Đừng liên tưởng tôi tới bóng đêm
 
Gây xôn xao văn đàn bằng những truyện ngắn trinh thám kinh dị, từng nhận giải ba cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội 2005 – 2006 với truyện ngắn Cocktail, Di Li (tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978) là tác giả gây nhiều tò mò cho độc giả thời gian gần đây. Một cô gái ham thích với thể loại trinh thám kinh dị thì có đặc điểm gì? Quần thùng áo vằn vện? Vòng cổ với những hình thù kì quái? Thật bất ngờ khi Di Li xuất hiện trước mắt tôi như một người mẫu thời trang, và chẳng có chút gì ở cô có thể khiến người khác liên tưởng đến những chuyện kinh dị đọc "nổi da gà" mà cô đã viết…
 
Liên tục ra sách: Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục, sắp tới là Trang trại. Dường như bạn đang trong giai đoạn sáng tác rất "sung sức"?
Thực ra các truyện ngắn trong hai tập truyện vừa phát hành tôi đều đã viết rải rác từ trước đó rồi mới tập trung lại để in. Còn đối với thể loại tiểu thuyết trinh thám kinh dị, đúng là tôi cảm thấy mình đang "sung sức", mặc dù mới chỉ đang viết dở. Tôi có nhiều dự định cho thể loại này, nhưng chưa thể nói trước vào lúc này.
 
Giới thiệu những tác phẩm của mình trên mạng, trước khi ra sách, bạn thu nhận được những điều có giá trị/ ý nghĩa nào từ đó?
Thứ nhất, tôi đang tìm một sự tương tác giữa tác giả và độc giả. Nếu như trong phương thức sáng tạo truyền thống, người sáng tạo là duy nhất thể hiện tác phẩm của mình và công chúng là đối tượng thưởng ngoạn thì ngày nay, khán giả hay độc giả cũng có thể tham dự một phần vào công việc sáng tạo. Nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, trình diễn, sắp đặt, điện ảnh… cũng đã thay đổi phương thức theo cách này. Đã có nhiều nhà văn tiên phong về sự tương tác trong văn học mạng. Họ có thể thu nhận được nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng cá nhân tôi, khi thể nghiệm tiểu thuyết trinh thám kinh dị, một thể loại hoàn toàn mới ở Việt Nam, tôi cần một sự thăm dò ý kiến từ phía độc giả, điều đó sẽ giảm thiểu công sức của tôi và gia tăng tỉ suất thành công. Các độc giả mạng sẽ cho ý kiến của họ ở mỗi chương và nếu có quá nhiều người phê bình vài chi tiết nào đó hoặc đoán biết được diễn biến tiếp theo của các chương sau (điều tối kỵ ở thể loại này) thì tôi sẽ chuyển hướng câu chuyện. Hơn nữa, một số nhà văn sau khi sách đã phát hành, mới phát hiện được vô số lỗi, có thể về lỗi đánh máy, logic của truyện, kiến thức về những lĩnh vực chuyên biệt mà không phải nhà văn nào cũng nắm được hết, thì lúc đó coi như "sự đã rồi", chỉ đành trông chờ sự sửa sang vào lần tái bản sau. Nhưng giá như có đến hàng ngàn độc giả cùng "soi" vào thì tác phẩm sẽ giảm thiểu được những "rủi ro" kể trên để đến khi phát hành, nghĩa là chính thức ra mắt công chúng, nó sẽ hoàn hảo hơn vì đã được độc giả thẩm định kỹ càng từ trước đó rồi.
Thứ hai, đây cũng là một biện pháp quảng cáo tuyệt vời cho "Trang trại". Vì nó đã được giới thiệu đều đặn trước công chúng đến tận nửa năm trước khi phát hành.
 
Liệu có khó không khi lắp ghép hai dữ liệu này lại với nhau: một cô gái trẻ, yêu thời trang, duyên dáng và dịu dàng với những truyện ngắn kinh dị: những con dao ngập máu, những vong hồn trên cánh đồng hoang, những linh hồn lang thang trên chuyến xe buýt cuối ngày…? Bạn có thể nói gì về điều này?
(Cười) Mọi người vẫn nói đùa rằng lắp ghép hai dữ liệu này với nhau thậm chí còn "kinh dị" hơn đọc truyện của tôi. Nhưng tôi không nghĩ rằng độc giả hy vọng nhìn thấy tác giả của "Vong hồn trên những cánh đồng chết" cũng với một bộ dạng kinh dị tương tự.
 
