Written by Di Li
Bài đăng trên báo Thể thao văn hóa cuối tuần số 36, ra tháng 9/2008
Có một lần ngồi trong Highland Café trên tòa nhà góc Hồ Gươm, ban công trông xuống đường Đinh Tiên Hoàng, đương nhiên tầm nhìn bao trọn cả lòng hồ, lúc đó tôi mới kinh ngạc khi nhận ra rằng cái hồ huyền thoại đã đi vào lịch sử, thi ca trông quyến rũ vô cùng, càng kinh ngạc hơn nữa khi lần đầu tiên tôi nhận ra điều ấy. Cuộc sống đôi khi có nhiều điều kỳ cục như vậy. Chúng ta sống, đi lại, hít thở, ăn uống cạnh một không gian, nhìn thấy nó trên ti vi hàng ngày, nghe người ta ca ngợi về nó. Chúng ta đã quá quen với nó đến độ, không gian đó đẹp thế nào, và đôi lúc không đẹp thế nào, chúng ta hầu như bỏ quên mất giữa bộn bề công việc.
Thành phố của các bạn phát triển nhanh khủng khiếp
Cứ lần nào gặp một người nước ngoài, y như rằng tôi lại hỏi một câu mà bản thân mình đã biết rõ câu trả lời “Anh/chị thấy Hà Nội thế nào?” – “Thành phố của các bạn phát triển nhanh khủng khiếp”. Mới đầu tôi vô cùng ngạc nhiên khi những du khách đến từ các cường quốc như Anh, Mỹ, Đức… lại cứ luôn miệng cho rằng họ kinh ngạc về tốc độ phát triển thành phố của chúng ta. Sau, ngẫm nghĩ nhiều về điều ấy, mới thấy rằng quả đôi lúc, chính ta cũng kinh ngạc về sự phát triển và biến đổi của ta.
Có lần, tôi tình cờ nhìn thấy bức tranh sơn dầu vẽ Khải hoàn môn và một góc đại lộ Champs-Elysees trong nhà một người bạn. Góc dưới đề 1918. Quang cảnh trong bức tranh vẫn giống hệt như lần đầu tiên tôi nhìn thấy vào năm 2002, vẫn những quán cà phê vỉa hè có ụ hoa quây bằng gỗ trắng, vẫn cột điện ấy, góc phố ấy, chẳng có gì thay đổi. Thành phố của họ, trải qua hàng thế kỷ vẫn hầu như nguyên vẹn như thế. Song thành phố của chúng ta thì thay đổi hàng ngày. Tháng trước chưa đến phố ấy, tháng này đã lại thấy một chiếc cầu đi bộ bắc ngang qua đường. Rồi thỉnh thoảng lại thấy mọc lên một con đường mới, một cầu vượt mới, một tòa nhà mới, một khu đô thị mới. Lắm lúc đi trong thành phố mà cứ ngạc nhiên, bỡ ngỡ như vừa đi thăm quan nơi khác.
Tuy nhiên, vì chúng ta cứ “mới” hàng ngày nhưng lại không quan tâm đến tổng thể nên nhiều khu vực trong thành phố, không gian bị vụn ra một cách kỳ quặc. Ngoài khu phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào… còn lưu giữ được những hình ảnh kiến trúc đậm chất Việt với mái ngói âm dương nâu trầm, cửa gỗ ghép; hay những khu vực vẫn bảo tồn kiến trúc Đông Dương như phố Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Thiền Quang, Yết Kiêu, Trần Hưng Đạo…; rồi khu đô thị mới Mỹ Đình kiến trúc khá đồng bộ kiểu các thành phố trẻ Singpore, Seoul, Bắc Kinh… còn thì phần lớn phố xá đua nhau chen chúc nhà hình ống. Sau những cuộc giải tỏa mặt bằng, các hộ dân được ra mặt đường đều tranh nhau tự “làm đẹp” cho mình. Quả là nhà nào cũng đẹp, kiến trúc trăm kiểu cầu kỳ hiện đại với những nguyên vật liệu đắt tiền. Song nếu xếp những cái đẹp đó cạnh nhau sẽ không khác gì một phòng khách có đèn chùm kiểu Pháp, tủ tường kiểu Nhật và bàn nước khảm trai gỗ gụ.
