Written by Di Li
Bài đăng trên báo An ninh thủ đô cuối tuần số 127, ra tháng 4/2007
Nghệ thuật khiêu vũ đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ nay và dần dần phổ biến trên khắp thế giới. Nhưng sàn nhảy đầu tiên ở Hà Nội có từ bao giờ? Ðể trả lời được điều này thật khó lắm thay. Thời Pháp thuộc, người Hà Nội đã có khái niệm sàn nhảy. Ðến thời kỳ bao cấp, món giải trí này trở nên lạ lẫm và xa xỉ, nhưng sau năm 1986, đã bắt đầu xuất hiện lác đác một vài điểm khiêu vũ…
Sàn nhảy cổ điển và thời hoàng kim đã quay trở lại
Lúc này, sàn nhảy không ra sàn disco (discotheque) mà cũng chẳng phải là sàn cổ điển, vì dân tình lên đây có thể nhảy đủ mọi điệu từ Tango, Valse, Cha cha cha cho đến Lambada và Disco. Quãng cuối thập niên 80, đầu những năm 90, có thể kể đến vài sàn nhảy được thanh niên đương thời cho là sành điệu như OIJ (Lý Ðạo Thành), 1-5 (Hai Bà Trưng), CLB Thanh niên (Tăng Bạt Hổ), Vọng Ðức… Thời gian này, các dancer (người nhảy) dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều được liệt vào hạng "dân chơi" cho dù mốt thời đó "lên sàn" bằng đủ mọi phương tiện, xe đạp Phượng Hoàng, xích lô, thời trang là quần bom (ống quần rộng thùng thình kiểu chàng Alibaba) và áo tay bồng, vào sàn nhảy uống bia Tàu, được coi là sành điệu. Các sàn nhảy chủ yếu sử dụng nhạc sống và thu hút giới trẻ (hiếm có đối tượng lớn tuổi), vì thế, rất nhanh chóng sau đó đã thoái trào vì các discotheque đúng nghĩa lên ngôi. Rồi bẵng đi một thời gian dài, suốt thập niên 90, khái niệm sàn nhảy cổ điển được gắn cho tầng lớp già nua, cổ lỗ, tìm đến sàn trong giờ hành chính để cặp bồ, đú đởn hay thậm chí thay cho… tập thể dục. Vô hình chung, cho đến tận những năm đầu thiên niên kỷ mới, người ta vẫn còn liên tưởng sàn cổ điển với các bà xồn xồn hồi xuân. Những sàn nhảy thời kỳ này bị các discotheque lấn lướt, nhưng theo thời gian, giới trẻ dần dần quay trở lại với các vũ điệu Valse và Tango. Và thời hoàng kim của các sàn nhảy cổ điển đã quay trở lại.
5 năm trở lại đây, người ta bắt đầu phổ cập khiêu vũ cổ điển. Nghĩa là rất nhiều cơ quan, trường học đã mời vũ sư về để dạy nhảy cho cán bộ, nhân viên, học sinh và coi đó là một phúc lợi, một hoạt động giải trí lành mạnh. Theo đó, các CLB dạy khiêu vũ mọc lên như nấm và nhiều sàn nhảy cổ điển với trang thiết bị hiện đại ra đời. Tiêu biểu là Discovery (Tăng Bạt Hổ), Fashion Club (Chợ Hôm), Dancing Queen (Võ Thị Sáu), CLB Vệ Nữ (Cung VH Hữu nghị Việt Xô), CLB Khiêu vũ Lý Nam Ðế... Giờ giấc hoạt động của sàn nhảy cổ điển rất thống nhất với 3 ca: 9h30, 15h30 và 20h30, cũng là để thuận tiện cho nhiều đối tượng. Số thanh niên vào đó tuy không chiếm thế áp đảo nhưng cũng không phải là ít. Các sàn nhảy cổ điển ít khi bán vé và tiền nước không đắt lắm nên bất kể giờ nào cũng đông đúc. Vì lên đây thường là các bà các cô nên sàn nào cũng có một đội ngũ nam đông đảo mặc đồng phục sơ mi trắng đeo cà vạt. Nhiều người gọi nôm na là “trai nhảy”. Họ hoạt động chuyên nghiệp và nhanh đón bắt ý của khách nên thường khiến các khách nữ hài lòng. Ngoài một số rất ít tiêu cực, còn nhìn chung, các sàn nhảy cổ điển sinh hoạt lành mạnh và văn hoá.