Thử tưởng tượng nhé – Di Li, nửa đêm tối đen, giữa bãi tha ma…
Tôi mong rằng người khác sẽ không liên tưởng Di Li với bóng đêm và các bãi tha ma. Hơn nữa, truyện của tôi cũng không xuất hiện nhiều những yếu tố "doạ dẫm" kiểu này. Tôi chỉ xoáy sâu vào những nỗi ám ảnh hết sức bình thường của con người bằng một cách thể hiện khác. Có vậy thôi.
 
Bạn nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng đọc truyện của Di Li thấy rằng tác giả say kể chuyện tới mức coi nhẹ cách hành văn, và câu chữ đôi chỗ còn khá vụng?
Chị nói "đôi chỗ" nghĩa là… đôi chỗ, đúng không nào? Thực ra cuốn truyện chị đang cầm trong tay đã bị ban biên tập chỉnh sửa khá nhiều về câu chữ, thậm chí sửa đúng thành sai hoặc có lúc thay hẳn thành một câu mới mà tôi không tiện trích dẫn ra đây. Nghĩa là có rất nhiều câu, từ không phải của tôi. Sau khi đoạt giải thưởng bên Văn nghệ quân đội, trong số báo ra tháng 1/2007, Ban tổ chức cuộc thi đã có bài bình luận về các tác phẩm đoạt giải và cá nhân tôi được nhận xét rằng "làm chủ ngòi bút". Nói vậy là để khách quan thôi, còn bản thân tôi tuyệt đối tin tưởng vào khả năng làm chủ ngôn từ của mình. Tôi viết nhanh, nhưng nhiều khi chỉ để lựa chọn một trong vài từ đồng nghĩa sao cho đắt, tôi cũng phải suy nghĩ đến 15 phút. Tôi rất tỉnh táo khi sáng tác, nên không dễ để cho các tình tiết của truyện dẫn dắt ngược lại mình. Nhưng dù có thế nào, tôi viết là để phục vụ công chúng, không phải cho riêng cá nhân mình đọc nên nếu có quá nhiều ý kiến phê bình giống nhau, tôi sẵn sàng tiếp thu và điều chỉnh.
 
Với số lượng hai đầu sách đã in, một tiểu thuyết đang viết dở và được update hàng tuần trên mạng, cá nhân bạn có nghĩ rằng mình là một nhà văn chuyên nghiệp?
Tôi vẫn nghĩ rằng, ở bất kỳ lĩnh vực nào, sự đánh giá về tính chuyên nghiệp sẽ dựa trên thành quả lao động. Có người cả đời làm một việc mà vẫn bị người khác nói rằng làm việc thiếu tính chuyên nghiệp. Ngược lại có những người mới bước chân vào nghề hoặc cả cuộc đời chỉ có mỗi một tác phẩm ấy thôi vẫn được khẳng định về tính chuyên nghiệp. Như vậy tính chuyên nghiệp sẽ không chỉ căn cứ vào số lượng thành phẩm, thời gian làm việc hay bằng cấp mà vào chính cái mà anh ta đã tạo ra. Về điều này, tôi xin nhường việc thẩm định cho những người đã đọc của tôi.
 
Trong một số bài phỏng vấn, bạn có nói đại ý rằng mình viết văn cũng là một cách thư giãn, giải trí, không phải làm việc. Điều này quả là khác với nhiều tác giả khác. Thậm chí văn chương - với họ - còn như một thứ giời đày. Và những từ chúng ta thường nghe là "pháp trường trắng". Tại sao lại có sự khác nhau như vậy ở cùng một công việc sáng tác, bạn có thể lý giải?
Tôi không muốn bi kịch hóa văn chương lên như thế. Viết văn chứ có phải "khuân gạch" đâu mà nói là "giời đày". Nghề viết lách cũng chỉ đặc biệt hơn các nghề khác một chút thôi nên tôi tuyệt đối không hiểu nhiều người viết trăn trở như vậy là có ý gì. Tôi không bị những tham vọng của danh tiếng hành hạ, không bị quá nhiều áp lực từ cuộc sống hàng ngày chen vào công việc sáng tạo và tôi cũng không viết đến nỗi quên ăn quên ngủ để suy kiệt sức khoẻ mà phân giờ giấc một cách rất khoa học. Cứ ngày cuối tuần là tôi bật máy tính lên và ngồi vào bàn viết. Lúc đó, văn chương đối với tôi thực sự là thư giãn. Muốn công việc có hiệu quả, trước hết tôi phải yêu thích nó bằng một sự tỉnh táo. Còn nếu một số nhà văn coi viết lách là giời đày, là hành xác, là khổ hình, là chốn chữ nghĩa nhọc nhằn hay pháp trường trắng thì đó là quan điểm riêng của họ. Quan niệm như thế nào không quan trọng, chỉ có chất lượng tác phẩm mới là quan trọng nhất thôi. Cũng có thể nhiều người hiểu nhầm từ "giải trí, thư giãn" của tôi là nghiệp dư, là thiếu nghiêm túc chăng? Hơn nữa, câu nói chính xác của tôi là "so với những công việc nặng nhọc khác mà tôi đang làm thì viết lách thực sự là thư giãn".
 
