Written by Di Li
Bài đăng trên báo Thể thao văn hóa cuối tuần số 43, ra tháng 10/2008
Những người trẻ tuổi và các giá trị ảo
Có lần, khi tôi dẫn vài người nước ngoài vào trung tâm thương mại Diamond Plaza (TP Hồ Chí Minh), tất cả đều kinh ngạc khi nói rằng từ lúc sang Việt Nam đến nay đã là vài năm, họ chưa bao giờ gặp ở đâu nhiều teenager (thanh thiếu niên) đến như vậy và quan trọng hơn, họ thấy các khách hàng tuổi teen ra vào plaza cũng giống y hệt thế hệ trẻ của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kong… với các kiểu tóc cầu kỳ lạ mắt, quần áo thời trang kiểu lôi thôi đến kỳ quặc, ăn pizza và uống coca cola.
Các trung tâm thương mại lớn ở các khu đô thị trên thế giới luôn là điểm tập trung lý tưởng của tầng lớp thanh thiếu niên. Họ vào đó để shopping (hoặc chỉ để ngắm đồ) CK, United Colour, Bebe, Bossini, xem những siêu phẩm mới nhất của điện ảnh Mỹ mà nhất thiết phải có sự góp mặt của Lindsay Lohan, Hilary Duff, Dakota Fanning, Daniel Radcliff, ăn đồ ăn nhanh trong các quán KFC, Mac Donald, Pizza Hut, uống cà phê tan trong Starbuck và quan trọng hơn, để vui, để chứng minh một phong cách sành điệu.
Đa phần các bậc phụ huynh không thể hiểu nổi suy nghĩ của giới trẻ. Họ hầu như phát điên khi không thể cấm đoán con cái mình mặc những bộ quần áo kỳ quái như vừa bước ra từ rạp xiếc, đó là thứ thời trang mà theo họ, là phi thẩm mỹ và… không phù hợp với học sinh. Tuy nhiên, các teenager lại thấy đẹp, và sẵn sàng nhịn ăn sáng cả tháng trời để đổi lấy một bộ “thời trang kỳ quái” cho theo kịp chúng bạn. Những người lớn tuổi cũng không thể hiểu nổi tại sao, “tụi trẻ” lúc nào cũng “ham muốn” một chiếc điện thoại di động xịn, một chiếc xe máy xịn, một Ipod xịn, một laptop xịn… trong khi chúng không có việc gì để sử dụng chúng, mà nếu đã không cần thiết thì tại sao phải đổ tiền vào những thứ đồ vô ích. Và họ cố công giải thích cho con cái họ hiểu rằng giá trị của con người không bao giờ đồng nghĩa với vật chất vì tư cách đạo đức, tri thức mới là quan trọng nhất. Tuy nhiên gần như 100% những lời “dốc bầu tâm huyết” ấy cũng hầu như làm các teenager phát điên. Họ cũng không hiểu nổi tư duy “cổ lỗ” của các bậc cha mẹ và tiếp tục chìm vào những giấc mơ mang hình logo Apple, Vaio, Piagio và Nokia thế hệ mới nhất. Càng sống trong những nơi đô thị lớn, giới trẻ càng mau chóng hình thành cho mình những phong cách được coi là sành điệu. Và đô thị càng lớn, các phong cách càng đa dạng. Giới trẻ tự hình thành nên đủ loại stylist kiểu Rock, Hip hop, Harajuku, Elite, Manga... Họ tự tìm cho mình một nhóm bạn có chung style và lại phát triển style đó theo phong cách riêng của nhóm mình. Vô hình trung, trong tâm trí của tất cả giới trẻ, dù muốn dù không, đều có những mô hình chung về khái niệm “sành điệu”. Và để trở thành kẻ sành điệu, để được bạn bè coi trọng và thán phục, họ phải đạt bằng được những “cột mốc” ấy.
Tuy nhiên, ở một số quốc gia mà đô thị và kinh tế phát triển với tốc độ chóng mặt, trong đó có Việt Nam, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng dõang ra thành một hố sâu khổng lồ. Qua con mắt quan sát của các phóng viên nước ngoài, các đô thị lớn ở Việt Nam là một sự pha trộn ngoạn mục giữa làng và phố, truyền thống và hiện đại, sang trọng và bần hàn. Nếu như trong các plaza đông đúc, trong các quán Highland Café sang trọng, lớp lớp những teenager là cậu ấm cô chiêu trưng bày những phong cách sành điệu sánh ngang thế hệ đồng tuổi ở các đô thị lớn khác trên thế giới, thì trong những phòng trọ tồi tàn ở các khu dân cư lao động, hàng vạn sinh viên ngoại tỉnh vẫn chen chúc dưới cái nóng hầm hập của mái tôn để chúi mũi vào những cuốn sách dầy cộp. Các bữa ăn trưa của họ không phải là lườn gà nướng Kentucky và khoai tây rán, mà là những bữa cơm bình dân ở các căng tin rẻ tiền và thậm chí là mỳ tôm qua ngày.
