Written by Di Li
Bài đăng trên báo Lao động số 153, ra tháng 7/2008
Những tưởng sau khi Quỹ Phát triển và Trao đổi văn hoá Đan Mạch - Việt Nam (CDEF) tổ chức Cuộc thi Tài năng Nghệ thuật trình diễn năm 2008 nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ trong lĩnh vực Nghệ thuật trình diễn dưới 35 tuổi, hoạ sĩ Ngô Lực, người đã có cuộc triển lãm với chủ đề Vào chợ (2007), sẽ hồ hởi tham gia dự thi, nào ngờ anh thể hiện sự từ chối bằng cách thực hiện luôn một dự án mang tên “Ra đường”.
“Cột điện” Lê Anh Hoài.
Vào một ngày đẹp trời, người ta nhìn thấy một người đàn ông với cặp kính trắng, bộ râu được xén tỉa gọn, và bộ quần áo bảo hộ lao động dài kín tay đứng nghiêm trang trên đường Lê Văn Lương, xung quanh có rất nhiều người đang xúm xít dán và sơn xịt lên người anh những tấm biển Khoan cắt bê tông, Rơi giấy tờ, Xe ôm… Dĩ nhiên, tất cả người đi đường đều ngoái cổ lại nhìn. Họ ngạc nhiên, nhưng những người trong cuộc thì không thấy có gì lạ, vì nhân vật có vẻ dị kỳ đó chính là nhà văn Lê Anh Hoài (hiện đang công tác tại báo Tiền phong) đang đóng vai… cột điện trong một hành vi tương tác độc lập mang tên Tôi là cột điện, thuộc dự án Ra đường của họa sỹ Ngô Lực.
Sau khi một đứa trẻ tè cả lên chân “cột điện” mà “cột điện” vẫn đứng yên như được tạc bằng bê tông, thì những người đi đường, thậm chí cả một xe công an địa phương chạy qua đều cảm thấy cực kỳ thú vị. Qua hành vi này Lê Anh Hoài muốn “vật hoá” chính mình (đối nghịch với sự nhân cách hoá phổ biến) để cảm nhận những tác động của môi trường thiên nhiên và con người ra sao. Tự biến mình thành cột điện, một vật gần gũi đến mức tầm thường và tẻ nhạt, anh đã đưa ra thông điệp “Đừng coi thường mọi vật, đối xử tàn tệ với nó, con người sẽ chịu phản đòn”.
Nhiều người nói rằng Lê Anh Hoài cần phải “diễn” giống cột điện hơn nữa nhưng anh lại nghĩ khác, đó chỉ là sự mô phỏng, anh không phải hoá trang thành cột điện đến mức “sân khấu hoá” và cột điện chỉ là cái cớ để thực hiện ý niệm. Anh nói “Để đứng làm cột điện, chúng tôi có thể thuê một ông xe ôm, ông ta sẽ đứng im cho cả ngày, nhưng một ông xe ôm không thể có ý niệm để thực hiện hành vi. Ý niệm chỉ có thể sinh ra từ người nghệ sĩ có ý thức làm nghệ thuật”. Lê Anh Hoài luôn nhấn mạnh từ “ý niệm” trong bộ môn nghê thuật này. Anh cho biết khi đứng hoá thân thành cột điện, anh chỉ thấy thú vị chứ không nghĩ ngợi về một sứ mệnh cao cả nào khác.
Phần đông trong giới viết đều biết rằng Lê Anh Hoài luôn say mê với chủ nghĩa hậu hiện đại, và cuốn tiểu thuyết “Chuyện tình mùa tạp kỹ” (được xuất bản năm 2007) là một điển hình). Mặc cho anh nói rằng những gì tôi thể hiện trong cuốn sách chỉ để diễn đạt một điều đơn giản, cuộc sống dưới con mắt tôi là như thế, phần lớn độc giả vẫn thấy khó hiểu, cũng không khác nào sự khó hiểu vể nghệ thuật tương tác hành vi qua hình tượng cây cột điện.
