VIẾT SÁCH ĐỂ NÓI ĐƯỢC NHIỀU THỨ
Mới đây, cuốn tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ của nhà văn trẻ Di Li chính thức trình làng. Với Trại Hoa Đỏ, nhà văn Di Li là người đầu tiên khai mở một thể loại kết hợp giữa trinh thám và kinh dị.
Trinh thám kinh dị là một thể loại hoàn toàn mới ở Việt Nam, thể loại này đòi hỏi người viết phải có vốn sống ở rất nhiều lĩnh vực. Đang thành công với thể loại tình cảm tâm lý, đột nhiên Di Li quay ngoắt sang "hù doạ" độc giả bằng thể loại trinh thám kinh dị đầy trắc trở. Điều này xuất phát từ mong muốn làm mới mình của Di Li hay một lựa chọn đã được tính toán?
Ngay từ những truyện ngắn đầu tiên, yếu tố hồi hộp, ly kỳ đã xuất hiện trong ngôn ngữ của tôi. Truyện “Người hai mặt” in trên báo Hoa học trò và “Hoa mộc trắng” trên báo Văn hóa là hai truyện ngắn đầu tiên chứa đựng sẵn những chi tiết li kỳ. Khi tôi ra mắt tiểu thuyết trinh thám kinh dị Trại Hoa Đỏ, chỉ là tập trung vào thể loại một cách chuyên nghiệp hơn mà thôi. Còn nếu có chủ định “tính toán” mà không có khả năng thì cũng không làm nổi đâu. Tôi cũng “tính toán” viết nhiều thứ mà không viết nổi ấy chứ. Có phải chuyện gì tôi cũng viết được đâu.
Di Li từng nói, “Trại Hoa Đỏ là tác phẩm tôi đã “thai nghén” trong một thời gian khá dài. Kể từ chương đầu tiên được post trên blog cho đến lúc tôi dừng viết, tương đương thời gian một người mẹ thai nghén đứa con trong bụng đến khi khai hoa mãn nhụy". Sự "thai nghén" ấy có phải là để Di Li "đo" phản ứng của độc giả với "món độc" của mình?
Đúng như vậy, nếu tôi bị độc giả la ó, ném… comment dữ quá thì tôi đành dừng lại vậy. Chẳng nên “cố đấm ăn xôi” làm gì vì tác phẩm sinh ra là để phục vụ độc giả cơ mà. Tuy nhiên, Trại Hoa Đỏ đã hoàn thành và được in thành sách. Trong quá trình post nó lên blog, tôi chưa nhận được bất kỳ lời chỉ trích nào từ phía độc giả.
ĐỪNG HIỂU RẰNG TÔI VIẾT SÁCH CHỈ VÌ TIỀN
Sau khi trình làng, "Trại hoa đỏ" đã thu hút được sự chú ý của dư luận và báo giới. Di Li có kỳ vọng cuốn tiểu thuyết này sẽ tăng thêm “quyền lực tài chính” và danh tiếng cho mình?
Tôi kỳ vọng từ lúc bắt đầu viết chứ. Nếu lúc bắt tay vào viết, tôi cứ đinh ninh rằng cuốn sách chẳng mang lại cho mình điều gì ngoài sự… giải trí thì tôi viết làm gì. Một cuốn sách dài hơn 400 trang không phải đơn thuần chỉ để giải trí. Tôi đam mê thể loại này, nhưng tôi vốn thực tế, nên sẽ chẳng làm việc gì không có mục đích. Tuy nhiên, đừng hiểu rằng tôi viết sách chỉ vì tiền và vì tiếng, nếu vậy thì tôi nên kiếm tìm chúng ở những lĩnh vực khác một cách dễ dàng hơn. Mà những kết quả cuốn sách mang lại chỉ để tôi yên tâm một điều rằng công sức đằng đẵng hàng năm trời của tôi không phải là vô ích. Nó đã có thành quả bước đầu, mà đã lao động thì phải có thành quả. Bất cứ lĩnh vực nghề nghiệp nào cũng thế thôi mà. Tôi muốn cống hiến một thể loại cho văn học nước nhà, muốn phục vụ công chúng, nhưng ai sẽ công nhận điều đó nếu như nó không có thành quả nào cụ thể.
