Tôi đang đam mê và dấn thân

Gây chú ý với hai tập truyện Tầng thứ nhất và Điệu Valse địa ngục, giọng điệu trẻ trung, đôi khi hài hước và pha chút ma quái, Di Li mới 29 tuổi. Tên thật là Nguyễn Diệu Linh, hiện đang là giáo viên tỉếng Anh trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội đồng thời là giám đốc công ty Quảng cáo - Truyền thông Châu Á Thái Bình Dương. Chị có cuộc trò chuyện với TT&VH vào thời điểm vừa ra mắt tập truyện thứ hai của mình.

Truớc tiên, chúng ta hãy nói về tập truyện ngắn “Tầng thứ nhất” đang bán rất chạy và đã được tái bán sau gần hai tháng phát hành , dù chị chưa phải là một cái tên “hot” trong làng văn học Việt Nam, chị tự lý giải hiện tượng này thế nào?
Thú thực là tôi cũng không biết tại sao lại thế. Ngay cả đơn vị chịu trách nhiệm phát hành cuốn sách này cho tôi là công ty Đông A cũng không ngờ được điều này. Về mặt logic thì chưa nói chất lượng của cuốn sách như thế nào nhưng nếu nó là một tên tuổi mới, lại không được giới thiệu nhiều trên mặt báo, thậm chí bạn bè tôi nói vui rằng khi sách mới phát hành, ra ngoài hiệu thấy sách của tôi “bị” bày ở những vị trí không phải dành cho sách “hot”, chắc chắn nó sẽ phải tiêu thụ một cách ngắc ngoải. Nhưng nó đã được tái bản. Tôi dành sự lý giải này cho độc giả.

Được biết chị ra mắt cuốn “ Điệu Valse địa ngục” trong khoảng thời gian cách cuốn  “Tầng thứ nhất” có gần ba tháng, phải chăng sự ủng hộ của độc giả cho cuốn đầu tiên đã tạo đà cho cuốn tiếp theo, nhưng trong một thời gian quá nhanh như vậy chị có sợ độc giả cho rằng cuốn truyện sau của chị sẽ là tập hợp vội vàng của các truyện ngắn mà chưa có sự đầu tư kỹ càng về ý tưởng, hay như chị từng nói: viết văn với chị như một công việc chị làm hàng ngày, chuyên nghiệp, nên cuốn thứ hai ra mắt vào thời điểm này đã được chị chuẩn bị từ rất lâu rồi?

Thực ra các truyện đều được tôi viết lâu rồi, và tất cả đều đã đăng trên các báo, sau mới tập hợp lại thành hai cuốn. Chỉ có khoảng hai truyện là tôi viết thêm cho dầy dặn cuốn sách theo yêu cầu của NXB nhưng lại là những truyện được thích hơn cả. Có một điều ít người biết là phải tới phân nửa những truyện trong hai tập sách này đều được tôi viết theo “đơn đặt hàng” của các báo và tạp chí. Tôi từng “tiết lộ” điều này với một vài người thì họ đâm sợ, nghĩ rằng tôi “thương mại” hay “lá cải”. Thực ra, công việc viết lách tôi viết theo “định mức”, không cần cảm hứng. Cảm hứng chỉ đến với tôi khi tôi bắt đầu bật máy tính chương trình word lên và gõ vào máy. Còn để đánh giá tác phẩm, cách tốt nhất là đọc tác phẩm đó, còn tôi viết và tập hợp theo cách thế nào, điều đó không quan trọng.

