Bài in trên Thể thao & Văn hóa, tháng 12/2010
Cách đây chừng 20 năm, mỗi lần đi dã ngoại cùng cả lớp, tôi thường bắt gặp những ông Tây lò dò chui ra từ rừng sâu. Đi đến nơi rừng rú này đã là quá, lại còn không chịu dừng lại ở khu vực trung tâm đầu suối đông đúc người mà chỉ leo lên những ngọn núi hoang vu không người qua lại. Lúc ấy bập bẹ được một ít tiếng Anh, tôi hỏi sao ông không bay vào Sài Gòn hay ra Hà Nội, ở đấy là thành phố lớn nhộn nhịp, tha hồ vui, có nhiều thứ để shopping, lại có cả quán cà phê, rạp chiếu phim, đi đến nơi khỉ ho cò gáy này làm chi cho khổ. Ông Tây bảo rằng đây là du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, và ông ta cần phải làm thế để xả stress. Stress là căng thẳng chứ gì? Tôi chưa hiểu người ta làm gì đến nông nỗi phải căng thẳng và tại sao phải bỏ ra rất nhiều tiền túi để đến nơi tẻ nhạt này mà mạo hiểm. Cũng không hiểu sao các ông bà Tây lúc tan sở làm tranh nhau đi cầu thang bộ, leo đến năm sáu tầng gác trong khi chúng tôi hớn hở nhấn nút cầu thang máy. Nhưng gần đây thì tôi bắt đầu thấy thấm cái khái niệm “stress” mà có một dạo người ta hay sử dụng từ này theo một kiểu thời thượng.
Bữa trước tôi đọc được một bài viết rất dài về trường phái yoga Tây Tạng với lớp học asana nhằm thanh lọc và rèn luyện cơ thể. Thấy hấp dẫn và phù hợp, tôi rủ thêm vài người nữa cùng đi, không ngờ rất nhiều người nói rằng họ cũng đang cần tìm một lớp học như thế. Một cậu bạn nhà báo bảo tôi rằng nếu không tìm cách giải thoát chính mình ra khỏi công việc thì cậu ta sẽ stress chết mất. Đến lớp học yoga, lại cũng tưởng rằng chỉ có mình mới theo đuổi cái môn thể thao không mấy phổ biến này, không ngờ gặp vô số người quen biết, trong đó có tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái. Bà đã tập asana được 3 năm rồi. Bà tập không nhằm để xả stress mà chủ yếu tăng cường sức khỏe và chữa căn bệnh tiểu đường.
Thời hiện đại, nhiều căn bệnh phát sinh theo. Người ta bắt đầu khổ sở với những thuật ngữ y học cách đây nhiều năm thường chỉ phổ biến ở các nước phương Tây như tiểu đường, gút, thoát vị đĩa đệm, béo phì, tim mạch, cholesterol… và đương nhiên là cả stress. Tôi biết một ông Hàn Quốc là giám đốc công ty hơn 500 nhân viên. Có lần thấy ông đeo kính đen kín mít để cố gắng che đi đôi mắt đỏ ké như bị ai đấm mạnh. Hỏi lý do thì ông nói rằng đấy là vì bị vỡ mạch máu mắt, và bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân do stress quá nặng. Vì áp lực công việc mà ông luôn phải dậy từ 5 giờ sáng trong khi đa phần 1 giờ sáng mới đi ngủ, chưa kể thường xuyên bị mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Stress là một diễn biến tâm sinh lý phức tạp mà đa phần người trong cuộc không nhận ra, nhắc đến nó cứ thấy xa lạ như chuyện của người khác. Theo bác sĩ Tô Xuân Lân, bệnh viện Tâm thần Trung ương, thì “Ở Việt Nam, số lượng người mắc các bệnh liên quan đến tâm thần là 20%, còn ở Mỹ tới 25%”.
Tôi bảo chẳng lẽ cứ theo số liệu ấy thì chúng tôi cứ 5 người lại có 1 người bị… tâm thần.
“Là vì chúng ta cứ quan niệm tâm thần theo cách nhìn thấy những người cười nói mất kiểm soát ngoài đường. Thực ra họ ở dạng quá nặng và số người như thế chiếm rất ít. Trong chuyên ngành tâm thần học có đến hơn 300 thể kia mà”, anh giải thích.
Tôi lại hỏi rằng nếu nói như thế chẳng hóa ra chúng ta đang bị tâm thần mà không biết.
“Đúng như vậy, những căn bệnh liên quan đến tâm thần bao gồm cả các tâm lý xuất hiện thường xuyên như lo âu, hồi hộp, chán nản, u uất, cáu kỉnh vô cớ.”
Tôi vẫn đọc trong các cuốn sách trinh thám hiện đại của Mỹ thấy nói về vô số các nhân vật lạ kỳ mắc những căn bệnh cũng kỳ quặc không kém như sợ máy bay, sợ độ cao, sợ không gian khép kín, sợ những vật hình tròn, bệnh nghiện ăn cắp vặt, nghiện tình dục, bệnh biếng ăn… Tất cả đều được các tác gia trinh thám và những nhà y học xếp vào mục tâm thần và lệch lạc tâm lý. Nay cả chán nản và cáu kỉnh thường xuyên cũng bị xếp vào căn bệnh nhạy cảm này thì quả là điều kinh ngạc.
