Bài đăng trên báo Lao động cuối tuần, số 3 ra ngày 16/01/2009

Written by Di Li

 

Thời gian vừa qua, nhiều cuốn sách về đồng tính cả ở thể loại fiction và non-fiction liên tiếp xuất hiện trên thị trường. Trong đó cuốn tự truyện “Không lạc loài” của nhà báo Thành Trung do nhà văn Lê Anh Hoài chắp bút đã gây xôn xao dư luận nhiều nhất. Một phần cũng là vì trước đó, “Không lạc loài” đã được nữ nhà văn Cấn Vấn Khánh chắp bút được vài chương, sau đó do bất đồng quan điểm nên sự cộng tác giữa Thành Trung và Cấn Vân Khánh phải ngừng lại. Với lượt in đầu là 4000 ấn bản, “Không lạc loài” đã được coi là một cuốn sách ăn khách.

 

Anh so sánh sức sáng tạo của một tiểu thuyết hư cấu và một cuốn sách người thật việc thật có gì khác nhau?
Trước đến nay, ở ta vẫn có một quan niệm phổ biến là: văn học là hư cấu hay nói cách khác là phải hư cấu mới là văn học. Thật ra không phải thế, dòng văn học phi hư cấu (non fiction) là một dòng lớn trên thế giới. Nó có thế mạnh là đưa đến cho công chúng những câu chuyện thật của những con người có thật nên sức thuyết phục rất cao. Ngoài ra, những tác phẩm kiểu này còn có sự liên hệ rất mạnh đến những ngành khoa học xã hội như lịch sử, tâm lý học, xã hội học, gia phả học chính ở tính “người thật việc thật” của nó. Tôi không biết các tác giả khác thế nào nhưng với tôi viết cả hai thể loại đều khó. Đừng nghĩ là viết loại non fiction thì không phải tưởng tượng, và viết loại fiction thì không cần sự thực.

 

“Không lạc loài” là một cuốn sách gây nhiều dư luận trước khi ra sách vì trước đó nữ nhà văn Cấn Vân Khánh đã chấp bút một nửa. Anh có bị áp lực vì sự việc đó? Và phần đầu của cuốn sách liệu có tránh được sự trùng lặp so với người viết ban đầu?
Khánh có cách nhìn và cách viết của Khánh, tôi tôn trọng trên tinh thần đồng nghiệp và cả tinh thần anh em (ngoài đời tôi khá thân với Khánh). Tuy nhiên, cách viết này và có thể cả những vấn đề nào đó mà tôi không biết hết đã làm sự hợp tác giữa hai người chấm dứt. Tôi coi đó là chuyện riêng của hai người. Với tôi đây chỉ là một vấn đề nhỏ cần tham khảo. Còn về áp lực? Tôi có cách tiếp cận vấn đề của tôi nên khá thoải mái khi viết và cũng không sợ trùng lặp gì với người viết ban đầu. Còn trong phần Khánh viết có một số sự việc, biến cố trong đời sống của Trung thì tôi cũng phải nhắc đến, nhưng xin nhắc lại là dưới cách nhìn khác, văn phong từ ngữ khác.

 

Sau “Bóng”, cuốn “Không lạc loài” được in với số lượng khá cao. Liệu đây có phải là tiền lệ để các nhân vật thuộc giới tính thứ ba sau này liên tục ra sách?
Tôi cũng không rõ, nhưng có lẽ sẽ không hẳn, nhất là sự “liên tục” như chị nói. Bởi vượt qua sự kỳ thị, công khai giới tính thứ ba không phải là chuyện đơn giản. Không có nhiều ngừơi để “liên tục” đâu.

 

