Written by Di Li
Bài đăng trên báo Thể thao văn hóa số 194, ra tháng 4/2008

 
Ngày 30/3 vừa qua, trang web sannhac.com đã tổ chức offline tại Cung Văn hoá Thể thao Thanh niên với sự tham gia của 500 sàn viên (từ chỉ các thành viên của sannhac.com). Mới chỉ ra đời chưa đầy 5 tháng nhưng cho đến nay sannhac.com đã đứng trong top 100 trang web được nhiều người truy cập nhất Việt Nam theo thống kê của Alexa.

 

Thu âm miễn phí

Mặc dù sannhac.com có tính năng là một phòng thu âm trực tuyến nhưng sự hấp dẫn của nó còn thể hiện ở chỗ được coi như một blog âm nhạc của những người có cùng chung sở thích. Cũng chỉ trong vòng vài tháng, trang web này đã thu hút đến gần 60.000 thành viên tham gia, mặc dù ban quản trị đưa ra tiêu chí không mở rộng phạm vi cho những người chỉ đăng ký cho vui (cư dân mạng nào muốn đăng nhập phải được một thành viên mời trực tiếp). Lý do khiến số lượng người đăng ký tăng với tốc độ chóng mặt trong một thời gian ngắn (chưa kể lượng người không phải thành viên truy cập để nghe nhạc) là vì sự hấp dẫn của trang web đã đánh trúng tâm lý của giới trẻ. Người Việt Nam yêu thích ca hát, từ đó các phòng karaoke mọc lên như nấm rồi tiếp nối là những phòng thu ra đời. Ðã có một thời trào lưu đi thu đĩa CD giọng mình hát để “tự ra album” khiến các ông chủ phòng thu hốt bạc. Tuy nhiên, một thời gian sau phong trào này dường như đã đi xuống vì lượng khách đến thưa thớt dần. Sự thoái trào của loại hình kinh doanh mới mẻ này không phải do giới trẻ đã bớt yêu ca hát mà vì “tự ra album”, “tự làm ca sỹ” vẫn dường như là một thú chơi khá xa xỉ, với giá thành lên đến 500.000 đồng một CD cho khoảng 4 bài hát, chưa kể sự tốn kém về mặt thời gian và đôi khi kèm theo những lời “càu nhàu đuổi khách” của các kỹ thuật viên mix nhạc khi gặp khách hàng hát kém. Tuy nhiên, với phòng thu online thì dân cư mạng chả phải mất chút chi phí nào. Nếu bình dân thì chỉ cần một micro nhỏ xíu trị giá trăm nghìn, còn muốn sang hơn, chuyên nghiệp hơn, người thu phải đầu tư một bộ âm li và micro xịn, cùng với hệ thống mix nhạc được lập trình sẵn trên trang web, các “ca sỹ” có thể chọn lựa hàng ngàn bài hát trên sàn nhạc để tự thể hiện. Những bài hát này không những có thể copy ra đĩa để tặng cho bạn bè cùng thưởng thức mà phần quan trọng nhất là được post lên sannhac.com, post lên blog cá nhân và vô hình chung, mỗi “ca sỹ” lúc nào cũng sẵn sàng có đến vài ngàn người nghe và fan hâm mộ, điều mơ ước của bất kỳ người yêu thích ca hát nào.
 
 

 

Thể hiện phong cách, kết nối nụ cười

Ðó là khẩu hiệu của sannhac.com. LeNganMai, một sàn viên “trùm” (trang web đưa ra các cấp độ của người hát như: Chaien, Tiên tiến, Trùm) không ngại ngần chia sẻ rằng cô cực kỳ ngạc nhiên khi chỉ từ một người bình thường với những nhóm bạn bè nhỏ, nay cô được rất nhiều người biết đến và lắng nghe cô hát. Ðó cũng là điểm vô cùng kích thích giới trẻ, đặc biệt từ độ tuổi 16-25 là lứa tuổi rất thích thể hiện mình. Có nhiều sàn viên ngoài đời là người nhút nhát, giao tiếp tự ti nhưng khi tham gia sàn nhạc, họ đã thay đổi thành con người khác hẳn. Chỉ sau một thời gian cực ngắn, họ trở thành một người nổi tiếng (chí ít thì có tới 60.000 người biết đến họ do chế độ bình chọn các bài hát tiêu biểu vào trang chủ), có nhiều fan hâm mộ và bạn bè thân cùng chung sở thích. Bạn Nguyễn Song Tú, hiện là sinh viên năm thứ 3 của trường Đại Học Kinh Doanh và Công Nghệ kể rằng “Mình là một người chơi nhạc Rock nên rất ít nói và hơi lạnh lùng, khó gần. Qua một người bạn thì mình đã có mặt ở đây, Sàn Nhạc đã giúp mình có những người bạn tốt, những người có thể chia sẻ với mình niềm đam mê không chỉ trong âm nhạc mà còn cả trong cuộc sống. Mình trở nên sống cởi mở, chan hòa và biết mở lòng mình hơn, mọi người nhìn mình cũng với con mắt thiện cảm hơn trước rất nhiều.”


