Cuốn Tầng thứ nhất của nhà văn trẻ Di Li mới ra mắt trong thời gian ngắn đã được độc giả đón nhận hào hứng không chỉ vì đây là tập truyện có nhiều truyện ngắn thể loại trinh thám kinh dị mà còn ở lối diễn giải độc đáo bởi tư duy phong phú và rất mạch lạc, đậm chất hài hước. Phong cách đó dược duy trì và phát triển ở cuốn thứ 2: Điệu valse địa ngục. Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh ngày 3/9/1978, hiện cô đang là giáo viên tiếng Anh thương mại trường Cao đẳng Thương mại & Du lịch Hà Nội đồng thời là giám đốc Quảng cáo - Truyền thông của công ty Châu Á Thái Bình Dương. Sau đây là cuộc trò chuyện ngắn với nhà văn khi cô đang hào hứng với những kế hoạch mới.
Giới văn nghệ sỹ thường sáng tác khi có cảm hứng, đôi khi đắm chìm vào một thế giới không thực, có người cơ cực lắm mới viết được một trang giấy, còn với chị, viết văn như một công việc hàng ngày sau khi bật máy tính lên, chị chắc hẳn là một nhà văn tỉnh táo?
Tôi cho rằng tất cả các nhà văn đúng nghĩa đều phải tỉnh táo. Nếu bản thân người viết đầu óc không mạch lạc thì sao có thể truyền tải thông điệp của mình đến độc giả. Tôi viết cũng “cơ cực” đấy chứ. Tôi viết nhanh nhưng nhiều khi để viết chỉ một đoạn 500 chữ liên quan đến một vấn đề chuyên môn, tôi phải nghiền ngẫm đến hàng ngàn trang sách hoặc đi mục sở thị. Thậm chí có khi chỉ vì cân nhắc lựa chọn từ nào trong hai từ đồng nghĩa, tôi cũng phải suy nghĩ đến 15 phút. Tuy nhiên, tôi cho rằng viết văn cũng như các công việc khác, phải làm việc một cách khoa học và có nguyên tắc, chứ không thể dựa vào cảm hứng. Cảm hứng chỉ dành cho những người mới tập viết lách.
Văn chương cũng phải thông tin, nhưng cái hay của nhà văn chính ở sự hư cấu. Trong những nhân vật của mình, có bao nhiêu phần trăm bóng dáng chị và cuộc sống của chị trong đó?
Tôi không đong đếm được bao nhiêu phần trăm đâu, nhưng quả thật cái tôi và cuộc sống hiện thực xung quanh tôi có mặt ở khắp mọi nơi trong tác phẩm tôi. Ví dụ rất nhiều nhà văn sáng tạo nên nhân vật “lão ăn mày” và tình huống “nhặt được túi vàng” chẳng hạn. Như vậy cái tôi ở đây không có nghĩa thiển cận rằng nhà văn phải nhập vai lão ăn mày. Nhưng tuy nhiên cái tôi của nhà văn bao gồm nhận thức, thẩm mỹ, tính cách sẽ khiến mỗi một nhà văn giải quyết nhân vật “lão ăn mày” xử lý tình huống đó theo một cách hoàn toàn khác nhau.
Ngoài những câu chuyện kinh dị, thấp thoáng nỗi cô đơn của những người trẻ tuổi trong cuộc sống hiện đại trong những nhân vật của chị, có phải xã hội càng hiện đại, con người càng thu mình hơn vào thế giới của chính mình?
Đời sống đô thị, những sức ép cạnh tranh và hội nhập trong một xã hội hiện đại càng khiến con người gia tăng áp lực tâm lý mà tôi gọi chung là stress đô thị. Nó không chỉ có sự thu mình mà còn kèm theo nhiều nỗi ám ảnh khác.
Xuyên suốt tập truyện là giọng văn phong phú và những dòng đầy ý tứ rất “đắt”. Làm chủ ngôn ngữ là một thế mạnh của chị, chị nghĩ sao khi có độc giả cho rằng chính sự tập trung vào hình thức làm lu mờ nội dung được gửi gắm trong tác phẩm?
