Nguồn: Công an Nhân dân 

 

Những giọng điệu đa thanh

 

Những ngày đầu tiên của năm 2009, Nguyễn Ngọc Thuần đã xuất hiện với một cuốn tiểu thuyết mới "Chuyện tào lao". Rời xa những trang viết kiểu "hoàng tử bé" trong "Một thiên nằm mộng", Nguyễn Ngọc Thuần đã cho thấy một hình ảnh nhà văn chuyên nghiệp, lao động chữ nghĩa nghiêm túc và đây là một cuốn sách được viết bằng trí tưởng tượng. Nó hoàn toàn là một câu chuyện không có thật. Nhưng những vấn đề nó đặt ra trong cuốn sách lại là những nguy cơ có thật trong đời sống, tình cảm và cảm xúc của con người.

Đọc Nguyễn Ngọc Thuần, những khủng hoảng trong đời sống con người hiện đại được hiện lên rất rõ rệt. Chẳng hạn chi tiết một người đàn ông khỏe mạnh bình thường, nhưng dần anh ta mất mùi, anh ta không còn là một con người đúng nghĩa nữa. Đó không phải vì anh ta bị đột biến gen hay cái gì tương tự thế, mà bởi sự thay đổi trong tâm hồn anh ta, sự đơn điệu trong đời sống, sự lười nhác trên đường ray suy nghĩ...

Đó là sự biến đổi mà chúng ta có thể thấy rất rõ rệt trong đời sống, nhưng thực sự nghĩ suy về điều đó và viết ra như một điều khủng hoảng thực sự trong đời sống thì rất ít người làm. Nguyễn Ngọc Thuần đã chọn hướng đi này. Câu chuyện nấp dưới bóng dáng một vụ án ly kỳ. Nhưng không dễ đọc. Nguyễn Ngọc Thuần đã chọn một con đường không dễ tiếp cận bạn đọc. Nhưng nó cho thấy một bước tiến thực sự trong văn chương của anh.

Di Li, nữ nhà văn trẻ, từng được mệnh danh là "đàn bà đẹp viết văn" chọn một con đường khác, đó là đi vào thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị. "Trại Hoa Đỏ", cuốn tiểu thuyết tham dự cuộc thi của NXB Công an nhân dân, vừa được tổ chức ra mắt trang trọng tại Hà Nội. "Trại Hoa Đỏ"  có được sự lôi cuốn của một cuốn truyện trinh thám, nhưng đồng thời cũng có sự kỳ ảo của những chi tiết bí ẩn tâm linh phương Đông. "Trại Hoa Đỏ" viết về một chuyện kỳ bí tại một trang trại. Diên Vỹ, nhân vật chính, được chồng tặng cho một trang trại tại vùng núi hẻo lánh. Ngay khi bước chân đến đây, cô đã có dự cảm chẳng lành. Một bộ tộc kỳ dị, những con người kỳ dị, những vụ sát hại bí ẩn và truyền thuyết về dòng họ Quách khiến chuỗi ngày ở "Trại Hoa Đỏ" trở thành một chuyến đi kinh hoàng. Đại úy Phan Đăng Bách, một khách mời của trang trại, tình cờ thành thám tử điều tra những cái chết bí ẩn ở "Trại Hoa Đỏ". Cùng lúc ấy, anh chôn chặt nỗi đau mất người bạn thân, âm thầm tìm kẻ giết bạn. Phản trắc nằm ở đâu giữa những gương mặt người mỗi ngày ta nhìn thấy?

Truyền thuyết, bóng ma, những giấc mơ ám ảnh, niềm tin ngây thơ đau đớn... có dẫn dắt nào cho những bi kịch? Cuộc điều tra không chỉ nhằm chỉ ra ai là kẻ giết người, mà sâu xa là để lý giải con người, con người là ai, là thủ phạm hay nạn nhân; là gì giữa những bề sáng tối, tốt xấu, yêu thương và thù hận, nham hiểm, phản trắc...?

Di Li cho biết, mảng đề tài trinh thám kinh dị chị đã theo đuổi từ lâu. Và chị là người đến sau, chị muốn chọn con đường mà ít người đi nhất. Và quả tình con đường của chị hiếm người đi, nhất là trong một dòng chảy văn chương mà người viết ít khi dùng lý trí để xử lý tình huống truyện mà luôn dùng bản năng để nâng ngòi bút của mình. Sự thành công của "Trại hoa đỏ" còn là câu chuyện của tương lai. Nhưng chỉ với những điều vừa nói, đã cho thấy một tín hiệu vui, một cơ hội khác cho bạn đọc tiếp cận ở văn học trẻ.

Hòa Bình, người từng tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, sau nhiều năm lăn lộn với nghề báo, cũng đã xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại "Gọi con người". Hòa Bình chọn một lối đi khá thông minh, chia cuốn sách ra 35 đoạn, và mỗi đoạn đứng độc lập để bạn đọc có thể tiếp cận theo nhiều hướng. "Gọi con người" không thực sự mới lạ ở nội dung, cũng không quá say đắm ở văn chương. Nhưng nó mang đến cho người đọc một tâm thế rất đương thời.

Những con người hiện đại, sống mạnh mẽ nhưng cũng vô cùng yếu đuối. Sự yếu đuối của họ biểu hiện qua ý thức, qua hành động và lẩn rất kỹ vào trong những việc làm tưởng như rất thản nhiên. Sự lạc loài, nỗi vong thân của con người hiện đại chính là điều mà Hòa Bình muốn lý giải.

