Tần suất dày đặc những bài viết về cây bút nữ đang nổi đình đám với dòng văn học trinh thám kinh dị trên các phương tiện thông tin đại chúng dễ làm những kẻ "chậm chân" thấy nản chí. Có cảm giác mọi khía cạnh trong cả đời tư lẫn tác phẩm của cô gái trẻ xinh xắn này đều đã được các đồng nghiệp năng động, xông xáo của tôi mổ xẻ, khai thác đến kiệt cùng. Đành trò chuyện với Diệu Linh - bút danh Di Li ở cái góc nghiêng con người là lạ, không giống ai đó...
- Như một quy luật bất thành văn, những người mang nghiệp cầm bút thường bộc lộ năng khiếu văn chương từ rất sớm. Thành tích của Linh thì sao nhỉ?
- Linh rất ngượng khi phải thú thật môn văn của mình luôn loanh quanh ở ngưỡng trung bình. Điểm chẳng mấy khi cao hơn sáu. Có năm tệ đến mức điểm phẩy trung bình chỉ có năm. Cả đời cắp sách, Linh được đánh giá học lực giỏi môn này duy nhất vào năm lớp chín, khi cô giáo thật sự coi trọng sự sáng tạo chứ không đòi hỏi sự rập khuôn văn mẫu trong bài viết.
Lên đại học, Linh học song song cả hai ngôn ngữ Anh - Đức. Và Linh vẫn nhớ, cả hai môn văn học nước ngoài ấy, Linh đều đã từng phải học thuộc lòng, mà trong trường thi, bạn biết đấy, đọc - chép trở thành mô hình giáo dục phổ biến.
- Sẽ lạ hơn nếu bạn biết trong những năm tháng ấu thơ, giấc mơ trở thành một nhà văn chưa bao giờ xuất hiện, dù chỉ trong ý nghĩ của Linh. Mê sách thì có, đương nhiên. Mê đến mức mà chỉ mới lớp 4, Linh đã "nghiền" cả tủ sách thiếu nhi của riêng mình và kịp chuyển sang "tiêu hóa" những món vô cùng khó xơi với một đứa trẻ vào độ tuổi ấy như Cội rễ, Số đỏ, Người yêu dấu... vốn đầy chặt trên giá sách của bố. Mê đến độ đọc hết những tác phẩm kinh điển trong nhà thì chuyển sang ngốn ngấu cả loại truyện ba xu ngoài hàng cho thuê.
Đọc sách đã trở thành nguồn vui duy nhất của Linh, đến nỗi bố sợ con gái cắm mặt vào những con chữ nhiều quá sẽ đờ đẫn cả người. Nhớ những ngày hè lên Lạng Sơn thăm bố mẹ năm lớp 8, Linh mò ra hàng tạp hoá chợ Kỳ Lừa khuân cả một cuốn sử thi Ấn Độ rách nát về nghiên cứu cho đỡ "đói văn hoá". Tóm lại, Linh nhồi vào đầu tất cả những gì có chữ bất chợt rơi vào tay. Đến nỗi bị nhiều người thân chế giễu không có văn hoá đọc, không biết chọn lọc nên nạp vào đầu thượng vàng hạ cám, cả vàng lẫn rác.
- Còn nhiều đánh giá kinh khủng hơn, thế đã ăn thua gì. Ngày bé, mọi người cứ nghĩ Linh không thông minh mà cũng chẳng khôn ngoan, thậm chí còn hơi đần độn. Nếu Linh có đưa ra một quan điểm gì đó thì tất cả đều thống nhất đó là ý kiến kỳ dị, khác thường. Linh giữ chặt trong lòng nỗi tự ái ấy cho đến nhiều năm sau. Và luôn nỗ lực hết mình, chỉ để chứng minh một điều ngược lại.
Rồi khi lên bậc đại học, thấy Linh học có vẻ tài tử, lớt phớt, trong lớp chẳng mấy khi ghi chép bài mà vẫn đạt kết quả cao, vẫn được nhận học bổng, bạn bè trong lớp xì xào ghê lắm. Ngày Linh thi cao học chuyên ngành quản lý giáo dục, nhiều người bĩu môi, tiên đoán Linh thế nào cũng trượt. Linh lấy bằng thạc sĩ, bằng đề tài luận văn mới toanh mang tên Sử dụng các biện pháp quảng cáo và PR trong việc phát triển thương hiệu giáo dục của khối trung cấp chuyên nghiệp.
Chấp nhận đầu tư công sức gấp đôi, khi chọn húc đầu vào lĩnh vực lạ hoắc, vào thư viện tìm tài liệu tham khảo thấy cả thư mục trống trơn, vậy mà thầy giáo hướng dẫn từng cười bảo Linh, "nghỉ học nhiều như vậy mà vẫn làm bài tốt ra phết đấy nhỉ".
- Chuyện đó chắc sẽ kết thúc khi Linh đi làm và đủ tiêu chuẩn "người lớn"?
- Người đời hay nhìn vào quá trình mà chẳng thấy quan tâm đến kết quả. Và cứ căn cứ vào cái quá trình ấy thì Linh luôn nhận được những cái lắc đầu chẳng mấy tin tưởng. Linh chưa bao giờ thất bại trong bất cứ một kỳ thi nào, việc học hành cũng đạt kết quả rất tốt. Thế nhưng, ngày về trường Cao đẳng thương mại và du lịch Hà Nội làm giảng viên khoa tiếng Anh thương mại, nhìn Linh trẻ, nhìn phong cách làm việc của Linh, ối người thở dài, "con bé ấy rồi cũng chẳng nên cơm cháo gì đâu".