Discotheque, sẽ ngày càng hiện đại
Thời hoàng kim của các Discotheque là vào giữa thập niên 90. Trước đó, các sàn disco đầu tiên ở Hà Nội cũng đã nổi đình nổi đám vì đưa ra một phong cách giải trí mới lạ như Saigon Pool (Ðội Cấn), Queen Bee (Láng Hạ)… với đầy đủ bar rượu, hệ thống âm thanh chuyên nghiệp và và chỉ mix duy nhất nhạc disco. Liên tiếp sau đó, dân Hà Nội, cả trẻ lẫn già như bị ngộp thở bởi sự ra đời của hàng loạt vũ trường hiện đại mà nho nhỏ thì có Scorpion, Smiling, New Wave… lớn hơn thì Mái Lá, Spark, Centropell, Metal, XO Club, Magic, Monaco mà phần lớn là các rạp chiếu phim ế khách đã được thuê lại làm sàn nhảy. Các vũ trường kiểu này cũng chỉ tồn tại được vài năm do có cái bị cháy, bị rút giấy phép, hay hoạt động kém hiệu quả, tuy nhiên đã đóng góp một phần đáng kể cho bộ mặt giải trí của Thủ đô. Giống như các sàn cổ điển đông đảo đội ngũ trai nhảy, discotheque kiểu này cũng rất đông gái nhảy, do đó cũng có nhiều quý ông vào đây không phải chỉ để nhảy. Nhưng dù sao số này chỉ chiếm thiểu số, còn phần lớn dân tình “chăm” lên các vũ trường disco vẫn là giới trẻ, và ngày càng trẻ hoá. Cuối thập niên 90, các discotheque bắt đầu chết dần và chỉ nhường chỗ cho các “đại gia” nào biết cách làm ăn như New Century, Apocalipse Now. Giới teen Hà Nội, thậm chí nhiều U40, U50, đã bắt đầu sành điệu với từ “lên New” và coi đó là một trong những tiêu chuẩn được công nhận là “chơi”. Các discotheque ở Hà Nội hiện nay được trang bị rất hiện đại với hệ thống đèn laser, máy tạo khói, âm thanh khủng, DJ xịn và mix nhạc chả kém gì các DJ quốc tế. So với các discotheque lớn của khu vực như Inter Continental (Phnompenh), Novotel (Vientiane), Aquarius (Kualalumpur), Nasa Spaceadrome (Bangkok) và thậm chí Zouk (khu liên hợp discotheque lớn nhất Singapore) thì discotheque của ta cũng không hề kém cạnh. Vì phần lớn khách hàng của discotheque ở lứa tuổi teen nên không tránh khỏi những “trò chơi” mà người lớn khó chịu rồi dần dần dư luận đã gán những tiêu cực cho nó như đánh nhau, mại dâm, và gần đây là ectasy và các loại ma tuý thời thượng khác. Cũng vì lý do đó nên vũ trường disco ở nước nào cũng vậy, đều có đội ngũ bảo vệ trông rất “ngầu” để sẵn sàng ra tay khi có sự cố. Tuy nhiên, tiêu cực xảy ra ở các discotheque cũng chỉ là số nhỏ, nên không vì thế mà bao hàm tất cả.
Vũ điệu Mỹ Latin bắt đầu lên ngôi
Ba năm trở lại đây, giới trẻ Hà Nội đã bắt đầu “nghiện” một loại hình khiêu vũ mới là các vũ điệu Mỹ Latinh nóng bỏng. Mặc dù không còn mới mẻ ở các nước phương Tây cũng như nhiều nước châu Á khác nhưng chỉ mãi đến năm 2002, khi cựu phó đại sứ Thuỵ Sỹ Raoul Imbach chính thức bắt đầu nhiệm kỳ ở Việt Nam thì người dân Hà Nội bắt đầu mới vỡ ra khái niệm Salsa. Raoul đã rất nhiệt tình khi thắp lửa cho điệu nhảy này và thuyết phục nhiều người cùng tham gia. Nutz Bar (KS Sheraton) là sàn nhảy Salsa đầu tiên ở Hà Nội, là sân chơi cho không chỉ Salsa mà còn các vũ điệu Mỹ Latinh khác như Bachata, Merengue, Macarena, Reageaton. Chỉ chơi nhạc Salsa vào tối thứ tư, thứ bảy với giá vé 60.000đ/người kèm đồ uống, Nutz Bar đã thu hút một số lượng không nhỏ các đệ tử Salsa. Suốt một thời gian dài, Nutz Bar là sàn nhảy độc quyền ở Hà Nội nên cầu đã vượt quá cung. Chỉ tính riêng trong năm 2006, đã có thêm hai quán bar kèm sàn Salsa mới là S Club (Ấu Triệu) và La Baila (Xuân Diệu) ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của dân ghiền Salsa khi mà Nutz Bar đã trở nên quá tải. Tuy nhiên các sàn nhảy nghiệp dư này hoạt động không mấy hiệu quả và dường như không hấp dẫn dân ghiền Salsa đã quen với không khí sôi động nên nhanh chóng phải dẹp đi để thay thế bằng dịch vụ khác.
