thể loại này bị lạm dụng đến độ những tình tiết bị “vặn” theo ý đồ của nhà báo, hoặc câu chuyện là có thật nhưng cách dùng từ của người viết lộ rõ sự ác ý trong đó.


Mới đây một bài báo trên CAND của tác giả Nguyễn Hòa có nội dung phê bình nghệ thuật đương đại. Vấn đề “múa thơ”, “diễn họa” đã bị lôi ra tranh cãi, thậm chí bị phê phán trong suốt một thời gian dài trên các phương tiện thông tin đại chúng song vẫn không ai buồn động lòng vì các bài báo ấy thường viết chung chung. Ai có phần nào bị liên quan thì chép miệng “chắc họ nói cả làng nhưng trừ mình ra” là xong. Tuy nhiên, sau khi bài báo lần này được công bố, có người không thể chép miệng “trừ mình ra” được mà đã tỏ ra vô cùng bức xúc, bởi vì trong đó có một chân dung phiếm chỉ trực diện: là nhà văn Lê Anh Hoài. Nội dung trích đoạn đã được L.A.H đưa lên blog riêng: “Tôi không biết anh nghĩ gì khi đứng phơi mặt triển lãm bên đường, tôi cũng không biết anh nghĩ gì khi mấy cô gái vừa nhìn anh vừa khúc khích cười, còn nhiều người qua đường trố mắt như nhìn ai đó lạc ra từ cái nơi vốn không dành cho người có thần kinh bình thường? Còn tôi thì nghĩ, là nhà văn hãy viết văn cho hay, xông ra đứng đường thì còn gì văn chương nữa, chỉ còn là một trò lố lăng trong con mắt người đời. Thật là tội nghiệp cho một kiểu học mót không đến độ.” Đây là đoạn bình luận về phần tham gia trình diễn dự án “Ra đường” của nhà văn L.A.H với chủ đề “Tôi là cột điện”. Tất nhiên sau đoạn miêu tả phía trên đó thì hầu hết người trong giới và những ai từng chứng kiến L.A.H đứng làm cột điện đều biết đó không thể là một L.A.H phẩy. Sau khi tham gia dự án nghệ thuật này cũng có một vài bài báo khen chê đối với L.A.H nói riêng và cả nhóm nói chung, song đến lúc bị phê trực diện là “thần kinh không bình thường” và “học mót không đến độ” thì nhà văn L.A.H hết chịu nổi. Anh viết một bức thư hồi đáp đăng trên một số trang web văn chương đại ý nội dung cho rằng tác giả bài báo đã dùng những câu chữ thóa mạ, làm nhục các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật đương đại trong thời gian qua, trong đó có xâm hại đến cá nhân nhà văn.


Đến những cuộc tranh cãi nảy lửa

Có nhiều cuộc “đối thoại” nảy lửa đã diễn ra thường kỳ trên nhiều số của vài tờ báo mà tác giả của nó là các nhà phê bình văn học và các nhà văn khiến độc giả háo hức đón đọc để rồi sau đó kinh hoàng. Thường thì trong giao tiếp, lời qua, tiếng phải lại. Thỉnh thoảng ta thấy các ca sĩ, người mẫu, diễn viên, họa sỹ, nhạc sỹ, nhiếp ảnh gia đồng nghiệp hay “đá” nhau vài câu công khai trên các phương tiện truyền thông. Tỷ như người này công kích người kia một câu thì người kia cũng “có ý nhắc nhở” trở lại trong một bài phỏng vấn sát nhất. Tuy nhiên cũng chỉ đến thế là cùng, vì có muốn “vận công” thêm nữa họ cũng loay hoay chẳng biết làm thế nào, họ không có phương tiện. Tuy nhiên, phàm đã là người viết thì phương tiện vô cùng “sắc bén”. Nếu muốn “ra luận đề” hay “phản pháo”, họ có thể “tự tay” thực hiện được bằng đủ loại văn phong phân tích, chứng minh, nghị luận có bài có bản mà chẳng cần phải mượn lời anh phóng viên nào. Có lần, một nhà phê bình văn học viết bài phê nhà văn Đỗ Hoàng Diệu. Anh phân tích sắc bén bằng cách cứ mỗi luận điểm lại so sánh ĐHD với nhà văn Vệ Tuệ của Trung Quốc nhằm làm nổi bật những yếu thế của đối tượng. Sau đó, trong một bài phỏng vấn, khổ chủ kể lại với phóng viên rằng cô đã chất vấn nhà phê bình rằng tại sao lại cho rằng nhân vật của cô thiếu văn hóa. Tất cả lời qua tiếng lại giữa đôi bên như thế nào đều được bệ nguyên xi lên báo.

Gần đây sự kiện được coi là “hot” nhất trong làng văn lại chính là cuộc đấu khẩu bằng văn bản giữa hai nhà thơ Dư Thị Hoàn và Thúy Ngoan. Chuyện là nữ sĩ DTH cùng hai nhà thơ khác (Phước Giang và Bùi Chát) ra đảo Cát Bà chơi và bắt gặp những bài thơ được sơn vẽ lên vách đá, có ký tên và ngày tháng đàng hoàng. Nội dung thơ khá “ướt át” kiểu “Thơ tình bán chẳng ai mua/ Khắc lên vách đá làm bùa để yêu/ Cho ta xanh lại buổi chiều/ Và bao trai gái mới yêu lần đầu.” Sau đó câu chuyện này mới được tác giả DTH đưa lên mặt báo, đại ý rằng đó là một loại thơ ẩm ương, được sáng tác bởi các nhà thơ U60 và việc bôi thơ lên vách đá là một hành vi vô văn hoá. Tác giả trích dẫn lời của một số nhà thơ khác như “Kể cả thằng say (rượu) đi nữa cũng không ai leo lên thềm nhà hát lớn mà đái” hay “Tại chi hội trưởng Chi hội thơ không tổ chức cho anh em có cơ hội xả thơ thường xuyên, đến nỗi bức xúc quá anh em phải xả lên vách núi” và cuối cùng kết luận rằng đang tồn tại một hiện trạng si thơ, “thủ dâm”... thơ và bội thực thơ của giới cầm bút hiện nay.

