Bài in trên báo Điện tử - Công nghệ - Thông tin số Xuân Kỷ Sửu
Thế giới phẳng hay công nghệ internet đã mở một cánh cửa lớn về thông tin cho các nhà văn trẻ Việt
Anh bắt đầu tham gia thế giới mạng như thế nào và anh thấy sao về những ưu điểm của blog? Blog có thể giúp gì cho công việc hiện tại của anh hay chỉ như là một thú vui giải trí?
Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng: Tôi biết đến Internet từ năm 1998. Ưu điểm của blog là có một chốn riêng, ảo, để làm gì tùy ý: nhật ký riêng tư, kho lưu trữ cá nhân, nơi trao đổi, chia sẻ cảm xúc, ý nghĩ, kinh nghiệm... với bạn bè.
Nhà văn Lê Anh Hoài: Tôi bắt đầu biết Internet từ khi nó mới chỉ có ở các cơ quan và đường truyền thì chậm như rùa. Tôi thì hay tò mò và chính đặc tính này khiến tôi lao vào nó và nhận ra rất nhiều lợi ích. Dĩ nhiên, tôi cũng nhanh chóng nhận ra rất nhiều "rác" trên mạng. Tuy nhiên tôi nghĩ Internet cho nhiều hơn là lấy đi. Nó khiến cách thức giao tiếp của con người biến đổi hoàn toàn và làm thế giới gần lại. Blog chính là một công cụ chuyên biệt độc đáo làm những điều tôi nói trên càng diễn ra nhanh hơn và ghê gớm hơn.
Nhà văn Lê Anh Hoài
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Tôi đến với blog từ một sự xấu hổ của bản thân. Đó là một ngày buồn buồn, tôi sực nhớ internet đã được khởi động ở Việt Nam từ năm 1997 mà mãi đến năm 2006 mình vẫn đứng ngoài cuộc, chỉ thăm viếng kiểu cưỡi ngựa xem hoa thì ngượng quá. Thế là tôi bắt tay làm một cái blog. Và nhờ cái blog bé nhỏ và xấu xí, tôi biết rằng có một thế giới ảo cũng đầy đủ vui buồn như thế giới thật đang chen lấn từng ngày.
Họa sỹ Ngô Lực: Tôi tham gia vào thế giới mạng đã lâu với mục đích kiếm tìm thông tin và những kiến thức mà tôi cần. Tôi thấy blog là một công cụ rất dễ sử dụng và tiện lợi. Điều quan trọng nhất của blog là tính công cộng. Cư dân mạng từ đó có thể đóng góp sự đồng tình hay phản bác. Như vậy chúng ta sẽ nhìn nhận nhiều vấn đề khách quan hơn. Ngoài ra, blog còn là nơi để mọi người có thể thư giãn khi viết về những vấn đề của cá nhân mình, những điều mà không dễ nói chuyện trực tiếp mặt đối mặt.
Đấy là những mặt tiện ích, song quan điểm của anh thế nào khi rất nhiều blogger phô bày những câu chuyện thầm kín và cảm xúc riêng tư ra chốn “công cộng”? (Có blogger còn tự post ảnh khỏa thân của chính mình và người khác lên mạng, post nguyên xi những đoạn chát riêng tư hay những cuộc cãi lộn.)
Lê Thiếu Nhơn: Cái chuyện này khó nói lắm. Chúng ta không thể ràng buộc blogger bằng những định chế xã hội, mà phải có cách đánh thức sự văn minh tiềm ẩn của họ. Khi và chỉ khi, blogger trang bị được ý niệm blog là một trò chơi văn hoá, thì những “ngón nghề” lộn xộn mới mong được kiềm chế.
Ngô Lực: Chúng ta vẫn có thói quen đẹp khoe, xấu che nên mới cảm thấy điều đó là bất ổn. Tôi nghĩ đó hoàn toàn là chuyện bình thường. Còn nếu đã dám làm và dám nói thì phải biết chấp nhận dư luận.
