SỰ VẮNG BÓNG CÚA TRÍ TƯỞNG TƯỢNG
Theo thống kê danh mục sách văn học thiếu nhi trong nước đã được mua bản quyền của NXB Kim Đồng (cập nhật đến 31/5/2008), số lượng tác giả của thể loại văn học là 11 người - trong đó gần một nửa đã mất, số còn lại trẻ nhất tuổi cũng sát ngũ tuần. Còn với gần 50 đầu sách văn học thiếu nhi mà công ty Truyền thông Nhã Nam đã phát hành trong thời gian qua, 100% là sách nước ngoài. Điều gì khiến trên tủ sách thiếu nhi hiện nay vắng bóng các tác phẩm trong nước? Trang Văn học trong tháng có cuộc trò chuyện với nhà văn trẻ Di Li, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan (báo Văn nghệ) và biên tập viên Khánh Phương (công ty truyền thông Nhã Nam).
Là những người luôn theo sát tình hình văn học trong và ngoài nước, xin các anh chị trả lời giúp câu hỏi, vì sao tác giả thuộc thể loại văn học thiếu nhi của ta lại hiếm hoi đến như thế?
Nguyễn Chí Hoan: Theo tôi, nếu có nguyên nhân nào đó, sẽ rất giản dị: chúng ta hẳn đã sơ xuất trong việc kể chuyện, vì kể chuyện cho trẻ em, đặc biệt cho thiếu niên, không dễ tí nào. Nhà văn hậu-hiện đại tổ sư là Umberto Eco bảo hồi bé ông thường được nghe bố ông kể chuyện, rồi khi làm cha ông có cái thú kể chuyện cho con, nên lúc không kể chuyện cho con thì ông viết thành tiểu thuyết.
Khánh Phương: Theo tôi, để nhận định về văn học thiếu nhi trong nước ở thời điểm hiện tại, cần nhìn vào quá trình phát triển thực tiễn của nó. Thời thuộc Pháp, chúng ta chỉ có Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài và một số truyện đồng thoại khác. Một thời kỳ dài, văn học thiếu nhi được xem là công cụ để giáo dục các em bổn phận đối với người lớn, nghèo nàn và thiên về giáo lý. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một quan niệm rạch ròi, công khai và xác đáng về văn học thiếu nhi. Văn học thiếu nhi là để phục vụ các em, giúp các em biết cách thụ hưởng và tự mình xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cuộc sống, hay để áp đặt những quan niệm và trí khôn của người lớn mà chúng ta muốn các em phải như vậy? Một thời kỳ dài người ta đề cao những giá trị, ví dụ tinh thần lãng mạn, nhưng lại theo một cách hiểu hạn hẹp và khiên cưỡng. Đến khi ngấm ngầm thất vọng về thứ lãng mạn này, lại phổ biến tình trạng vồ vập cái thực dụng, biến báo, và thứ trí khôn vặt để thay thế. Lối tư duy dung tục, không đến nơi đến chốn này đã ngăn cản một quan niệm thực sự thấu đáo và xác đáng về đời sống xã hội cũng như thẩm mỹ. Không có cái nhìn minh bạch công khai về quan niệm văn chương (cũng là quan niệm về “hiện thực”, đời sống) thì không có hệ thống giá trị thẩm mỹ tương ứng, và vì thế, không thể có được một dòng văn học thiếu nhi với giá trị văn chương độc lập của nó.
Văn học thiếu nhi của ta chưa đáp ứng được tâm lý, nhu cầu của các em hay bởi các nhà văn quay lưng lại với dòng văn học này?
Di Li: Viết truyện thiếu nhi, theo tôi khó hơn hầu hết các thể loại khác, nên thất bại là điều dễ hiểu. Lâu nay, ngay cả các tác phẩm dành cho người lớn ở VN cũng vắng bóng trí tưởng tượng của tác giả, thể loại phiêu lưu, khoa học viễn tưởng, huyền ảo, trinh thám... hầu như không có, nếu không muốn nói là có thể loại chưa bao giờ có. Mà trí tưởng tượng sinh động lại là điều căn bản để làm nên một tác phẩm thiếu nhi. Người lớn có thể ép mình đọc một tác phẩm “không ra hồn” để nhận định tác giả, tác phẩm chứ trẻ em khó tính lắm. Nếu không thích, các em sẽ quẳng đó để xem một bộ phim hoạt hình hay chơi game. Người viết truyện thiếu nhi cần phải có một tố chất thiên bẩm. Đã bao nhà văn thử nghiệm lĩnh vực này rồi, nhưng đến nay vẫn mới chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giữ ngôi vị đầu bảng với số ấn bản kỷ lục. Trên thế giới cũng không nhiều đâu, những tác giả như J.K. Rowling, dễ có mấy người.
Khánh Phương: Bạn vừa nhắc đến “tâm lý, nhu cầu” của các em, điều này rất quan trọng và đòi hỏi sự đánh giá, tìm đường nghiêm túc của người viết, nhưng nó lại liên quan trước hết đến vấn đề chúng ta đã nói ở trên kia, đó là quan niệm cho sòng phẳng thế nào là văn học cho trẻ em. Ở trong nước, chữ “tâm lý, nhu cầu” của trẻ em đa phần được hiểu một cách rất chung chung, chiếu lệ, được quy về những hoạt động hết sức sơ giản: ăn, ngủ, vận động, học giáo lý.
Anh chị có đánh giá gì về các tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài như: Pip-pi tất dài, Mio, con trai ta (Astrid Lindgren), Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể (Goscinny & Sempé)... được phát hành rộng rãi trên thị trường trong thời gian qua?
