Tôi ghét sự nhàm chán, đơn điệu
Mới đây, Di Li ra mắt cuốn sách “Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng”, một cái tên sách rất dài, có ý nghĩa gì với riêng chị không?
Chắc là xu hướng sách dài dần rồi. Từ “Tầng thứ nhất”, “Điệu Valse địa ngục”, “7 ngày trên sa mạc” rồi “Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng”. Mỗi tập thêm… một chữ.
Chị có tham vọng quá không khi một độc giả như tôi nhận thấy chị muốn chinh phục các thể loại văn học. Từ tiểu thuyết trinh thám, truyện ngắn, bút ký… Trong “Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng”, yếu tố “lạ” nào được chị chọn làm gia vị cho cuốn sách gồm 11 truyện ngắn?
Có người hỏi phong cách riêng của tôi là gì. Tôi cho rằng phong cách riêng của mình là sự… “thay đổi luôn xoành xoạch”. Văn là người mà. Tôi ghét sự nhàm chán và đơn điệu. Điều này cũng giống như sở thích dùng tóc giả của tôi. Tôi có chừng 20 bộ tóc giả với đủ các phong cách khác nhau. Tôi làm thế không phải vì “điệu”, cũng không phải với mong muốn đẹp hơn vì chưa chắc tôi đội bộ tóc nào cũng đẹp, mà chỉ vì nếu ngày nào cũng nhìn thấy mình với một kiểu như thế, tôi sợ rằng mình sẽ chán chính khuôn mặt mình. Cũng như nếu cứ viết mãi một thể loại, một đề tài, tôi sợ rằng chính tôi sẽ chán tác phẩm của tôi trước.
Nếu nói văn là người, thì độc giả cũng nhận xét rằng văn của chị, dường như chỉ dành cho “tầng lớp thượng lưu”, nó quá xa xỉ đối với những người lao động nghèo?
Trong tập “Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng”, tôi thử đẩy sâu yếu tố tâm lý lên cao và cũng thử nghiệm ở đề tài chiến tranh. Không phải như bạn nghĩ, tôi đã nói là tôi viết nhiều thể loại, nhiều đề tài. Ngoài bạn, cũng có người đã nói câu này và ngay tức thì, tôi viết truyện “Bữa tiệc đêm cuối năm” in trên số Tết Lao động năm 2009. Đấy là câu chuyện cảm động của một nhân vật đã sống ở tận cùng xã hội, nhìn chung cũng nhận được phản ứng tích cực từ phía độc giả vì tôi đã post nó lên blog. Còn truyện “Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng” là về một cô gái miền núi. Cô ta còn không đi học và nghèo đến nỗi cả đời chỉ được xem phim có ba lần.
Nhưng có điều gì đồng cảm giữa một nhà văn thành thị và những cảnh ngộ dưới đáy xã hội ấy?
Tôi nhìn những người thiếu may mắn hơn tôi ở một góc độ khác. Tôi không thương hại họ, mà tôi chia sẻ để tìm ra những vẻ đẹp lấp lánh trong mỗi cảnh ngộ, mỗi cuộc sống dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Điều gì khiến Di Li tin tưởng vào số lượng xuất bản những đầu sách mang tên chị khi độc giả Việt bị chi phối bởi nhiều loại hình văn hóa và dường như đã quá thờ ơ với văn hóa đọc?
Thực ra số lượng ấn bản in như vậy không phải là nhiều so với lượng độc giả ở Việt Nam. Tuy nhiên tôi tin tưởng rằng văn hóa đọc của chúng ta sẽ ngày càng tăng. Mới đầu tôi tưởng Trại Hoa Đỏ dày đến 600 trang, giá bìa 90.000 sẽ bị… ế, vậy mà đã tái bản cho dù có sách lậu ngoài vỉa hè. Nhưng dù thế nào thì việc các tác giả cố gắng cạnh tranh với điện ảnh, sân khấu, báo chí… là điều không tưởng.
Di Li mỗi lần ra sách đều khiến mọi người có một cảm giác “đóng đinh” trong ý nghĩ rằng chị là “kiều nữ viết văn”, “người đẹp viết văn”… Đã bao giờ chị thấy vẻ đẹp của chị “mâu thuẫn” với nghề cầm bút, cái nghề mộc mạc, dung dị và quá xa xỉ với ánh đèn flash. Nếu được lựa chọn lại, Di Li sẽ là…?
Tôi cũng không cho rằng mình đẹp lắm đâu. Bằng chứng là tôi chưa bao giờ dám để khuôn mặt “mộc” ra đường, không bao giờ muốn một bức ảnh được chụp vu vơ từ một tay máy không quen biết lại chưa được qua photoshop. Tôi chưa bao giờ quá tự tin vào nhan sắc của mình, nhưng tôi tự tin rằng mình biết cách làm đẹp, biết biến cái xấu thành cái đỡ xấu, biến cái đẹp vừa vừa thành cái đẹp. Nhà văn cũng là người lựa chọn ngôn từ và câu chữ để ghép thành một áng văn đẹp đấy thôi. Viết văn là một nghề nghiệp cần đến thẩm mỹ cao, rất rất cao chứ không phải mộc mạc và dung dị. Tôi cho rằng văn chương là đỉnh cao của thẩm mỹ và trí tuệ. Ở đấy, nó tập hợp tất cả các bộ môn khoa học tự nhiên và xã hội, cũng như các tư tưởng thẩm mỹ, nghệ thuật của mọi bộ môn nghê thuật khác.
Cảm ơn Di Li về cuộc trò chuyện này.
Thủy Anna (Thực hiện)