Nhiều khen chê tại tọa đàm về tác phẩm của Di Li

 

Evan

Tôn vinh văn hóa đọc

Thái Hà Books

Không lâu sau khi ấn hành tiểu thuyết "Trại hoa đỏ", nhà văn Di Li lại vừa ra mắt tập truyện ngắn và một tác phẩm dịch. Không chỉ gây ấn tượng mạnh bởi sức viết dồi dào, chị còn có khả năng tạo ra những sáng tác gây tranh luận.
> Di Li không 'tẩu hỏa nhập ma' vì truyện của mình

Chính vì vậy, buổi tọa đàm về tác phẩm của Di Li do Ban Công tác Nhà văn trẻ tổ chức chiều 26/6 tại Hội nhà văn đã diễn ra với nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Hai tác phẩm vừa ra mắt của Di Li là tập truyện dịch Bóng đêm bao trùm và tập truyện ngắn Bảy ngày trên sa mạc. Bóng đêm bao trùm gồm 27 truyện của các tác giả nổi tiếng trên thế giới do Di Li tuyển dịch. Còn Bảy ngày trên sa mạc tập hợp những sáng tác mới nhất của Di Li như: Bảy ngày trên sa mạc, Giếng, Đôi khi tình yêu vẫn đi lạc đường, Viên kim cương đen, Hai người trên hoang đảo… Với lối viết nhẹ nhàng, hóm hỉnh, tập truyện là một mảnh ghép lúc mỉa mai, lúc bỡn cợt, lúc ít nhiều cảm thông cho những tình huống trớ trêu của thế giới thượng lưu trong xã hội hiện đại.

Không chỉ được biết đến như cây bút nữ hiếm hoi viết tiểu thuyết trinh thám kinh dị ở Việt Nam hiện nay, Di Li còn rất quyến rũ trong từng truyện ngắn nhỏ. Không sướt mướt, lãng mạn, tình cảm chiều lòng những cô cậu mới lớn, không nhiều sex và ái tình để thỏa mãn những độc giả hiếu kỳ, Di Li khẳng định nét cuốn hút riêng ở sự phát hiện ra những chi tiết éo le, những nghịch cảnh của cuộc sống và thể hiện chúng với giọng văn tưng tửng, hài hước. Trong truyện Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường, kể về một anh chàng "điếc" nhạc bác học nhưng phải đi xem giao hưởng để chiều lòng cô người yêu nhạc công, nữ tác giả trẻ viết: "Khi trích đoạn Ruchenista du dương như dòng Danube chảy qua những cánh đồng hoa hồng khiến cả nhà hát phải nín thở đến độ một chú muỗi gầy trót đập cánh mạnh cũng gây ra điều khó chịu thì Số Một ngáy ồ ồ như sông Hồng đang vào mùa nước lũ. Mười hàng ghế đầu náo loạn. Đến lần thứ ba phải lay Số Một dậy thì nhân viên nhà hát điệu cổ khách V.I.P ra sau tấm rèm đỏ". Thế mạnh này của Di Li được nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm tỏ ý khen ngợi. Nhà phê bình Văn Giá nhận xét: "Biểu hiện của cái cười trong các tác phẩm có mặt chủ yếu ở ba điểm: thứ nhất là tình huống truyện toát lên cái buồn cười, đáng cười; thứ hai, ở chi tiết và thứ ba ở lời văn". Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng chia sẻ: "Di Li viết rất lạnh, câu chữ không có chút rưng rưng nào cả. Nhưng bản thân câu chuyện rất hấp dẫn".

Bên cạnh cách kể thì món lạ mà Di Li bày ra trước người đọc chính là chất kinh dị và yếu tố trinh thám trong các truyện của chị. Chọn một lối đi mới, đang hiếm trong nền văn học đương đại Việt Nam, Di Li có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít thách thức. Ít cạnh tranh, cơ hội thành công của chị sẽ nhiều hơn, nhưng thể loại này vắng người đọc, Di Li muốn hút độc giả, chị buộc phải thật hấp dẫn. Về điểm này, nhà văn Thanh Hải đã đánh giá: "Truyện trinh thám đòi hỏi bản lĩnh và sự tính toán chi li. Di Li là người giỏi chơi ma trận và chơi thắng. Chị đặc biệt mạnh về tưởng tượng - điều rất cần thiết đối với một nhà văn". Nhà văn Trần Thị Trường cũng bày tỏ, chị không thích thể loại trinh thám kinh dị nhưng vẫn thấy rất thú vị khi đọc các tác phẩm của Di Li.

Sinh năm 1978, đến với văn chương như một sở thích, Di Li đã đạt được những thành công không thể phủ nhận nhưng chị cũng còn gặp phải nhiều hạn chế của một tác giả trẻ, một người chưa thực sự có vốn sống sâu sắc. Vì vậy, bên cạnh những lời khen, nhiều nhà văn tiền bối, nhiều nhà phê bình đã thẳng thắn chỉ ra "cái dở" của truyện Di Li. Nhà văn Trần Thị Trường nhận xét: "Di Li kể nhiều quá, kể nhiều hơn tả. Điều này khiến độc giả đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, đôi lúc không được thư giãn". Còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: "Truyện của Di Li kết thúc rất dở, kết quả rõ ràng, làm hỏng cả công sức của người viết". Anh cũng chia sẻ ý kiến với nhà văn Trần Thị Trường ở nhận định, Di Li kể quá nhiều: "Văn có văn kể, văn tả, văn nghĩ. Chưa nói đến tầm văn nghĩ, Di Li cần tả nhiều hơn để tạo sự cân bằng và tiến đến việc đầu tư chiều sâu cho tác phẩm".

Không khí tọa đàm tác phẩm của Di Li. Ảnh: Hà Linh.

Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị từng đoạt giải ba trong cuộc thi Truyện ngắn Quân đội 2005-2006 với truyện ngắn Cocktail. Đến nay, Di Li đã xuất bản các tập truyện ngắn Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục, Bảy ngày trên sa mạc, tiểu thuyết Trại hoa đỏ và một số tác phẩm dịch.

Hà Linh