10 năm cầm bút, nhưng bây giờ độc giả mới có hình dung một cách rõ nét về Di Li, qua những tập truyện xuất hiện một cách liên tục. Một vấn đề đặt ra: chỉ bằng hình thức xuất bản truyền thống và các hình thức PR hiệu quả, là có thể đến được với độc giả. Điều ấy có đúng với bạn không?
Đến được với độc giả nghĩa là đã thành công một phần rồi. Tôi vẫn nói rằng, ở thế kỷ 21 này, để thành công trong bất kỳ sản phẩm nào (tác phẩm cũng là một sản phẩm), người ta cần đến ba yếu tố: tài năng + may mắn + các hình thức tiếp thị có bài bản. Tôi biết rất nhiều người có tài năng, nhưng chỉ vì thiếu may mắn mà những thành quả của họ không được công nhận như những người khác. Tôi viết lách đã lâu, nhưng một năm in báo khoảng hai truyện và cũng không tập trung lắm vào việc này. Mãi đến gần đây thì tôi mới chú tâm thực sự vào viết lách. Tôi vẫn mong muốn các nhà xuất bản có một phương thức tiếp thị và PR trong văn học cũng bài bản như các lĩnh vực nghệ thuật khác, để công tác này không phải là một cách làm tự phát với những hình thức gây xì căng đan đánh bóng tên tuổi hoặc quảng cáo thiếu chuyên nghiệp nhằm lừa mị độc giả.
 
Lâu nay – như một thứ luật lệ bất thành văn – người ta vẫn xếp truyện kinh dị, truyện chưởng vào chiếu khác (nếu không muốn nói là chiếu dưới). Và bởi vậy, nó có thế ăn khách nhưng thường bị giới văn chương coi nhẹ. Bạn nghĩ sao về điều này?
Cả truyện trinh thám nữa chứ, là thể loại tôi đang viết, cũng bị một số người cho đó là văn học hạng hai. Chúng ta đang hội nhập, nên tôi nghĩ rằng cả văn học nghệ thuật nữa cũng phải hội nhập. Trên thế giới người ta phân định rất rõ các thể loại: kỳ ảo (fantasy), kinh dị (horror), khoa học viễn tưởng (scientific), trinh thám (detective), trinh thám kinh dị (horror detective)… và mỗi thể loại đều có một sự vinh danh riêng. Alfred Hitchcock, Stephen King, Agatha Christie hay Arthur Conan Doyle đều được coi là những thiên tài của thể loại trinh thám hoặc kinh dị, là thần tượng của biết bao thế hệ độc giả, tên của họ có trong từ điển Bách khoa toàn thư và được nền văn học thế giới ghi nhận. Chẳng lẽ chúng ta cũng xếp họ xuống… chiếu dưới cả hay sao. Chỉ có điều, ở bất kỳ thể loại nào, nếu ai đó viết không tới, chắc chắn tác phẩm của họ sẽ bị đào thải và bị coi là thứ phẩm. Nhưng quan niệm phân loại theo thể loại không phải là phổ biến nữa, vì tất cả những truyện tôi được in trên tạp chí Văn nghệ quân đội (bao gồm cả truyện được giải) đều là trinh thám – kinh dị. Mới đây tôi còn có một truyện trinh thám kinh dị đăng trên báo Người đại biểu Nhân dân. Tôi thực sự thấy rất vui và lấy làm mừng vì sự thay đổi quan niệm rõ rệt này.
 
Phong Điệp