Nguồn: Thời báo Ngân hàng
Vẫn là một năm ít sự kiện, không có những tác phẩm làm nóng văn đàn. Vẫn là những hoạt động tự thân của các tác giả trẻ, viết, tự tìm đầu mối in ấn, giới thiệu. Theo không ít nhà phê bình văn học, thì năm 2013, dẫu không ít tác phẩm đã ra đời văn chương trẻ lại mất mùa. Nhưng nhiều người vẫn hy vọng ở một sức bật mới.
Cần mẫn tìm lối đi
Chưa tạo được sức bật, song, rất nhiều cây bút trẻ vẫn cần mẫn sáng tác, tìm tòi lối đi riêng bằng những thể nghiệm mới, lối viết mới. Cây bút trẻ ngày nay có điều kiện đọc nhiều, tiếp cận với nhiều phong cách khác nhau từ các nhà văn nước ngoài, họ cũng tích cực “động cựa” để khỏi trùng lặp với chính mình, với đồng nghiệp.
Những gương mặt thường xuyên xuất hiện trên mặt báo bằng truyện ngắn, phải kể đến Vũ Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Học, Lưu Quang Minh, Lý A Kiều, Đinh Phương, Cấn Vân Khánh, Chu Thị Minh Huệ, Yến Linh, Vũ Thị Thanh Huyền, Trần Hoàng Trúc, Tống Ngọc Hân… Hơn thế, các tác giả này đa phần đã có sách xuất bản trong năm 2013.
Năm 2013, tổng kết cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ, ban tổ chức đã nhận được không ít tác phẩm của các tác giả trẻ. Một số đã dành được giải thưởng như Nhụy Nguyên, Uông Triều, Vũ Thị Thanh Huyền, Chu Thị Minh Huệ… Hay cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội đang diễn ra, cũng thu hút rất nhiều tác giả trẻ, có người đã gửi và in đến vài tác phẩm trong đợt này.
Ban tổ chức kỳ vọng vào chất lượng của cuộc thi, với nhiều cây bút có lối đi mới, văn phong tươi trẻ, hấp dẫn. Tác giả Đinh Phương cho biết: “Tôi nghĩ mỗi người viết trẻ đều nhận thức được khả năng của mình và đã cố làm mới mình. Còn làm mới được là còn sáng tạo. Nếu đã theo nghiệp thì không thể không sáng tạo”.
Đồng quan điểm, tác giả Phương Trinh cũng muốn làm mới những trang viết của mình và nếu một ngày nào đó không còn sáng tác được, chị sẽ thanh thản buông bút. “Trước năm 28 tuổi, điều tôi quan tâm là: mình giải tỏa được gì trên trang viết. Bây giờ tôi nghĩ: mình đem đến điều gì cho độc giả”, Phương Trinh tâm sự.
Có lẽ, Nguyễn Trương Quý là một trường hợp khá đặc biệt về cách tìm hướng đi cho riêng mình. Vài năm nay, anh là một tác giả trẻ kiên trì với thể loại tản văn với một lối đi riêng, đem lại cho người đọc những tư liệu quý, những giá trị xưa cũ về Hà Nội. Năm 2013, Quý có tản văn “Còn ai hát về Hà Nội”. Anh cho biết, viết tản văn cũng cần duy lý và khoa học, đồng thời anh cũng sợ mình viết lớt phớt và qua quýt. Đọc tác phẩm của anh, chúng đã được anh chăm chút rất kỹ lưỡng, ngồn ngộn hiện thực nhưng cũng không thiếu chất thơ, chất nhạc.
Nguyễn Phong Việt lại tìm được một lối đi khác, với những vần thơ giản dị, trẻ trung. Sau khi trở thành hiện tượng xuất bản với cuốn “Đi qua thương nhớ”, anh tiếp tục phát hành tuyển thơ mang tên “Từ yêu đến thương”, nghe đồn đã in đến 20 nghìn bản.
