Written by Di Li
Bài đăng trên báo Kinh tế đô thị cuối tuần số 191, ra tháng 10/2007
Sản phẩm hàng hoá thì cần có thương hiệu và tiếp thị, còn tác phẩm văn học, nghệ thuật có nên tiếp thị hay không? Điều này vẫn gây nhiều tranh cãi và dưới đây là ý kiến của các nhà văn nữ về vấn đề này. Trong ba tháng vừa qua các nhà văn Trần Thanh Hà đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết trinh thám “Vũ điệu tử thần” dựa trên kịch bản điển ảnh cùng tên của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, Nguyễn Quỳnh Trang với tiểu thuyết “1981” và Cấn Vân Khánh với tập truyện ngắn “Khi nào anh thuộc về em?”.
Các chị mới ra một cuốn sách khá ăn khách. Nhiều nhà văn bây giờ thường có kế hoạch PR và quảng cáo cho tác phẩm của mình. Chị hoặc NXB có thực hiện bất cứ tác động nào cho cuốn sách này?
Trần Thanh Hà: Có chứ, vì không có sự phối hợp của nhà sản xuất nên tôi phải tự PR cho cuốn sách của mình. Tuy nhiên vì bận rộn, nên tôi cũng chỉ PR được một cách hạn chế, chủ yếu thông qua bạn bè ở các cơ quan báo chí. Nói thực tôi rất muốn PR mạnh hơn. Nếu nhà sản xuất ý thức được vai trò của quảng cáo, tiếp thị trong việc quảng bá sản phẩm và họ chủ động lo việc này thì tốt quá. Có lẽ lần sau nếu in sách, tôi sẽ lựa chọn một nhà sản xuất có kế hoạch PR tốt.
Cấn Vân Khánh: Cuốn sách của tôi được ấn hành bởi sự liên kết giữa công ty sách Bách Việt và NXB Hội nhà văn. Trước khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, tôi chỉ quảng bá trên blog cá nhân và sau đó khi sách đã phát hành thì một số nhà báo đưa tin bài phỏng vấn tôi. Cuốn sách của tôi thực sự chưa được gọi là có một kế hoạch PR tử tế theo đúng nghĩa của nó.
Nguyễn Quỳnh Trang: Cuốn "1981" ra đời rất lặng lẽ. Điều duy nhất mà tôi làm là post mấy chương tiểu thuyết lên blog cá nhân để các bạn của tôi xem như một sự chia sẻ. Bản thân tôi và công ty Đông A chưa hề có tác động nào liên quan đến việc PR cho cuốn sách (như nhờ bạn bè trong giới viết giúp, giới thiệu sách trong mục tin tức, điểm sách... của bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào). Tôi cũng như anh Thắng có đồng quan điểm là cứ để cuốn sách tồn tại theo chất lượng thực của nó. Nếu nó sống được thì sẽ sống, không cần có động thái chủ quan của chúng tôi tác động vào, để "mặc cho tự nhiên". Những bài mà tôi trả lời phỏng vấn trên một số báo vừa qua là do các phóng viên sau khi đọc xong (tất cả đều tự bỏ tiền mua cuốn sách), thấy thích thì chủ động liên lạc cùng tôi. Mặt khác, tôi cũng có khá nhiều báo khác tìm đến phỏng vấn, có người bảo tôi cứ tích cực trả lời để sách bán chạy hơn, nhưng tôi vẫn từ chối khi không thích những câu hỏi hay vấn đề, quan điểm họ đặt ra. Tôi hết sức tránh có mặt trên nhiều tạp chí vì công việc của tôi là viết, viết sao cho tốt nhất ở mức độ khả năng có thể.
Chị có cho rằng việc tiếp thị các tác phẩm ra với công chúng sẽ có hiệu quả hơn cho tác phẩm của mình?
