Thế nhưng, Di Li ngoài đời lại hoàn toàn trái ngược với những gì mà bạn đọc có thể mường tượng về cô. Di Li chính là thạc sĩ Nguyễn Diệu Linh, giảng viên Trường Cao đẳng Thương mại – Du lịch Hà Nội.
Nếu bất chợt gặp Di Li trên đường phố, người quan niệm cũ kỹ chắc chắn không tin người phụ nữ dáng vẻ xinh đẹp và hiện đại ấy có thể viết truyện trinh thám, còn người quan niệm cởi mở sẽ thấy rằng dường như một lớp người cầm bút khác đã xuất hiện với tất cả sự trẻ trung và tự tin.
Còn bản thân Di Li đôi khi cũng giật mình khi ai đó gọi mình là nhà văn. Bởi lẽ, từ nhỏ đến lớn, cô chưa bao giờ ước mơ trở thành một kẻ dấn thân trên con đường văn chương. Di Li cho biết, cô luôn vạch ra kế hoạch cho cuộc đời mình và lần lượt thực hiện một cách triệt để. Nào là tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ để trở thành cô giáo dạy tiếng Anh và tiếng Đức. Nào là lấy chồng, rồi sinh con. Nào là lấy bằng Thạc sĩ Quản lý giáo dục. Nào là thành lập công ty kinh doanh…
Chỉ có duy nhất một điều không nằm trong kế hoạch là…viết văn. Cô kể: “Lần đầu tiên tôi thử bút là khi chồng tôi đề nghị viết một bài ngăn ngắn giới thiệu chương trình lễ hội do anh ấy làm đạo diễn. Tôi ngồi suốt đêm và… phù phép được một trang giấy A4 mà bây giờ nghĩ lại phát ngượng vì những lời lẽ mang tính quảng cáo áp đặt của mình!”.
Với vốn ngoại ngữ khá tốt, ngoài thời gian đứng trên bục giảng, Di Li được nhiều đoàn du lịch mời làm thông dịch viên. Cô đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới, và mỗi khi trở về lại muốn viết để chia sẻ với mọi người. Đến nay, Di Li tập hợp được những bài ký sự lữ hành đã in trên các báo thành một tập “Mùa thu ở Seoul” dày hơn 300 trang.
![]() |
Cũng trong những chuyến đi ấy, Di Li tìm mua được rất nhiều tác phẩm trinh thám – kinh dị: “Đó là một thể loại văn học mà tôi rất say mê. Đọc của thiên hạ rồi tôi bỗng nghĩ, sao mình không viết nhỉ? Truyện trinh thám – kinh dị ở Việt Nam rất ít, viết ra cho mình đọc, biết đâu người khác cũng đọc?”.
Vậy là viết. Những truyện đầu tiên của Di Li gửi đến các tòa soạn báo, có biên tập viên ngờ ngợ gọi điện thoại thăm dò: “Có phải cô dịch của nước ngoài không?”. Mãi đến khi Di Li đoạt giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2007 thì mọi người mới tin rằng, sau Phạm Cao Củng thì làng văn nước ta cũng đã có thêm một cây bút theo đuổi thể loại trinh thám – kinh dị!
Cùng với hai tập truyện dịch Người yêu dấu của Sara Zarr và Người làm chứng của Tami Hoag, Di Li đã có hai tập truyện ngắn Tầng thứ nhất và Điệu valse địa ngục cùng tiểu thuyết Trại hoa đỏ. Vì thể loại trinh thám – kinh dị “không đụng hàng” nên hầu hết các tác phẩm của Di Li đều khá ăn khách và liên tục được tái bản.
Di Li nhìn nhận cơ duyên văn chương của mình thật đơn giản: “Những lúc rảnh rỗi, tôi ở nhà chăm sóc đứa con gái 6 tuổi. Khi con tập viết những chữ cái thì mẹ tranh thủ viết truyện trinh thám – kinh dị. Xem như hai mẹ con cùng thi đua. Biết đâu con trở thành học sinh giỏi còn mẹ trở thành nhà văn có độc giả!”.
31 tuổi, Di Li đang là một gương mặt phụ nữ đáng chú ý trên văn đàn. Tuy nhiên, chính cô cũng phân vân khi so sánh: “Những chi tiết trong truyện trinh thám – kinh dị cũng rắc rối thật đấy, nhưng tôi có thể sắp xếp theo ý mình, còn chuyện bếp núc tưởng đơn giản mà chẳng phải lúc nào cũng có thể làm tốt nhất. Nhiều lúc tôi xách giỏ đi chợ, chẳng biết chọn lựa ra sao để chồng con có một bữa cơm ngon miệng! Muốn làm một người phụ nữ thành đạt và đảm đang quả không dễ chút nào!”.
Tuy Hòa