Người đẹp…kinh dị!

 

Người đẹp…kinh dị cũng chỉ để thân thiết gọi một cái nghiệp khác ngoài nghề giảng viên của Di Li. Nghiệp văn chương. Mà cũng là một lối rẽ đầy gai góc trên văn đàn Việt Nam hiện đại, bởi ít ai, kể cả đàn ông dấn thân và thành công để tạo nên một dòng văn chương trinh thám kinh dị “made in Vietnam”…

 

Tôi đọc Di Li nhiều trên mạng. Trong suy nghĩ ban đầu là một hình dung đầy góc cạnh về nàng. Vậy nhưng vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà khi tôi gặp Di Li khiến tôi nghĩ em là người sinh ra để dành cho những cảm xúc lãng mạn và sâu lắng. Di Li viết khỏe, viết khá nhiều và tất nhiên trong sáng tác của em không phải là không có “đất” dành cho những xúc cảm thẫm mỹ thiên về chủ nghĩa lãng mạn. Nhưng thể loại sáng tác chủ đạo của Di Li đang và sẽ theo đuổi là trinh thám kinh dị và hài hước. Nhiều người có chung cảm xúc như tôi còn Di Li thì đùa và bảo “ngoài hiến, biết đâu bên trong lại kinh dị…”. Mà đúng là trí tưởng tượng và tư duy trinh thám của Di Li thật đáng nể, những chi tiết, kỹ năng, kiến thức trong các vụ án hình sự được dựng lên một cách hết sức tự nhiên, logique để lôi cuốn độc giả đi hết bất ngờ này sang bất ngờ khác cho đến hồi kết cục. “Trại hoa đỏ”, cuốn tiểu thuyết trinh thám mới nhất vừa trình làng của Di Li là một minh chứng cho điều này. Nhà văn Trần Thị Trường nhận xét: “Không thể bỏ cuốn sách xuống khi chưa đọc xong. Lôi cuốn từ tình tiết đến cách dẫn dắt trong một bố cục chặt, điều này chỉ những người có đẳng cấp viết truyện tưởng tượng mới làm nổi. Có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên về thể loại này với người viết là nữ ở Việt Nam. Một ưu điểm nữa, đó là người viết có vẻ như giấu được tình cảm chủ quan của ngòi bút, để cho sự kiện dẫn dắt là một trong những yếu tố gây nên sự cuốn hút…”.

 

 

Tôi không có ý PR cho hình ảnh của Di Li bởi qua những lần gặp gỡ, ở em toát lên một vẻ trí thức thiện cảm. Nghĩa là xa đấy mà gần đấy, đủ chín chắn, đủ mặn mà để tiết chế cảm xúc và tránh nói quá nhiều về mình. Văn chương đã trót mang nghiệp vào mình thì cứ phải xem là cái nợ giời đày. Cách mà Di Li thai nghén tác phẩm tất nhiên cũng đầy những khó khăn, nhưng Di Li lại viết nhanh và không tốn quá nhiều công sức nên việc “trả nợ đời” cũng nhẹ. Tất nhiên những con chữ kia chỉ có thể tràn ra sau những tưởng tượng tích tụ qua lang lớp sự kiện và thời gian.

 

Đã từng gặp, chuyện trò và là bạn của những người viết văn trẻ. Gặp gỡ với nhiều tính cách, tính cách Di Li không lạ, nhưng chính sự điềm đạm đó làm cho Di Li có chiều sâu và ra dáng đàn chị hơn. Văn là người, hiển nhiên thế, nhưng tiều thuyết trinh thám kinh dị đơn giản chỉ là sự thỏa mãn những sự phiêu lưu cảm xúc của Di Li mà thôi. Bởi ngoài đời thực, sự trải nghiệm phiêu lưu để đi đến tận cùng của cảm giác sợ hãi và yêu thương về con người sẽ là điều không tưởng. Hay như cách nói của em là “Ở nơi nào có con người, ở nơi đó có tình yêu và lòng trung thành. Và cũng ở nơi nào có con người, ở nơi đó còn tồn tai sự độc ác, nham hiểm và phản trắc”. Biết vậy, nhưng hành trình đi tìm cái thiện và giải mã cái ác lại luôn đong đầy những truân chuyên…

 
Trần Ngọc Hà