Written by Di Li
Bài đăng trên báo Thể thao văn hóa cuối tuần số 37, ra tháng 9/2008
 



Mấy năm trở lại đây, những sáng tác thơ văn, hội họa, âm nhạc… của các tác giả trẻ là một đề tài dường như không bao giờ cạn kiệt cho báo giới. Công chúng cho rằng những sản phẩm của thế hệ 8X là thứ nghệ thuật không bình thường, nếu như không muốn nói một cách thiếu tế nhị rằng đó là những tác phẩm điên rồ và không ai hiểu nổi, với đầy những nỗi cô đơn lạc lõng kỳ cục, những nhục cảm đáng xấu hổ được phơi bày trơ trẽn, những xu hướng nổi loạn nhằm phá bỏ thước đo chuẩn mực về giá trị tinh thần… Thậm chí có hẳn một bài viết phân tích về “căn bệnh chán” của giới trẻ Việt Nam với những dẫn chứng về nhiều cô cậu đang tuổi ăn tuổi học, chẳng phải lo nghĩ gì mà cứ tự nhiên phát sinh ra chán đời.

 
Khoảng hai thập niên trước đây thì nước ta chưa có hiện tượng này, và các bậc tiền bối sau khi đã viện hết mọi lý lẽ mà vẫn không thể “giải mã” được những tư duy kỳ cục của lớp trẻ thường bình luận nôm na rằng “sướng quá hóa rồ”. Thực ra, tất cả tâm lý nói trên cũng như hiện thực trong các sáng tác nghệ thuật của thế hệ 8X là một hệ quả tất yếu của đời sống đô thị hóa. Các đô thị của châu Á phát triển quá nhanh. Hàn Quốc chỉ mất 30 năm để phát triển từ một đất nước với tổng sản phẩm quốc nội đứng ngang với các nước nghèo ở châu Á và châu Phi lên top 10 thế giới, Trung Quốc cũng mất 30 năm cho công cuộc hồi phục tàn dư của chiến tranh, của cách mạng văn hóa để ngấp nghé trở thành một cường quốc, ngay cả nước châu Á phát triển “lâu đời” nhất là Nhật Bản cũng chỉ mất 60 năm để thay đổi số mệnh từ một đất nước kiệt quệ về kinh tế và tài nguyên tiến lên hàng thứ hai thế giới về kinh tế, công nghệ và khoa học kỹ thuật (chỉ sau Mỹ). Trong khi đó, phương Tây đã phát triển trước ta hàng vài thế kỷ. Sự “đi tắt đón đầu” của những đất nước châu Á cho ra đời những thành phố Tokyo, Bắc Kinh, Seoul, Singapore… hiện đại không kém gì New York. Thế hệ trẻ sinh sau những năm 1980 được hưởng toàn bộ những thành quả ấy, kèm theo những quan niệm sống và trào lưu văn hóa du nhập từ phương Tây, khiến hàng loạt quan niệm sống và lối sống được hình thành khác biệt hoàn toàn so với những thế hệ trước. Họ lớn lên giữa thời đại công nghệ thông tin - toàn cầu hoá, hoàn toàn không biết đến chiến tranh hay những khó khăn về kinh tế, và bị ngộp thở trước sự xâm chiếm ồ ạt của văn hoá Âu Mỹ. Một mặt, văn hoá gia đình và xã hội ở những quốc gia châu Á vẫn tồn tại một số quan điểm truyền thống và luật lệ hà khắc từ hàng ngàn năm phong kiến (như trọng chữ, trọng vị trí xã hội, hiếu nghĩa, chủ nghĩa khép kín), mặt khác những tư tưởng Âu Mỹ hàng ngày hiện hữu trong các thành phố lớn khiến họ vùng vẫy để giải thoát khỏi những áp lực, áp chế. Họ hoang mang và nhiễu thông tin trong một xã hội đầy rẫy những trái chiều. Ở phần lớn các quốc gia châu Á, thậm chí những thành phố hiện đại như Seoul hay Tokyo, trẻ con vẫn được nuôi dạy trong một môi trường mà cha mẹ, ông bà bao bọc từ tấm bé đến tận khi dựng vợ gả chồng. Các bậc phụ huynh ở thế kỷ 21 mặc dù có phương tiện công nghệ, kỹ thuật ngang ngửa phương Tây vẫn không hoàn toàn để trẻ con được độc lập. Họ vẫn muốn can thiệp và chi phối đời sống của con cái. Những đứa trẻ hàng ngày vừa được hưởng thụ những tự do và hiện đại do phương Tây mang lại, vừa phải nghe những giáo huấn từ cha mẹ, thầy cô và sách vở nên dễ nảy sinh tâm lý khác biệt, muốn bứt ra để nổi loạn. Sự khẳng định mình thể hiện rõ nhất ở thế hệ trẻ sống trong các thành phố lớn. Ở Tokyo đã hình thành hẳn một trào lưu thời trang điển hình xuất phát từ những Harajuku ăn mặc kinh dị, sơn vẽ đầy mặt lang thang ở ga tàu. Ở Trung Quốc phong trào văn học Linglei ra đời, có tên riêng và trở thành một trong những trào lưu chủ đạo của văn học đương đại. Linglei trở nên nổi tiếng vì nó miêu tả đúng tâm lý thời đại: Nỗi cô đơn, lạc lõng, stress đô thị, sự sợ hãi trước những cạnh tranh và áp lực trong công việc, trong đời sống, những ham muốn tình dục không giới hạn. Những thanh niên đô thị hàng ngày sống ảo trong một thế giới phẳng, nghe rock bạo lực và có những trải nghiệm tình dục từ năm 13 tuổi là những minh chứng cho sự nổi loạn này. Thậm chí mới đây, tờ Reuters còn viết một bài báo với nhan đề “Cuộc cách mạng tình dục thầm lặng ở Việt Nam” miêu tả những quan niệm về tình dục của giới trẻ VN ngày nay đã khác hẳn thế hệ cha ông họ. “Các chat room, trang web, blog và chuyên mục trên báo chí trở thành diễn đàn để giới trẻ thảo luận về tình yêu, sex và khuynh hướng tình dục.”
 
