Nhà văn trẻ nói về văn học mạng

hoanggiaanh.net

Các nhà văn mạng ở Việt Nam thường ở lứa tuổi 8X, 7X. Tác phẩm của họ đã xuất bản ra sách giấy chưa nhiều nhưng đủ để gây vài tiếng vang nhất định và sự chú ý của xã hội. Một số nhà văn trẻ, trong đó có cả nhà văn đang được chú ý trên mạng, đã chia sẻ những quan điểm của mình về văn học mạng. Bài phỏng vấn do Nguyễn Lệ Chi thực hiện.

Theo anh/chị, những người viết văn trên mạng, khi có được một số lượng độc giả nhất định và đã in thành sách giấy (dù sách tiêu thụ được hay không), có nên gọi là nhà văn không?
Trần Thu Trang
: Tôi không dám mạnh dạn khẳng định Việt Nam có văn học mạng rồi, vì xét theo hình thức cũng như nội dung của các tác phẩm có xuất phát điểm từ mạng đang được biết đến rộng rãi hiện nay, tôi không tìm ra nhiều sự khác biệt của văn học mạng so với các loại hình văn học truyền thống. Nhiều tác phẩm mới chỉ là dạng tác phẩm bình thường được tác giả tranh thủ dùng máy tính chuyển thành file và đưa lên mạng. Đó là chưa kể đến số lượng tác giả và tác phẩm còn rất khiêm tốn. Tất cả mới đang ở chặng đầu. Còn việc một ai đó đã viết văn và có lượng độc giả nhất định, lại xuất bản thành sách giấy rồi, mà không được gọi là nhà văn thì hơi bất công, ít nhất là với độc giả của họ. 
Dương Thụy: Tôi nghĩ danh xưng “nhà văn” phải được dùng chỉ cho những người có một số sáng tác một cách chuyên nghiệp, thường xuyên, được bạn đọc và giới phê bình đánh giá cao. Những người viết văn, dù là trên mạng hay sách in, không nên lạm dụng từ “nhà văn”. Trên thế giới cũng vậy, có nhiều nhân vật viết hồi ký hoặc kể lại một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, sách thuộc dạng best-seller, nhưng không thể gọi họ là nhà văn được.
Keng: Danh xưng cho tác giả một quyển sách in từ mạng đều do truyền thông và công luận gọi. Số đông chưa chắc đã đúng nhưng lại luôn có lý. Vốn dĩ chẳng có một cơ quan chức năng phong hàm “nhà văn” cho tác giả, nên gọi sao là quyền của độc giả. Tôi có thể hoang tưởng, lộng ngôn tự gọi mình là vĩ nhân, là “star”, là nhà này, nhà kia lắm chứ! Đó là đặc quyền của tôi dành cho tôi. Còn đánh giá là tùy cảm nhận của người khác thôi. Ai yêu quý thì đồng tình, ai ghét thì bác bỏ, mỉa mai... Trái đất vẫn nghiêng và vẫn quay!
Vũ Đình Giang: Văn học thực thụ chỉ có một tên gọi chung là văn học. Còn những vấn đề liên quan thuộc về phương tiện truyền tải, phụ thuộc vào thời đại và sự phát triển của kỹ thuật/công nghệ. Đã gọi là phương tiện thì nó là điều hiển nhiên của đời sống, mình có thể thực hiện thao tác trên điện thoại di động, sóng radio, tivi, internet... hoặc bất kỳ một loại hình công nghệ mới nào sẽ ra đời sau này... Việc in thành sách/báo cũng là một loại phương tiện truyền thông. Nhưng sángtác vẫn gọi chung là sáng tác, văn học vẫn là văn học. Điều cuối cùng người ta nhìn nhận tài năng một người sáng tác là dựa trên chính chất lượng tác phẩm, chứ không ai đánh giá dựa trên phương tiện thể hiện/truyền tải. Chắc ai cũng biết bà J.K.Rowling ăn kháchnhất thế giới vẫn chỉ thích viết ra những dòng chữ trên giấy. Ý đồ của việc này là gì, hẳn ai cũng biết rõ, chứ đâu phải bà không biết dùng vi tính.
Di Li: Theo tôi, ta không nên quá hẹp hòi với quan niệm nhà văn làm gì. Vẫn có rất nhiều người cố công định nghĩa rằng phải hội đủ những phẩm chất gì mới có thể trở thành một nhà văn, hay một họa sĩ hoặc bất kỳ danh xưng nào khác nhưng tôi e rằng khó định nghĩa lắm. Người phương Tây và ngay cả người Trung Quốc cũng không quá hẹp hòi đối với chuyện này. Người Anh nhận định một nhà văn qua từ “writer” (người viết) hay họa sĩ là “painter” (người vẽ). Như vậy thì cứ viết và vẽ là có thể được coi là “writer” và “painter” được rồi.  Trên thực tế, tôi tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, họ cứ viết được một vài cái gì đó, chẳng cần biết có xuất bản không hay chỉ tự mình xem với mình cũng giới thiệu là “I am a writer”. Tuy nhiên, để trở thành một “người viết” thành danh hay chỉ nghiệp dư thôi là cả một quãng đường dài dằng dặc. 


