Trại Hoa Đỏ - Khai mở thể loại trinh thám kinh dị Việt Nam

 

Sau một năm trời cần mẫn viết và post lên blog, chịu khá nhiều áp lực về công việc, thời gian, hối thúc từ phía độc giả, cuối cùng tác giả trẻ Di Li cũng đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị đầu tiên của mình với độ dày hơn 400 trang, nhan đề “Trại Hoa Đỏ”.

 

Câu chuyện bắt đầu từ việc Diên Vĩ được chồng tặng một trang trại nằm giữa vùng núi hẻo lánh. Ngay nhận được món quà từ người thân yêu, không hiểu sao cô đã có những dự cảm chẳng lành. Một bộ tộc kỳ dị, những con người kỳ dị, những vụ sát hại bí ẩn và truyền thuyết về dòng họ Quách khiến chuỗi ngày ở Trại hoa đỏ trở thành một chuyến đi kinh hoàng. Tình cờ, đại úy Phan Đăng Bách, một khách mời của trang trại, tình cờ trở thành thám tử điều tra những cái chết bí ẩn ở Trại Hoa Đỏ. Cũng khi ấy, anh phải chôn chặt nỗi đau mất người bạn thân, để âm thầm tìm kiếm kẻ giết người. Nhưng vượt lên những câu chuyện thông thường, tác giả đã để cho cuộc điều tra không phải chỉ nhằm tìm ra ai là thủ phạm, mà gửi gắm ý tưởng lớn lao hơn là để lý giải về con người: Con người là ai, thủ phạm hay nạn nhân? Con người là gì giữa những bề sáng tối, tốt xấu, yêu thương và thù hận. Phản trắc nằm ở đâu giữa những gương mặt hàng ngày ta vẫn gặp, vẫn nói cười, vẫn chung sống?

Với Trại Hoa Đỏ, Di Li đã trở thành nữ tác giả đầu tiên ở Việt Nam khai mở một thể loại kết hợp giữa trinh thám và kinh dị, và ít nhiều mang đến một không khí mới cho hoạt động sáng tác hiện nay.

Tiểu thuyết trinh thám kinh dị đặc biệt phát triển ở Âu – Mỹ và có những tác gia nổi tiếng được biết đến khắp thế giới, được dịch và đọc nhiều ở Việt Nam, song chưa được các tác giả trong nước chú trọng khai thác. Văn học Việt Nam trước đây chỉ có tiểu thuyết trinh thám hoặc kinh dị (rùng rợn), tuy nhiên số lượng ít ỏi và chưa thực sự có sức hút mạnh với bạn đọc. Bởi vậy có thể khẳng định, với tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ, nhà văn Di Li là người đầu tiên khai mở một thể loại tiểu thuyết kết hợp giữa trinh thám và kinh dị.

 

 

Theo dõi cuốn tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ hơn 400 trang, có thể thấy tác giả của nó là một người biết kế chuyện, vừa tạo được sự hấp dẫn cần thiết với thể loại trinh thám qua từng chương, từng sự xuất hiện của các nhân vật, vừa giữ chắc được mạch truyện, không bị sa đà vào mô tả và lý giải sự việc một cách máy móc.

Thủ phạm là ai? Kinh nghiệm của Agatha Christie được tác giả trẻ Di Li học tập và phát huy một cách hiệu quả: thủ phạm là một trong số những người có mặt (Mười người da đen nhỏ), và đó cũng chính là bất ngờ tạo nên sức nặng làm thay đổi mọi phán đoán. Bản lĩnh nữa, là với kinh dị, vốn là một thể loại siêu thực, Di Li đã biết tiết chế để giữ một nhịp điệu căng thẳng cần thiết cho câu chuyện trinh thám.