Cần “tiếp lửa”
Nhà văn Sương Nguyệt Minh từng nói: “Nhà văn nước ta bị tán tài, do phải làm kiêm nhiệm nhiều việc, phải mưu sinh”. Người viết trẻ cũng vậy, họ đang phải bỏng giẫy với các toan tính, cày cục, vật lộn với cơm ăn áo mặc hàng ngày. Nhiều người viết phải đối mặt với giá cả leo thang, phòng trọ ngày hè thì nóng, ngày mưa thì dột. Và trong số đó, vẫn có người ra sách thường xuyên. Do vậy, nhà văn Sương Nguyệt Minh hiến kế: “Cần động viên, khích lệ hơn nữa, tạo động lực thúc đẩy sáng tác, tạo ra các tác phẩm giá trị. Ví dụ như thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác, trao giải cao. Chắc chắn sẽ gặt hái được thành công”.
Cũng phải nói rằng, thời gian vừa qua, một số cây bút chạy theo phong trào, tiếp nhận dòng văn học “sến”. Nhưng theo khảo sát, đa số là những cây bút ít tuổi, không chuyên. Một số tác giả cũng đã in đến cuốn sách “sến” thứ tư, nhưng giới chuyên môn không đánh giá cao và dòng này không thể xếp “cùng chiếu” với văn học chính thống, bởi nó cũng chỉ như một thứ mốt. Mà đã là mốt thì có thể bị thay ngày một ngày hai. Hay như hiện tại, với sự phát triển rầm rộ của mạng xã hội, không ít cây bút trẻ đã sớm nổi tiếng bằng các chiêu PR, nhưng người đọc lại chẳng nhớ nổi tên một tác phẩm của anh ta. Song, đó không phải là tất cả, mà chỉ là một phần nhỏ của bức tranh văn học trẻ, đa dạng, đang tiềm tàng những bứt phá. Bởi tìm hiểu ra, hiện có rất nhiều cây bút giàu nội lực, giàu đam mê và dấn thân. Do đó, “tiếp lửa” cho các cây bút trẻ giàu đam mê là vô cùng cần thiết. Bởi dẫu sao, làm gì cũng cần có môi trường, có những điều kiện nhất định, cần được những thế hệ đi trước ghi nhận, khích lệ, cổ vũ và giúp đỡ. Nhà văn Di Li chỉ ra: “Nhiều người đọc kỹ tác phẩm, nhưng khi nhận xét, đánh giá còn chủ quan, còn chưa đúng trọng tâm tác phẩm, thậm chí còn chưa biết tác phẩm nói gì, huống hồ chưa đọc mà đã đánh giá. Một năm có cả trăm đầu sách của người viết trẻ được xuất bản. Tôi nghĩ, để đánh giá văn học trẻ, phải đọc kỹ họ và hiểu họ. Đằng này, có một số người, đến tên tác giả, tác phẩm còn viết sai, thế thì đánh giá đúng làm sao được”.
Đánh giá thì như vậy, thực tế là những hoạt động mang tính kết nối những người viết trẻ cũng không được quan tâm. Sau Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc, thì hai năm qua, hoạt động của Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) rất hạn chế. Dường như chỉ tổ chức vài hoạt động nhỏ, mời vài người “quen mặt” chứ không có hoạt động gì nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cũng như nâng cao chất lượng sáng tác trẻ. Càng không có các hoạt động như hội thảo, giới triệu sách như bốn năm trước từng làm. Các tác giả trẻ có sách mới lại “tự bơi”, bằng cách bỏ tiền ra giới thiệu tác phẩm mới, hoặc nhờ các công ty đỡ đầu kết hợp quảng bá.
Đa số người viết trẻ mong muốn được hoạt động, bổ trợ kiến thức, giúp đỡ cũng như gợi mở những ý tưởng sáng tác. Nhưng dường như họ bị cô độc và phải tự thân vừa bươn chải vừa sáng tác. Một năm qua đi, với niềm vui là nhiều tác phẩm của văn trẻ được trình làng, trên các quầy sách, số lượng sách của tác giả trẻ tương đối đa dạng. Nhưng còn chưa vui, vì chưa có tác phẩm xứng đáng với sự trông đợi của người đọc và những hoạt động tích cực để có tác phẩm chất lượng vẫn chưa thật sự được quan tâm.
A Khoa