Cả nước đang vào mùa tuyển sinh. Nhiều bậc phụ huynh lo chuyển cấp cho những đứa con vừa tốt nghiệp tiểu học, rồi cuống cuồng tìm trường cấp ba và cam go nhất là kỳ thi vượt vũ môn vào đại học. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam đứng top đầu châu Á trong cuộc chạy đua vũ trang tìm trường, tìm thầy nên việc các gia đình có con đang trong độ tuổi đi học hừng hực dưới cái nóng 37oC để dùi mài đèn sách không có gì là lạ. Con học, con luyện thi, bố mẹ, ông bà cũng ngồi học, ngồi luyện thi nốt. Hiếu học là tốt. Hiển nhiên là như vậy, nên đã từ lâu, cuộc chạy đua vũ trang này không chỉ bắt đầu từ những năm bản lề của lớp 12, lớp 9, lớp 5 mà còn lui xuống tận bậc… mẫu giáo.
Cuộc đua chạy trường
Vì làm trong ngành giáo dục, nên đến mùa này tôi hay nhận được những cú điện thoại rất ngạc nhiên lúc đang chạy xe trên đường nóng hầm hập. “Em à, em có quen ai trên…?”. Đầu đuôi là phần lớn các cuộc đàm thoại này xoay quanh việc làm thế nào để đứa con 6 tuổi của họ có thể “chạy” vào một trường X,Y,Z bằng mọi giá. Họ luôn nhấn mạnh chữ bằng mọi giá. Tôi ngạc nhiên vì là tôi làm ngành giáo dục thật nhưng là bậc cao đẳng, sao có thể tham gia cuộc đua maratong của các cháu còn đang ở lứa tuổi tè dầm, ngạc nhiên hơn nữa là đã từ lâu ngành giáo dục đã rất mạnh tay trong cái cuộc chạy nhắng lên tìm trường của các bậc phụ huynh, các cháu đến tuổi thì cứ đúng tuyến mà học thôi, sao lại phải khổ. Tôi trình bày đầy đủ các ý này cho đầu dây bên kia hiểu nhưng lại nghe thấy tiếng thở dài não nề đầy tâm trạng lo lắng và căng thẳng nên thấy mình cũng thật vô tình. Họ nói rằng tôi không hiểu gì hết, bây giờ nếu không chạy được vào cái trường ấy, thì rất có thể cả sự nghiệp học hành của cháu sẽ bị ảnh hưởng, việc học không tốt thì tương lai tươi sáng cũng đổ bể theo. Rồi sau khi thấy không mong đợi gì ở tôi nữa, họ vội vã cúp máy, chắc hẳn để bấm những số tiếp theo, những số cầu may của một người quen xa xôi nào đó làm trong ngành giáo dục có thể chỉ cho họ con đường ngắn nhất để vào cái trường mơ ước.
Cho đến các cuộc thi đầu vào
Trong một cuộc tán gẫu giữa các phụ nữ thì một trong những đề tài hấp dẫn nhất là “Năm nay định cho thằng bé thi trường nào?”. Mới đầu tưởng “thằng bé” này 18 tuổi nhưng kỳ thực nó mới 5-6 tuổi. Vậy là những cuộc tranh luận nổ ra, trường này giáo viên tiếng Anh tốt, trường kia cô rèn được chữ đẹp. Một chị nào đó bày tỏ vẻ lo lắng “Trường X năm nay 1 chọi 6, thấy bảo năm ngoái trượt nhiều lắm”.
Hầu hết các trường tiểu học dân lập hiện nay đều tổ chức kỳ thi đầu vào. Các trường danh tiếng như Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm… thi đầu vào rất ngặt nghèo. Một chọi năm, sáu là chuyện bình thường. Hồ sơ tuyển sinh vài ngàn mà chỉ lấy có mấy trăm. Ngày thi đầu vào sắp đến, các sĩ tử và đặc biệt là bố mẹ sĩ tử cuống cuồng tăng tốc, cả bố lẫn con cùng học ngày học đêm, mùa hè người ta đi chơi công viên nước, con mướt mồ hôi ngồi học. Chứ sao nữa, trượt vỏ chuối thì đeo mo vào mặt, rồi lại phải về trường nhà (trường đúng tuyến) mà học. Đã về trường nhà học thì coi như thất bại ngay từ phút đầu ra “trường thi đấu”, tương lai sẽ hết sức ảm đạm. Vì thế cái mác trường rất thần kỳ, cho dù học phí đắt gấp chục lần trường công, thi vào khó ngang thi đại học, nhưng các phụ huynh chẳng từ bỏ.