Phan Việt, nữ nhà văn trẻ sống tại Mỹ (nhưng tất cả các tác phẩm đều in ấn tại Việt Nam), cũng vừa kịp cho ra mắt cuốn "Nước Mỹ, nước Mỹ" vào đầu năm mới. Ở Phan Việt, có thể thấy rõ sự tỉnh táo của người viết thay vì lối viết "bỗng dưng" mà các cây bút nữ thường ưa sử dụng. Những truyện ngắn của Phan Việt không đi vào bi lụy, mà những chuyện kể, đôi khi là vụn vặt, nhưng lại mang đến cho người đọc những cảm xúc rất thật, đau đớn cũng rất thật.

Hầu hết nhân vật của Phan Việt là du học sinh. Và họ đối mặt với quá nhiều thứ mà bản thân họ không nghĩ tới khi bước chân ra đi. Cuộc sống, sự mưu sinh và sự hòa nhập vất vả, tất cả làm cho những phận người luẩn quẩn. Và ở một góc khác, những con người thông minh, trí thức, tài năng, những công dân thế giới đích thực và thích ứng được mọi môi trường làm việc, nhưng họ vẫn mang trong mình tâm trạng của một người Á Đông.

Sự hòa nhập là không dễ dàng, trong đó có sự mặc định những tư tưởng về mặt tinh thần của người Á Đông, cụ thể là người Việt Nam. Tìm kiếm bình yên, đó có lẽ là cảm giác chung của các nhân vật trong cuốn sách. Phan Việt không đi vào cách tân hình thức. Nhưng cách nhìn của tác giả đã bộc lộ nhiều điều mới mẻ. Những cuốn sách như vậy sẽ giúp bạn đọc có một cái nhìn khác về văn học trẻ. Chúng không mờ nhòe, và không giống nhau như cách đây 10 năm.

 

Sự săn đón của truyền thông hay văn hóa đọc lên ngôi?

Cuốn thơ "Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới" của Nguyễn Thế Hoàng Linh (cuốn sách vào chung khảo thơ Bách Việt) đang được gọi vui là "best seller" tại các quầy sách ở Hà Nội, cho thấy thơ đã có được những vị trí riêng trước rừng sách hiện nay. Điều này, cũng có thể lý giải vì đây là cuốn thơ có giọng điệu khác với các tập thơ làm đẹp và lắm mỹ từ. Nhưng, quan trọng hơn, nó báo hiệu một thực tế, những cuốn sách hay và lạ sẽ là những cuốn sách được giới trẻ tự - tìm - đọc, không có sự lăng xê nào chiến thắng được.

Vào thời điểm hiện tại, mỗi cuốn sách ra đời đều được các tác giả chuẩn bị khá kỹ lưỡng và lễ ra mắt cuốn sách đều được giới truyền thông ưu ái. Nhà văn Hòa Bình đã có buổi ra mắt "Gọi con người" tại cà phê Hà Nội, Hà Nội trên phố Tràng Tiền. Rất nhiều người đã trầm trồ, vì nó đã tạo cho cảm giác văn chương, và cụ thể là nhà văn, được tôn vinh một cách trang trọng nhất. Trong không gian của đèn, nến, những bức thư pháp nền nã bên cạnh rượu vang và âm nhạc, Hòa Bình đã thực sự trở thành nhân vật chính. Điều này trước nay chỉ xuất hiện trong lễ ra mắt album nhạc của các ca sỹ ngôi sao.

Cũng tương tự, Di Li ra mắt "Trại Hoa Đỏ" tại Trung tâm giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, với sự tham gia của đông đảo văn giới và các nhà báo. Cuốn sách được giới thiệu khá chi tiết. Và nhà văn trở thành tâm điểm của giới truyền thông... Những cuộc ra mắt sách tại Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây hay Thư viện quốc gia... cũng được tổ chức rất trang trọng, cho thấy  một không khí mới cho những cuốn sách.

Việc giới thiệu trang trọng một cuốn sách không có nghĩa là cuốn sách đó hay. Nhưng việc đó mang một ý nghĩa khác. Nó cho thấy, những quan niệm về quảng bá văn chương đã thay đổi. Và việc dư luận ủng hộ nhà văn đi quảng bá, giới thiệu tác phẩm của mình như một sản phẩm thương mại là một bước tiến thực sự. Hơn thế, nhà văn cảm thấy được tôn trọng hơn, những công việc âm thầm nhọc nhằn của người viết cũng vì thế mà dễ tìm được sự đồng cảm chia sẻ hơn. Và đây được coi như một động lực tinh thần cho người viết.

 

Hy vọng cho một mùa văn chương mới!

Năm 2009 sẽ vẫn là năm cho những xuất hiện mới mẻ của các cây bút trẻ. Hầu như nhà văn trẻ nào cũng đang viết và chuẩn bị ra sách. Cuốn "Bloggers" của Phong Điệp đang chuẩn bị phát hành, được coi là một bước tiến mới so với chính chị.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng đang viết tiếp cuốn tiểu thuyết mới mang tên "Phiên bản" về tội phạm và báo thù, thông qua nhân vật nữ chính, có nguyên mẫu từ Dung Hà, một nữ giang hồ nổi tiếng trong thập niên 90 tại Hải Phòng...

Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Cấn Vân Khánh, Đặng Thiều Quang, Phan An... đều ấp ủ những tác phẩm mới.

Cuộc thi tiểu thuyết của Công ty Sách Bách Việt đã và đang nhận được rất nhiều bản thảo, điều đáng mừng là hầu hết là của các tác giả trẻ. Đã đến lúc, văn chương cần có những giọng điệu khác lạ. Điều đó, như cách nói của các nhà văn lão thành, chỉ hy vọng từ những cây bút trẻ...
 

Thiên An