Tuyển tập truyện ngắn, là bao gồm các truyện ngắn, nhưng theo chị có hay không ý tưởng xuyên suốt chủ đạo cả tập truyện?
Nếu có ý tưởng chủ đạo, hẳn nhiên các truyện phải có điểm chung nhất và liên quan đến nhau. Tôi không muốn làm độc giả phát ngấy lên vì những cái na ná, vì vậy mỗi truyện là một đề tài hoàn toàn khác nhau, thậm chí phong cách khác nhau. Sự phong phú trong đề tài và nhân vật của chị là không thể phủ nhận, nhưng đằng sau sự chau chuốt về ngôn từ, chạm khắc về nhân vật nội dung mà chị muốn truyền tải đến bạn đọc là gì, hay đơn thuần là mang lại cho họ cảm giác tò mò, hồi hộp theo diễn biến của câu chuyện?
Sự nhận biết nội dung và thông điệp phụ thuộc vào nhận thức, thói quen và sự tinh tế của mỗi độc giả. Vì khi họ đọc, sẽ không hề có tác giả đứng bên cạnh để giải thích về ý nghĩ nội dung cho họ. Nhưng theo tôi, thông điệp cao siêu nhường nào, đều phải thông qua một câu chuyện hấp dẫn. Nếu ngay từ trang đầu, độc giả đã không muốn xem rồi thì thông điệp được truyền tải theo cách nào đây.

Truyện ngắn tự nó đã hàm chứa cái thú vị của những điều sâu sắc trong một hình thức nhỏ xinh, gọn ghẽ và truyền dẫn cực nhanh những thông tin mới mẻ. Truyện của chị luôn đầy ắp thông tin về cuộc sống hiện đại và những cái kết đầy bất ngờ ẩn chứa đằng sau giọng văn hài hước, dí dỏm thậm chí những lúc sắc nhọn. Với chị đôi khi câu chữ mở đầu và câu văn thứ nhất có phải là câu văn thao túng toàn bộ sự định hướng phát triển của cốt truyện?
Không. Tôi luôn chú trọng vào cái kết. Cái kết bất ngờ là điều tôi quan tâm nhất đối với một câu chuyện. Thông thường, khi sáng tạo nên một cốt truyện mới tôi thường nghĩ đến cái kết trước rồi mới đi sang sắp xếp cấu trúc và chi tiết. Nếu bất kỳ độc giả nào đoán được bất kỳ cái kết nào trong truyện của tôi thì tôi cho rằng cái truyện đó thất bại mất rồi. Đặc biệt đối với thể loại trinh thám-kinh dị mà tôi đang theo đuổi.

Ám ảnh, cuốn hút và gây ấn tượng mạnh nhất với người đọc là truyện: “Bức tranh và ngôi nhà cổ” với giọng văn đầy ma mị và lôi cuốn, phải nói rằng cầu chuyện thể hiện rõ thế mạnh của chị trong thể loại truyện trinh thám kinh dị, một thể loại khó và không nhiều ở nền văn học Việt Nam, chị đang tạo phong cách riêng cho mình?
Bất kỳ một người sáng tạo nào khi sáng tạo đều nghĩ đến một “cái riêng”. Bởi vì cũng như những nhà kinh doanh sáng tạo ra một loại sản phẩm hàng hoá mới, nếu anh không có một cái riêng thì anh tự đào thải chính mình. Tôi không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất là khi sáng tác thể loại này, tôi cảm thấy mình thăng hoa. Tôi cũng tự tin và dễ dàng thể hiện câu chữ hơn. Ngay từ truyện ngắn đầu tay sáng tác cho học trò, thuở mà tôi mới tập toẹ viết lách, nào đã biết gì đến cái chung, cái riêng nhưng truyện “Người hai mặt” của tôi cũng đã hàm chứa nhiều yếu tố ly kỳ, hồi hộp.