Trong các tác phẩm của Di Li, mẫu nhân vật nam thường có vẻ bề ngoài lạnh lùng nhưng có tâm hồn cuồng nhiệt, chấp nhận hy sinh cho bản thân, cho bạn bè, lý tưởng và tình yêu. Hỏi thật nhé, Di Li nhìn đàn ông bằng con mắt của nhà văn hay của người phụ nữ?
Có lẽ bằng cả hai, vì bẩm sinh những người viết thường có óc quan sát và đánh giá khá tốt, nên tôi vừa quan sát những người xung quanh (chứ không phải chỉ riêng nam giới) bằng sự nhạy cảm của giới nữ và sự tỉnh táo của người viết.
ĐƯỢC CHỒNG KHEN “GIỎI BỊA”
Ông xã của Di Li có hay đưa ra nhận xét về các tác phẩm của vợ?
Không, anh ấy không đọc nhiều. Hôm vừa rồi, sau khi tôi họp báo ra mắt cuốn sách và anh ấy tình cờ nhìn thấy nhiều bài viết về vợ mình, thì về nhà mới “phỏng vấn”: Em đã viết được bao nhiêu truyện rồi? vân vân và vân vân. Cách hỏi rất giống… nhà báo đang phỏng vấn. Mới hay là chồng mình không biết gì mấy về công việc sáng tác của vợ. Nhưng chồng tôi cũng có đọc vài truyện và khen tôi “giỏi bịa”.
Di Li có thể tiết lộ vài điều về gia đình nhỏ của mình không? Là người "đa mang" nhiều thứ, Di Li liệu có thể "toàn tâm toàn ý" cho gia đình?
Tôi có một con gái 6 tuổi. Tôi không cho rằng những việc tôi đang làm lại ảnh hưởng đến gia đình. Tôi chăm sóc con gái một cách trọn vẹn, cháu cũng “đa mang” như mẹ, đang học thêm các lớp tiếng Anh, danceport và piano bên cạnh lớp “mẫu giáo chính khóa”. Tôi ưu tiên việc đưa đón con gái đi học là số một. Trong những ngày lễ Tết phải mời khách tới ăn cơm, tôi vẫn đứng bếp và chưa bao giờ làm cho chồng tôi phải xấu hổ.
Ngoài việc trực tiếp giảng dạy, viết văn, viết báo, dịch sách, Di Li còn tham gia công việc kinh doanh. Vậy, có sự khác biệt gì giữa một Di Li là giảng viên với một Di Li nhà văn và một Di Li làm kinh doanh?
Khác nhiều chứ. Nhưng mỗi lần nhập vai vào công việc này là tôi lại quên biến mất công việc kia. Nhiều khi sáng đứng với lũ học trò, chiều đi gặp khách hàng và tối cà phê với các nhà văn bạn. Thú vị lắm khi trong một thời gian 10 tiếng được chìm vào các thế giới khác nhau. Nhưng tôi không bị lẫn lộn bao giờ, vì làm nghề nào cũng cần một sự mẫu mực và quyết tâm.
Theo Di Li, con đường thành công có ý nghĩa thế nào với một người phụ nữ?
Mình chủ động hơn trong cuộc sống. Tôi là người quyết đoán, thích được chủ động trong mọi việc và tự do quyết định. Vì vậy, cho rằng phụ nữ thành công trong cả công việc và gia đình là điều tốt nhất, cho dù điều ấy là vô cùng khó.
Được biết, Di Li đang ấp ủ một cuốn tiểu thuyết. Đây sẽ lại là một "món độc" nữa của Di Li chăng?
Tôi đã post được vài chương đầu của tiểu thuyết “Giáo phái” lên mạng rồi. Vẫn là trinh thám kinh dị, nhưng tôi không lặp lại, mà nội dung của nó chắc chắn sẽ là “món độc” vì đề cập đến một vấn đề hoàn toàn mới trong khoa học và văn học Việt Nam.
Xin cảm ơn Di Li!
Lê Hà (Thực hiện)