Bài đăng trên TC Thủy Sản số Tết Kỷ Sửu
Nếu như những người Việt Nam sống ở nước ngoài thường chia sẻ rằng thời khắc mà họ cảm thấy cô đơn nhất trên nơi đất khách quê người là Giáng sinh và năm mới dương lịch, thì những người nước ngoài ở Việt Nam cũng lại có những cảm nhận khác về ngày Tết ở nơi không phải quê hương họ. Chúng ta hãy nghe những vị khách nước ngoài sống lâu năm ở Hà Nội nói về những hoạt động của họ trong ngày Tết Việt.
Wael Almulla, quốc tịch Iraq, 27 tuổi, chủ nhà hàng Dragon Fly, 25 Trúc Bạch
Tôi đã sống ở Việt Nam được 9 năm và vì thế những hồi ức về ngày đầu năm mới ở quê nhà thường gắn liền với tuổi ấu thơ. Ngày Tết ở Iraq và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau, trẻ con được nhận tiền mừng tuổi rồi được mua sắm quần áo mới để đi thăm bạn bè, họ hàng. Tôi rất thích Tết Việt vì có pháo hoa. Ở đất nước chúng tôi người ta chẳng bao giờ bắn pháo hoa vào những dịp đó. Tôi và bạn bè thường ra hồ Hoàn Kiếm để ngắm nhìn cảnh tượng ngoạn mục này. 9 năm rồi, không năm nào tôi có thể bỏ qua được màn bắn pháo hoa. Ngoài ra, những cành đào, cành quất tượng trưng cho ngày Tết mà tôi được nhìn thấy ở các nhà hàng xóm khá lạ mắt, cả bánh chưng nữa, cũng rất ngon. Vào ngày Tết, tôi thường đến thăm các gia đình bạn bè người Việt. Chúng tôi mang rượu, trà, sôcôla… đến làm quà tặng cho họ. Ở những đất nước Hồi giáo, người ta cấm uống rượu hay các đồ uống có cồn khác nhưng vào ngày Tết tôi được những người bạn Việt Nam mời rượu nhiệt tình và tôi khó có thể từ chối. Cả bố tôi nữa, khi ở quê nhà ông luôn nghiêm khắc trong chuyện này, nhưng vào ngày Tết, bố tôi cũng phải uống rượu chúc mừng cùng họ. Từ hai năm nay, tôi bắt tay vào kinh doanh nên ngày Tết thì khá bận rộn. Năm ngoái, hồi chưa chuyển địa điểm đến đây, chúng tôi đã rất bận với việc tổ chức sự kiện giao thừa cho quán “One thousand and one nights”: Múa bụng, quay sổ xố, rồi tiệc. Năm nay cũng sẽ như vậy. Chỉ sau giao thừa mới là thời khắc của riêng mình. Tôi thường ngồi uống rượu và khiêu vũ với bạn bè đến 4-5 giờ sáng. Thực sự là vui.