Cơn sốt thần tượng và hội chứng học đòi thần tượng
Nhắm trúng vào thị hiếu giới trẻ, rất nhiều hãng sản phẩm lồng ghép hình tượng sành điệu vào các video clip quảng cáo. Ví dụ như hãng đồ uống kinh doanh Pepsi Cola đã chi rất nhiều tiền cho việc mời các ngôi sao thần tượng tuổi teen vào những video clip quảng cáo mà lần lượt là ngũ quái Spice Girls, Pink, Britney Spear, Enrique Iglesias, Hyun Joon, Lee Jun-ki, Cổ Thiên Lạc, Thái Y Lâm, Bi Rain, Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, Phương Linh, Hà Anh Tuấn… chỉ với mục đích duy nhất là để giới trẻ cảm thấy mình sành điệu cũng như… sao khi thi nhau tiêu thụ thứ đồ uống không mấy bổ béo ấy. Hãng điện thoại Nokia bao giờ cũng tuyển chọn những người mẫu vùng Scandinavia với mái tóc bạch kim, thân hình gày nhẳng kiểu người mẫu và quần áo body thể hiện phong cách sành điệu. Vì vậy, mặc dù tính năng của Nokia cũng không khác gì những hãng khác song giới trẻ chỉ có thể yên tâm là mình đã tạo dựng phong cách khi nhét trong túi một chiếc điện thoại sành điệu này. Các nhà sản xuất phim Hàn, một đất nước mà logo có chữ Dynamic Korea (Hàn Quốc năng động), đã vô cùng năng động khi phim truyền hình xuất xưởng được tiêu thụ tơi tới ở rất nhiều nước châu Á. Họ dựng ra những hình tượng nhân vật yếu đuối, xinh đẹp, sành điệu… không hề giống tính cách nóng như lửa của đàn ông xứ Hàn và những kiều nữ vốn không phải sinh ra ở một đất nước có nhiều mỹ nhân. Tuy nhiên, các nhà làm phim Hàn đã thành công khi tạo ra một trào lưu điện ảnh và một thế hệ lấy hình mẫu nhân vật phim Hàn Quốc làm thần tượng.
Song điều gì cũng có mặt trái của nó. Cơn sốt thần tượng đôi khi trở nên quá đà và hình ảnh thần tượng đã ám vào đời sống thực của các fan hâm mộ đến mức các fan nhất nhất “sao y bản chính” các hành động của thần tượng, từ cách phục sức, nói năng cho đến yêu đương, và thậm chí cả cách chết. Mấy năm trở lại đây, làng giải trí Hàn Quốc có hàng loạt các ngôi sao tự tử bằng cách treo cổ. Lần lượt những ngôi sao lớn của xứ Hàn như Jang Chae Won, Choi Jin Sil, Ahn Jae Hwan, Jeong Da Bin, Lee Eun Joo, Lee Hye Ryeon, Yeo Jae Gu… sẵn sàng giã từ cuộc sống hào nhoáng và hàng triệu fan hâm mộ để tìm về với cát bụi. Và trong từ điển đã xuất hiện một cụm từ mới là “Hội chứng tự tử Hàn Quốc”. Phần lớn các sao Hàn được chẩn đoán là mắc chứng trầm cảm trước khi họ tự sát. Đây là một căn bệnh phổ biến trong những đô thị hiện đại, nơi mà con người phải đối mặt với những cạnh tranh và áp lực nặng nề. Hồi đầu tháng 10, diễn viên Kim Hyun Joon cũng hút chết vì dùng thuốc an thần quá liều, trường hợp tương tự như Heath Ledger, ngôi sao đoản mệnh trong bộ phim Brokeback Mountain. Từ đó, tự tự bằng cách treo cổ đã hình thành một “trào lưu kinh hoàng” trong giới trẻ Hàn Quốc. Cho đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày có 38 người Hàn tự tử. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn không thể so sánh với nước Nhật, khi trung bình một năm có tới hơn 30.000 người tự sát, gấp ba lần Hàn Quốc. Thậm chí ở Tokyo còn có hẳn một con sông “dành cho’ những người trẫm mình tự tử. Trong con số thống kê đó, đối tượng tự sát là thanh thiếu niên ngày càng tăng. Mới đây, một cuộc khảo sát đối tượng học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có tới 21% học sinh có biểu hiện stress và trầm cảm. Những vụ tự sát tập thể trong thanh thiếu niên không còn là chuyện xa xôi của nước Mỹ, nước Nhật mà đã xuất hiện ở các thành phố lớn của Việt Nam. Đó chính là hệ quả tất yếu của sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, khi mà những người trẻ tuổi đang sẵn sàng, hoặc chưa sẵn sàng bị ném vào vòng quay của áp lực và cạnh tranh trong một thế kỷ toàn cầu hóa.