Khác với sàn cổ điển và disco, sàn Salsa vẫn duy trì được tính lịch sự, sang trọng nhưng không kém phần bốc lửa, vui nhộn và cuồng nhiệt. Những vũ điệu Latinh này khiến nhiều dân ngoại đạo và thậm chí cả dân ghiền cổ điển và disco sợ chết khiếp vì phong cách sexy và nóng bỏng. Dân ghiền salsa và các salsero, salsera chuyên nghiệp cho rằng Salsa hấp dẫn vì tính phóng khoáng, sáng tạo, xã hội (thay đổi bạn nhảy liên tục) và các động tác gợi cảm. Tất cả những điều đó làm nên Salsa. Vì vậy, khi nhìn thấy khoảng cách giữa các đôi nhảy bằng zero kèm theo các cử chỉ khêu gợi mang đúng tinh thần Salsa, nhiều người tá hoả tam tinh và gán cho các sàn nhảy loại này cái sự ăn chơi Âu Mỹ, thác loạn. Tuy nhiên, đối tượng của các sàn Salsa chủ yếu là thanh niên trí thức và khách ngoại quốc, nhìn chung, là những người có đầu óc cởi mở để tiếp thu “hệ tư tưởng” mới của ông thầy Raoul. Càng ngày Salsa càng phổ biến đến nỗi kéo theo các CLB dạy Salsa, diễn đàn Salsa, cuộc thi Salsa và hội Salsa ra đời. Và mới đây, nắm bắt được thị hiếu giải trí của thanh niên Thủ đô, khách sạn Melia đã mở thêm bar nhảy Latino Bar, mặc dù chỉ phục vụ từ 9 giờ tối chủ nhật hàng tuần nhưng lúc nào cũng đông nghịt khách.
Và khi người ta “nghiện”
Phàm là khi người ta yêu thích cái gì thì người ta dễ nghiện cái đó. “Nghiện” mang yếu tố tích cực khi đó là thứ lành mạnh như tem, xe máy cổ, sách, âm nhạc và khiêu vũ… Ngoài ba loại hình dancing kể trên (tạm chia như vậy theo chủ quan của người viết) thì còn rất nhiều trường phái khác, tuy nhiên không mấy phổ biến ở Việt Nam. Nhiều phần tử cực đoan của Salsa và cổ điển nhất định không coi disco là "nhảy" cho dù người viết bài này cố công thuyết phục họ rằng trong từ điển Tiếng Việt "nhảy" được định nghĩa là những động tác cơ thể phối hợp theo nhịp nhạc. Dân ghiền discotheque đương nhiên cũng không thích thú gì với những bước Salsa phức tạp và những vũ điệu Valse, Tango mà họ cho là cổ lỗ. Các đệ tử ruột của khiêu vũ cổ điển (nhất là những dancer có tuổi) không mấy hào hứng với Salsa, cho rằng mình không thể nào thực hiện được những động tác sexy như mấy “đám Salsa” kia. Thậm chí nhiều vũ công cổ điển chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp còn “kiên quyết” không chịu học Salsa vì sợ… hỏng dáng (Phong cách khiêu vũ của Salsa và cổ điển khác nhau cơ bản ở độ cứng và mềm trong động tác). Nếu có thì họ chỉ học cho biết vậy thôi và giao lưu khi cần thiết chứ nhất định không nghiện. Còn đối với dân Salsa thì... nếu ai đã trót đam mê điệu nhảy Mỹ Latinh này rồi thường “miễn dịch” với các thể loại khác. Hiếm có người nào đam mê tất tần tật (âu cũng là một điều may mắn cho bản thân họ).
Đó là chuyện trong giới ghiền khiêu vũ. Còn đối với dân ngoại đạo, chẳng biết từ bao giờ rất nhiều người thất kinh khi nghe đến từ “nhảy nhót”. Dù “nhảy” theo hình thức nào thường được họ liên tưởng với khái niệm ăn chơi, sành điệu thậm chí là tiêu cực như đú đởn, trụy lạc, ma tuý, mại dâm, bồ bịch. Tuy nhiên ở các nước phương Tây, khiêu vũ đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ và phổ biến ở mọi tầng lớp từ lao động nghèo đến quý tộc. Cũng như văn hoá “karaoke” ở các nước châu Á (nhiều người phương Tây nhận xét rằng người châu Á rất thích ca hát, ở đâu cũng có thể cất tiếng hát) thì ở các nước phương Tây, nơi khó có thể tìm được một quán karaoke, người dân của họ lại rất thích khiêu vũ. Họ khiêu vũ mọi nơi mọi lúc, tiệc sinh nhật, tiệc cưới, đêm lửa trại, ngày hội sinh viên ? Họ không hề ngượng ngùng khi nhảy trước đám đông cho dù đó chẳng phải là sàn nhảy và cho rằng khiêu vũ là một sinh hoạt văn hoá lành mạnh không thể thiếu, là hình thức giải trí hấp dẫn, là cách rèn luyện cơ thể được dẻo dai, là nơi giao lưu bằng ngôn ngữ cử chỉ trong một thế giới hội nhập, là lời tỏ tình bằng chân. (Thậm chí nhiều tổng thống cũng rất đam mê khiêu vũ.) Phong trào khiêu vũ ở Việt Nam sau một thời gian khá dài, 20 năm kể từ sau đổi mới, đã bắt đầu định hình và mang lại một bộ mặt văn hoá riêng làm giàu thêm các loại hình giải trí và nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh sàn giao tiếp thì nhiều cuộc thi khiêu vũ chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp liên tiếp được tổ chức thu hút đông đảo khán giả cũng như các thí sinh tham gia. Vì vậy đây là một sinh hoạt văn hoá cần được đầu tư, khuyến khích nhiều hơn nữa.