Written by Di Li
Bài đăng trên tạp chí Xu hướng số 4, ra tháng 12/2007


Gần đây, giới trẻ Hà Nội rộ lên phong trào theo học điệu nhảy Hip hop Jazz. Đây là một phong cách hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam. Người đang truyền bá điệu nhảy hiện đại này là cô Hitomi Nguyễn Thị Báu, sinh năm 1981 (đã theo học trường Nghệ thuật tổng hợp tại Nhật Bản). 


 
Sự kết hợp bốc lửa
 

Hip hop jazz là sự kết hợp uyển chuyển giữa điệu nhảy Hip hop sôi động và điệu Jazz, rồi tùy theo người nhảy đi theo phong cách nào mà các dancer sẽ gọi điệu của mình là Hip hop Jazz hay Jazz Hip hop. Khác với dòng House, Locking, Breaking… khỏe mạnh và “hầm hố”, Hip hop Jazz vô cùng uyển chuyển, mềm mại và sexy. Người ta có thể nhảy Hip hop Jazz trên nền nhạc Pop hoặc R&B. Không như những điệu nhảy dòng cổ điển và Latin luôn có những động tác cố định, một nghệ sỹ Hip hop Jazz phải hình thành phong cách cho mình bằng sự trải nghiệm và thu thập kỹ năng qua thời gian. Mỗi một giáo viên Hip hop Jazz lại truyền tải cho các học viên những màu sắc khác nhau. Hitomi nói rằng “Người giáo viên chỉ hướng dẫn cho người học những bước cơ bản, kỹ thuật khởi động, nền tảng về thể loại, hướng dẫn cách cảm thụ âm nhạc để rồi từ đó mỗi người tự hình thành và sáng tạo một phong cách riêng cho mình dựa trên những gì mình thu lượm được và một phần lớn vào tính cách của chính dancer đó”.

 


 
Nhảy để thể hiện bản thân

Hip hop Jazz rất linh hoạt và thậm chí người nhảy có thể biến tấu trên các nền nhạc disco. Khác với nhiều điệu nhảy khác, Hip hop Jazz đòi hỏi một sự khổ luyện về thể lực và sự dẻo dai mềm mại của cơ thể. Để có thể tạm nhảy được những bài cơ bản, học viên phải theo học 24 buổi (khoảng 3 tháng). Lớp học của Hitomi bắt đầu mở được 2 tháng và bước đầu thu hút được khoảng 20 học viên tham gia nhưng sau đó số lượng chỉ còn lại 13 người. Rất nhiều học viên không chịu đựng được “gian khổ” qua những bài khởi động rất bài bản của cô giáo Hitomi. Họ nghĩ rằng chỉ vài buổi là có thể nhảy được nhưng trên thực tế Hip hop Jazz đòi hỏi một niềm đam mê và sự kiên trì. Các dancer ngay từ những ngày đầu tiên phải học cách điều khiển cơ thể để sau này có thể làm chủ được động tác. Họ cần một sự tập trung cao độ và khả năng phân tách từng phần của cơ thể. Các bài tập cơ ngay từ ban đầu rất dễ làm cho các dancer nữ nản lòng nhưng Hitomi cho rằng nếu họ tập đúng cách, không những sẽ có thể nhảy được mà còn tạo cho cơ thể một sức bền dẻo dai và tránh đọng mỡ thừa. Cũng như rất nhiều dancer chuyên nghiệp nước ngoài khác nhận xét về các học viên Việt Nam, Hitomi cho rằng điểm yếu lớn nhất của học viên là nghệ thuật thể hiện. Do bản tính rụt rè vốn có, họ rất ngại thể hiện bản thân mình, điều tối quan trọng đối với một vũ công Hip hop Jazz. Lớp học của Hitomi chỉ có 1 nam duy nhất và cô giải thích rằng, do đặc thù của điệu nhảy, nhiều nam thanh niên nghĩ rằng nó quá nữ tính và sexy. Tuy nhiên, trên thực tế, sự tạo ra phong cách nam tính cho riêng mình hoàn toàn phụ thuộc vào người nhảy. Học viên Đoàn Kim Thư, sinh năm 1986, sinh viên trường ĐH RMIT đã theo học Hip hop Jazz được 3 tháng, cho rằng điều khó nhất của bộ môn này là làm dáng thế nào cho đẹp, nhưng cô nói “Nếu cứ rèn luyện bền bỉ, dứt khoát em sẽ trở thành một vũ công giỏi”.


Chứng kiến giờ học của Hitomi mới thấy rằng để làm một Hip hop Jazz dancer đúng nghĩa phải vô cùng khổ luyện. Ngay cả khi được yêu cầu nhảy thử một bản độ 2 phút, Hitomi cũng đề nghi để cô khởi động một lát đã. Và những gì người ta nhìn thấy từ vũ đạo đầy quyến rũ và ấn tượng của Hitomi đủ để hiểu rằng trong suốt gần chục năm trời sống và học tập ở Nhật Bản, quốc gia của những điệu nhảy trẻ trung sôi động trên đường phố, cô đã phải khổ luyện đến nhường nào để mang lại thần thái của Hip hop Jazz đến cho các bạn trẻ Việt Nam.