Di Li: Tự tin “ghi điểm” bằng trinh thám kinh dị
Năm 2009, với việc ra mắt tiểu thuyết trinh thám – kinh dị Trại hoa đỏ dày hơn 500 trang, có thể nói Di Li đã tiếp tục “ghi điểm” ngoạn mục với bạn đọc, khi mà thể loại văn học này có nguy cơ “tiệt chủng” ở Việt Nam. Cùng một lúc đảm nhận các công việc: viết văn, làm báo, dịch thuật, kinh doanh… sức làm việc của Di Li khiến người khác phải nể phục. Hiện Di Li đã có 3 tập truyện ngắn, 1 tiếu thuyết, 1 tập bút ký, 4 tập sách dịch. Ngày 26 – 6, cuộc toạ đàm về các tác phẩm văn học của Di Li được Ban công tác nhà văn Trẻ, Hội nhà văn tổ chức. Nhân dịp này, PVVNT đã có cuộc trò chuyện với tác giả Di Li.
• Với việc xuất bản ba đầu sách liên tục về trinh thám - kinh dị, tuy nhiên tôi vẫn muốn hỏi bạn: đây sẽ là thể loại duy nhất mà bạn muốn để xác lập tên tuổi của mình?
Không, tôi sẽ theo đuổi trinh thám-kinh dị đến cùng nhưng không có nghĩa rằng đó là thể loại duy nhất mà tôi viết. Tôi vẫn viết tâm lý, hài hước, bút ký đấy thôi. Cuốn “7 ngày trên sa mạc” vừa được phát hành cũng chỉ có duy nhất một truyện kinh dị mà thôi. Tôi còn mong muốn viết truyện thiếu nhi nữa. Nhiều nhà văn trinh thám hay kinh dị khác trên thế giới viết đủ thể loại trên đời (Stephen King viết cả truyện tranh, truyện tình yêu) nhưng độc giả thường chỉ biết đến họ với một thể loại duy nhất. Dù sao đó cũng là một điều thú vị. Tôi mong muốn mình có đủ một lượng đầu sách với chất lượng tương ứng để có thể được gọi là “nhà văn trinh thám”.
• Ở đây có một vấn đề được đặt ra: liệu các nhà văn có nên tập trung vào một hướng sáng tác là thế mạnh của mình hơn là việc phân tán tâm sức vào quá nhiều thứ? Vì có thể một nhà văn viết rất nhiều thể loại nhưng độc giả chỉ ghi nhận/ đánh giá họ ở một thể loại mà thôi. Tôi rất muốn nghe ý kiến của bạn?
Qua kinh nghiệm thì tôi thấy sách thể loại khác tôi viết bán cũng tạm ổn. Nghĩa là vẫn có người đón nhận. Nói về điều này cũng giống như việc người ta cứ hay khuyên tôi nên làm một nghề thôi, sẽ tập trung hơn, sẽ thành công hơn. Tuy nhiên tôi thấy nghề nào mình làm cũng thu được chút đỉnh thành công, bỏ bớt đi sẽ rất tiếc. Mà biết đâu khi tập trung hơn cũng chưa chắc sẽ thành công hơn ở một thể loại. Tôi là người tỉnh táo, khi nhìn nhận về mình luôn cố gắng tách bản thân mình ra để đứng ở vị trí khách quan. Nếu tôi thất bại ở một phạm trù nào đó sẽ dứt khoát dừng lại ngay không đắn đo.
• Sẽ thật khó để nói rằng trong số những tác phẩm đã viết bạn thích tác phẩm nào nhất. Nhưng liệu có một tác phẩm nào đó mà bạn muốn nói về nó nhiều hơn những tác phẩm khác chăng?
Tác phẩm tôi thích nói nhất luôn luôn là những tác phẩm mà tôi đang viết và sẽ viết. Tôi không muốn nói nhiều về những cái đã viết rồi, đã phát hành rồi. Tôi mơ ước mình sẽ hoàn thành một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh và một cuốn viết về lịch sử cũng theo lối trinh thám kinh dị.
• Một cuốn tiểu thuyết viết về lịch sử cũng theo lối trinh thám kinh dị - đây quả là một ý tưởng rất thú vị. Có vẻ như bạn đang dùng trinh thám – kinh dị xâm nhập vào tất cả các đề tài?
Đúng vậy, kể cả đề tài chính trị hay khoa học đều có thể dùng lối viết trinh thám kinh dị được. Tôi tự ví nôm na trinh thám kinh dị như một thứ công cụ của người thợ mộc, và tôi viết đề tài nào thì cũng giống như bác phó mộc tùy cơ ứng biến mà đẽo gọt gỗ thành cái bàn, cái tủ. Còn người khác có thể đẽo gọt bàn, tủ bằng chất liệu khác, công cụ khác, đơn giản vậy thôi mà. Miễn sao mình có công cụ tốt và sự lành nghề thì đẽo gọt cái gì cũng được. Tôi thấy có nhà điêu khắc còn sáng tạo nên con lạc đà đi trên sa mạc bằng chất liệu vỏ trứng nữa kia.