Xuất thân từ cô giáo dạy ngoại ngữ, nhưng viết báo và viết truyện với một vốn sống phong phú, một văn phong sắc sảo, và tạo lập cho mình một phong cách riêng, những bước đầu chị đã thành công, nhưng dường như vẫn thiếu để chị tạo thành một thương hiệu đuợc biết tới rộng hơn với độc giả, vậy kế hoạch dài hơi sắp tới của chị là gì?
Người ta nói thế này, danh tiếng được tạo lập bởi công thức: tài năng + may mắn. Cái may mắn này người ta vẫn nói nôm na là cái duyên nghề nghiệp. Còn tôi thì cho rằng trong một xã hội hiện đại, mọi công thức đều được biến đổi theo thời cuộc: tài năng + may mắn + tiếp thị tốt. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, những người thành danh trên mọi lĩnh vực không phải tất cả đều thực sự tài năng, nhưng những người có tài năng thực sự thì sớm muộn gì cũng được nhận biết. Tôi nói luẩn quẩn như vậy chỉ với một ý duy nhất rằng tôi chẳng có kế hoạch dài ngắn nào cho “thương hiệu” của mình cả. Nếu tôi có sẵn trong tay cái công thức kia thì sẽ thành công, bằng không chẳng có gì trong tay thì đành chịu vậy, còn kế hoạch nỗi gì, những cái đó có phải chủ quan mà tự quyết được đâu. Hơn nữa, bất kỳ người cầm bút nào cũng mong được nhiều tác giả biết tới tác phẩm của mình, nhưng đối với tôi đó không phải là điều duy nhất. Hiện tôi đang sống bằng nhiều nghề khác nhau. Ở các cương vị nghề nghiệp khác, tôi cũng đã thu được những thành quả nhất định rồi.

Mặc dù trong sáng tạo văn học không phải sự chân thật nào cũng đưa lại tác phẩm hay, nhưng đã là tác phẩm hay thì phải coi tính chân thật là một phẩm chất hàng đầu, nhà văn có cần sự dấn thân? Nghề viết thực ra cũng hay khiến người ta ảo tưởng... Tiền bạc - danh vọng - địa vị có ý nghĩa như thế nào đối chị?
Có ý nghĩa quan trọng, thậm chí là rất quan trọng, nhưng không phải là mục đích. Bởi nếu tôi coi đó là mục đích, tôi sẽ không bao giờ viết văn. Không ai làm giàu bằng nghề viết văn cả, trừ một vài tác giả phương Tây, mà cũng không nhiều. Hơn nữa, tôi đã nói rồi, làm nghề giáo tôi cũng đã “gặt hái” được nhiều giải thưởng, nên không phải quay sang viết lách để kiếm tìm danh tiếng. Thực ra tôi cũng không nghĩ ngợi gì nhiều và cũng không hề ảo tưởng. Mới đầu tôi viết như một nhu cầu đam mê của bản thân, rồi sau khi nó được đón nhận tôi nghĩ đơn giản rằng, có nhiều độc giả quan tâm đến đứa con tinh thần của tôi, thì tôi càng cần phải nghiêm túc hơn nữa. Lúc này, tôi sáng tác không phải chỉ cho bản thân tôi nữa mà cho độc giả. Như vậy, cũng đã là một sự dấn thân, vì để viết lách cho nghiêm túc, tôi phải bỏ bớt nhiều công việc khác chắc chắn sẽ mang lại cho tôi địa vị và tiền bạc.

Người nào đi theo con đường văn chương thì niềm đam mê phải rất lớn, với những khát khao, những ước vọng lớn đặc biệt là trí tưởng tượng phải rất lớn. Là người đang đi trên con đường này, có khi nào chị cảm thấy chông chênh khi mà có nhiều nhà văn trẻ đã nổi lên với một vài tác phẩm rồi không giữ được phong độ và mất hút?
Tôi đang đam mê, tôi đang dấn thân, và sẽ tiếp tục như thế. Thú thực là người khác rất hay quan tâm đến “tương lai” viết văn của tôi chứ tôi không đặt niềm tin và kế hoạch lên hàng đầu. Chừng nào tôi còn đam mê với văn chương, thì chừng ấy tôi vẫn còn giữ được sức sáng tạo của mình. Bằng không, vì một lý do thiếu may mắn nào đó mà tôi “mất hút” thì thôi cũng đành, tôi sẽ lại tiếp tục dành niềm đam mê cho những công việc khác và giữ lại vài cuốn sách để cho con gái tôi xem sau này. Nhưng vẫn hy vọng điều đó sẽ không xảy ra.

Hải Xuân