Ngô Lực – Năm ngoái Vào chợ, năm nay Ra đường
Hồi cuối năm 2007, hoạ sĩ Ngô Lực (1979) đã thực hiện một cuộc triển lãm Nghệ thuật tương tác với chủ để Vào chợ tại Viet Art Centre, 42 Yết Kiêu, HN. Năm nay, chàng hoạ sĩ trẻ tuổi say mê nghệ thuật đương đại này lại tiếp tục cho ra đời dự án Ra đường, trong đó khá nhiều họa sĩ trẻ khác cùng tham gia như Lê Nguyên Mạnh, Lê Minh Tú, Võ Hoài Nam… Dự án này sẽ được thực hiện ở ba miền Bắc, Trung, Nam và khởi đầu là Hà Nội. Hoạ sĩ Ngô Lực đưa ra ý tưởng “Đường phố Việt Nam không chỉ là đường đi mà còn là nơi hái lượm của những người dân nghèo, là nơi xả rác, nơi tâm tình của những đôi trai gái, nơi lưu giữ những kỷ niệm… Qua dự án này, tôi muốn làm bật ra các kiểu tương tác để làm lộ bộ mặt của nền văn hoá đó”.
Ngoài ý tưởng “Tôi là cột điện”, trong dự án này, hoạ sĩ Lê Nguyên Mạnh còn tự sơn trắng cơ thể từ đầu đến chân, một tay cầm cuộn chỉ trắng, tay kia chỉ đỏ và đi đến đâu lấy chỉ cuốn vào các vật trên đường đến đấy. Hành vi này biểu tượng cho sự hàn gắn và nối kết. Hoạ sĩ Võ Hoài Nam thì đeo trên mình tấm biển WC – 500đ với hình ảnh một nhà vệ sinh lưu động. Ý tưởng của anh rất rõ ràng: Bấy lâu nay người ta vẫn coi thường một thứ công trình được coi là “phụ” nhưng lại vô cùng cần thiết. Hình ảnh của nhà vệ sinh luôn gợi lên những gì không đẹp, không sạch, nay anh tượng trưng cho hình ảnh đó, vừa để cảm nhận tác động qua lại, vừa đưa ra thông điệp về sự cần thiết của WC. Còn Lê Minh Tú lại thuyết phục những người lao động trên đường phố như người bán hoa quả, thợ cắt tóc vỉa hè, xe ôm… để mình thể chân. Anh muốn được trải nghiệm cảm giác đời sống của người khác và ngược lại, những người này cũng sẽ thấy nghệ thuật gần gũi với mình hơn, nghệ thuật, tự thân nó không có gì là quá cao siêu cả. Đó chính là sự tương tác hành vi mà các họa sĩ trẻ muốn nhắm vào.
Ngô Lực, chủ nhiệm dự án luôn nhấn mạnh rằng nghệ thuật rất đơn giản, ai cũng có thể cảm nhận được, ai cũng có thể làm được một thứ nghệ thuật cho riêng mình và bản chất của nghệ thuật chỉ đơn giản có vậy, tất cả những cái còn lại là kỹ năng và phương tiện để thực hiện ý tưởng. Quan niệm này của anh quả có ngược hoàn toàn với những định nghĩa về nghệ thuật kinh điển từ trước đến nay. Anh còn gạt bỏ hoàn toàn cái tôi, vốn là thứ mà dân làm nghệ thuật luôn luôn đề cao, bằng cách bỏ qua cái mà người ta thường cho là “đẳng cấp của người nghệ sĩ” để đi năn nỉ, thuyết phục gần 80 người tham gia dự án. Mặc dù chỉ có vài người trong số những người được thuyết phục tham gia, nhưng toàn bộ quá trình đã được quay phim để lưu lại. Ngô Lực cho rằng nếu họ từ chối thì anh cũng đã thành công vì đó cũng chính là một trong những hành vi trình diễn thể hiện sự thuyết phục những người khác. Ngay cả khi khi mời được những người khác tham gia, anh cũng chỉ hỏi họ xem có ý thức và hứng thú với công việc này không, còn lại để họ tự do quyết định ý tưởng chứ không hề áp đặt. Và để nhấn mạnh tính tương tác, tính cộng đồng, anh nói “Cái tôi sẽ giết chết tính cộng đồng, mà trước hết là cộng đồng nghệ sĩ”, vì vậy, cách tốt nhất là dẹp bỏ cái tôi để tham gia vào một sân khấu lớn, một sân khấu khổng lồ trên đường phố với đại bộ phận khán giả mà không phải tất cả đều am hiểu nghệ thuật.
