Phóng sự của Di Li
Bài đăng trên báo
Lao động cuối tuần số 43, ra tháng 10/2008
 


Chiếc xe chở các cán bộ của tổ chức phi chính phủ DED, Đức, dừng lại trước một tiệm rửa xe trong một phố nhỏ quận Đằng Giang, TP Hải Phòng. Khác với những tiệm rửa xe thông thường khác, nơi này có một tấm biển thật đặc biệt gắn phía trên với chữ Hoa Phượng Đỏ, một cái tên quen thuộc không chỉ đối với người dân Hải Phòng mà còn với cả những bạn bè quốc tế. Tất nhiên, đây là một cơ sở kinh doanh mà toàn bộ nhân viên là những người đang sống chung với HIV.
 
 

Mất việc làm khi vẫn còn sức lao động


Người ta vẫn thường nhắc đến sự kỳ thị đối với những người nhiễm HIV như tránh ăn chung bát, chung mâm, đi nhầm phải đôi dép của người khác cũng gây ra sự ghê sợ, có người chuyển sang giai đoạn AIDS còn bị gia đình tống vào nằm trong nhà vệ sinh, ăn uống trong nhà vệ sinh, đến khi chết cũng được khâm liệm trong nhà vệ sinh. Tuy nhiên, khi điều này trở thành một “chuỗi dây chuyền” bởi nhiều người nhiễm HIV bị từ chối nhận vào làm việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động nửa chừng thì đã là vấn nạn làm suy giảm sự phát triển về kinh tế, giảm văn minh và phá vỡ tính cộng đồng. Chị Kim Thị Hậu, sinh năm 1970, hiện là trưởng nhóm Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng kể rằng trước đây chị là công nhân may, đang có việc làm rất ổn định nhưng từ khi biết chị có HIV, chủ doanh nghiệp may đã khôn khéo viện ra lý do để sa thải chị. Thất nghiệp trong một xã hội đầy khó khăn và cạnh tranh này đã là điều kinh khủng, lại thất nghiệp trong tình trạng cơ thể đang mang bệnh và kinh tế gia đình kiệt quệ thì đó chính là một cú sốc thứ hai sau khi biết tin mình đã mang trong mình loại virus chết người.


Chị Hậu chỉ là một trong vài ngàn trường hợp ở thành phố Hải Phòng. Phần lớn khi thông tin về những người có HIV bị lộ ra ngoài, họ đều bị mất việc làm. Nhiều người vẫn mang tâm lý không muốn giao tiếp với một người có HIV, làm cùng hay sử dụng dịch vụ của người có HIV lại càng không, vì thế cơ hội kiếm được thu nhập đã bị chặn đứng. Đứng trước thực tế phũ phàng này, Phạm Thị Huệ, người được phong danh hiệu Anh hùng châu Á, hiện là tư vấn nhóm Hoa Phượng đỏ đã cùng với nhóm của mình (gồm hơn 130 thành viên trong đó có 8 chị em phụ nữ nhiễm HIV là thành phần cốt cán), đưa ra ý tưởng thực hiện 3 mô hình kinh doanh tạo việc làm cho 22 thành viên trong nhóm bao gồm May mặc, Nuôi tu hài và Rửa xe máy. Thật may mắn, ý tưởng của cô đã được tổ chức DED hỗ trợ theo chương trình CSR: Doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội. Ước mơ của Huệ và những người đang rơi vào tình trạng tuyệt vọng vì bị mất việc làm đã sắp trở thành sự thật, nhưng đó mới là ý tưởng được duyệt, còn thực hiện như thế nào đây? Yêu cầu của DED đối với doanh nghiệp là Sự đầu tư đối ứng. Không như các hoạt động hỗ trợ, tài trợ khác, yêu cầu của DED rất ngặt nghèo khi đòi hỏi doanh nghiệp phải góp một số vốn với tỷ lệ 50/50. Ông Juergen Foerster, chuyên viên của tổ chức DED cho biết “DED hợp tác với khối kinh tế tư nhân trong khuôn khổ các chương trình Hợp tác công tư là một bước tiếp cận mới tới xoá đói giảm nghèo. Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ giảm nghèo theo chiến lược của chính phủ VN từ năm 2006-2010. Lý do DED cần một nguồn vốn đối ứng trong dự án này là vì như vậy, doanh nghiệp tự bỏ vốn, cũng sẽ tự ý thức hơn trong việc quản lý và điều tiết đồng vốn của mình, như vậy mới có thể phát triển tốt.” Ngoài trích ra số tiền ít ỏi trong quỹ của nhóm, Huệ bắt đầu chạy đôn chạy đáo tìm sự hỗ trợ của các doanh nghiệp sao cho huy động đủ số vốn đối ứng. Và như cô nói “Mình cứ làm rồi ông Trời sẽ không phụ”, tháng 7/2007 dự án xây dựng doanh nghiệp để hỗ trợ việc làm cho những người nhiễm HIV với tổng số vốn là 14.300 EURO đã trở thành hiện thực.