Liền sau đó nhà thơ nữ, tác giả của một trong những bài thơ trên vách đá đã gửi thư hồi đáp đại ý rằng nhà thơ DTH đã vu khống với những lời lẽ quá quắt. Ngay lập tức, một bài viết khác được đáp trả với lời tố cáo rằng sau khi nhà thơ PG gửi tin nhắn cho tác giả “thơ vách đá” rằng “Con chúc mừng sáng tác của bu bá…”, nữ thi sĩ đã nhắn trả lại “Chết mẹ mày đi con ạ, đừng chõ mõm vào chuyện người ta”. Các bài này đã được in đầy đủ trên báo Tiền phong và sau đó có hơn chục trang web đăng lại. Các trang web văn thì in lại đầy đủ hơn, in cả những phần đã bị báo in cắt đi và nhiều bài viết khác chưa xuất hiện trên báo in, trong đó có cả những câu bình luận như “khuyển nhẩy bàn cờ dơ mặt tướng”.

Phần lớn trong những vụ kiện cáo hay tranh cãi, các báo thường in ý kiến cả hai chiều (đó vừa là nguyên tắc báo chí, song cũng lại là chiêu thu hút độc giả). Vì vậy, độc giả tha hồ khoái chí mà chứng kiến toàn cảnh những cuộc “tranh cãi nảy lửa” hết sức nhà nghề này.

Và những đòn tập thể chí mạng

Tuy nhiên, không phải chuyện gì cũng có thể đăng tải trên báo chí. Các cơ quan thông tấn chính thống bao giờ cũng phải có kiểm duyệt. Nhưng thế kỷ 21 còn có một loại hình truyền thông khác, đó là internet. Những chuyện lình xình nọ kia trong làng viết vì thế có thể được tải lên mạng (mạng cá nhân, forum hoặc blog). Trong năm vừa qua, có nhiều vụ đáng kể như vụ nhà văn Đặng Thiều Quang với dịch giả (Nhật An) và BTV của NXB Trẻ (Hoàng Anh), do những người này cho rằng cuốn tiểu thuyết “Chờ tuyết rơi” của ĐTQ “có khá nhiều chỗ hình như "thuổng" ý tưởng từ cuốn “Vô hồn” của S. Minaev” song ĐTQ phản bác rằng bản thảo của anh ra đời từ năm 2002 với sự chứng kiến của nhiều người, còn “Vô hồn” thì năm 2006 mới xuất bản; rồi vụ thư qua thư lại giữa nhà văn trẻ Nhã Thuyên và công ty sách Bách Việt về bản quyền một bài báo; vụ Trần Thu Trang tố cáo một blogger nick Tracy ăn cắp theme và avatar của cô đưa về blog mình với entry tựa đề “Tiên sư quân ăn cắp”, vụ nhà thơ Lê Thiếu Nhơn gửi thư cho tổng biên tập Vietnamnet đại ý rằng nhà báo Từ Nữ Triệu Vương đã phỏng vấn anh song bài báo phỏng vấn đưa lên mạng lại bị cắt ghép không đúng sự thật. Họ Từ còn có một vụ xích mích nữa với nhà văn trẻ Quỳnh Trang do phát biểu trên blog rằng có một số tác phẩm trước khi đưa vào các tập truyện do cô tuyển chọn thì không được biết đến, trong đó có truyện của QT. Nhà văn nữ Cấn Vân Khánh thì vướng vào vụ xích mích “nhỏ nhỏ” với một nhà báo nữ nick Batigol mà mở đầu chỉ là việc Batigol công kích tác phẩm của cô và sau rốt là vụ một nhà báo đưa chân dung phiếm chỉ của cô lên chuyên trang của báo ANTG.

Những vụ ồn ào này đều có hồi đáp qua lại nhiều lần của cả hai phía. Không những thế, không như các cuộc tranh cãi trên báo chí, những vụ xích mích “ảo” còn có đông đảo cư dân mạng thuộc hai “phe” tiền hô hậu ủng. Người viết tranh luận thì ít, người ủng hộ comment thì nhiều, tạo ra những cuộc cãi nhau tập thể do phe nào nói cũng thấy đúng. Người ủng hộ cho từng phe chẳng thèm đếm xỉa đối tượng kia là ai, cứ thế ủng hộ phe mình và xả những câu hết sức hùng dũng kiểu “nhà báo nói năng vô văn hoá vậy à”, “nhà văn mà cư xử vậy là không cao thượng” rồi thì an ủi “đừng buồn nữa anh ạ, kẻ tiểu nhân ta không thèm chấp”. Vô hình chung cả hai bên đều phải hứng chịu búa rìu tập thể. Tất nhiên, người được lợi nhất trong chuyện này là các cư dân mạng thích nghe ngóng các xì căng đan.