![](/images/stories/CIMG0193(1).jpg)
Renaat Paul Elza De Meuleunaer, quốc tịch Hà Lan, 39 tuổi, giáo viên tiếng Anh tại trường quốc tế Raffles
Tết là thời gian để tôi được nghỉ ngơi. Hồi còn ở quê hương, tôi thường ở nhà với gia đình vào dịp giao thừa. Chúng tôi ăn những bữa thịnh soạn, chúc mừng nhau và mở champagne. Tôi đặc biệt thích các kênh truyền hình vui cười vào dịp giao thừa và thường xem đến 11h đêm. Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm bạn bè, ăn tiệm và khiêu vũ. Nhưng đó là hồi trước thôi, còn khi đã đi làm, vì tôi làm việc trong ngành khách sạn nhà hàng, nên Giáng sinh và năm mới thực sự lại là những ngày bận nhất. Kể cả khi sang Việt Nam cũng vậy, những năm đầu tôi làm việc cho một khách sạn ở Hải Phòng, ngày Tết người ta nghỉ, tôi thì làm, nên thực sự cũng không biết đến cảm giác cô đơn là gì. Tuy nhiên, sau này, khi tôi chuyển sang nghề dạy học thì Tết lại là dịp được nghỉ ngơi. Tôi đã sống ở Việt Nam 4 năm, nhưng chưa năm nào ăn Tết ở Hà Nội. Cứ ngày Tết là cả nhà tôi kéo nhau đi nghỉ. Năm đầu tiên, tôi và hơn 20 đồng nghiệp lên Sapa ăn Tết. Không khí vui như… Tết. Chúng tôi còn leo lên Phanxipang nữa. Năm trước thì cả nhà tôi đi Nha Trang, Đà Lạt. Giao thừa, rồi ngày Tết, trên các bãi biển vẫn đông nghịt người, hình như không yên tĩnh giống Hà Nội. Nhưng Đà Lạt mới thực sự là nhộn nhịp. Tôi thích không khí Tết ở đó. Còn dự định năm nay, chúng tôi sẽ về quê vợ ở Thái Bình. Cô ấy là người Việt, tuy nhiên chúng tôi không phải sắm sửa đào quất, bánh chưng hay mua sắm gì nhiều cho ngày Tết. Tết là dịp chúng tôi để “vườn không nhà trống”.
![](/images/stories/CIMG0191(1).jpg)
Raja Mahmood Janjua, quốc tịch Pakistan, 31 tuổi, giám đốc kinh doanh công ty Vietpak Trade
Ở đất nước chúng tôi người ta không chào đón năm mới. Thay vào đó, chúng tôi có hai ngày lễ cực lớn của người Hồi giáo là lễ Eid Ul Fitar và Eid Ul Aza, rơi vào khoảng đầu tháng 10 và đầu tháng 12. Trong những ngày lễ này, chúng tôi giết bò, giết dê để làm lễ cúng tế. Còn ngày đầu năm thì lại vẫn coi như ngày thường. Tất nhiên khi sang đây sống thì khác. Tôi là người Pakistan đầu tiên định cư ở Việt Nam, những người đồng hương khác thường chỉ đến rồi lại đi, nhiều nhất là vài tháng. Cộng đồng của chúng tôi ở đây rất ít, nên ngày Tết tôi thường chỉ gặp các đối tác thương mại là nhiều. Tôi không có nhiều bạn ở đây. Năm ngoái thì tôi đón giao thừa cùng cộng đồng người Ấn ở khách sạn Bảo Sơn. Tôi rất phiền muộn vì ngày Tết ở Việt Nam. 4 năm rồi, tôi phải chứng kiến cảnh các cửa hàng đóng cửa hầu như suốt tuần, không có gì để ăn, không có gì để chơi. Tôi cũng rất không vui vì mình là người làm kinh doanh, mặc dù Tết chính thức chỉ có 5 ngày nhưng các nhân viên của tôi hầu như không còn đầu óc nào để nghĩ đến công việc được nữa. Họ bắt đầu không thể tập trung được vào giữa tháng Chạp và sẽ tiếp tục để ý đến chuyện ăn chơi cho tới giữa tháng Giêng. Dường như tất cả biến mất trong vòng một tháng vậy. Vợ tôi người Việt nên ngày Tết tôi cũng làm đúng thủ tục như người Việt Nam là đi thăm gia đình nhà vợ. Tuy nhiên, tôi chỉ biết tiếng Anh và không phải người Việt nào cũng biết tiếng Anh nên trong những ngày này tôi thường không nói chuyện được nhiều. Chúng tôi cũng không nặng về vấn đề mua sắm Tết và trang trí nhà cửa. Thôi thì Tết đúng là dịp để nghỉ ngơi.
![](/images/stories/DSC04844(1).jpg)
Di Li (thực hiện)