• Theo dõi một số bài trả lời phỏng vấn, có thể thấy Di Li rất yêu mến và có phần khá “sùng bái” Agatha Christie. Bạn đã đọc hơn 20 tiểu thuyết của tác giả này. Vậy liệu có không cái gọi là sự ảnh hưởng từ Agatha Christie? Có không sự mặc cảm của một cây bút nhỏ trước một cây bút lớn?
Tôi không ảnh hưởng mà tôi học theo lối xây dựng thể loại của A.Christie. Trinh thám tuy thế cũng có rất nhiều dòng và trường phái: kiểu suy luận logic căn cứ trên dấu hiệu, kiểu giải mật mã, trinh thám hành vi, trinh thám kinh dị, trinh thám phiêu lưu mạo hiểm. A.Christie đã tạo ra một trường phái riêng mà hàng trăm đạo diễn điện ảnh và các tác giả trinh thám sau này lấy đó làm tiền đề để phát triển những sản phẩm tinh thần của họ. Tôi đã tạo ra một hình thức trinh thám kinh dị thuần Việt trong Trại Hoa Đỏ từ tiền đề của Agatha. Đối với các tác phẩm của Agatha, không phải câu chuyện nào tôi cũng hứng thú, có những tác phẩm tôi phải đọc cố cho hết, và vì đọc nhiều của bà nên tôi đã thuộc tư duy của tác giả, luôn tìm ra đúng thủ phạm ngay khi mới đọc một phần ba cuốn sách. Bởi vì hầu hết các tác phẩm của bà đều theo một kết cấu: bày ra đầy đủ dấu hiệu của kẻ phạm tội và trong số những nhân vật sẵn có sẽ tồn tại một kẻ giết người. Tôi thuộc nằm lòng những cái bẫy của bà và cố gắng không lặp lại điều này, nghĩa là không để độc giả thuộc nằm lòng những cái bẫy của tôi. Tôi không bao giờ mặc cảm trước A.Christie hay bất kỳ một nhà văn nào mà tôi ngưỡng mộ, vì tôi luôn cho rằng mình là học trò của họ. Đã là trò thì không nên mặc cảm là làm sao mãi mình chưa vượt được thầy.
• Thời gian gần đây, độc giả thấy Di Li xuất hiện nhiều ở vai trò một dịch giả. Liệu công việc này có ảnh hưởng đến việc sáng tác của bạn?
Cũng ảnh hưởng lắm chứ, nhất là trong thời gian tôi cứ bị phía nhà sách đốc thúc để dịch kịp tiến độ hợp đồng. Ngày nào cũng ngồi vào máy dịch chục trang, dịch xong thì hoa mắt hết cả hứng thú viết. Nhưng dù sao thì tôi cũng chỉ sáng tác vào ngày cuối tuần thôi mà, nên việc viết lách cũng không bị quá bê trễ.
• Bạn vừa viết văn, làm báo, dạy học, dịch sách, kinh doanh... Có người nhìn đó như một sự ôm đồm. Có người lại nhìn nhận đó là sự năng động cần có của một cây bút. Còn bạn tự nhìn nhận về mình thế nào?
Tôi không phải là người đọc quá nhiều, vậy nhưng độc giả nói rằng truyện của tôi lắm thông tin đa dạng. Tôi ngẫm rằng chắc những thông tin đó đều từ thực tế mà ra. Tôi không chỉ “ôm đồm” công việc mà còn rất ít khi từ chối bất kỳ trải nghiệm nào trong cuộc sống. Vì thế, mặc dù những chuyến đi, những hoạt động xã hội ngốn của tôi một quỹ thời gian khủng khiếp nhưng bù lại tôi thu được một ôm thực tế đa dạng, thực tế mà tôi đã đầm mình trong đó bằng sự yêu thích chứ không phải thăm quan ngó nghiêng kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Tôi luôn thích trải nghiệm, và những công việc đa dạng cũng là một sự trải nghiệm. Tôi đang có dự định về một hai nghề mới nữa mà hiềm một nỗi thời gian chưa cho phép tôi dấn thân thêm. Mỗi người thu thập trang viết của họ theo một cách khác nhau, còn tôi chỉ đơn giản là viết lại những trải nghiệm mà thôi. “Ôm đồm” mang nghĩa tiêu cực, còn “năng động” có ý tích cực. Tôi vẫn bị nghe cả hai từ này hàng ngày, nên chắc tôi có cả hai thứ ấy thật.