Nguyễn Chí Hoan: Các tác phẩm văn học dịch cho trẻ em như bạn nói đến, hết sức hấp dẫn, trước hết về mặt truyện kể
Di Li: Tôi đọc trọn bộ Những truyện kỳ bí của R.Stein, các tác phẩm của Alfred Hitchcock, rồi Những câu chuyện kỳ lạ của Darren Shan và bao gồm cả các tác phẩm kể trên... còn những tác phẩm kinh điển như Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Tomech và thủ lĩnh Tia chớp đen hay Trên sa mạc và trong rừng thẳm... thì đọc đi đọc lại cả chục lần. Trong tủ sách của tôi hầu như không thiếu một cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng nào đã được phát hành. Tôi không có gì để đánh giá vì đó là sách được viết ra bởi các tác gia đã được coi là những ông hoàng, bà hoàng của dòng truyện thiếu nhi và đến tôi 30 tuổi mà vẫn phải ngồi đọc say mê cùng đứa con 6 tuổi.
Các cuốn sách kể trên sau khi phát hành đã được các em nồng nhiệt đón nhận, thậm chí nhiều cuốn còn bị làm giả, làm nhái do sức nóng của nhu cầu thị trường. Vì sao các em lại yêu thích các tác phẩm đó đến như vậy?
Khánh Phương: Câu này lẽ ra bạn phải hỏi các độc giả nhỏ tuổi của chúng ta (cười). Nhưng tôi cũng mạo muội mà thay các em trả lời thế này. Các tác phẩm đó tràn ngập cảm thức về cái đẹp. Thẩm mỹ chính là sự kết tinh của các quan niệm nhân sinh và tri thức văn hóa, không gì khác. Tạo điều kiện để các em tự mình có được cảm quan thẩm mỹ độc lập chính là giúp các em xây dựng nhân cách và hành vi hoàn thiện sau này. Tuy nhiên, cái đẹp là một hệ thống mở. Bạn Pip-pi tất dài vẽ lên tường một bức tranh “tuyệt đẹp” - bà béo vận váy đen, đội mũ đỏ, tay cầm bông hoa vàng, tay kia cầm con chuột chết, - vậy thì cái trái khoáy, kệch cỡm, “mất vệ sinh” ở đây được hiểu là đẹp, bởi vì nó gắn liền với sự hồn nhiên, nghịch ngợm, với niềm vui con trẻ. Tinh thần lãng mạn để hướng tới cái lớn lao, vẻ đẹp cổ điển, cảm hứng anh hùng, lòng yêu tự do, cái hài hước, tinh thần kính ngưỡng sự sống... là đặc điểm nổi bật của các tác phẩm này.
Di Li: Đơn giản lắm, vì những cuốn sách đó có một điểm chung thế này, nhân vật chính đều là những đứa trẻ bất trị, nghịch như quỷ, thích ăn mặc quái dị, hay thó đồ của người lớn, đứa nọ chơi khăm đứa kia, và đứa nào cũng mơ ước được bỏ nhà đi, mơ ước được làm cướp biển, được làm trùm xã hội đen hay anh hùng. Rõ ràng là toàn đi ngược lại với mục tiêu giáo dục. Tôi cược rằng tất cả chúng ta đều ít nhất một lần trong đời “nhen nhóm” mơ ước được bỏ nhà ra đi. Những cuốn sách đó đã đánh trúng tâm lý các em. Tuy nhiên, điều thuyết phục nhất lại là những nhân vật đó đều có tấm lòng nhân hậu, yêu quý bạn bè và cha mẹ. Lồng trong những trò nghịch ngợm là ý nghĩa nhân văn và giáo dục rất cao, được truyền tải qua những áng văn giàu chất thơ và cốt truyện hấp dẫn. Đó chính là lý do khiến những tác phẩm đó trở thành best-seller.
Đứng trước những tác phẩm thiếu nhi xuất sắc trên thế giới, có phải là khó khăn, thách thức đối với các nhà văn VN để có được các trang viết hay cho các em không?
Khánh Phương: Nhà văn VN sẽ học được nhiều ở các tác phẩm xuất sắc đó. Còn việc viết cho thiếu nhi bao giờ cũng là thách thức đối với người lớn.
Nguyễn Chí Hoan: Một truyện kể thường hấp dẫn khi nó có thật. Bạn biết cách tạo ra một câu chuyện thật, bằng việc sử dụng một loại ngôn ngữ kể chỉ có cùng với câu chuyện đó - theo tôi, đó là thách thức và khó khăn hàng đầu mà những tác phẩm văn học dịch cho trẻ em gợi lên với chúng ta.
Di Li: Tôi cho rằng chúng ta cần phải thay đổi rất nhiều cách nhìn. Không phải vì các tác phẩm nước ngoài hay mà truyện thiếu nhi của ta bị chùn. Trái lại, nếu truyện của chúng ta cũng hay, cho dù có kém họ một chút thì các em vẫn cứ thích hơn vì nó gần gũi với tâm sinh lý các em. Ngày xưa tôi đã thích Tuổi thơ dữ dội hay Mùa nước nổi không kém gì Cuộc đời chìm nổi của Romanh Canbri và Kho vàng trên đảo nhỏ. Điều thách thức lớn nhất của chúng ta là phải nhìn nhận cuộc sống qua đôi mắt của các em và phát huy nhiều trí tưởng tượng hơn nữa, vì phần lớn các câu chuyện thiếu nhi thành công nhất vẫn là nói về những chuyến phiêu lưu kỳ thú của trẻ nhỏ. Qua đó các em sẽ được chiêm ngưỡng một cuộc sống mở rộng ngoài thiên nhiên, ngoài xã hội. Đó chẳng phải là một biện pháp giáo dục tốt nhất về lịch sử, địa lý, sinh học và đạo đức hay sao.
Việt Quỳnh