 

Khó khăn vẫn còn đó

Tiền đã có rồi, nhân sự cũng đã sẵn sàng, nhưng điều hành một doanh nghiệp ba lĩnh vực không phải là việc đơn giản ngay cả đối với những người đã từng trải qua nhiều kinh nghiệm kinh doanh. Ngay từ đầu, ý tưởng nuôi tu hài ở Cát Bà của Huệ đã bị cả gia đình và những người trong nhóm coi là điên rồ. Tự nhiên đổ hàng trăm triệu ra biển mà chưa nhìn thấy tương lai đâu, lợi nhuận vô cùng mờ mịt vì nuôi tu hài phải một năm sau mới có thể tiêu thụ được. Đầu tư bằng những đồng tiền chắt chiu mồ hôi nước mắt của cả nhóm và chịu sự giám sát ngặt nghèo của một tổ chức nước ngoài, sức ép là vô cùng lớn đối với một cô gái 28 tuổi, còn đang phải chịu bao trọng trách về truyền thông và chăm sóc, hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ. Những ngày đầu tiên, việc công khai một tiệm rửa xe với biển đề đàng hoàng do chính những người đã từng nghiện ma tuý và nay đang mang trong mình virus chịu trách nhiệm là một việc làm hết sức mạo hiểm. Mặc dù, được chính quyền và các chi hội phụ nữ sở tại ủng hộ xong sự kỳ thị vẫn còn đó, rửa xe là một dịch vụ trực tiếp, nhiều khách hàng vẫn còn ngần ngại. Ngay cả một việc rất đơn giản đối với bất kỳ người nào có vốn trong tay là thuê địa điểm để hoạt động lâu dài cũng vô cùng gian nan đối với Huệ. Khi biết lý lịch của người thuê, gia chủ nhất định không chịu, từ chối với nhiều lý do tế nhị khác nhau. Về dịch vụ nuôi tu hài, mới đầu Huệ thậm chí còn giữ kín thông tin với giới truyền thông, sợ rằng nhiều doanh nghiệp sẽ ngần ngại mà nhập hàng từ nhóm của Huệ, cũng như cũng có những doanh nghiệp từ chối thẳng thừng không nhận hàng thuê móc của nhóm với nỗi sợ kỳ dị rằng biết đâu trong quá trình thêu, móc, công nhân sơ xảy để que móc đâm vào tay chảy máu rồi máu sẽ dây ra sản phẩm. Nhưng gần một năm trôi qua, ước mơ “điên rồ” của Huệ đã hiển hiện hàng ngày trước mắt của bà con quận Đằng Giang và Kiến An. Nhiều người ở xa cũng mang xe đến đây rửa để ủng hộ. Cơ sở rửa xe máy đã tạo thu nhập 700.000đ/tháng trên một đầu người lao động. Thu nhập của 10 nhân viên may mặc dao động từ 1.000.000đ-1.500.000đ/tháng. Hiện nay, kỳ vọng lớn nhất của Huệ và cả nhóm vẫn đang trông chờ vào 2 tấn tu hài ở Cát Bà. Nuôi tu hài rất lãi, nhưng cần phải kiên nhẫn vì điều kiện nuôi khó khăn và thời gian chờ đợi lâu dài. Theo Huệ, hiện nay thị trường thuỷ hải sản rất sôi động, cầu thường vượt quá cung, nên doanh thu 300 triệu từ tu hài so với số vốn 100 triệu mà nhóm của cô bỏ ra chắc chắn sẽ là một thành quả tuyệt đẹp.