Quảng bá nghệ thuật tương tác - Vẫn chỉ như muối bỏ bể
Những năm trở lại đây, người Việt Nam bắt đầu làm quen với các khái niệm lạ tai như trình diễn thơ, sân khấu nháp, nghệ thuật sắp đặt rồi nghệ thuật tương tác hành vi. Nhưng làm quen thì làm quen, vẫn chỉ là những người thành thị dân trí cao mới phần nào hiểu được sự tồn tại của các loại hình này. Đại đa số vẫn coi những người thực hiện các bộ môn nghệ thuật ấy là điên rồ. Ngay cả hoạ sĩ Đào Anh Khánh, đã thực hiện đến 5 lần Đáo xuân tại tư gia, chấp nhận bỏ những khoản tiền túi khổng lồ để vừa thoả mãn thú vui nghệ thuật, vừa truyền bá nghệ thuật, vậy mà mặc dù rất đông khán giả đến thưởng ngoạn, vẫn vô số người coi các màn lửa cháy, nhào lộn và trèo lên nóc nhà của anh là điên rồ. Hơn nữa, trái với nhận định của nhiều người cho rằng các loại hình nghệ thuật đương đại này kén người thưởng thức, chỉ những ai trình độ cao mới có thể hiểu nổi, thì các nghệ sĩ lại hướng tới sự tương tác của số đông công chúng.
Ngô Lực cũng thấy khó khăn khi duy trì một không gian nghệ thuật giữa đời thường mà không bị coi là điên khùng. Anh khẳng định “Nếu người nào không biết cách thì sẽ tự biến mình thành kẻ điên. Đó chính là một thách thức lớn”. Ranh giới vô cùng là mong manh. Anh thú nhận rằng dự án lần này mới chỉ là một cú hích để thực hiện những lần sau. Anh mong rằng mọi người sẽ hiểu và cảm thấy thoải mái, như vậy đã là một thành công lớn rồi. Có được điều này mới hy vọng các dự án sau đó sẽ tạo ra niềm say mê, đến lúc ấy mới có thể thu lại được những nhận xét về nghệ thuật.
Cũng như phần lớn các nghệ sĩ theo đuổi những bộ môn nghệ thụât đương đại, Ngô Lực tạm rời công việc vẽ tranh, thiết kế có thể đem lại cho anh những đảm bảo chắc chắn về tiền bạc và danh vọng, để thực hiện dự án dài hơi “chỉ có chi mà không có thu”. Tuy nhiên, những người như Ngô Lực, Lê Nguyên Mạnh… không nhiều. Họ, đang cố gắng duy trì một nền nghệ thuật đương đại cho “bằng chị bằng anh” với các nghệ sĩ khác trên thế giới. Nhưng để khởi động một trào lưu nghệ thuật mới mẻ, luôn cần thêm nhiều đồng sự hơn nữa, và sự đồng thuận bớt phần khắt khe của khán giả, của công chúng, cũng chính là hành vi quảng bá dây chuyền cho dòng nghệ thuật đương đại. Ngô Lực, cũng như các nghệ sĩ khác, vẫn hy vọng rằng, sự nỗ lực vì nghệ thuật của họ sẽ không phải như muối bỏ bể. Cũng mong sao…