TÔI LÀ NGƯỜI CÓ ÓC TƯỞNG TƯỢNG MẠNH

Người Lao động

Hai mươi tám tuổi, nghề chính là giáo viên tiếng Anh, nghề phụ là kinh doanh du lịch, làm PR. Nhà văn trẻ Di Li (tên thật Nguyễn Diệu Linh) gây ngạc nhiên cho độc giả bằng những câu chuyện rất kinh dị của mình. Cô cũng vừa ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên Tầng thứ nhất, NXB Hội Nhà văn phát hành

Văn chương đến với Di Li trong khoảng thời gian nào giữa những công việc bận rộn ấy? Bạn đã viết truyện ngắn đầu tiên ra sao, đó có phải là một truyện ma? 
Quả thực quỹ thời gian của tôi rất hạn hẹp, nhưng viết văn, làm báo là niềm đam mê, tôi không thể bỏ. So với những công việc nặng nhọc khác mà tôi đang làm, tôi thường tự coi viết lách là thư giãn, giải trí, không phải làm việc. Nhìn chung tôi viết khá nhanh, thường thì một truyện dài khoảng 6.000 chữ chỉ ngốn mất của tôi một buổi chiều chủ nhật và trong đầu tôi lúc nào cũng có sẵn độ chục cốt truyện với trật tự cấu tứ sắp xếp rõ ràng, chỉ chờ tranh thủ được thời gian là “xả” lên máy tính. Truyện ngắn đầu tiên của tôi in trên Hoa học trò, hồi còn là sinh viên. Truyện Người hai mặt không phải truyện kinh dị nhưng có nhiều yếu tố gây hồi hộp.

Những cây bút trẻ bây giờ thường lấy cuộc sống của chính mình, hay những gì rất gần gũi, ví dụ tình yêu, làm chủ đề cho những câu chuyện của mình. Còn bạn, tại sao lại chọn thể loại trinh thám-kinh dị? 
Phải nói ngay rằng không phải tất cả truyện ngắn của tôi đều là kinh dị mặc dù tôi thường sử dụng yếu tố gây sợ hãi và hồi hộp trong phần lớn các truyện. Nhưng thời gian gần đây, tôi chuyển hẳn sang thể loại này. Nhiều truyện khác tôi cũng viết về hiện thực đời sống, nhưng tôi cho rằng mỗi người có một thế mạnh. Nghĩa là không phải tôi viết truyện kinh dị hay hơn người khác, mà tôi cảm nhận mình viết kinh dị sẽ tốt hơn viết các thể loại khác. Tôi luôn thấy khó khăn và “đánh vật với câu chữ” khi thể hiện những nội dung thương cảm, ủy mị.

Viết truyện ma, vậy Di Li thích đọc truyện ma của ai? Bồ Tùng Linh với bộ tác phẩm Liêu trai chí dị rất nổi tiếng và gần gũi với người Việt Nam có phải là tác phẩm “gối đầu giường” của bạn?
Tôi có một niềm đam mê lớn đối với những tác phẩm trinh thám, kinh dị và luôn tìm đọc mọi tác phẩm cùng thể loại, trong đó có truyện của Bồ Tùng Linh, tất nhiên. Nhưng tôi không chịu ảnh hưởng của dòng truyện Liêu trai. Văn học kinh dị hiện đại có nhiều truyện hay, có thể kể đến cuốn tiểu thuyết trinh thám - kinh dị Kỳ án ánh trăng của Quỷ Cổ Nữ. Tôi khâm phục Stephen King, ông vua truyện kinh dị của mọi thời đại với những tác phẩm best-seller ở Mỹ. Ông ấy là người có nhiều ảnh hưởng đến những sáng tác của tôi.

Viết truyện kinh dị, người viết chắc chắn phải có sự nhạy cảm đặc biệt và trí tưởng tượng rất phong phú. Chủ quan mà nói, bạn đánh giá trí tưởng tượng của mình đến đâu? Bạn có bao giờ gặp nỗi ám ảnh nào đó khi viết những câu truyện của mình?
Tôi cho rằng những người làm công việc liên quan đến sáng tạo đều có trí tưởng tượng phong phú. Nhìn chung tôi là người có óc tưởng tượng mạnh. Tưởng tượng cũng là một cách thư giãn và giải trí. Tôi nghĩ vậy. Tôi không bị ám ảnh bởi chính những câu chuyện của mình. Trái lại, nếu tôi có ám ảnh, tôi tống nó vào trang giấy.

Bạn có sợ một ngày nào đó, vốn kiến thức về những câu chuyện kinh dị của mình sẽ trở nên quá ít ỏi, vì viết kinh dị hay là rất khó. Có bao giờ bạn muốn thử mình ở một thể loại khác, xem sức mình đến đâu?
Viết ra cái gì hay thì cũng khó, không cứ gì kinh dị. Tôi không lo lắng về “vốn kinh dị” của mình, vì truyện của tôi không nằm trong dòng kinh dị truyền thống với những tích truyện âm dương dân gian. Tôi thích xoáy sâu vào nỗi ám ảnh của những con người đương đại. Sự lo âu, sợ hãi và ám ảnh về thế giới tự nhiên và những áp lực trong đời sống ở chính trong mỗi con người chúng ta. Xã hội càng tiến bộ, nỗi ám ảnh càng lớn. Ma quỷ và những chuyện hoang đường khác cũng sinh ra từ những ám ảnh mơ hồ của con người về một thế giới hiện thực. Vì thế tôi sẽ không bao giờ cạn “vốn” chừng nào tôi vẫn còn hứng thú với thể loại này.

Mười năm cầm bút, một tập truyện trình làng. Đến giờ đã có thể nói, cô giáo chọn văn chương hay văn chương chọn cô giáo được chưa?

Nói là mười năm nhưng trước đây tôi viết không đều đặn, chủ yếu là viết báo, còn truyện ngắn chỉ viết một năm một - hai truyện vào những lúc rỗi rãi, rồi tự nhiên cứ “tích tiểu thành đại” ra được một tập truyện. Cho đến tận hồi năm ngoái, tôi cũng không chú tâm lắm vào việc này, nên nói thế nào cũng được. Chỉ có điều, đối với bạn bè tôi hồi trung học, nếu nói tôi thành cô giáo thì họ khó tin, còn nếu bảo tôi viết văn thì họ thấy không có gì là lạ.

Rất nhiều cây bút trẻ đến với văn chương, nổi danh một chút là nói lời giã từ. Di Li có định gắn bó lâu dài với những trang viết, hay là chỉ như một cuộc dạo chơi rồi thôi?

Có thể đến lúc nào “nổi danh” thì tôi cũng “nói lời giã từ” thật. Vì tôi cho rằng trong lĩnh vực sáng tạo, khi đến đỉnh điểm thăng hoa nào đó rồi nên rút lui, vì có cố thêm nữa, sức sáng tạo dồi dào cũng không thể duy trì vĩnh viễn. Có người thăng hoa đỉnh điểm ở tuổi 20, có người tận 80, có người thì chẳng bao giờ thăng hoa được. Nên có lẽ chờ đến lúc đó hẵng hay. Tôi có thể lập kế hoạch viết một tập giáo án hay tổ chức vài cái sự kiện PR cho khách hàng, nhưng chắc không thể lập kế hoạch cho cảm hứng và sáng tạo.

Hoàng Lan Anh (thực hiện)