 
Văn học nghệ thuật luôn là một hệ quả tất yếu của đời sống đô thị. Còn nhớ thập niên 60 và đầu 70 của thế kỷ trước, cuộc cách mạng tình dục phương Tây mà điển hình là Anh và Mỹ đã kéo theo một cuộc nổi loạn về văn hóa. Song hành cùng tự do tình dục đồng giới, tự do sống chung không cần kết hôn, vị thành niên có quyền có đời sống tình dục với bất cứ ai mà mình ưng thuận, người đi tắm biển được quyền khỏa thân một phần hay toàn phần và quyền tự do ngôn luận về vấn đề tình dục, âm nhạc cũng ngày càng mang đậm sắc thái tình dục, thậm chí đến mức thô tục và hạ thấp phẩm giá người phụ nữ. Cũng trong thời gian này, nhạc Rock và trào lưu Hippy ra đời. Khi ấy, hầu hết các công ty thu âm hàng đầu đều cho rằng đây là một loại nhạc “bãi rác” và là sản phẩm “quái thai” của người Mỹ. Thời kỳ tiền Rock, sự xuất hiện của Elvis Presley khiến công chúng kinh ngạc và nhanh chóng trở nên phát cuồng. Những vũ đạo gợi cảm của Elvis khiến những người có tuổi kinh sợ nhưng lại làm say mê thế hệ trẻ và châm ngòi cho sự nổi loạn của giới trẻ trong suốt thập kỷ sau đó. “Văn hóa nổi loạn” thu hút hàng triệu thanh niên đi theo lối sống Hippy và công khai tuyên bố "làm tình chứ không chiến tranh". Họ ủng hộ vẻ đẹp tuyệt đối của tình yêu, tình dục, tự do, cũng như phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam và môi trường thiên nhiên đang bị xâm hại.


Vì vậy, những tác phẩm nghệ thuật của thế hệ 8X Việt Nam có vẻ như “trừu tượng” đối với nhiều người song lại dường như phản ánh một phần nào đó những góc sâu khuất của một bộ phận thanh thiếu niên đô thị. Trong cơ chế thị trường, những người trẻ tuổi không phải là một mô hình “áo sơ mi trắng, quần ka ki” như thế kỷ trước. Họ khác nhau, muốn được khác những người khác. Họ có quá nhiều chuẩn mực để so sánh và hình thành tham vọng. Trong khi đó, sự phát triển không ngừng của kinh tế và quá trình đô thị hóa khiến nhiều người trẻ theo không kịp. Những dằn vặt giữa cái bất thành và đổi thay đến chóng mặt khiến nhiều người trẻ trở nên lạc lõng giữa chính những người cùng thế hệ và giữa chính thời đại của họ. Cũng như những trào lưu nghệ thuật là hệ quả của sự thay đổi lối sống, các tác phẩm nghệ thuật đương đại đầu thế kỷ 21 ở Việt Nam có đánh dấu một thay đổi của thời đại như chủ nghĩa lãng mạng đầu thế kỷ 19 hay cuộc cách mạng tình dục thập niên 60 (thế kỷ trước)… hoặc chỉ nhôm nhoam hé lộ rồi vụt tắt thì dẫu sao cũng nên cho rằng đây là một trong những hiện tượng tự nhiên của đời sống đô thị.