Ai cũng phải sợ một thứ gì đó
Là một cô giáo dạy tiếng Anh tại Trường Cao đẳng Thương Mại & Du Lịch Hà Nội, Di Li bất ngờ xuất hiện trên văn đàn bằng những truyện ngắn kinh dị. Sau khi đoạt giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Văn Nghệ Quân Đội, Di Li ra mắt tập truyện ngắn “Tầng thứ nhất” và chuẩn bị phát hành tiếp tập truyện ngắn “Điệu Valse địa nguc”. .
@Chào Di Li, cô giáo chuẩn bị phát hành tiếp tập truyện kinh dị để…dọa học trò có phải không đấy? Tôi đọc cũng còn cảm thấy nổi gai ốc, chứ kể gì đến sinh viên…
Tôi đang viết cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị với tựa đề “Trang trại”. Với tiến độ này thì khoảng nửa năm nữa cuốn sách mới có thể hoàn thành. Tôi đang áp dụng một hình thức thể hiện văn học mới khi mà khoảng cách truyền thống giữa nhà văn và độc giả đã giảm thiểu. Từng phần của câu chuyện được tôi đưa lên blog và độc giả có thể chia sẻ cảm xúc và ý tưởng của họ. Nếu có quá nhiều độc giả phê bình một vài chi tiết thì tôi sẽ sửa chữa để diễn tiếp phần sau, hoặc nếu nhiều người đoán được ý đồ của tác giả (điều tối kỵ đối với thể loại này) thì tôi sẽ chuyển hướng câu chuyện. Như vậy sự tương tác giữa độc giả và tác giả được thể hiện vượt trội, và độc giả cũng là người tham gia để xây dựng cuốn tiểu thuyết. Qua “Trang trại”, độc giả, nhất là những người đọc trẻ tuổi, vừa được đóng vai một vai thám tử với những phương án suy luận logic để trả lời cho câu hỏi “ai là thủ phạm?”, vừa được trải nghiệm cảm giác sợ hãi và ám ảnh bởi những chi tiết rùng rợn xen lẫn siêu thực.
@ Thể loại kinh dị vẫn còn rất mới mẻ đối với công chúng và cả giới viết lách Việt Nam, sự chọn lựa của DiLi là muốn thử sức mình, hay muốn tìm kiếm mảnh đất ít cạnh tranh?
Điều đầu tiên khi ta làm bất cứ điều gì là ta phải yêu thích thực sự. Tôi say mê các tác phẩm trinh thám và kinh dị, hoặc trinh thám – kinh dị, chứ không chỉ riêng kinh dị. Nhiều người khuyên can tôi rằng cứ viết những gì dung dị thôi. Nói thẳng ra là chưa ai ủng hộ tôi viết thể loại này. Nếu có một hai người ủng hộ, thì họ cũng hoài nghi về khả năng thành công rất thấp của tôi. Cái ý tưởng đi sâu vào the loại này rất đơn giản. Tôi mê những câu chuyện hãi hùng và nghẹt thở. Đọc mãi truyện nước ngoài thì cũng chán, mò ra hiệu sách thì quanh đi quẩn lại thấy trinh thám thì có Phạm Cao Củng, kinh dị có Thế Lữ, Tchya Đái Đức Tuấn. Lại toàn là những tác phẩm viết từ thời bố tôi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí tập truyện “Đêm bướm ma” sưu tầm cả truyện ma cổ xưa của Nguyễn Dữ và truyện ma truyền miệng được ưa chuộng đến nỗi tái bản đi tái bản lại. Trước “cám cảnh” đó, tôi cũng muốn đóng góp vài tập truyện cho vui.
@ Một cốt truyện kinh dị thường đến với Di Li trong hoàn cảnh nào? Một sự sợ hãi trong trường hợp cụ thể hay một trí tưởng tượng phong phú?
Nghĩa là nếu lúc nào tôi thấy sợ… ma thì đi tìm giấy bút để viết truyện? Hoặc tôi cứ ngồi tự tưởng tượng ra những con ma? Không phải thế. Tôi nhớ có lần đọc thấy Stephen King nói rằng “Chỉ những nhà văn nghiệp dư mới viết khi có cảm hứng”. Đúng là như vậy, nếu mình cứ chờ cảm hứng đến từ những cơn sợ hãi tột độ hay những cảm xúc ảo là sản phẩm từ trí tưởng tượng, thì công việc viết lách sẽ bị phụ thuộc vào những thứ rất mơ hồ. Hôm nay tôi đặt kế hoạch phải viết cho xong một truyện ngắn là tôi cứ thế viết thôi.
@ Các nhà văn thường hay viết về sự trải nghiệm của mình hoặc khao khát những gì còn thiếu. Phải chăng Di Li là một người phụ nữ rất sợ…ma quỷ và những ám ảnh?
Bản chất của văn chương là… bịa, và tác giả có thể hư cấu toàn bộ bối cảnh, nhân vật, hành động nhưng không thể hư cấu được cảm xúc. Cảm xúc phải là có thật rồi từ đó mới hư cấu thêm. Những người chưa từng trải qua nỗi sợ hãi bao giờ sẽ rất khó khăn khi truyền tải cảm giác hồi hộp cho độc giả. Tôi không chỉ sợ ma quỷ mà còn sợ hãi và bị ám ảnh bởi rất nhiều thứ khác. Cuộc sống đầy những bất trắc và ai cũng phải sợ một thứ gì đó. Đấy là điều tôi luôn tự nhắc nhở mình khi loay hoay tìm cách để… dọa cho độc giả sợ.
@ Một giảng viên xinh đẹp, dịu dàng nghiêm nghị trên bục giảng và một nhà văn viết trinh thám, theo phán đoán bình thường của nhiều người, thì hai “vai” này hoàn toàn khác biệt nhau. Di Li đã “diễn” thế nào để bảo đảm hình ảnh “hai trong một”?
Tất cả mọi người đều phải diễn giỏi nhiều vai một lúc. Đó là cuộc sống. Nhiều người hay nghĩ về những người làm nghề viết lách như một thế giới đặc biệt, còn tôi thấy nó bình thường như mọi nghề khác. Tôi không đam mê văn chương đến độ “hành xác”, và cũng không quan tâm xem mình “chuyên sâu” hay “không chuyên sâu”, vì nhiều người cứ khuyên tôi nên viết văn như nghề tay trái thôi. Đơn giản là chiều chủ nhật, người khác giải trí bằng cách đi xem đá bóng hoặc shopping thì tôi ngồi viết. Việc này cũng không mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, tôi là người vô cùng nghiêm túc và cẩn thận khi sáng tác.
@ Vâng, chúc Di Li tiếp tục “giải trí” như vậy, để bạn đọc có những tác phẩm kinh dị tiếp theo!
Lê Thiếu Nhơn