Không, bất kỳ mội nội dung, một thông điệp nào đều phải truyền tải qua một hình thức hấp dẫn. Đơn cử thế này. Thông điệp “Nói không với thuốc lá” là rất tốt đúng không nào? Nhưng tôi nhìn thấy nhiều bức tranh cổ động vẽ những hình đơn điệu, đi kèm dòng chữ trên cũng thiết kế đơn điệu không kém treo tràn lan ở những nơi công cộng. Hiệu quả của những bức tranh cổ động đó như thế nào thì chúng ta cũng biết rồi. Tỷ lệ ung thư phổi của người Việt Nam vẫn vào hàng top ten của thế giới. Trong khi đó, tôi cũng được xem rất nhiều bộ phim phổ biến kiến thức với hình thức cực kỳ hấp dẫn, mặc dù chủ đề của họ đưa ra thì tẻ ngắt, ví dụ như làm thế nào để lắp một cái bánh xe nhanh chẳng hạn.
Trong thời buổi có quá nhiều thứ hấp dẫn hơn văn học, với những người viết truyện ngắn hiện đại cái mà họ mong muốn đơn giản chỉ là sự cộng hưởng của người đọc. Nhận xét về diện mạo văn học trẻ hiện nay, chị sẽ nói gì?
Tôi từ chối trả lời về chủ đề này. Tôi vốn không thích những câu trả lời chung chung công khai của mình vô tình đụng chạm đến một cá nhân nào đó.
Giải thưởng mới đây nhất của cuộc thi văn học 2006 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức cho truyện ngắn của “Cocktail” có ý nghĩa như thế nào với chị?
Ý nghĩa lắm chứ. Là để tôi muốn những người vẫn phản đối việc tôi viết văn, hay những người thiển cận phản đối cái cách tôi xử lý nhiều công việc cùng một lúc bằng quan điểm truyền thống “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” của họ nhận thấy rằng quan điểm ấy là không ổn. Việc nhận được giải thưởng chỉ là một cách ghi nhận rằng con người có thể làm tốt nhiều việc, chỉ cần họ có thái độ nghiêm túc là được.
Sự trải nghiệm về mặt suy nghĩ quan trọng hơn sự trải nghiệm sinh học, phải chăng sự tinh tế và nhanh nhạy trong quan sát trong nghề báo, cộng với công việc đuợc đi lại nhiều đã giúp chị rất nhiều trong nghiệp viết văn?
Nhiều người cũng làm báo đấy chứ, nhiều người cũng đi lại nhiều. Tôi còn gặp một quý ông khoe rằng mình đã đi 124 nước. Cái giúp tôi có nhiều trải nghiệm có thể do một tố chất thích nghi bẩm sinh. Tôi không từ chối tiếp xúc với bất kỳ môi trường nào, thậm chí là một môi trường khiến những người phụ nữ như tôi e ngại.
Văn chương có phải một cánh cửa để chị thể hiện, vẽ chân dung, tô đậm cái tôi của mình? Hay là nơi bộc lộ thật nhất những góc cạnh mà người khác không nhìn thấy khi đối diện với chị ngoài đời?
Không biết thế nào, nhưng tất cả những người đọc truyện tôi trước rồi sau đó mới gặp tôi, hoặc thậm chí những người sống cùng tôi (như bố mẹ tôi chẳng hạn) sau đó mới đọc truyện tôi, đều tỏ ra băn khoăn. Có thể vậy, những gì người khác nhìn thấy tôi qua biểu hiện bề ngoài không hề giống những gì tôi đã viết.
Nghề văn là một nghề cao quý, nhưng còn những cái mác, những danh hiệu thì... hãy coi chừng! Dù đã đạt được một số thành công và giải thưởng ở nghề giáo và nghề văn, chị vẫn giữ một phong độ làm việc ổn định và lặng lẽ, “biết mình, biết người” có phải là phương châm làm việc của chị?
Tôi luôn nhìn lên, không bao giờ nhìn xuống. Vì thế, bất cứ lĩnh vực nào mà tôi đang làm việc cũng chỉ toàn nhìn thấy những người giỏi hơn mình. Và tôi lấy họ làm cái đích để cố gắng.
Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.