Posted on 3rd, February, 2014


Loanh quanh chưa làm được việc gì thì đã hết năm. Nhìn thấy thời gian trôi lúc nào cũng sợ. Sợ cảm giác chưa làm được gì mấy thì đã già, đã về với cát bụi. Hạnh phúc chỉ đơn giản là khi người ta thấy hài lòng với chính mình, với cuộc sống của mình, giống như người hành khất hài lòng với mẩu bánh mì vừa kiếm được lúc cuối chiều và lão nông vui vẻ nhìn thửa ruộng vừa cấy. Còn hàng loạt ngôi sao Hollywood và Hàn Quốc tự kết liễu cuộc đời mình khi tuổi đời còn đang rất trẻ, đang trên đỉnh cao của sự nghiệp, đang là một trong những người đẹp nhất, nổi tiếng nhất, giàu có nhất và thành đạt nhất thế giới, ấy là vì họ chưa bao giờ tự hài lòng với chính mình.


Nhiều lần mình cứ tự hỏi mình có thực sự hạnh phúc hay không? Có hài lòng với chính mình và cuộc sống hay không? Câu trả lời lúc thế nọ lúc thế kia, tùy thuộc vào những gì mình gặt hái được trong ngày hôm ấy. Bởi mình có thói quen tối nào cũng tổng kết 30 phút trước khi đi ngủ là Hôm nay mình thu lại được điều gì từ cõi trần gian này. Có những ngày vô vị chẳng thu được niềm vui nào, như Tết chẳng hạn. Mình sợ Tết đã từ lâu lắm, sợ cái cảm giác vắng tanh vắng ngắt ngoài đường phố, mọi thứ đình trệ, tiết trời u ám, và sợ khoảnh khắc giao thừa đánh dấu thời gian trôi nhanh. Sợ phải đi gặp những người chẳng thích tí nào, thuần túy là do sự ràng buộc về xã giao và lễ nghĩa. Sợ phải lao đầu vào bếp vì đầu bếp về quê. Sợ phải chúc tụng vì càng ngày mình càng ngại đám đông. Sợ công việc đang trơn như dầu nhớt của mình đình trệ.


Nhưng năm nay lại là năm con Ngựa, tiết trời nắng đẹp, có vui thêm được một chút. Trước Tết đắt hàng ghê gớm, một số báo muốn phỏng vấn một người tuổi Ngựa xem ngựa thì có gì đặc biệt, một số kênh muốn mời mình lên xông đất. Và một hội nghề nghiệp mời mình lang bang sang tận Nepal ngay trong Tết. Thế là hôm nay mình để sẵn va li để ngày mai chỉ việc xách lên máy bay. Đầu năm ngựa đã xuất hành là hên. Năm nay vui khiếp vì đi đâu cũng nhìn thấy hình ngựa, con vật đẹp đẽ, kiêu hãnh và phóng khoáng nhất trong số các loài vật. Vốn dĩ vẫn thế, những người xung quanh bình thường cứ tưởng mình là… ngựa chứ không phải người. Thấy đàn ngựa đang phóng ngang qua ti vi trong chương trình Discovery cũng bảo “Kìa”, cứ như thể mình đang trả lời phỏng vấn trên vô tuyến. Hồi còn teenage thì bạn bè thường tặng các loại thú nhồi hình ngựa, đồ pha lê hình ngựa, tượng ngựa gỗ (mà đáng lẽ mình nên giữ thành bộ sưu tập). Ai đi đâu thấy hình ngựa ngồ ngộ cũng chụp về gửi qua email cho xem. Hành tung của mình thường khiến người khác hay thốt lên “Thật đúng là con ngựa”. Sáng nay bệnh thấp khớp kinh niên lại tái phát hành hạ mình khổ sở, có lẽ mai trời sẽ trở lạnh, vậy mà cũng được bình luận “Ngựa đã bị đau chân. Ngựa mà mất vũ khí quý giá nhất thì còn gì nữa”. Và những người yêu quý mình thì luôn đặt cho các loại biệt danh liên quan đến ngựa. Người ta bảo mình không phải ngựa trường đua, không phải ngựa đóng chiến xa, không phải ngựa Xích Thố, ngựa kéo xe thồ, ngựa nhốt chuồng cho lấy giống, ngựa bạch nuôi lấy cao, ngựa sơn vẽ sọc đen giả làm ngựa vằn để chụp ảnh ở Sầm Sơn, ngựa chơi polo cũng chẳng phải, mà đích thị là ngựa hoang dã chạy miết trên thảo nguyên. Có cậu học trò còn dùng một từ ngộ nghĩnh mình chưa nghe thấy bao giờ là “Uyển mã”. Vậy mà loanh quanh cũng đã sống được tới 3 con mã rồi. Ban nãy lục tìm kho ảnh cũ xem có cái nào trông có vẻ “Uyển mã” thì tìm được cái này. Chụp đúng 20 năm về trước, khi mình tròn 16 tuổi. Hồi còn trẻ mình chụp ảnh hay cố đăm chiêu cho ra vẻ “cuộc đời đã chịu nhiều đắng cay khổ ải” ấy mà.