Anh nói rằng sau khi làm việc với Thành Trung về cuốn sách này, nhiều quan điểm của anh về giới tính thứ ba đã thay đổi. Cụ thể là thế nào? Và điều đó có thành yếu tố chủ quan trong quá trình anh viết cuốn sách?
Quan điểm chủ đạo trong xã hội hiện nay vẫn là xa lánh và kỳ thị với những người đồng tính. Trước khi làm việc với Trung, tôi không kỳ thị nhưng cũng chưa hiểu nhiều về giới này. Làm việc với Trung và gặp khá nhiều người trong giới, nghe những câu chuyện của họ, tìm hiểu các công việc của họ, tôi thấy họ cũng giống người dị tính luyến ái ở rất nhiều mặt cơ bản. Tất nhiên xu hướng luyến ái của họ không phải vấn đề nhỏ và gây cho họ rất nhiều nỗi khổ. Xã hội không nên khoét sâu thêm nỗi khổ này. Tôi tìm hiểu cuộc sống của Trung một cách bình tĩnh, cố gắng gạt bỏ hết những định kiến có sẵn để hiểu đằng sau những hành động có vẻ ngoài kỳ lạ kia là những tâm tình gì. Và tôi thấy một con người với đầy đủ thất tình lục dục khá thú vị. Xin nói thêm, tôi cho là viết tự truyện cho bất cứ một ai chứ không chỉ Thành Trung thì người viết cũng vẫn phải có những thao tác tâm lý như thế mới có thể hiểu được nhân vật mà viết được. Nói cách khác có vẻ hoa mỹ là “cố gắng đặt mình vào vị thế người ta”.

Anh dành thái độ đối với những nhân vật trong “Không lạc loài” như thế nào? Cụ thể là đối với nhân vật chính, ông thầy giáo đã lạm dụng tình dục học trò của mình (Thành Trung ) và K. (người yêu đã tự sát của Thành Trung)?
Tôi cố gắng đi gần đến sự thật nhất có thể chứ không để những thái độ chủ quan chi phối. Tất nhiên cái nền chủ đạo nhất vẫn là nỗ lực thấu hiểu và thông cảm, kể cả nhân vật “phản diện” như ông thầy giáo. Tôi nghĩ ông ấy cũng thật thống khổ.

 

Chủ đề đồng tính nam, lại có nhiều chi tiết người thực việc thực, là một nhà văn nam, anh có gặp khó khăn trong việc miêu tả cảm xúc của nhân vật? Trong lúc viết, anh có sợ rằng ranh giới giữa trần tục và trần trụi sẽ rất gần nhau?
Tôi trao đổi với Trung khá nhiều và tôi nhận ra, khi người đồng tính yêu nhau mãnh liệt, thì có rất nhiều xúc cảm, thậm chí hành động giống như một đôi nam - nữ yêu nhau mãnh liệt. Có khác chăng là một số biểu hiện đặc thù của giới họ mà thôi. Quan niệm về “trần tục” và “trần trụi” không phải ai cũng giống ai. Tuy nhiên, là người viết sách cho nhiều người đọc, tôi rất lưu ý đến vấn đề này và cũng đã rất tiết chế. Quan điểm của tôi là viết vừa đủ hiểu chứ không đi vào mô tả những chuyện sống sượng. Đời sống tình cảm, tâm lý của Thành Trung được tôi coi trọng hơn cả. Thế còn nhân vật của tôi có những khoảng thời gian sống buông thả, có rất nhiều bạn tình… thì để trung thực với người đọc và với nguyện vọng của chính Thành Trung, tôi phải viết ra thôi. Dù điều này làm không ít người sốc.

 

Nhiều người kỳ thị với thể loại tự truyện, cho rằng đó là loại sách thị trường, câu khách khi phô bày những chuyện cá nhân thầm kín và không có… văn. Một phần là vì nhiều khi nhân vật chính lại không có khả năng thể hiện văn chương và việc truyền tải ý đồ, cảm xúc lại phải qua một người khác chấp bút. Quan điểm của anh thế nào khi đối mặt với những lời thị phi này?
Như trên tôi đã nói, dòng văn chương phi hư cấu là một dòng lớn. Đằng sau việc một con người, (có thể là người rất bình thường chứ không nhất thiết phải là VIP) lên tiếng và phô bày cuộc sống cũng như thái độ sống của chính mình, là cả một tinh thần dân chủ. Tất nhiên còn phải xét khả năng của từng tác giả với từng tác phẩm cụ thể nữa. Chuyện có “văn” hay không là một chủ đề phức tạp, có lẽ xin không đi sâu vào ở đây. Tôi chỉ khẳng định là nếu viết tốt, thì một chuyện rất thật, nhìn bề ngoài có vẻ tầm thường vẫn có “văn” như thường. Còn viết kém, thì dù có núp bóng dưới những điều kỳ lạ, vĩ đại, cao thượng… tác phẩm vẫn cứ không ra gì.