Các sàn viên giao lưu trực tuyến theo cách này không khác gì một cuộc hát karaoke tập thể với số lượng người tham gia khổng lồ. Họ có thể comment (bình luận) những quan điểm của họ sau khi nghe các bài hát của nhau, tặng nhau bài hát và thậm chí một sàn viên ở Hà Nội có thể hát song ca với một sàn viên ở Hàn Quốc. Chế độ bình chọn sao, bình chọn bài hát, kết nạp fan hâm mộ và cứ mỗi tuần một bài hát top lại được lựa chọn vào trang chủ (nghĩa là cứ click vào trang chủ của sannhac.com thì bát hát đó tự động bật lên) cũng như các cuộc thi giọng ca nam, thi hát song ca hay bình chọn Miss Sàn Nhạc khiến cho các hoạt động của sannhac.com diễn ra sôi động chẳng khác nào một hoạt động âm nhạc chính thống thực thụ.


Sàn nhạc cũng thành lập bốn câu lạc bộ thể hiện các phong cách khác nhau như: Nhóm Ðĩa Than gồm những sàn viên chuyên hát nhạc classic, đồng quê và jazz; Nhóm Cassette chuyên Rock; Nhóm CD chuyên Pop và Nhóm Ipod là những fan cuồng của dòng Hip Hop. Các nhóm này sinh hoạt trong những câu lạc bộ ảo rồi kết dính với nhau ngoài đời thực như những người bạn thân thiết qua các buổi offline vui nhộn. Trong buổi offline chính thức đầu tiên do ban quản trị sannhac.com tổ chức vào chủ nhật vừa qua, các nhóm này đã thể hiện những bài hát trên sân khấu với các phong cách rất đặc trưng. Cũng trong ngày hội này, các sàn viên từ nhiều vùng miền Tổ quốc mà xa nhất là TP Hồ Chí Minh cũng bay ra để tham dự. Nếu như trên một diễn đàn âm nhạc ảo, trước đây các sàn viên chỉ biết nick và giọng hát của nhau thì nay họ đã được sát cánh trên một sân khấu thực, một cuộc đời thực. Ranh giới giữa người biểu diễn và khán giả đã bị xoá nhoà, họ hát cho nhau nghe, vì tất cả đều thích nghe, thích hát. Thậm chí, có một sàn viên nữ đã ngoài 40 tuổi với nick Gia đình vườn tao ngộ được lập chung cho cả hai vợ chồng cũng tham gia biểu diễn. Khi sàn viên “gạo cội” này xuất hiện trên sân khấu, lập tức được bao quanh bởi hoa và những cái ôm hôn của các sàn viên tuổi teen khác. Như vậy, sàn nhạc đã đi đúng mục đích và tiêu chí của những người điều hành khi thực sự hướng đến một “gia đình âm nhạc khổng lồ”, các thành viên hát cho nhau nghe với những tình cảm thân ái chứ không phải chỉ mạnh ai nấy hát với mục đích đề cao cái tôi và thể hiện bản thân. 
 

Từ một ý tưởng mạo hiểm
 

Thật ngạc nhiên khi ý tưởng thú vị này lại xuất phát từ một cô gái mới 24 tuổi. Ngô Phương Thảo, trưởng nhóm dự án Sàn nhạc từng là một blogger với nick Thao dom rất hot trên Yahoo.3600. Tốt nghiệp ÐH Mỹ thuật Công nghiệp, Thảo đầu quân về công ty VC với vị trí thiết kế. Thông minh, quảng giao và giàu ý tưởng, những tố chất ấy đã khiến Thảo được ban lãnh đạo VC Corporation để mắt tới trong quá trình làm việc. Ðích thân phó tổng giám đốc Vương Vũ Thắng gọi Thảo ra và khuyến khích “nên làm một cái gì đó hơn là thừa hành”. Lời khích lệ ấy không chỉ là một “tấm bằng khen tinh thần” mà còn là một áp lực rất lớn. Là một cư dân mạng đã từng sống với tiêu chí “ăn blog, ngủ blog, giao tiếp cũng qua blog”, Thảo nhận thấy những trang mạng cộng đồng hiện nay có thể rất tiện ích nhưng lại thiếu đi một phần rất quan trọng “Chúng có thể hấp dẫn, nhưng chưa lấy được hết niềm đam mê của mình. Vậy có thể là cái gì?”. Và một lần trên đường về nhà, cô nhìn thấy những đám người chen chúc trước cửa một quán karaoke. Câu đố đã có lời giải đáp. Âm nhạc, đó là niềm đam mê của người Việt, nhưng trên thị trường cũng đã có những trang nhạc cộng đồng khác. Đáp số tuyệt vời nhất chỉ có thể là công nghệ ghi âm trực tuyến (karaoke online).