 

 

Tự dưng đến đây mình lại nhớ ra việc tụi chiêm tinh học luôn tung ra số liệu điều tra hắc ám rằng người tuổi Ngựa hoặc người cung Song Tử hoặc người nhóm máu B có đặc trưng là chóng chán, hay thay đổi, đứng núi này trông núi nọ, đứng đây ngó kia, kiểu như thế này.
 

Chiêm tinh giật gân

 

Khiến mọi người tin không cần kiểm chứng. Đến độ đi làm việc ở cơ quan nào lãnh đạo cũng dò hỏi “Cô định làm ở đây đến khi nào thì bỏ”. Hình như chưa có ai là không hỏi mình cái câu này. Hình như không có ai tin rằng trong từ điển của mình tồn tại từ lâu dài và vĩnh cửu. Oan tày liếp. Lắm lúc tức không chịu được. Giờ mình chứng minh điều ngược lại.


Thứ nhất, cái ảnh trên (chụp năm 16 tuổi) và hầu như tất tật các ảnh chụp mà quý vị nhìn thấy ở bất kỳ đâu hoặc trên website này là cùng một nhiếp ảnh gia. Bác nhiếp ảnh này đã chụp cho DL từ năm 15 tuổi đến bây giờ, suốt 20 năm, từ lúc đèn phòng chụp còn lắp giấy bóng kính xanh đỏ tím vàng để chuyển màu phông thay cho Photoshop như bây giờ. Và mình đoán bác ấy còn hứng thú tiếp tục chụp ảnh lễ thượng thọ cho DL sau nửa thế kỷ nữa, mà chờ đến lúc ấy thì bác ta cũng về cõi Niết bàn rồi. Mình nhất định không chịu thay nhiếp ảnh gia nhé, dù đã vài chục nhiếp ảnh gia từng có nhã ý chụp mình rồi.


Thứ hai, cái ông hiệu trưởng từng hỏi “Cháu định làm ở đây đến bao giờ thì bỏ” đã nghỉ hưu từ lâu lắm mà mình vẫn cứ lên giảng đường. Mình dạy ở trường ấy được 14 năm rồi, từ lúc vừa ra trường được 3 tháng, từ lúc ai cũng đoán đấy chỉ là chỗ trú chân của mình chứ mình không có ý định ở lại lâu dài (có lẽ vì thấy bầu trời trước mặt mình quá rộng mà giảng đường thì quá hẹp chăng) và hầu như cả khoa đã bỏ đi gần hết, nhân sự mới hoàn toàn, mình vẫn ì ra ở lại. Giờ ai cũng bảo mình quyết định đúng, cả những người đã ra đi. Còn trường ĐH mà mình vẫn cộng tác mời mình dạy từ lúc khoa PR mới thành lập, mình dạy từ khóa 1 giờ đến tận khóa 6 rồi.


Mình bắt đầu viết báo, viết văn, dịch thuật, theo nghề quảng cáo và PR từ năm 1998, giờ 16 năm rồi vẫn bền bỉ làm ngần ấy việc, chẳng bỏ thứ gì.


Mình cộng tác với công ty sách Phương Đông 14 đầu sách từ năm 2009, giờ vẫn ì ra không thay đối tác. Các đối tác thương mại từng làm việc với mình đều kéo dài cả chục năm chẳng ai bỏ. Chỉ có 1,2 lần mình bỏ người ta vì cách làm việc chuối cả vườn.


Mình có chừng 2 chục người bạn thân, đều đã chơi thân từ 10-25 năm, đã chơi với ai là ì ra định chơi mãi cho đến tận khi làm lễ mừng thọ thì vẫn mời nguyên các bạn ấy đến dự.


Mình có cô quản gia kiêm thư ký tuyệt vời nhất VN, mà tất cả bạn bè thân sơ đều chứng nhận ở nước Nam này không có người thứ hai như cô bé ấy, mà đã làm việc cho mình được 10 năm rồi, có người trả lương cao gấp đôi cũng không đi, trong khi thiên hạ 1 tháng thay người đến 3 lần.


