Một cuốn sách lôi cuốn người đọc

 

 

Lao động

 

 

Tôi không phải là nhà phê bình văn học chuyên nghiệp, càng không phải là người có ý PR cho Di Li, tác giả "Trại hoa đỏ". Bởi vì PR cho một tác giả trẻ là đem lại lợi thế cho đồng nghiệp trẻ và biết đâu sẽ đem về bất lợi cho ngòi bút ở tuổi gấp đôi của mình.  

Nhưng, thiện cảm là điều rất nên biểu lộ. Tôi thiện cảm với một người lao động văn học như Di Li. Cứ nghĩ với nhan sắc ấy, điều kiện sống đủ đầy ấy cùng với tuổi trẻ Di Li chẳng cần làm gì cũng được nổi tiếng, vậy mà cô lại đi vào con đường văn học đầy khó nhọc với hai khả năng: sáng tác và dịch thuật.

Tôi đồ chừng Di Li, sau nhiều truyện ngắn mơ mộng và dịu dàng cô lại bị ảnh hưởng của Dan Brown. Giống như Dan Brown từng đã là nhạc sĩ, ca sĩ nhạc pop, là giáo viên bỗng đọc "Âm mưu ngày tận thế" của Sidney Sheldon rồi quyết định viết một cuốn tiểu thuyết hay hơn về đề tài này vào năm 1994, để rồi 1998 cuốn "Pháo đài số" ra đời.

Tiếp sau đó là những cuốn sách khách, đặc biệt là "Mật mã Da Vinci", đứng đầu danh sách những sách bán chạy nhất của tờ New York Times, tính đến 2006 đã có tới 60,5 triệu bản sách ra đời, đem về cho tác giả 250 triệu USD.

Mọi so sánh đều khập khiễng, tất nhiên. Hơn nữa, còn lâu Di Li mới bén tới Dan Brown ở sự tưởng tượng, ở tài làm ngược các mật mật mã, ở cách sử dụng các biểu tượng văn hóa và sự dụng công biểu đạt. Song, không thể không thán phục với trên 600 trang viết, trí tưởng tượng của Di Li trong "Trại hoa đỏ" rất dồi dào.

Trí tưởng tượng ấy dẫn dắt và lôi cuốn người đọc vào những trang viết của cô và buộc người đọc phải đi hết những điều cô muốn bày tỏ rồi tìm ra câu trả lời cho chính mình. Kinh dị bởi những hình ảnh ma quái, những âm mưu đen tối, những vụ án hình sự và đó cũng là một yếu tố hấp dẫn giống như người ta xem phim hành động bạo lực vậy (Vẫn biết phim hành động bạo lực không mấy đem lại thẩm mỹ lành mạnh nhưng người ta vẫn xem nó chẳng kém thích thú như xem các bộ phim nghệ thuật nhân văn).
Trần Thị Trường

"Trại hoa đỏ" không thuộc món ăn ưa thích của tôi. Nhưng tôi tin nó là món ăn ưa thích của nhiều người trong một hoàn cảnh giống như hiện nay. Có thể nói đấy là cuốn sách rất hấp dẫn với thể loại của nó: trinh thám, giật gân, kinh dị với nhiều âm mưu đen tối. Tuy nhiên, không chỉ có thế, bên cạnh máu, nước mắt, tội ác, ma quái và ma trận nhiều trang tả cảnh thiên nhiên trau chuốt, những trang mô tả cảm xúc âm nhạc khá tinh tế... 

Không thể bỏ cuốn sách xuống khi chưa đọc xong. Lôi cuốn từ tình tiết đến cách dẫn dắt trong một bố cục chặt, điều này chỉ có những người có đẳng cấp viết truyện tưởng tượng mới làm nổi. Có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên về thể loại này với người viết là nữ ở ta. Một ưu điểm nữa, đó là người viết có vẻ như giấu được tình cảm chủ quan của ngòi bút, để cho sự kiện dẫn dắt là một trong những yếu tố gây nên sự cuốn hút.

Tôi cũng thích cách biểu đạt của tác giả về trực giác của con người. Câu chuyện trong "Trại hoa đỏ" dường như có thật, đang xảy ra đâu đó trong đời sống, nhưng dường như được bịa ra để minh chứng cho câu đề dẫn của tác giả "Ở nơi nào có con người, ở nơi đó còn tình yêu và lòng trung thành. Ở nơi nào có con người, ở nơi đó còn tồn tại sự độc ác và phản trắc". Cái đề dẫn vừa đem lại lợi thế vừa gây ra phản ứng ngược vì nó làm cho người đọc cảm giác về sự "lên gân" nào đó của tác giả.

Và, nếu không bị sa vào quá nhiều chi tiết, đến mức không kiểm soát hết nên đã gây ra hiệu ứng ngược: hoặc là thừa so với mục tiêu chính hoặc là thiếu đối với bức tranh toàn cảnh thì cuốn sách còn hấp dẫn hơn nữa và thật đáng kể.

Tôi tin với khả năng này Di Li còn đi xa trong sự nghiệp viết văn. Tôi cũng nhìn thấy sự vượt trội của một thế hệ mới. Nhưng tôi hy vọng ở Di Linh những cuốn sách đề cập đến mặt khác của đời sống con người với tính nhân văn sâu sắc hơn.

Trần Thị Trường