Written by Di Li
Bài đăng trên báo Kinh tế đô thị cuối tuần số 197, ra tháng 10/2008
 

Trong khối phát triển Đức, Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Đức DED là tổ chức dịch vụ công phi lợi nhuận chuyên về hợp tác nhân sự. Kể từ khi DED thành lập năm 1963 đến nay đã có hơn 13.000 chuyên gia phát triển cống hiến cho công tác cải thiện điều kiện sống của người dân các khu vực Châu Phi, Á, Mỹ La tinh. Việt Nam là một trong 46 quốc gia có trụ sở của DED. Từ cuối năm 2006, DED đã đầu tư 50% vốn vào 3 mô hình doanh nghiệp của nhóm Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng với nội dung tạo công ăn việc làm cho những người bị nhiếm HIV. Báo KT&ĐT đã có cuộc phỏng vấn ông Juergen Foerter, chuyên gia dự án, về chủ đề này.


 

Ông có thể cho biết mục tiêu và các hoạt động của Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức DED tại Việt Nam?
Bắt đầu hoạt động từ năm 1993, theo yêu cầu của các cơ quan đối tác địa phương, các chuyên gia DED được cử tới tư vấn chuyên môn các lĩnh vực như phát triển kinh tế và xúc tiến nghề nghiệp, phát triển nông thôn và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, y tế và chăm sóc người khuyết tật, trong đó có chương trình đặc biệt hỗ trợ các tổ chức quần chúng sở tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp BPSC nhằm thực hiện các dự án trong những năm tới liên quan đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Sau khi VN gia nhập WTO, xuất nhập khẩu tăng mạnh, các doanh nghiệp sẽ phải cần đến bộ chuẩn về xuất khẩu như chất lượng hàng hóa, công nghệ… Về phía VN thời điểm này, kinh tế và thị trường đang khó khăn nên điều cần nhất bây giờ là củng cố chất lượng và đảm bảo môi trường. Mỗi năm, DED thực hiện nhiều hơn các dự án với các chủ điểm doanh nghiệp thực hiện tách nhiệm xã hội. Các đề xuất được DED đánh giá cao và ủng hộ nếu doanh nghiệp cam kết hỗ trợ người khuyết tật, đào tạo và nâng cao trình độ tay nghề, cải thiện điều kiện môi trường.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được lợi ích gì từ sự hỗ trợ của DED? Thông thường, các tổ chức nước ngoài thường tài trợ, hoặc hỗ trợ cho các đơn vị nhưng DED lại yêu cầu số vốn đối ứng, điều này nhằm lý do gì và liệu đó có phải là một khó khăn để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của DED?
Kể từ khi thành lập vào năm 1963 cho đến nay, trải qua 40 năm chỉ tài trợ cho không, chúng tôi đã rút ra kinh nghiệm rằng sẽ thành công hơn nếu như doanh nghiệp ở các nước đang phát triển cũng chung lưng đầu tư 50%. Bản thân họ sẽ có trách nhiệm hơn với nguồn vốn của chính mình. Chúng tôi gọi đó là phương pháp win-win, đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi vẫn đang gấp rút tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp với những chính sách của DED.Thứ nhất, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ 50% chi phí do phía chúng tôi đầu tư, như vậy họ sẽ giảm thiểu được một nửa rủi ro trong quá trình kinh doanh. Thứ hai, chúng tôi hỗ trợ họ về mặt chuyên môn. Với 28 chuyên gia của DED làm việc tại Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực và các nguồn chuyên gia khác từ Đức, chúng tôi có thể giúp đỡ các doanh nghiệp về biện pháp quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, y tế và chăm sóc người khuyết tật cũng như phát triển kinh tế và xúc tiến nghề nghiệp.

Cho đến nay đã có bao nhiêu doanh nghiệp nhận được sự đầu tư của của DED rồi, thưa ông?
Kể từ tháng 9/2003 cho đến tháng 6/2008, chúng tôi đã có 79 dự án ở khắp các tỉnh VN. Tôi đặc biệt lưu ý đến 3 dự án phát triển trồng nấm ở Phú Thọ, Nam Định và Huế đã mang lại thu nhập và cải thiện đời sống cho 300-400 nông dân nhàn rỗi. Ngoài ra còn các dự án may mặc, thêu thùa và gốm sứ đem lại công ăn việc làm cho những người khuyết tật. Trong lĩnh vực hỗ trợ y tế, chúng tôi thực hiện dự án với công ty Unilever nhằm tăng cường vệ sinh trong các bệnh viện. Qua đó, các chuyên gia y tế của DED cũng phối hợp đào tạo y tá và hộ lý về an toàn vệ sinh trong ca mổ hay hậu phẫu…

Được biết rằng DED đã vừa đầu tư vốn vào ba mô hình doanh nghiệp được quản lý bởi nhóm Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng bao gồm may mặc, rửa xe máy và nuôi tu hài, ông có thể cho biết lý do nào đã khiến DED đầu tư vào những mô hình này?
Vì từ trước đến nay, các tổ chức cũng như chính phủ VN luôn quan tâm và đổ nhiều kinh phí cho công tác phòng, chống HIV-AIDS cũng như công tác tuyên truyền song lại chưa có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ hai phía này cho các mô hình doanh nghiệp dành cho người nhiễm HIV. Cách đây 10 năm, khi chưa hiểu biết nhiều về HIV – AIDS, những người mang virus trong người đặc biệt bị xã hội kỳ thị. Nay thì nhờ có tuyên truyền mà điều đó đã được giảm thiểu, song những người này vẫn không dễ gì để có được một công việc ổn định. Thậm chí nhiều người còn bị mất việc làm, nhưng các mô hình này đem lại cho họ cơ hội để ổn định thu nhập và tự nuôi sống bản thân. Có khá nhiều doanh nghiệp đứng ra tài trợ và quyên góp tiền cho các mô hình này. Đó là một tín hiệu vô cùng tốt đẹp. Chúng tôi cũng muốn cùng họ đầu tư, phát triển và nhân rộng mô hình này cho nhiều người cùng hưởng lợi.

Cho đến nay kết quả hoạt động kinh doanh của Nhóm Hoa Phương Đỏ có khả quan không, thưa ông?
Nói chung là mô hình doanh nghiệp dành cho các đối tượng người nhiễm HIV sẽ khó khăn hơn so với các đối tượng khác. Vẫn là về vấn đề kỳ thị nên họ rất khó lấy được các đơn hàng về may mặc và nuôi tu hài. Hơn nữa, nhiều người nhiễm HIV trước đây từng ở tầng lớp dưới như nghiện hút, mại dâm nên ngay cả khi chưa nhiễm virus, họ cũng khó có thể ổn định công việc cho bản thân mình, nay lại càng khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên, với dự án xây dựng doanh nghiệp để hỗ trợ việc làm cho những người nhiễm HIV với tổng số vốn là 14.300 EURO, hiện nay cơ sở rửa xe máy đã tạo thu nhập 700.000đ/tháng trên một đầu người lao động. Thu nhập của 10 nhân viên may mặc dao động từ 1.000.000đ-1.500.000đ/tháng. Và doanh thu từ hai tấn tu hài nuôi ở Cát Bà trong tương lai sẽ mang lại doanh thu 300 triệu đồng cho cho mô hình kinh doanh của nhóm Hoa Phượng Đỏ.