Nhà văn Di Li: Luôn thấy mình kém cỏi
Mỗi lần xuất hiện trước công chúng, tác giả của “Trại Hoa Đỏ” luôn gây được sự chú ý đặc biệt. Là cây bút nữ viết theo đề tài trinh thám kinh dị, đồng thời cũng là một trong số ít nhà văn khai thác hiện thực đời sống của tầng lớp khá giả, Di Li đã chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc lẫn các nhà phê bình.
- PV: Được nhà phê bình Nguyên An đánh giá: sự xuất hiện của chị gần ngang với sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp, chị cảm thấy thế nào?
- Nhà văn Di Li: Nhiều người cho rằng khi tôi xuất hiện là được chào đón luôn, thực ra không phải vậy. Tôi bắt đầu sáng tác từ cách đây hơn 10 năm, kỳ cạch, chập chững, học hỏi, in truyện nhì nhằng trên các báo. Cái bước khởi đầu dài đến gần một thập niên ấy không ai biết. Tuy nhiên, sự cầm bút của tôi mới đầu là niềm đam mê, cả là thú vui nữa, nên tôi không có quá nhiều áp lực về sự thất bại hay thành công. Tôi không biết sự so sánh ấy có đúng hay không, nhưng có thể coi đó là một lời khen. Được khen thì ai cũng thấy vui.
- PV: Nhìn cách ăn mặc rất modern của chị, dễ nghĩ rằng chị khai thác được mảng hiện thực về cuộc sống của tầng lớp khá giả là nhờ lợi thế xuất thân từ gia đình giàu có.
- Nhà văn Di Li: Không, tôi không có hân hạnh xuất thân từ tầng lớp khá giả. Nhiều người nói rằng bối cảnh truyện của tôi xa lạ quá, hay xa xỉ quá, quý tộc quá, không hiện thực và gần gũi với người Việt là họ đọc không kỹ. Không nhân vật nào của tôi có xuất thân giàu có, nhưng sau đó họ nỗ lực để chen vào cái giới thượng lưu đầy bi kịch. Tôi chỉ kể lại những gì mà tôi cảm nhận được xung quanh, chứ không bao giờ tự kể chuyện của mình, đó là nguyên tắc mà tôi tuân theo chừng nào còn sáng tác.
- PV: Chị nghĩ sao khi “Trại hoa đỏ” không được các nhà phê bình đánh giá cao. Chị có kỳ vọng vào tác phẩm đó không?
- Nhà văn Di Li: Chỉ số ít thôi, mà họ cũng chỉ ra một vài khiếm khuyết của “Trại hoa đỏ” chứ không phải không đánh giá cao. Nhìn chung, tôi quan tâm đến những góp ý cụ thể của người đọc để rút kinh nghiệm. Còn sự khen chê thì đôi khi cũng rất chung chung, thậm chí trái ngược nhau. Nhiều lúc tôi phát hoảng khi cùng một truyện mà các nhà phê bình có ý kiến ngược nhau đến thế: người bảo hay người bảo trung bình, và cái người bảo trung bình lại đánh giá cao cái truyện mà người kia cho là trung bình yếu. Tôi cho âu cũng là chuyện thường tình.
- PV: Nói một chút về cái bút danh Di Li của chị, chị đã trăn trở để tìm ra một bút danh ấn tượng cho mình? Chị mê tín rằng một bút danh có thể thay đổi cả sự nghiệp?
- Nhà văn Di Li: Tôi có một chút gì đó duy tâm. Tuy nhiên, tôi nghĩ sự duy tâm của mình đôi khi như một niềm tin để mình thấy thanh thản. Hơn nữa, bút danh Di Li do một người đáng kính đặt cho tôi. Sau khi ông mất thì tôi giữ lại như một kỷ niệm và một lời tri ân. Chứ thực sự mới đầu tôi không hề thích bút danh ấy.
- PV: Nổi tiếng, giàu có, có chồng, có con, có nhan sắc... chị còn khao khát điều gì nữa không?
- Nhà văn Di Li: Tôi không giàu có, thậm chí so với giới văn chương có tiếng là thanh đạm thì tôi cũng không phải người giàu có. Phần lớn phụ nữ đều có chồng có con. Tôi cũng luôn cho rằng dung nhan của mình đầy khiếm khuyết và tôi chỉ là người biết làm đẹp mà thôi. Vì thế tôi chưa bao giờ thấy “đủ” cả. Tôi không chỉ khao khát một điều mà rất nhiều điều. Nhìn chung, tôi là người tham vọng và luôn cảm thấy mình kém cỏi so với thiên hạ.
- PV: Dự án sắp tới của chị là gì?
- Nhà văn Di Li: Trong đầu tôi luôn có tới cả chục dự án, nhưng tôi từ chối công khai điều này, sợ rằng tự mình sẽ gây áp lực cho mình. Tuy nhiên, cuối năm nay tôi sẽ hoàn thành tập truyện ngắn thứ 4 và cuốn tiểu thuyết thứ 2.
- PV: Là nhà văn, chị có định viết một cuốn sách thiếu nhi để tặng cho con mình không?
- Nhà văn Di Li: Tôi nghiện đọc truyện thiếu nhi. Ngần này tuổi rồi mà tôi vẫn hay mò vào hiệu sách Kim Đồng để chen chúc mua truyện cùng các cháu nhỏ. Người ta nghĩ rằng tôi mua truyện cho con, nhưng thực ra tôi đọc là chính. Con gái tôi cũng thích đọc truyện, vì thế đương nhiên sáng tác truyện thiếu nhi đã nằm trong kế hoạch của tôi. Tôi thích viết về một nhân vật nhỏ tuổi hài hước, có cá tính và thích phiêu lưu mạo hiểm. Tính hài hước và phiêu lưu mạo hiểm là hai dấu hiệu đắc địa cho một cuốn truyện thiếu nhi thành công. Mà truyện của tôi thì thường xuyên có hai yếu tố này.
- PV: Nếu tự nhận dạng về mình thì sẽ là một Di Li...
- Nhà văn Di Li: Đầy mâu thuẫn, và tôi cho rằng bất kỳ tính cách nào trong con người tôi đều có thêm một mặt đối lập. Điều này là một sự khốn khổ chứ không vui vẻ gì, vì tôi luôn phải tự đấu tranh giữa hai điều trái ngược đang cùng lúc tồn tại trong con người mình.
Hoàng Hồng (Thực hiện)