Số điện thoại mình vẫn dùng từ lúc Viettel mới thành lập và cho mình cái số ấy để chạy thử nghiệm. Địa chỉ email mình chưa từng thay bao giờ. Mình đi nhiều nhưng chưa bao giờ có ý định sống ở nơi nào khác ngoài Hà Nội. Mình mua kính, làm tóc, ăn bún riêu, nộm bò, chè thập cẩm, bánh mì pate… ở cùng 1 hàng từ lúc 12 tuổi, 25 năm vẫn không thay đổi điểm đến tới mức thành khách VIP. Ví thử hàng bún riêu ốc mà có thẻ Kim cương như Vietnam Airline thì mình đã được cấp 1 chiếc. Mình hứa thế nào là làm đúng thế ấy, chưa bao giờ sai lời. Mọi thứ ở mình vững bền hơn nhiều người mà mình từng gặp. Ngay cả việc mình đã ghét ai, ghét cái gì thì vẫn ghét bất di bất dịch từ lúc tuổi còn thơ cho đến bây giờ, không thể thay đổi và không thể cải tổ. Thế mà tụi chiêm tinh học hắc ám cứ bảo mình thay đổi xoành xoạch là sao. Ai lâu lâu lắm không gặp mình gọi điện hỏi thăm bảo hồi này có gì mới không thì câu trả lời luôn không thay đổi của mình là “Vẫn vậy, chẳng có gì mới, chẳng có gì thay đổi, con vẫn một đứa”.


Bản thân sự vững bền đã là một giá trị. Nếu nộp đơn xin việc mà chủ tuyển dụng thấy CV của ứng cử viên ghi chỗ làm cũ là 5 năm trở lên thì yên trí lắm, chẳng phải hỏi thêm câu gì. Và khi bắt đầu một mối quan hệ giao tế, điều đầu tiên mình cần xem xét để đánh giá mức độ tin cậy của đối tượng là ở sự vững bền. Nếu đằng kia thuộc vào tuýp chơi chơi bỏ bỏ, nay cãi nhau với người này, mai nghỉ việc ở công ty kia, lúc nói xấu người nọ thì nhất định mình đặt dấu hỏi: “Chắc cậu như nào thì người ta mới ớn cậu thế, hoặc cậu ớn người ta vì người ta có vấn đề thì chứng tỏ cậu sống trên đời ra làm sao mà cứ toàn gặp những người có vấn đề”. Ở Hà Nội mà lâu lâu không lui tới khu nọ khu kia là vài tháng sau quay lại thấy như lạc vào thành phố khác vì một cây cầu vượt mới mọc lên, một con đường mới mở, một tòa nhà mới bị đập đi. Nhưng có lần mình xem một bức tranh vẽ Khải hoàn môn ở đại lộ Des Champ Elysee, thấy cảnh tượng và cả những quán cà phê với hàng rào trắng ở mặt trước vẫn nguyên si như khi mình đến Paris hồi năm 2000. Bức tranh đề năm 1879. Hơn một thế kỷ, hoặc qua nhiều thế kỷ, Paris không thay đổi. Những thành phố văn minh và phát triển bền vững thường lại không mấy khi thay đổi diện mạo. Họ chỉ tô điểm nó lên mà thôi.


Thường thì trước khi làm việc gì mình hay nghiên cứu kỹ như vi trùng đặt dưới kính hiển vi, nên làm việc gì chắc chắn việc ấy, không có chuyện thay đổi cho mất thời gian. Loài ngựa trước sau vẫn là biểu tượng cho lòng trung thành.


Năm mới gửi tới mọi người lời chúc đầu năm vui nhé.


Năm mới chúc những ai năm ngoái đã trót “ngựa non háu đá”, “được đầu voi đòi đầu ngựa” thì đừng “ngựa quen đường cũ’ để khỏi cuối cùng lại “mặt dài như ngựa”. Chúc năm 2014 đừng “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”, chúc xuất hành đầu năm không gặp phải “đầu trâu mặt ngựa”. Nếu là con gái thì chúc đừng “chạy như ngựa vía” để khỏi bị mắng là “đồ ngựa cái”. Chúc năm Giáp Ngọ có nói chuyện gì cũng nên tế nhị đừng “thẳng như ruột ngựa” kẻo lại gặp phải “miệng chó vó ngựa”. Chúc năm mới được “lên xe xuống ngựa”, có gặp chuyện gì không may thì cũng chỉ là “tái ông mất ngựa”. Nếu có lúc nào trót phải “làm thân trâu ngựa” thì cũng là “đường dài mới hay sức ngựa”, rồi thế nào cũng gặp được cả tập thể người tốt để “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Chúc cho mọi việc dù “thiên binh vạn mã” hay “đơn thương độc mã” thì trước sau cũng “Mã đáo thành công”.