Nguyễn Quỳnh Trang: Một cuốn sách sau khi mình viết ra đã được in ấn phát hành, đến tay bạn đọc thì nó cũng nằm trong sự vận động của kinh tế thị trường. Nghĩa là cần tiếp thị, PR với mọi hình thức khác nhau. Tuy nhiên, với quan điểm cá nhân tôi, tôi cho rằng chính chất lượng tác phẩm sẽ tự làm PR cho cuốn sách đó tốt nhất. Trên thực tế, những độc giả của chúng ta rất tinh, họ ít khi chịu ảnh hưởng bởi những chuyên trang điểm sách hay giới thiệu sách (trừ bộ phận nhỏ nằm trong số những người đọc sách không thường xuyên), họ lựa sách theo thị hiếu nhu cầu của họ, sau khi đọc xong, thấy hay, họ mua tặng hay "truyền tin" cho những người thân, bạn bè cùng đọc. Và tất nhiên đó là cách "PR" thực sự hiệu quả. Với "1981" của mình, tôi nhận được nhiều tin tức phản hồi từ độc giả. Các bạn đọc liên lạc với tôi để hỏi cuốn sách bán được ở đâu, một số bạn khác thì giới thiệu giúp tôi cho người thân bạn bè hoặc mua vài chục cuốn để làm quà tặng.
Trần Thanh Hà: Nói thực, tôi cần người đọc. Tôi thấy tiếp thị làm cho công chúng biết tác phẩm của tôi nhiều hơn. Kinh nghiệm trong nghề xuất bản cho thấy, PR có thể làm tăng 50% mức độ tiêu thụ tác phẩm. Viết sách là để cho mọi người đọc, càng nhiều càng tốt, tại sao không?
Cấn Vân Khánh: Việc tiếp thị tác phẩm là một điều rất tốt, ở nước ngoài các NXB còn lên cả một chiến lược quảng cáo cho các nhà văn đấy chứ. Nếu không có những giới thiệu thân thế về tác giả, tác phẩm thì làm sao bạn đọc, dù yêu sách đến đâu biết để bỏ tiền mua giữa hàng trăm đầu sách mới ra thị trường như hiện nay?
Nhưng vẫn còn rất nhiều nguời cầm bút cho rằng tiếp thị trong văn học là một việc làm không nên, và quan trọng nhất nên để "hữu xạ tự nhiên hương", nghĩa là khẳng định bằng tác phẩm?
Cấn Vân Khánh: Trước khi cuốn sách "Khi nào anh thuộc về em” ra mắt, NXB Văn hoá Sài Gòn có in cho tôi một tập truyên ngắn có nhan đề “Hạnh phúc mơ hồ”” nhưng không hề có một động thái quảng cáo nào. Và hệ thống phát hành thì hạn hẹp, đến mức cả thành phố Hà Nội có mỗi nhà sách Thăng Long bán. Tôi nghĩ chất lượng tác phẩm dĩ nhiên là quan trọng, nhưng muốn người đọc bỏ tiền mua cái gọi là chất lượng đó thì bản thân NXB và hội nhà văn phải tiếp thị và phát hành tác phẩm rộng rãi. Bản thân tôi chỉ có cách là giới thiệu trên blog cá nhân chứ tôi chưa đến mức phải đi rao bán hay chèo kéo người đọc.
Nguyễn Quỳnh Trang: Mỗi người sẽ tự lựa chọn cách tiếp thị tốt nhất của mình. Việc "không làm gì cả cho PR" cũng là một kiểu tiếp thị đấy chứ. Và tất nhiên chất lượng sản phẩm tốt là PR hiệu quả nhất rồi. Tất nhiên không phải người sáng tạo nào cũng đủ tài năng để tự tin khẳng định chất lượng sản phẩm của mình, nên họ cần những phương thức PR khác.
Trần Thanh Hà: Thương hiệu của người sáng tạo, là tên của anh ta. Cũng giống như thương hiệu hàng hoá vậy, tên nghệ sĩ ảnh hưởng lớn đến mức độ tiếp nhận của công chúng đối với tác phẩm của anh ta. Tuy nhiên, để người ta biết tới thì dễ, nhưng để một cái tên sống bền vững và luôn được công chúng quan tâm thì phải bằng vào chất lượng tác phẩm + PR hợp lý. PR quá mà tác phẩm dở thì người ta chỉ nhầm một lần; nhưng nếu tác phẩm có giá trị mà không PR thì công chúng cũng khó biết. Ngày nay có nhiều cách để tiếp thị nghệ thuật, nhưng theo tôi tiếp thị qua kênh báo chí vẫn là quan trọng nhất.