Ngày thi đến, các sĩ tử mặc quần soọc hoặc váy hoa ngơ ngác tề tựu ở sân trường, vẻ căng thẳng hiện rõ trên nét mặt. Căng thẳng không phải vì lo cho tương lai 16 năm sau của mình, mà căng thẳng vì chúng nhìn thấy bố mẹ chúng căng thẳng. Sĩ tử ngồi ở phòng chờ nóng nực, tay gạt mồ hôi trên vầng trán nhỏ xíu để đợi đến lượt mình. Tuy nhiên, khác với các sĩ tử vượt cổng vũ môn mang theo lỉnh kỉnh những thước kẻ, ê ke, máy tính, rồi cả phao thi, sĩ tử nhí chỉ mang theo đúng một… chiếc bút chì, là đủ dụng cụ cho kỳ thi nghiệt ngã với 3 môn: đọc, viết và tiếng Anh. Khi sĩ tử lũn chũn vào phòng thi, bố mẹ lần lượt vẫy tay “Chúc con thi tốt nhé”.
Các phụ huynh chờ đợi bên ngoài, xua tan lo âu và sốt ruột bằng cách trò chuyện với nhau. Nhưng càng nói chuyện càng đâm lo thêm, vì có phụ huynh đăng ký cho con thi liền một lúc 3 trường để chẳng may trượt trường nọ còn có trường kia. Có phụ huynh đã cẩn thận cho con luyện thi từ hai năm trước (nghĩa là từ lúc sĩ tử mới lên 4 tuổi). Đặc biệt có phụ huynh đã may mắn tìm được một thầy luyện chữ đẹp mà trong lò luyện của thầy, 10 năm nay, chưa một sĩ tử nào ra lò mà lại trượt.
Lò luyện thi tiểu học
Thực ra, rất nhiều bậc phụ huynh nói cứng “Cứ đua nhau học trước, để làm gì, cuối cùng thì cũng chỉ để biết đọc biết viết, ngày xưa người ta còn bình dân học vụ mà vẫn cứ biết đọc biết viết đấy thôi”. Tuy nhiên, khi thấy con nhà người ngày ngày đến lò luyện, chữ to chữ nhỏ cứ đọc vanh vách thì cũng đâm sốt ruột. Cuối cùng, nhà nhà dồn con đến lò luyện, đặc biệt các gia đình có con chuẩn bị theo học ở trường có quy chế thi đầu vào thì nhất quyết không luyện trước không được. Những người “đứng lò” thường là các cô giáo uy tín ở trường tiểu học. Tuần ba buổi, các sĩ tử xách cặp có vở và bút chì đến lò, chen chúc nhau trong lò đến mướt mồ hôi để gò lưng ngồi luyện chữ và tập đánh vần. Chật quá thì hai sĩ tử chung một bàn, quay ngược quay xuôi. Có phụ huynh đưa con đến muộn, không có chỗ đành xin cho cháu ngồi ghé ngoài cửa. Cảnh tượng này làm tôi nhớ đến hình ảnh của mình hơn 10 năm về trước, lúc đang ngồi trong những lò luyện thi đại học và lo ngay ngáy về tương lai. Còn các sĩ tử nhí lo ngay ngáy vở tập viết chữ không được điểm 10 sẽ bị bố mẹ mắng. Và bên ngoài, các bậc phụ huynh lại tề tựu hỏi nhau xem cho con vào trường nào, những câu chuyện vẫn hết sức rôm rả mặc dù nhiệt độ ngoài trời đã tăng gần đến 40oC.
Di Li