Là người có kinh nghiệm viết truyện kinh dị (với 2 tập truyện ngắn Tầng thứ nhất và Điệu Vals địa ngục), Di Li thực sự thành công khi xây dựng các nhân vật có tính cách ma quái: bóng ma mặc áo đen, Ráy, kẻ giấu mặt nghiện xì gà, v.v. Nhưng bất ngờ, Di Li có một nhân vật công an ấn tượng: đại úy Phan Đăng Bách - với một trực giác phá án tuyệt vời, nhưng tuyệt hơn, nhân vật này khiến ta cảm nhận được sự chân thực của đời sống.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà bình luận: Một thể loại phải có sức tưởng tượng phong phú kèm theo óc hài hước của tay hề nhào lộn và trí tuệ của một luật sư. Toàn bộ cốt truyện viết rất hấp dẫn, không hề xa lạ cả về không gian và thời gian; không cố gài ép, giấu diếm nhân vật. Nhưng dường như người đọc đang được tham dự vào một cuộc du ngoạn ảm đạm, thê lương; để liên tục khiếp hãi một cái gì đó, một điều gì đó không sao nắm bắt được về cái nhân tính biến dạng của con người.

Nhận xét về cuốn sách, nhà văn Trần Thị Trường viết: còn lâu Di Li mới bén tới Dan Brown ở sự tưởng tượng, ở tài làm ngược các mật mật mã, ở cách sử dụng các biểu tượng văn hóa và sự dụng công biểu đạt. Song, không thể không thán phục với trên 400 trang viết, trí tưởng tượng của Di Li trong "Trại hoa đỏ" rất dồi dào. Trí tưởng tượng ấy dẫn dắt và lôi cuốn người đọc vào những trang viết của cô và buộc người đọc phải đi hết những điều cô muốn bày tỏ rồi tìm ra câu trả lời cho chính mình. Kinh dị bởi những hình ảnh ma quái, những âm mưu đen tối, những vụ án hình sự và đó cũng là một yếu tố hấp dẫn giống như người ta xem phim hành động bạo lực vậy. Tôi cũng thích cách biểu đạt của tác giả về trực giác của con người. Câu chuyện trong "Trại hoa đỏ" dường như có thật, đang xảy ra đâu đó trong đời sống, nhưng dường như được bịa ra để minh chứng cho câu đề dẫn của tác giả "Ở nơi nào có con người, ở nơi đó còn tình yêu và lòng trung thành. Ở nơi nào có con người, ở nơi đó còn tồn tại sự độc ác và phản trắc". Cái đề dẫn vừa đem lại lợi thế vừa gây ra phản ứng ngược vì nó làm cho người đọc cảm giác về sự "lên gân" nào đó của tác giả. Và, nếu không bị sa vào quá nhiều chi tiết, đến mức không kiểm soát hết nên đã gây ra hiệu ứng ngược: hoặc là thừa so với mục tiêu chính hoặc là thiếu đối với bức tranh toàn cảnh thì cuốn sách còn hấp dẫn hơn nữa và thật đáng kể. Tôi tin với khả năng này Di Li còn đi xa trong sự nghiệp viết văn. Tôi cũng nhìn thấy sự vượt trội của một thế hệ mới. Nhưng tôi hy vọng ở Di Linh những cuốn sách đề cập đến mặt khác của đời sống con người với tính nhân văn sâu sắc hơn.

Nhà phê bình, Phó GS, Tiến sỹ nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ: Đây là một cuộc làm mới đầy hứng khởi và nhiệt tâm của tác giả, nhất định chọn lối viết “kinh dị”,  khiến người đọc bị thôi thúc vì tò mò, bị lạc lối vào mê lộ. Thất bại của độc giả khi không đoán được kết cuộc đã chính là thành công của cuốn tiểu thuyết mang màu hoa đỏ rực này.

Mới ra đời, nhưng "Trại Hoa Đỏ" đã tạo được sự chú ý của bạn đọc khi cuốn sách đã được tái bản ngay sau lần in đầu với số lượng 3.000 cuốn. Ngay sau khi cuốn sách Trại Hoa Đỏ ra mắt, tác giả Di Li lại tiếp tục bắt tay vào một cuốn tiểu thuyết mới có nhan đề “Giáo phái”. Chị tiết lộ “ Tôi cũng sẽ tự làm mới mình với cuốn thứ hai, do chủ đề và nội dung hoàn toàn khác, trong đó tôi đề cập đến vấn đề về giới tính thứ tư và cảnh báo về sự tàn phá nguy hiểm của một loại ma túy mới. Những điều này đều chưa được nhắc tới ở bất kỳ tác phẩm văn học Việt Nam nào”.


Đình Anh