Họa sỹ Ngô Lực
Trần Tiễn Cao Đăng: Bản thân tôi không phê phán ảnh khỏa thân, chát riêng tư, cãi lộn... trên blog. Một mặt, tôi đã qua cái thời kỳ luôn luôn sẵn sàng phê phán mọi thứ. Mặt khác, tự bản chất, blog là cõi riêng tư. Người ta có thể làm bất cứ cái gì họ muốn trên blog, chừng nào các friend của blog đó thật sự là friend của họ và chấp nhận những gì họ làm. Còn những ai không phải là friend của họ thì chẳng có lý do gì để bận tâm đến chuyện họ làm gì với blog của họ. Miễn là, họ biết giữ điều tối thiểu: đừng động chạm đến lợi ích, thanh danh, an ninh... của người khác - điều mà chắc chăn họ không muốn mình bị người khác làm.
Lê Anh Hoài: Đấy là quyền của cá nhân, trong phạm vi pháp luật và đạo đức con người văn minh cho phép. Sự chia sẻ là nhu cầu của con người, và trong thế giới hiện đại, nhu cầu này dường như ngày càng mạnh. Tuy nhiên, không được làm phiền và đặc biệt là xâm hại người khác. Chẳng hạn, cảm xúc riêng nhưng lại liên quan đến người khác thì phải cân nhắc khi đưa lên, những đoạn chat hay cãi cọ gì đó cũng vậy. Đưa ảnh khỏa thân dù của chính mình lên nhưng ảnh đó không có tý gì nghệ thuật mà thuộc loại "khoe hàng" thấp kém thì coi chừng bị đả phá (từ ngay cộng đồng mạng), còn đưa ảnh của người khác lên là vi phạm pháp luật. Nói chung quyền riêng tư là đáng tôn trọng nhưng không thể lạm dụng, nhất là khi quá đến mức phạm pháp.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Vậy liệu những thông tư sắp tới được ban hành nhằm quản lý blog có khiến các blogger e dè hơn? Và liệu nghị định này có thể quản lý các blog “ không sạch sẽ”?
Ngô Lực: Tôi nghĩ rằng nghị định là cần thiết nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự tự giác của mỗi cư dân mạng. Khó có nghị định nào có thể cấm nổi con người suy nghĩ vì tự do tư duy và tự do ngôn luận là quyền sở hữu của mỗi con người. Ở các nước phát triển, người ta không ban hành những nghị định quản lý những phát ngôn trên mạng. Hơn nữa, cũng cần phải định nghĩa đúng thế nào là “sạch sẽ” và thế nào là “không sạch sẽ” mới được.
Lê Anh Hoài: Như tôi đã nói trên, tôi ủng hộ quan điểm người phát ngôn trên Internet phải có trách nhiệm về đạo đức và về pháp luật. Các nước phát triển cũng thế mà thôi. Suy cho cùng người phát ngôn phải giúp cho xã hội văn minh lên chứ không phải là ngược lại. Để hết các blog “không sạch sẽ” có lẽ cần nhiều thứ song hành, riêng nghị định thì không giải quyết được.
Trần Tiễn Cao Đăng: Tôi nghi ngờ vào tính khả thi của nghị định này, cũng như đã từng nghi ngờ (một cách hoàn toàn có cơ sở) ở tính khả thi (và tính hợp lý) của rất nhiều quyết định khác từ các cơ quan thẩm quyền nước ta.
Lê Thiếu Nhơn: Tất nhiên, ở nước mình thì cần ủng hộ qui định “tự do trong khuôn khổ”. Thế nhưng, tôi cũng xin nhắc lại rằng, bản lĩnh mỗi cá nhân mới là “bức tường lửa” hữu hiệu nhất trên internet. Tôi nghĩ, nếu cam đoan một biện pháp chế tài nào đó mà một sớm một chiều quét sạch những blog không sạch sẽ thì hơi lạc quan tếu. Chỉ làm sao cho blog sạch sẽ nhiều hơn blog không sạch sẽ, thì đẳng cấp văn minh của cư dân mạng đã được nâng lên đáng kể.
Di Li (Thực hiện)