 

Người nhiễm HIV cưu mang người không nhiễm

Ba cơ sở hoạt động kinh doanh của Hoa Phượng Đỏ rất đặc biệt với những con người đặc biệt. Mặc dù so với mặt bằng giá hiện nay, thu nhập của các thành viên nhóm dễ khiến những người thành phố tiêu cả vài triệu cho một bữa ăn phải bật cười, nhưng đồng tiền ít ỏi nhận được đã khiến họ rơi những giọt nước mắt hạnh phúc. Họ đang trong nỗi tuyệt vọng vì bị mất nguồn thu nhập, mất niềm vui lao động, nếu có giữ được bí mật về thân thế để giữ chỗ làm thì nào có thể chia sẻ chuyện trò những câu chuyện bình thường như những người khác, nay họ được những thứ còn lớn hơn tiền bạc. Huệ nói rằng, phần lớn những người chưa chuyển sang giai đoạn AIDS đều còn nguyên sức khoẻ để làm việc, vậy mà xã hội lại tước đi quyền được lao động của họ. Khi làm việc theo nhóm, những người nghiện ma tuý động viên nhau cai nghiện thành công, họ nhắc nhở nhau uống thuốc cho đúng giờ, tinh thần vô cùng thoải mái vì có thể chia sẻ những điều mà bấy lâu nay vẫn giữ kín. Nhiều nhân viên còn độc thân sau khi tham gia làm việc tại doanh nghiệp đã tìm được nửa còn lại của mình, một hạnh phúc tưởng chừng như không bao giờ còn tìm thấy nữa. Có những trường hợp vô cùng thương tâm như nhiều chị sau khi chồng chết đã bị gia đình nhà chồng đuổi đi với hai bàn tay trắng trong khi đứa con nhỏ cũng đang trong tình trạng bị nhiễm HIV. Các cơ sở doanh nghiệp của Hoa Phượng Đỏ đã trở thành điểm dừng chân đầy bao dung giúp họ tạo dựng cuộc sống mà không phải nhờ vả bất kỳ ai khác.

Cá biệt có hai mẹ con hoàn toàn không bị nhiễm HIV nhưng hàng ngày vẫn sống và làm việc cùng những người bị nhiễm. Đó là hai mẹ con chị M, có chồng đã chết sau khi chuyển sang giai đoạn AIDS, nhưng hai mẹ con chị lại hoàn toàn khoẻ mạnh. Tuy vậy gia đình nhà chồng vẫn ruồng rẫy chị vì không ai tin có chuyện ấy. Cơ hội giao tiếp, việc làm hay tìm một chỗ thuê trọ dường như là điều không tưởng đối với chị. Rơi vào bước đường cùng, chị M qua một người quen liên hệ trước đành khăn gói tìm đến nhóm Hoa Phượng Đỏ. Nay chị M và cậu con trai 5 tuổi ngủ trong một chiếc giường nhỏ ở phòng trong của cơ sở rửa xe máy, được nhóm giúp đỡ việc làm và hỗ trợ học phí cho cháu nhỏ. Nhìn chỗ ở tạm bợ của chị cũng chẳng dễ chịu gì nhưng chứa đựng đầy tình người. Một người hoàn toàn khoẻ mạnh lại được những người nhiễm HIV giúp đỡ và bao bọc. Chuyện tưởng thật như đùa ấy đã xảy ra giữa những người đã từng cùng chung một nỗi niềm tuyệt vọng.

 