Làng trong phố và phố trong làng
Cũng lại những người nước ngoài có lần nói với tôi rằng “Chưa một thành phố nào đặc biệt như Hà Nội, nơi người ta có thể nhìn thấy những người bán hàng rong gánh đôi quang gánh dạo bước dưới chân những cao ốc hiện đại”. Đấy chính là đặc tính “làng trong phố”. Đô thị hóa là một quá trình chung tự nhiên ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Cùng với sự phát triển kinh tế, phát triển dân số, phát triển công nghệ, phát triển tri thức, cái vòi đô thị cứ tỏa ra dần dần và thôn tính phần nhiều các làng quê ở khu vực lân cận. Và cái “vòi đô thị” vô hình ấy còn cuốn theo phố về làng. Nhiều ngôi làng bây giờ không còn nguyên vẹn là cây tre, bến nước, mái đình nữa mà bê tông có mặt ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, đô thị hóa ở Việt Nam đã để lại một pha trộn thực sự thú vị. Chúng ta vẫn còn nhiều ngôi làng trong lòng thành phố mà có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới lại được sở hữu đặc thù ấy. Những khu Tây Hồ, Thụy Khê, Láng, Cổ Nhuế… vẫn duy trì những ngôi làng với cổng đình, vườn tược và ao nước. Nếu như đang đi trên một con lộ rộng năm sáu làn đường ở khu Trung Hòa Nhân Chính và tấp vào một ngõ nhỏ cách đó chừng hai cây số thôi, ẳt sẽ thấy không gian tĩnh hẳn. Người trong Làng – Phố vẫn giữ lại đôi chút nếp sinh hoạt cũ từ nhiều thế kỷ trước. Thậm chí người bên ngoài chuyển vào đây sinh sống, hay chỉ đến thăm nhà người quen thôi, cũng phải tự nhiên mà thay đổi cung cách thường ngày. Họ vẫn sẽ quan sát lẫn nhau (thói quen mà người thành phố đã bỏ quên sau nhiều thập niên bị cuốn theo guồng đô thị), vẫn sẽ chào hỏi từ đầu làng đến cuối làng, vẫn sẽ hỏi han một người khách lạ có vẻ đang loay hoay tìm nhà rồi người nọ truyền người kia để dò bằng được địa chỉ cho khách. Nếp làng vẫn như vậy. Lạ lắm. Trong khi chỉ cách đó vài cây, những khu chung cư vài chục tầng ken nhau và con người sống trong những hộp diêm khổng lồ ấy chỉ còn đường dây giao tiếp duy nhất là cầu thang máy và gara chung. An ninh không được đảm bảo bằng tai mắt hàng xóm láng giềng mà bằng hàng chục chiếc camera lạnh lùng lắp dưới sảnh ra vào. Hàng xóm làng giềng ngăn cách với nhau bằng những cánh cửa gỗ nâu dày cộp có gắn mắt thần. Người cùng tầng sống cạnh nhau hàng năm trời đôi khi nhìn nhau ngoài đường cũng chỉ thấy quen quen.
Một đời sống đường phố - Streetlife
Như mọi du khách ngoại quốc khác, anh Barnaby Steel, nghệ sỹ nhiếp ảnh thị giác đã nhắc đi nhắc lại từ “Streetlife”(cuộc sống đường phố) trong buổi nói chuyện tại Hội đồng Anh với chủ đề Sống ở phố. “Streetlife” từng là đề tài sáng tác của nhiều nghệ sỹ nước ngoài đến Việt Nam, không chỉ riêng Barnaby. Chúng ta đang có một cuộc sống đường phố phong phú, ngoài việc đi lại trong dòng người ngồn ngộn như mắc cửi, chúng ta còn mua sắm trên vỉa hè, ăn uống trên vỉa hè, cắt tóc trên vỉa hè, tắm gội kỳ cọ trên vỉa hè, giặt giũ trên vỉa hè, tình tự trên vỉa hè, đá bóng trên vỉa hè, đổ rác trên vỉa hè, đánh chửi nhau trên vỉa hè, những người bán rong và đạp xích lô ngủ trưa trên vỉa hè, và thậm chí cả trẻ con lẫn người lớn giải quyết nhu cầu đầu ra ngay trên vỉa hè. “Quả là một cuộc sống thú vị”, những người nước ngoài đã nói như thế. Họ sung sướng khi chỉ cần đi dạo một vòng quanh phố là có thể hình dung được khá đầy đủ hỷ nộ ái ố trên đời, vì những gì mà chúng ta đang làm hàng ngày trên vỉa hè, ở nước họ bị giấu kín như bưng. Họ đâu có cơ hội chứng kiến cái sự ăn uống, tắm giặt, ngủ nghê… của người khác. Chúng ta thì đã quen với sự này rồi, nên thậm chí chúng ta thấy lạ khi họ thấy mình lạ.
