Ngang ngạnh, hiếu thắng như Di Li
Buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết kinh dị của nhà văn trẻ Di Li được tổ chức khá sang trọng trong một buổi sáng đầu năm đẹp trời ở Hà Nội. Giữa một vườn văn chương trầm trầm, Trại Hoa Đỏ thực sự gây được chú ý của các nhà phê bình, nhà văn, độc giả....
Trại Hoa Đỏ nhận được khá nhiều nhận xét “có cánh” của các nhà văn tiền bối. Chị có nghĩ chính vì chọn thể loại trước nay ít người đặt chân đến - trinh thám kinh dị?
Tôi vẫn gọi đó là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Giữa lúc độc giả đang bội thực về các mối tình trong văn thì họ có một món mới. Coi như tôi may mắn được trời sinh ra có sở thích đọc truyện trinh thám kinh dị, nên mới loay hoay viết thể loại này. Tuy nhiên, ngay cả ở phương Tây, những nước sản sinh ra dòng văn học trinh thám và kinh dị, thì tỉ lệ các nhà văn viết trinh thám, kinh dị cũng không phải nhiều. Trong buổi ra mắt Trại hoa đỏ, thấy nhà văn Trần Thị Trường, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, đại tá Nguyễn Thụ (Phó Giám đốc NXB Công an Nhân dân) bàn luận về Trại hoa đỏ và các nhân vật của nó như thể vừa xem một bộ phim, tỉ mỉ đến từng chi tiết, tôi thực sự cảm động. Nếu chỉ đơn thuần là một “món ăn lạ”, cuốn sách sẽ không tồn tại trong trí nhớ của người đọc được quá một ngày.
Chị từng nói, chưa ai ủng hộ chị viết trinh thám kinh dị. Vậy thì điều gì đã thôi thúc chị bắt tay vào viết Trại hoa đỏ? Có phải vì sự yêu thích những câu chuyện hãi hùng đến nghẹt thở mà chị từng đọc?
Đúng như vậy thật. Tôi viết trước hết vì yêu thích, nên lúc viết tôi cũng sung sướng như đang được giải trí vậy. Với lại, tôi là kẻ ngang ngạnh và hiếu thắng. Tính cách này bị nhiều người ghét song đôi khi cũng có lợi, cụ thể là có lợi trong việc hình thành Trại hoa đỏ. Cứ hễ điều gì người khác càng phản đối, nói rằng tôi không đủ sức để làm, tôi càng lao vào để cố gắng chứng minh rằng họ đã sai rồi.
Khi mới viết được 1/3 Trại hoa đỏ, chị đã từng nản chí nghĩ đến việc dừng lại. Có phải lúc đó chị nghĩ mình đã quá mạo hiểm khi chọn một thể loại khó? Nói một cách chủ quan, chị nhận thấy vốn sống của mình đã đủ đầy cho thể loại trinh thám kinh dị?
Tôi không nghĩ mình mạo hiểm, mà tôi nghĩ rằng mình rõ dại, không dưng rước họa vào thân, gắn kết với một công việc dài dằng dặc mà chưa biết tương lai mịt mờ của nó sẽ ra sao. Tôi vốn thiếu kiên nhẫn, làm việc gì chỉ muốn xong nhanh dứt điểm, nhưng đã trót post lên blog rồi, hứa hẹn với công chúng rồi, thực không thể dễ dàng dừng lại. Còn về phương diện vốn sống, tôi không lo ngại lắm, bởi nếu ta thiếu hụt điều gì, nó sẽ buộc ta phải đi tìm hiểu. Nhờ thế, qua mỗi tác phẩm (cả truyện ngắn), kiến thức của tôi càng dày thêm lên. Tôi không phải là kẻ nghe ngóng qua loa vài kiến thức của thiên hạ rồi về bịa, mà nhiều khi chỉ vì vài từ chuyên ngành, tôi đã phải đọc đến vài tập sách. Vừa rồi tôi có viết một truyện vừa với nhan đề 7 ngày trên sa mạc, chủ đề Phật giáo. Tôi đã cẩn thận nhờ một nhà sư đọc hộ. Nhưng may mắn là không có vấn đề gì.
Thường người chưa từng trải qua nỗi sợ hãi bao giờ sẽ rất khó khăn khi truyền tải cảm giác hồi hộp cho độc giả. Chị đã bao giờ kinh sợ đến tột cùng chưa?
Có vài lần, trong... những cơn ác mộng và cảm giác đó rất thật. Tuy nhiên, tôi cho rằng trí tưởng tượng của mình không đến nỗi tệ, mà thể loại giả tưởng cần nhiều đến khả năng bẩm sinh này.
Để thành công trong cuộc sống, người ta thường phải cùng lúc diễn giỏi nhiều vai. Chị, cùng lúc vừa là giáo viên, nhân viên PR, nhà văn, dịch giả... Tôi tò mò không biết chị làm thế nào để làm được nhiều công việc như vậy?
Lúc đầu tôi cũng đến khổ vì bị người khác coi thường. Hồi mới vào dạy trong trường, nhiều người chỉ biết tôi có viết báo. Thế là trong một lần bất cẩn nhầm lẫn điểm tổng kết của sinh viên, một cán bộ phòng đào tạo bảo tôi: “Làm gì làm một nghề thôi cháu ạ”. Tôi điếng người và đêm đó về tức chảy nước mắt. Tuy nhiên, tôi nghĩ trong lĩnh vực này mình cũng thành công”.
Trại Hoa Đỏ chưa kết thúc, chị đã PR sẽ viết cuốn sách thứ hai cùng thể loại với tựa đề Giáo phái. Tôi muốn biết chị đã bắt tay vào cuốn sách thứ hai, hay chờ phản ứng của độc giả đối với Trại Hoa Đỏ mới viết cuốn sách này?
Tôi đã post xong các chương đầu của Giáo phái. Độc giả trẻ có vẻ thích nó hơn Trại hoa đỏ, vì tôi đi thẳng vào vấn đề chứ không dẫn dắt dài dòng như cuốn trước, mạch văn tốc độ hơn và nội dung xảy ra ở đô thị, xoay quanh giới trẻ. Tôi dự tính cuốn này chỉ 20 chương và dài chừng 300 trang thôi.
Yến Anh (thực hiện)