Theo anh/chị, một nhà văn mạng cần hội tụ những yếu tố gì? Tác phẩm văn học mạng như thế nào khiến anh/chị quan tâm?
Trần Thu Trang
: Tôi chỉ gọi ai đó là nhà văn mạng khi họ có viết văn (thường là viết ngay khi đang kết nối internet), thường xuyên đăng tải luôn tác phẩm của mình lên mạng, có giọng văn riêng, duy trì sự tương tác với một lượng độc giả nhất định và ổn định. À, nếu tác phẩm của họ mang hơi thở đặc trưng của mạng (chẳng hạn như thơ lồng hình ảnh flash, văn viết về đời sống forum/blog...) nữa thì tuyệt hảo! Cứ xét theo tiêu chuẩn này của tôi, số nhà văn mạng ở Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hiện nay, tôi quan tâm đến một vài tác phẩm đang được đăng ròng rã trên các trang web, nhưng vì là văn học mạng nên đa phần chúng chưa có tên chính thức, tên tác giả cũng chỉ là những cái nick, thậm chí còn không viết hoa theo tiêu chuẩn tên riêng.  
Nguyễn Hiệp: Có lẽ bạn muốn hỏi đến nhà văn mạng ở nhóm thứ ba (theo cách phân tích của nhà thơ Inrasara), tức là những người viết chỉ xuất hiện trên mạng, khước từ việc đăng tải trên báo giấy? Trong “nhóm” này, tôi có ấn tượng với Lynh Bacardi, nhất là tác phẩm Con bé bịt mắt mà tôi đã đọc cách đây hơn 1 năm. Gần nhất, có sự xuất hiện của Keng với Dị bản. Ở họ, có một điểm chung là sự phá rào bằng cách đối diện với nỗi đau thân xác (và đương nhiên là cả về tinh thần, thậm chí là cả linh hồn). Họ đã can đảm coi những kỵ húy như không.
Di Li: Tôi không quan niệm một nhà văn mạng cần hội đủ yếu tố gì mà một tác phẩm mạng phải đạt được yếu tố duy nhất là sự hấp dẫn. Nếu không, khó có thể kéo người đọc ngồi lâu trước trang của mình được lắm. Họ chỉ cần một cú click chuột, thế là đã sang một trang hấp dẫn hơn trang của ta. 

Văn học mạng ở VN liệu có gây được ảnh hưởng xã hội to lớn như sách giấy? Nếu có, sẽ là tích cực hay tiêu cực?
Trần Thu Trang
: Tôi luôn nghĩ tác động của văn học, trong đó có văn học mạng, đến xã hội là tích cực, theo cách nào đó, không trực tiếp thì gián tiếp. Hiện tại, số người sử dụng internet ở Việt Nam là khoảng hơn chục triệu, đa phần thuộc tầng lớp tạm gọi là trí thức trong xã hội. Đó chính là nhân hòa. Nếu gặp thiên thời (thời gian, cơ hội thích hợp) và địa lợi (một nơi đăng tải có uy tín chẳng hạn), rất có thể những tác phẩm văn học gây ảnh hưởng lớn đến xã hội sẽ xuất hiện. 
Dương Thụy: Nếu đã gọi là gây được ảnh hưởng xã hội to lớn thì dĩ nhiên là theo hướng tích cực rồi. Tuy vậy, các phương tiện truyền thông phải biết cách đưa tin. Làm PR một cách khéo léo, tế nhị thì sẽ không bị phản cảm. Còn PR quá lố sẽ có hại cho độc giả và cho chính người viết.
Keng: Tôi e rằng mình chưa bị ảnh hưởng gì từ sách giấy ngoài những cuốn giáo khoa bắt buộc phải học thời học sinh. Nhưng đó là rất nhiều vấn đề to lớn cao siêu đến mức tôi không với tới nổi. Văn học mạng đang được cho là không có giá trị, nhưng theo tiên đoán của tôi, ảnh hưởng của nó tới xã hội sẽ ngày càng lớn, bởi các thế hệ sau này đều đang trưởng thành song song với mạng internet. Văn học mạng rồi sẽ giống như một màng lọc của xã hội, dù tốt hay xấu, tôi vẫn nhìn thấy yếu tố tích cực trong đó.
Di Li : Đối với tôi, việc gì cũng có tính hai mặt, nhưng sau khi cân đối, ta sẽ thấy rõ tính tích cực của văn học mạng nhiều hơn tính tiêu cực, như vậy thì có thể chấp nhận được. Tích cực trước hết là độc giả thu nhập thấp hoặc độc giả ở xa các thành phố lớn có thể tiếp cận với văn hóa đọc ngay tức thì nhờ một cú click chuột. Điều đó hoàn toàn có ý nghĩa nhân văn to lớn.