Thông điệp tốt cũng phải thông qua một cuốn sách hấp dẫn

Sau tập truyện ngắn Tầng thứ nhất do NXB Hội nhà văn phát hành hồi tháng sáu, Di Li lại tiếp tục được NXB mời ra mắt tập truyện thứ hai với phong cách trinh thám-kinh dị làm chủ đạo có tên Ðiệu Valse địa ngục.

Ðược biết một tập sách nữa của chị vừa ra mắt bạn đọc. Ba tháng với hai cuốn sách, liệu có phải là quá nhiều đối với độc giả và quá sức với chị?

Không, là tôi viết rải rác lâu rồi, bây giờ mới quyết định gửi tới nhà xuất bản. Nếu độc giả thích cuốn trước, chắc chắn họ sẽ mua cuốn này. Như vậy, cuốn thứ hai cũng là để đo chất lượng của cuốn thứ nhất. Còn những ai chưa đọc tập truyện Tầng thứ nhất thì có thể họ sẽ quan tâm hơn tới cuốn Ðiệu Valse địa ngục.

Vậy cuốn sách sắp tới này có điểm gì mới so với Tầng thứ nhất?

Vẫn là hai thể loại chính, hài hước và kinh dị, hoặc trinh thám-kinh dị. Trong tập đầu tôi tập trung vào phong cách này và thấy rằng các tác phẩm cũng đã phần nào được đón nhận. Như vậy cũng có thể coi như một cuộc thử nghiệm, và tôi sẽ tiếp tục theo đuổi thể loại này để phục vụ độc giả.

Tại sao chị lại đi sâu vào thể loại trinh thám-kinh dị, một thể loại khá mới tại Việt Nam, chứ không phải là kinh dị hay trinh thám?

Vì tôi say mê cả hai thể loại này, trinh thám và kinh dị đều mang lại cảm giác hồi hộp cho độc giả nhưng kỳ thực lại rất mâu thuẫn với nhau. Trinh thám cần một suy luận logic ăn khớp đến từng chi tiết còn kinh dị nhiều khi cho phép cả những điều phi lý. Kết hợp hai thể loại này là một thách thức rất lớn. Và trinh thám-kinh dị trên thế giới cũng không nhiều người viết.

Có phải chỉ là ý thích khi chị kết hợp hai thể loại này với nhau vì cho đến nay sách thuộc thể loại kinh dị và trinh thám thường thuộc hàng bán chạy hay chí ít cũng thu hút được sự quan tâm của một lượng lớn độc giả, nhất là những độc giả trẻ?

Tất nhiên nếu thành công ở thể loại ăn khách này là điều tuyệt vời.

Truyện kinh dị thường tạo ra những cảnh rùng rợn, hiệu ứng gây hồi hộp cho độc giả nên không phải là thể loại được đánh giá cao trong việc truyền tải những thông điệp có ý nghĩa của tác giả, chị nghĩ gì về điều này không?

Không, truyện kinh dị nhưng đều viết trên nền tảng con người, phục vụ con người, chỉ hư cấu ở chi tiết nên những gì tôi viết vẫn là về hiện thực xã hội. Thông điệp có ý nghĩa của truyện không phải phụ thuộc vào thể loại nào, cách thể hiện nào mà ở chính nhận thức và tay nghề của tác giả. Hai cuốn tiểu thuyết gần đây tôi thực sự khâm phục là cuốn Balzac và cô thợ may Trung Hoa Kỳ án ánh trăng của các tác giả Hoa Kiều: Ðới Tư Kiệt và Quỷ Cổ Nữ (bút danh chung của cặp vợ chồng Dị Minh và Dư Dương). Một cuốn viết bằng ngôn ngữ hài hước và một cuốn theo thể loại trinh thám kinh dị, nhưng hãy thử nhìn thành công cùng các giải thưởng của hai cuốn này mà xem. Một điều trùng hợp là cả hai cuốn tiểu thuyết đều xoay quanh cuộc cách mạng văn hoá Trung Hoa. Một đề tài chính trị khô khan, mà lại truyền tải thành công bằng ngôn ngữ hài hước và kinh dị nhưng vẫn đậm chất nhân văn. Như vậy, muốn truyền tải thông địêp gì thì cũng vẫn phải thông qua một cuốn sách hấp dẫn. Nếu thông điệp có tốt, mà ngay từ trang đầu người ta đã muốn bỏ sách xuống, thì tác phẩm đó thất bại rồi.

Vậy theo chị, truyện kinh dị mang dấu ấn của nhà văn Di Li đã đem lại những thông điệp gì cho độc giả?

Thông điệp gì còn phụ thuộc vào độc giả. Một tác phẩm đúng nghĩa bao giờ cũng bao hàm những thông điệp nhiều tầng nhiều lớp, nhưng mỗi người đọc lại cảm nhận nó theo một cách khác nhau. Tôi nhường lại câu trả lời này cho những người đã từng đọc truyện tôi.

Truyện ngắn của Di Li có những chi tiết, những bối cảnh rất hiện đại như quán bar, chung cư, phải chăng làng quê, thôn xóm không tạo được cảm hứng cho chị?

Tôi sinh ra và lớn lên nơi đô thị. Những lần về thăm quê chớp nhoáng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tôi không hiểu rõ về một đề tài nào đó thì không thể viết được chứ chưa nói là viết hay. Tôi cũng muốn viết về những câu chuyện trên nền bối cảnh này nhưng ví thử nếu có đi thực tế thì cũng sẽ viết bằng con mắt của một người đô thị, sẽ không thể sâu sắc như nhiều nhà văn khác.

Sex trong các tác phẩm văn học đương đại dường như rất phổ biến nhưng cũng không tìm thấy trong tác phẩm của Di Li?

Sex là một hành động bình thường như ăn cơm và uống nước, nhiều nhà văn nói vậy. Tôi cũng nghĩ vậy. Mà đã bình thường quá đi rồi, ai cũng biết rồi thì rất khó miêu tả cho hay. Bằng chứng là nhiều nhà văn của ta tập trung vào chủ đề đó coi như một cách tân đã thất bại thảm hại. Tôi nói rằng họ thất bại vì nếu độc giả tìm mua truyện của họ vì sex chứ không phải vì tác phẩm hay chí ít là vì tên tuổi của họ, sau đó lại phê rằng sex của họ thế nọ thế kia thì là thất bại rồi.

Vân Anh (thực hiện)