Dự án được duyệt, nhưng tất cả mới chỉ là lý thuyết. Người đầu tiên Thảo nghĩ đến là Ðoàn Kim Quy, cô bạn xưa nay vốn chỉ giao tiếp trên blog và cảm mến nhau qua những dòng comment. Lần đầu tiên gặp nhau trong đời thực, sau khi nghe Thảo trình bày ý tưởng, Quy về công ty xin nghỉ việc. Hai cô gái tiếp tục chạy tất tả khắp nơi để kéo về thêm Lê Phương Nguyên phụ trách thiết kế và Lê Vũ Dương phụ trách dữ liệu âm nhạc chỉ bằng những câu mời kiểu 8x “Có muốn làm hay không?”. Nhưng vấn đề đau đầu nhất là tìm ra vị trí phụ trách kỹ thuật, một vị trí sống còn để đảm bảo giấc mơ của họ biến thành hiện thực, một vị trí mà suốt hai tháng không tìm được người thích hợp. Sức ép bằng mệnh lệnh từ trên xuống rằng trong vòng hai tuần phải tìm ra người, không thì giải tán khiến cả nhóm như ngồi trên đống lửa. Dương lên mạng cầu cứu cậu bạn thân nhất đang học lập trình tại trường Genetic nhờ kiếm hộ một “trùm PHP” (ngôn ngữ lập trình mã nguồn mở). Câu trả lời gọn lỏn tưởng như đùa của cậu bạn thân mang tên Đặng Nguyễn Tuấn Anh “Tao là trùm” đã khiến họ tìm đến nhau.


Ba cửa phỏng vấn, một bài test kỹ thuật được gia hạn trong vòng 7 ngày và hoàn thành chỉ trong vòng 3 ngày, một cú bắt tay của Phó Tổng giám đốc cũng chỉ với một câu “Chúc mừng thành viên mới của VCC” đã mang Tuấn Anh về trám chỗ khuyết của Sàn nhạc. Cỗ máy ấy bắt đầu vận hành với cường độ khủng khiếp, sáng từ 8h đến 10h30’ đêm, về nhà lại online đến 2h sáng để chuẩn bị cho sự ra đời của một sân chơi mới. Nhắc về quãng thời gian ấy, tất cả các thành viên trong nhóm đều thừa nhận chỉ có sự đam mê mới khiến họ vượt qua được chừng ấy áp lực công việc, và cũng chỉ có sự đam mê mới tạo thành chất kết dính năm con người hoàn toàn chỉ quen biết nhau qua những dòng comment... để ráp thành một cỗ máy hừng hực sức trẻ. Cũng chính vì cái không khí ấy mà các thành viên trong ngôi nhà Sàn nhạc luôn kiên nhẫn cùng vượt qua những khó khăn ban đầu như chết server ngay tuần đầu tiên hay sập mạng vì quá tải. Tuấn Anh xúc động nhớ lại kỷ niệm về hành trình dằng dặc đi tìm một công ty hỗ trợ kỹ thuật với hơn 10 cú lắc đầu từ chối bởi chưa có công nghệ thu âm trực tuyến như yêu cầu của nhóm, kể cả những công ty nước ngoài. Tuy nhiên, cứ đi rồi sẽ thành đường. Điều khó khăn nhất bây giờ, theo như Ngô Phương Thảo cho biết là “Hiện tại, sàn nhạc còn hạn chế về tốc độ của trang web khi quá nhiều người thu âm cùng lúc ở rất nhiều nơi khác nhau trong và ngòai nước. Tuy nhiên chúng tôi đang đi đến giai đọan cuối của việc nghiên cứu công nghệ, chắc chắn sẽ có sự cải thiện trong thời gian tới”.