Cách đây hai thập kỷ, không thấy mấy ai bị “xì trét” bao giờ. Có người nói chẳng hóa ra thế hệ này toàn lao động trí óc trong khi thế hệ trước rặt là làm việc chân tay? Mới nghĩ rằng ngoài áp lực công việc đồ sộ trong một thế kỷ hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, còn có vô số tội vạ do “ông màn hình phẳng” mang đến. Lợi và hại lúc nào cũng đi kèm với nhau. Trong trường hợp này, thế hệ @ phải lĩnh đủ mọi căn bệnh thời đại sinh ra từ màn hình vi tính. Thời chưa có công nghệ, ngay cả việc tốn ít năng lượng thể chất nhất là tìm kiếm dữ liệu, thì người ta cũng phải sử dụng những cuốn từ điển, bách khoa toàn thư khổng lồ, người ta dò tìm trong những chồng giấy tờ, công văn cao ngất. Chí ít để đạt được điều mình mong muốn, người ta cũng phải đứng lên, đi lại, ngồi xuống mà giở, mà lật. Giờ động tác nặng nhọc nhất là nhấn chuột phải. Muốn bàn thảo công việc, người ta cần gặp nhau để đàm phán, trao đổi, để đưa tài liệu trình duyệt. Giờ chuột phải sẽ đảm nhận hầu hết công việc đó thông qua thư tín điện tử. Bất quá nếu việc rất quan trọng cần có sự mặt đối mặt thì cũng có hội thảo từ xa (video conference). Và còn gì nữa? Muốn phỏng vấn – Nhấn chuột phải. Gửi tài liệu – Nhấn chuột phải. Sáng tác – Nhấn chuột phải. Giải trí – Nhấn chuột phải. Viết thư tình – Nhấn chuột phải. Rồi xem phim, đọc sách báo, trò chuyện, du lịch (mà người ta nói đùa là du lịch trên google)… tất tật được chuột phải và bàn phím hỗ trợ với một đường dây mạng. Người ta bắt đầu đi lại ít đi, gặp gỡ ít đi. Thậm chí việc tình tứ bây giờ cũng được thư điện tử, voicechat và webcam hỗ trợ. Xa nửa vòng trái đất hay ngồi cách vài xen ti mét cũng không khác nhau là mấy. Màn hình phẳng thu gọn cả thế giới trong vài con chip điện tử. Nhiều người ăn máy tính, ngủ máy tính (nghĩa là ngồi ăn ngay tại bàn máy tính và thức đến hai ba giờ sáng để lướt mạng). Sáng ngủ dậy, động tác đầu tiên của họ là bật máy tính kiểm tra email rồi sau mới bước chân vào phòng tắm. Nhiều gia đình bốn người bốn máy tính. Ngay cả trong nhà, việc giao tiếp cũng ít đi nói chi đến hoạt động thể chất. Tứ chi không hoạt động, tất cả mọi năng lượng dồn hết lên bộ não, mới đâm ra cùng lúc phát sinh vô số bệnh. Rồi cuối cùng người ta cũng nhận ra vấn đề mà mình đang gặp phải. Thời bao cấp, một trong những điều cơ bản khiến người ta lo lắng ấy là thực phẩm. Còn thời nay, người ta lo tìm cách chữa bệnh do thực phẩm, ô nhiễm môi trường và lười hoạt động gây ra. Tóm lại là các căn bệnh đô thị. Như một thứ tự kỷ ám thị, nếu mắc bệnh béo phì tức thì sinh ra phản xạ sợ đồ béo, còn mắc bệnh đô thị, người ta ắt phải sợ những thành phố lớn. Người người tìm cách tránh xa đô thị, tránh xa ô tô, cầu thang máy, phòng máy lạnh khép kín, máy vi tính nối mạng.
Một trong những cách để giới trẻ “cai đô thị” là phượt. Giờ không chỉ các ông tây bà đầm nhiều tuổi mới lên núi cao, chui rừng sâu để xả stress mà thanh niên trẻ cũng cần đến hình thức du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm để tránh xa bụi bặm ô nhiễm. Họ thay thế ô tô bằng xe máy, thay thế khách sạn tiện nghi bằng những lều trại và túi ngủ ngoài trời, thay thế cầu thang máy bằng cách đu dây, leo bộ mạo hiểm lên tận đỉnh Phanxipăng, và thay thế các không gian ô nhiễm tiếng ồn bằng những cánh rừng nguyên sinh yên tĩnh.
Người ở thể tĩnh tìm đến những bộ môn nhẹ nhàng hơn như thiền và các trường phái yoga. Các trung tâm chăm sóc sức khỏe bằng liệu pháp sinh thái trong không gian thiền kết hợp massage, trị liệu thảo dược, trị liệu bằng năng lượng, ăn chay thực dưỡng, nước hoa quả lên men tự nhiên… mọc lên như nấm sau mưa. Vậy mà trung tâm nào cũng đông khách, trong đó những người trẻ chiếm phần đông số lượng. Người ta vào không gian thiền định để thưởng thức mùi oải hương thơm ngát, ăn cơm chay và tập luyện yoga trong vài tiếng đồng hồ, cách ly hẳn những lo toan ở bên ngoài.
Những người có thu nhập cao đương nhiên thích tìm lại trạng thái cân bằng cuộc sống qua các dịch vụ xa xỉ như spa và sân golf. Golf được coi là môn thể thao có tác dụng xả stress nhiều nhất với quãng thời gian kéo dài tới vài tiếng đồng hồ đi bộ trên cỏ và hít thở không khí trong lành thường được các doanh nhân ưa chuộng. Chưa kể giờ dân công sở cũng nhận thức ra được vấn đề, họ năng tranh thủ vận động bằng cách chọn cầu thang bộ thay cho cầu thang máy, chọn cách đi bộ đến tiệm bán cơm trưa thay vì dắt xe ra khỏi gara.
Những gì mà hai mươi năm trước tôi thấy lạ lẫm trước hành vi của người phương Tây thì bây giờ thấy dân mình cũng đều làm thế cả. Chẳng lẽ chúng ta đã đuổi kịp họ đến thì hiện đại rồi chăng?
Di Li