Mơ về Hiệp hội nhà văn trinh thám Việt Nam

 

 

Văn học trinh thám và kinh dị là một mảnh đất chưa được nhiều cây bút Việt Nam khai phá. Bởi thế khi tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ ra đời, cái tên Di Li đã khiến văn đàn chú ý. PNVN đã có cuộc trò chuyện với nữ nhà văn trẻ Di Li quanh thể loại văn học này.

 

Trinh thám và kinh dị là thế loại “khó nhằn” ngay cả với những nhà văn nam. Tại sao chị lại “lao đầu” vào thể loại này?
Đúng là có rất ít nhà văn nữ theo đuổi thể loại này, không riêng Việt Nam mà ngay cả trên thế giới. Nhưng đó cũng chính là lý do để tôi bước chân vào địa hạt gần như xa lạ với người viết nữ. Có lẽ bản tính thích chinh phục thử thách đã giúp tôi làm được điều này. Văn là người, mà tôi vốn có cá tính rất mạnh. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu phụ nữ có khả năng viết truyện trinh thám kinh dị, họ sẽ dễ dàng thể hiện hơn các nhà văn nam, vì tố chất giàu cảm xúc và sự giằng co bởi những ám ảnh nội tại là những điều sẵn có ở đa phần phụ nữ.

 

Nhưng chắc hẳn, chị có không ít “nỗi niềm” khi làm thân con gái mà… mê trinh thám, kinh dị?
Thường tác giả của những cuốn sách thể loại này luôn gây tò mò cho người đọc. Đôi khi tôi thấy rất thú vị khi trí tưởng tượng của độc giả còn phong phú hơn cả tôi nữa, vì những gì họ hình dung về tôi rất đặc biệt, họ nghĩ tôi cũng bí hiểm, phức tạp, kỳ dị và đôi chút “rùng rợn” như truyện của mình. Kỳ thực thì sau khi gặp tôi họ thấy mọi thứ đều ngược lại. Còn về phía gia đình và bạn bè, mới đầu, tôi phải đối phó rất mệt mỏi trước sự phản đối của họ. Vì một chút duy tâm nào đó, họ không muốn tôi bước chân vào thế giới của những câu chuyện rùng rợn. Nhưng mọi sự đã qua rồi, tôi đã chứng minh được rằng tôi chẳng thay đổi chút nào con người của mình, chỉ có những câu chuyện là thay đổi mà thôi.

 

Số người viết truyện trinh thám kinh dị ở nước ta hiện tại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Quá ít người đồng hành trên con đường mà mình đã lựa chọn, có bao giờ chị cảm thấy đơn độc?
Khổ nhất là tôi chẳng đàm đạo được với ai về chủ đề này ngoài nhà văn nữ Trần Thanh Hà, bạn thân của tôi. Chị ấy cũng viết trinh thám, nghiên cứu về trinh thám và đã chọn chủ đề văn học trinh thám cho luận văn thạc sỹ. Mỗi lần gặp Trần Thanh Hà là tôi tranh thủ nói chuyện về các trường phái trinh thám. Nếu có một người nào đó cũng đồng cảm với tôi về văn học trinh thám thì tôi có thể nói cả ngày không hết chuyện.

 

Là một người viết trinh thám, chị mong chờ gì vào sự phát triển của thể loại này ở nước ta?
Tôi hy vọng sẽ có một giải thưởng mang tên đại khái như “Tác phẩm trinh thám xuất sắc nhất”. Gần đây, đã có sự xuất hiện của một vài tác phẩm thuộc thể loại này, điển hình như cuốn Vũ điệu tử thần của Trần Thanh Hà. Biết đâu vài năm nữa, ta sẽ hô hào được một Hiệp hội nhà văn trinh thám ở Việt Nam.

 

Được biết mới đây chị đã trả lời phỏng vấn 3 tờ báo có lượng phát hành lớn nhất của Nhật Bản (Asahi Shimbun và Yomiuri Shimbun) và Hàn Quốc (Hancook). Tôi tò mò muốn biết, chị đã trả lời với độc giả nước bạn về những vấn đề gì?
Cũng vẫn là những câu hỏi như nhà báo trong nước hỏi tôi. Họ cũng tò mò muốn biết tại sao tôi lại chọn thể loại này trong khi đa số các nhà văn nữ trẻ trên thế giới thường thích viết về cuộc sống của giới trẻ, về tình yêu và sex.

 

Các nhà báo nước ngoài đã đọc "Trại Hoa Đỏ" hay chưa? Họ có nhận xét gì không?
Họ chỉ nghe nói đến nó thôi vì Trại Hoa Đỏ chưa được dịch ra ngôn ngữ thứ hai, nhưng họ biết nội dung và rất quan tâm đến cuốn sách. Phóng viên của báo Yomiuri Shimbun đã bay sang Việt Nam vào buổi sáng chỉ để làm một cuộc phỏng vấn rồi chiều lại bay về. Trước đó tôi đề nghị được trả lời qua mail cho họ đỡ mất công sức nhưng họ không đồng ý vì đó là nguyên tắc của Yomiuri Shimbun, một tờ nhật báo lớn nhất thế giới. Tôi thực sự cảm động vì họ đã quan tâm đến Trại Hoa Đỏ và đã giúp mình mở một cánh cửa ra thế giới.

Hồ Quỳnh Yên (Thực hiện)