Những đứa trẻ vẫn chờ đợi tương lai

Cơ sở may Hoa Phượng Đỏ đóng tại phố Nguyễn Lương Bằng, quận Kiến An, TP Hải Phòng, là một căn nhà chừng ba chục mét vuông với cả xưởng, bếp ăn và một góc nhỏ dành cho người trực đêm. Nhà mái tôn trần thấp nằm ngay mặt đường, cái nắng giữa hạ thả sức tuôn hơi nóng vào ngôi nhà bé nhỏ. Có chục chiếc máy may với 10 nhân công ngồi đạp từ 7 rưỡi sáng đến 5 giờ chiều, mỗi chiếc quần đùi gia công có giá 4000/chiếc, trừ chi phí còn hơn 2000/chiếc cũng mang lại thu nhập dao động 1 triệu/tháng đủ để họ tùng tiệm duy trì cuộc sống cho hai mẹ con. Những người phụ nữ đang làm việc ở đây đều có con nhỏ, có cháu đã bị nhiễm HIV từ mẹ sang con, có cháu không, nhưng tất cả đều không được đến trường. Chúng chen chúc cùng nhau trong xưởng may chật hẹp, chơi cùng những mụn vải và chưa biết ngày mai sẽ như thế nào. Chị Đoàn Thị Khuyên là trưởng nhóm cơ sở may Hoa Phượng Đỏ, sinh năm 1982, chồng mất đã ba năm rưỡi, chị và cậu con trai 5 tuổi đều đã bị nhiễm HIV được 5 năm. Khuyên có khuôn mặt tươi tắn, dễ thương, lúc nào cũng cười như thể cuộc sống trước mặt chỉ toàn một màu hồng (những người phụ nữ trong xưởng may này đều tươi tắn, bất chấp cái nóng như thiêu như đốt hấp lên từ đường cái trước mặt, bất chấp những nỗi lo về lô hàng ít ỏi vừa bị rớt giá, và bất chấp virus tai ác trong cơ thể), chỉ đến khi hỏi rằng “Tại sao cháu bé lại không đi học?” (cũng chỉ là một câu hỏi về mặt nguyên tắc vì câu trả lời đã là hiển nhiên rồi), khuôn mặt Khuyên mới se lại. Chị Kim Thị Hậu có một cháu trai hoàn toàn khoẻ mạnh, tuy nhiên, trường mẫu giáo lấy sức ép của các bậc phụ huynh để từ chối nhận cháu vào học. Chị Hậu đành gửi cháu đến một ngôi trường xa gấp chín lần bình thường, nơi mà lý lịch của hai mẹ con hoàn toàn được giữ bí mật. Có thể phải dậy sớm hơn để đưa con đi học, có thể lúc nào cũng nơm nớp vì sợ có người phát giác về thân thế như thể tội phạm, nhưng dù sao con trai chị cũng được đến trường, hạnh phúc hơn rất nhiều đứa trẻ hàng ngày lang thang ra các trường mẫu giáo, vươn những thân hình bé nhỏ đánh đu lên cánh cổng để ngó vào sân chơi bên trong đang rộn rã tiếng cười.

Cũng có những bà mẹ có thể làm theo phương thức của chị Hậu là giữ bí mật nhân thân rồi gửi con đến nơi thật xa, nhưng không phải ai cũng đủ kinh tế để làm việc ấy. Khuyên ôm cậu bé có đôi mắt to và cái tên rất đẹp Phạm Đăng Khoa vào lòng. Cô hy vọng nhóm Hoa Phương Đỏ rồi đây ngoài ba mô hình kể trên mở rộng để thu hút nhiều nhân lực trong nhóm hơn nữa, còn có thể mở được một lớp mẫu giáo để nuôi dạy các cháu bị những trường học từ chối. Huệ nói rằng trong nhóm HPĐ có tới hai cô giáo mầm non có bằng cấp và kinh nghiệm đàng hoàng nhưng sau khi nhà trường biết chuyện, các cô đã bị đuổi việc. Các cô có nghề, khao khát được theo đuổi nghề mà lại không được dạy, các cháu đang tuổi đến trường, khao khát được đi học mà không được học, mở một lớp học để cô và cháu gặp nhau là điều vô cùng hợp lý. Huệ cũng đang gấp rút huy động các nguồn tài trợ để mở mô hình thứ tư này. Trước khi rời khỏi xưởng may, cô ôm chặt những đứa trẻ đen đúa, mồ hôi mồ kê nhễ nhại với đôi mắt quyết tâm như khi đổ hàng trăm triệu xuống giữa biển.
Trên bức tường của xưởng may có treo hình chúa Jesu bị đóng đinh trên cây thánh giá, đó là bức tượng của Khuyên, cô là người Công giáo. Có thể cô hy vọng hàng ngày, Chúa vẫn nhìn xuống những con người nhỏ bé trong ngôi nhà chật hẹp luôn đầy ắp tiếng cười này, cũng như Huệ, luôn miệng nói rằng “Mình có công, Trời sẽ không phụ”. Và thành quả của họ, đến hôm nay đã bước đầu mở ra một ngày mai tươi sáng.

 

Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Đức và hoạt động tại Việt Nam

Trong khối phát triển Đức, Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Đức DED là tổ chức dịch vụ công phi lợi nhuận chuyên về hợp tác nhân sự. Kể từ khi DED thành lập năm 1963 đến nay đã có hơn 13.000 chuyên gia phát triển cống hiến cho công tác cải thiện điều kiện sống của người dân các khu vực Châu Phi, Á, Mỹ La tinh. Việt Nam là một trong 46 quốc gia có trụ sở của DED. Bắt đầu hoạt động từ năm 1993, theo yêu cầu của các cơ quan đối tác địa phương, các chuyên gia DED được cử tới tư vấn chuyên môn các lĩnh vực như phát triển kinh tế và xúc tiến nghề nghiệp, phát triển nông thôn và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, y tế và chăm sóc người khuyết tật, trong đó có chương trình đặc biệt hỗ trợ các tổ chức quần chúng sở tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.