• Việc đăng kí học lớp bồi dưỡng viết văn khoá 3 mới đây của bạn khiến một số người bất ngờ. Suy nghĩ của họ là: đã ra được nhiều sách như thế, đã có giải thưởng như thế, đã tham gia giảng dạy như thế, thì việc học một khóa bồi dưỡng như vậy có cần thiết chăng?
Cần thiết lắm chứ. Tôi cũng bận lắm, nhưng khóa học kéo dài có 2 tháng rưỡi thôi, cố gắng thì cũng theo được. Tôi vẫn dạy học trò rằng “học tập suốt đời”, vậy mà mình viết văn, chưa theo lớp đào tạo nào bao giờ thì tại sao lại từ chối học. Việc gì cũng phải học. Tôi học cả bà hàng thịt ngoài chợ cách bảo quản thực phẩm, học cả ông thợ sửa xe cách bảo vệ động cơ, thì hà cớ gì việc viết lách cho hàng vạn người đọc lại không phải học. Tuy nhiên, học không có nghĩa là thấy cái gì cũng lao đầu vào học mà chẳng có thời gian làm được việc gì khác. Tôi lựa chọn khóa học thấy phù hợp và sắp xếp thời gian biểu được thì học thôi. Tôi có quen vài nhà văn lớn tuổi, nhiều khi thấy họ phân tích về học thuật cứ ngẩn mặt ra nghe. Tôi viết đến vài năm mới rút ra được một kinh nghiệm tự tìm tòi là để câu chuyện thành công thì nên “tả” chứ không nên “kể”. Một điều đơn giản như vậy nhưng không được hướng dẫn từ đầu, cứ tự mình dò dẫm. Tôi nhớ hơn 10 năm trước, có lần mang bản thảo đến báo Sinh viên, bác thư ký tòa soạn bảo rằng “Truyện của cháu cứ kể lể dài dòng sốt ruột lắm”. Tôi ngẩn ngơ cầm bản thảo về, trong lòng băn khoăn, hơi bực nữa, vì chẳng hiểu nó “dài dòng” ở chỗ nào. Rõ ràng không phải tôi dốt nát đến độ không viết nổi một câu chuyện, nhưng giá lúc đó có người phân tích kỹ thì tôi đã không phải mất nhiều thời gian đến vậy cho một “kỹ thuật” viết. Có thể qua khóa bồi dưỡng này, kỹ năng sáng tạo của tôi không được nâng lên gấp đôi gấp ba, nhưng chắc chắn tôi sẽ không phải ra về tay không. Dù sao thì học hỏi vẫn tốt hơn là không.
• Nhưng cá biệt cũng có trường hợp sau khi học hành một cách bài bản về văn chương thì chính họ trở nên lúng túng với rất nhiều thuyết lý vừa mới được tiếp nhận và điều này khiến họ mất đi sự tự do khoáng đạt với câu chữ của mình, cách kể chuyện của mình. Bạn nghĩ sao về điều này?
Nếu tôi còn đang ở thuở mới tập viết đoản văn đầu tiên thì e rằng đi học, người ta bảo sao nghe vậy thật. Tôi làm trong ngành giáo dục, vô cùng hiểu tầm quan trọng của giáo dục, tôi không nói là kiến thức đúng hay sai, nhưng nếu phương pháp giáo dục sai lầm sẽ vô cùng có hại cho một thế hệ. Nếu tôi chưa viết văn bao giờ, đi học sẽ giống trẻ con lớp một, đầu óc như một tờ giấy trắng, người ta viết mực xanh thì thành màu xanh, mực đỏ thì thành màu đỏ. Nhưng vào thời điểm này, tôi đã có thể lựa chọn những thông tin phù hợp với công việc của mình. Điều này cũng giống như việc tôi rất hay nhờ những người khác nhận xét giùm cho truyện của mình, nhiều lần tôi sửa theo ý người đọc, sửa xong thấy rằng thật may mắn khi có người đã giúp mình nhặt ra những hạt sạn trước khi sản phẩm đến tay công chúng cuối cùng. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp tôi kiên quyết không sửa, cho dù có không dưới ba nhà văn uy tín đưa ra cùng ý kiến như nhau sau khi đọc tác phẩm đó. Tôi nghĩ rằng, khi nhận được những thông tin đa chiều, người viết nào thực sự cầu thị và có bản lĩnh thì sẽ phân biệt, chọn lọc được những thông tin đó. Tiếp nhận hay không tiếp nhận cũng cần phải có bản lĩnh. Kể cả việc tiếp thu ý kiến của người khác để sửa sang cái thành quả tinh thần mà mình rất tâm huyết cũng phải có bản lĩnh mới làm được. Tôi hy vọng, trong quá trình học, người ta sẽ dạy tôi thêm về những kinh nghiệm này chứ không phải chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức.
PVVNT thực hiện