- Thế còn với lĩnh vực văn chương?
- Giờ viết văn cũng vậy. Tính cả Đảo thiên đường - đứa con tinh thần mới nhất vừa ra mắt độc giả, Linh đã có ba tập truyện ngắn (Tầng thứ nhất, Điệu valse địa ngục, Bảy ngày trên sa mạc, một tiểu thuyết Trại hoa đỏ, một hồi ký những câu chuyện thời niên thiếu, hai bút ký (Mùa thu ở Seoul, Đảo thiên đường), cuốn sách chuyên ngành Giáo trình tiếng Anh chuyên ngành thương mại và bốn tập truyện dịch (Người yêu dấu, Người làm chứng, Tàn tích, Bóng đêm bao trùm).
Đó còn chưa kể đến những công việc ngoài lề như chuyên viên tư vấn quảng cáo PR, viết báo và dịch thuật. Truyện ngắn đầu tiên được đăng tải năm 1999. Nhưng những tác phẩm mà Linh liệt kê trên đây đều được thai nghén và sinh thành trong bốn năm trở lại đây mà thôi. Nói như vậy không phải để khoe khoang, mà để bạn dễ dàng mường tượng Linh phải làm việc với cường độ thế nào, sau những giờ đứng trên bục giảng. Vậy mà rất nhiều người vẫn thắc mắc, rằng Linh rong chơi suốt như thế thì viết lách vào lúc nào?
- Và đó cũng là thắc của cả tôi...
- Bật mí nhé, Linh chỉ có được kết quả như thế nhờ tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc riêng do mình tự đề ra. Và cố gắng làm việc chuyên nghiệp nhất, trong phạm vi có thể. Linh vẫn thường nói đùa, rằng hai phần ba tác phẩm Linh làm là theo đơn đặt hàng. Khối người eo ôi, rằng thế thì là thợ viết, là cái máy chứ còn gì là sáng tạo nữa. Nhưng Linh biết, deadline luôn là một áp lực tích cực giúp mình làm việc hăng say và hiệu quả hơn.
- Từ tác phẩm đầu tay. Linh luôn nhận được những lời khen ngợi "có cánh" từ cả độc giả lẫn giới cầm bút. Và sách của Linh, thường được xếp vào loại best-seller của Việt Nam. Một thành công ngoài sức tưởng tượng, với một cây viết tay ngang?
- Không chỉ viết văn, những lĩnh vực mà Linh đang làm như quảng cáo, PR, sư phạm, viết báo... đều là công việc tay ngang. Những gì có bằng cấp đoàng hoàng như cử nhân tiếng Đức, thạc sĩ quản lý giáo dục lại không hề được sử dụng. Xem ra, Linh chỉ hợp với những nghề không được đào tạo bài bản mà thôi (cười).
- Tò mò chút xíu, vậy nhà văn Di Li đã cải thiện được cái nhìn những người thân năm xưa về mình ra sao?
- Khi Linh chập chững bước vào làng văn, cả gia đình đều phản đối. Lạ lẫm, cả hai bên nội ngoại đều không ít thì nhiều liên quan đến nghệ thuật (bố đẻ là nhà báo, bố chồng là nhạc sĩ, chồng là hoạ sĩ thiết kế), vậy mà chẳng ai ủng hộ Linh. Lý do khá buồn cười, tất cả cho văn sĩ là một loại người kỳ dị, phù phiếm. Nghề văn là một thứ phù du, lãng đãng, chẳng mang lại cả tiền bạc lẫn danh tiếng.
Nữ nhà văn, trong con mắt người thân của Linh, y chang cô nàng Đông Bích khó ưa trong phim truyền hình Vòng nguyệt quế ấy. Giờ chắc cái nhìn của người thân đã khác, nhưng cũng chẳng ai đọc tác phẩm của Linh bao giờ. Hay bụt chùa nhà không thiêng?
- Có. Và rất nhiều là đằng khác. Linh viết truyện kinh dị, nhưng bản thân không hề sợ ma quỷ. Bởi Linh nghĩ, những hồn ma bóng quỷ, những giai thoại truyền thuyết rùng rợn đều sinh ra từ nỗi ám ảnh của con người trước thiên tai, tật bệnh, chiến tranh. Từ những thất bại và cả nỗi cô đơn trong cuộc sống.
Là một phụ nữ viết văn, nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng Linh rất e ngại dư luận. Và vì sợ, nên Linh đành phải luôn cố gắng tạo hình ảnh tốt đẹp nhất, để không ai có cớ mà chê trách. Xem ra nó lại trở thành áp lực tích cực buộc Linh luôn phải tiến lên phía trước.
Rồi Linh sợ cả sự thất bại. Và cũng nhớ vậy, phải cố gắng hết mình từ những việc nhỏ nhất, để khỏi phải đối mặt với nó. Và nỗi sợ lớn nhất chính là sự nghèo khổ. Những buổi trưa phải nhịn đói vì rỗng túi, những ngày đau đầu khi phải tranh thủ mọi phương tiện có thể để tới trường.
Những lần giả vờ lục ví tìm tiền lẻ trong khi thực ra chỉ còn tờ một nghìn duy nhất cho bữa trưa. Lòng kiêu hãnh khiến Linh luôn phải che giấu tất cả, để trưng ra ngoài một hình ảnh tốt đẹp và hoàn hảo nhất. Linh luôn làm việc cật lực, cũng chỉ để nỗi ám ảnh ấy đừng bao giờ đeo bám đời mình nữa.