Tuy nhiên có một thứ họ luôn phô bày ra thì chúng ta lại giấu biến vào trong nhà. Ở nhiều nước, du khách có thể chiêm ngưỡng một không gian nghệ thuật hoàn hảo ngoài trời. Ví dụ như trong các ngày hội bang của Đức (mỗi bang có một ngày hội riêng), ở khắp nơi trong thành phố người ta tổ chức các khu biểu diễn ca nhạc và dancing. Lúc đó, không chỉ người nghệ sỹ là trung tâm mà chính khán giả cũng trở thành một tâm điểm nghệ thuật. Ở nhiều thành phố khác như Paris, Amsterdam, Stockholm… các khu công cộng như quảng trường, vườn hoa… là nơi tập trung những nghệ sỹ biểu diễn xiếc, sân khấu nháp, kịch câm, nhạc công, họa sỹ… Họ là các sinh viên đang theo học các trường đại học nghệ thuật hoặc là các nghệ sỹ chuyên nghiệp. Những giờ phút phục vụ nơi công cộng ngoài việc để kiếm thêm thu nhập, luyện “tay nghề” còn là lúc họ thăng hoa sáng tạo trong một không gian nghệ thuật mở.
Đặc biệt, ở thủ đô Helsinki còn có hẳn một sân khấu ngoài trời dựng quy mô với hàng chục dãy ghế ngồi phục vụ khán giả. Sân khấu này nằm trong một quảng trường bên vịnh Baltic, thơ mộng không khác gì sân khấu cổ tích ven bờ Địa Trung Hải trong truyện Buratino. Sáng nào cũng có một ban nhạc đến đó biểu diễn vào lúc 9h. Chi phí cho ban nhạc là do nhà nước chi trả. Những quý bà quý cô đi chợ buổi sáng nhân tiện ngồi luôn vào ghế, vừa nghỉ ngơi vừa xem ca nhạc, rồi sinh viên, học sinh, khách nước ngoài… cũng đều ghé qua một lúc. Chưa kể xung quanh quảng trường còn có rất nhiều họa sỹ ngồi vẽ tranh. Không khí nghệ thuật luôn tràn ngập khắp phố phường.
Singapore là một thành phố trẻ, lại là một quốc gia đa chủng tộc, đa tôn giáo, vì thế họ không có nhiều bản sắc đặc trưng. Người Singapore mới nghĩ ra một cách là trưng bày hình tượng con hải sư (Merlion) theo truyền thuyết của Singapore ở khắp mọi nơi. Hải sư vừa là thương hiệu của đảo quốc sư tử, vừa là điểm du lịch thu hút khách thăm và chụp ảnh, lại vừa làm đẹp cho thành phố. Ngoài con Hải sư phun nước to nhất bên cạnh nhà hát hình trái Sầu riêng ở trung tâm thành phố, trước cửa các khách sạn, nhà hàng đều có tượng Hải sư thắt nơ đỏ. Ngoài tượng Hải sư, trên các bức tường bến xe điện ngầm còn sơn vẽ những bức tranh khổ lớn theo trường phái phồn thực của một họa sỹ người Nam Mỹ, rồi khắp vườn hoa, quảng trường đều trưng bày các bức tượng đen có hình những người béo quá khổ trông rất ngộ nghĩnh.
Thành phố nào càng phát triển, họ càng ra sức thổi hồn nghệ thuật vào không gian đường phố. Trước đây, tôi còn hay bắt gặp những người làm ảo thuật, những ca sĩ rong trong công viên hay các vườn hoa Hà Nội. Giờ thì vì nhu cầu nghệ thuật của khán giả cao cấp hơn hay do họ bị cấm hành nghề nơi công cộng nên không còn nhìn thấy nữa. Cùng lắm năm thì mười họa mới bắt gặp một bác họa sỹ già cắt chân dung hình bóng để lấy tiền. Chúng ta vẫn chưa quen với nghệ thuật đường phố. Người nào ra phố biểu diễn thì bị cho là thấp cấp, rẻ tiền, dở hơi và người nào xúm vào xem cũng bị cho là dở hơi không kém. Thành thử ra, không gian nghệ thuật đường phố duy nhất của thành phố chúng ta chỉ còn một số kiến trúc điêu khắc rất nghiêm trang như tượng đài Lê nin, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài Lý Thái Tổ… và công chúng đành chờ đến các ngày kỷ niệm để được xem biểu diễn văn nghệ quần chúng quanh hồ Hoàn Kiếm.