Khi viết trinh thám kinh dị tôi đầy thăng hoa và cảm xúc

 

Kinh tế đô thị

 

Nhà văn Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978. Bên cạnh viết văn, chị còn là một giảng viên, làm báo, kinh doanh, dịch thuật. Ở lĩnh vực nào, chị cũng tạo được dấu ấn riêng của mình. Hai tập truyện ngắn "Tầng thứ nhất", "Điệu valse địa ngục" và tiểu thuyết "Trại hoa đỏ" ghi nhận chị là người đầu tiên khai mở một thể loại mới cho văn học Việt Nam: Trinh thám kinh dị. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Di Li về thể loại hãy còn mới lạ này ngay sau buổi ra mắt "Trại hoa đỏ". 

 

Tôi được biết lúc đầu "Trại Hoa Đỏ" có tên là "Trang trại". Vì sao lại có sự thay đổi này?

Đã có một tiểu thuyết mang tên "Trang trại" rồi nên mặc dù thích cái tên đó hơn, tôi vẫn đành phải đổi. "Trại hoa đỏ" là do các độc giả mạng đặt tên. Ý kiến của họ khá trùng khớp. Vì vậy mặc dù nhan đề này na ná tác phẩm "Trại hoa vàng" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi vẫn giữ nguyên vì tác phẩm đã song hành cùng độc giả trong suốt một năm trời. Dù sao nội dung của trại Đỏ và trại Vàng là hoàn toàn trái ngược.

 

Những giải thưởng văn học trong nước hầu như chưa trao cho thể loại trinh thám bao giờ. Nhiều tác giả cũng không chú trọng khai thác. Với tư cách là người đầu tiên viết một thể loại mới cho văn học Việt Nam, chị có suy nghĩ gì?

Giải thưởng văn học cũng có nhiều giải khác nhau. Ví dụ như quốc tế có giải Nobel, giải Pulitzer… nhưng cũng có cả giải thưởng của Crime writer's association (Hiệp hội nhà văn trinh thám) và Horror writer's association (Hiệp hội nhà văn kinh dị) dành cho các tác phẩm cùng thể loại hay nhất như giải Mystery Writers of America, Gold Dagger, Mystery Writers of America Edgar Award… Chẳng phải hiện giờ tôi cũng đang gửi "Trại hoa đỏ" đi dự cuộc thi viết tiểu thuyết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" đó sao. Tên cuộc thi không quá hấp dẫn, song thực chất cũng là một cuộc thi có một phần truyện trinh thám. Tôi hy vọng sẽ có một giải thưởng mang tên đại khái như "Tác phẩm trinh thám xuất sắc nhất", chắc chắn sẽ thu hút được dư luận nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi cũng biết trước đây đã từng có một giải thưởng như thế nhưng cuối cùng ban tổ chức phải thu giải về vì ít người dự thi quá. Gần đây các tác phẩm thể loại này cũng nhiều lên rồi. Điển hình có cuốn "Vũ điệu tử thần" của nhà văn Trần Thanh Hà. Biết đâu vài năm nữa, ta sẽ hô hào được một Hiệp hội Nhà văn trinh thám ở Việt Nam (cười).

 
Truyện trinh thám kinh dị thường đòi hỏi người viết phải tỉnh táo, lý trí luôn luôn vượt trội cảm xúc. Khi đó, dấu ấn tác giả cũng không còn rõ rệt. Điều gì ở thể loại này hấp dẫn chị?

Dấu ấn của tôi có lẽ chính ở sự tỉnh táo và lý trí này. Nhưng là nói thế thôi, khi viết thể loại này tôi đầy thăng hoa và cảm xúc, hơn tất cả các thể loại khác. Nhiều người trong nghề đọc các truyện ngắn của tôi nói rằng chúng "lạnh" và ít cảm xúc, nhưng khi đọc sang "Trại hoa đỏ" thì nói rằng nó đầy cảm xúc. Tôi cũng nghĩ như vậy

 

Khi theo đuổi thể loại trinh thám kinh dị, những thuận lợi và khó khăn mà chị gặp phải? Chị đã phải chuẩn bị những gì để có thể sáng tác tốt ở thể loại này?

Thuận lợi có lẽ là trong thời điểm hiện giờ, tôi là người duy nhất khai thác thể loại văn học này ở trong nước, nên được sự ủng hộ của rất nhiều độc giả. Còn khó khăn có lẽ cũng chính bởi chưa có ai song hành cùng tôi trên con đường này. Hãy thử tưởng tượng bạn đi trên con đường dài một mình, rõ ràng là vất vả hơn khi cùng lúc có rất nhiều bạn đồng hành. Thứ nữa, tôi cũng phải chuẩn bị rất nhiều kiến thức và dữ liệu để phục vụ việc sáng tác thể loại. Nhiều khi chỉ để viết một dòng hay một từ, phải đọc đến cả mấy cuốn sách. Việc này là mệt nhất. Còn tôi viết thì nhanh.

 

Chị đăng ký tham gia cuộc thi viết tiểu thuyết 2007 - 2010 do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, khi "Trại hoa đỏ" vẫn còn dang dở. Trong quá trình hoàn thành tác phẩm, chị có gặp phải những sức ép nào không?

Không, tôi vẫn có thói quen viết theo đơn đặt hàng. Một cuốn tiểu thuyết thì cũng thế mà thôi, tuy nó dài hơi hơn. Tôi luôn thực hiện đúng tiến độ, nội dung và kế hoạch dự định ban đầu. Sức ép lớn nhất không phải đến từ việc đăng ký này, bởi vì không thi nữa thì tôi hủy thôi, có ai bắt ép đâu, mà sức ép đến từ độc giả mạng. Tôi post dần lên mạng, rồi cứ hứa hẹn nọ kia với độc giả. Hứa với một người đã thấy mệt mỏi, huống chi trót hứa với cả ngàn người. Song đó cũng là điều may, nếu độc giả không hối thúc thì cuốn sách rất dài này không biết đến bao giờ mới xong.

 

Dường như Di Li luôn luôn thay đổi, mỗi lần xuất hiện là một lần mang đến cho người đọc những bất ngờ. Đây là chủ trương của chị?

Tôi nghĩ là người sáng tạo ai cũng muốn làm mới mình thôi mà. Hơn nữa trong cuộc sống bình thường tôi cũng là người thích tự làm mới mình. Nếu không thế tôi sẽ tự chán chính tôi trước chứ không phải chờ đến lúc người khác chán mình.

 

Sau "Trại hoa đỏ", chị vẫn tiếp tục theo đuổi thể loại trinh thám kinh dị này nữa chứ?

Tất nhiên rồi! Tôi đang làm việc với cuốn thứ hai và cũng đã post dần lên mạng rồi. Tựa đề đặt tạm là "Giáo phái". Tôi đang chờ đợi cái tên mà độc giả sẽ đặt như với cuốn thứ nhất. Tôi thường chỉ viết và post vào ngày chủ nhật, nên rất hạnh phúc khi có nhiều độc giả comment rằng "Lại ròng rã chờ đợi những ngày chủ nhật". Tuy nhiên, tôi cũng sẽ tự làm mới mình với cuốn thứ hai, do chủ đề và nội dung hoàn toàn khác, trong đó tôi đề cập đến vấn đề về giới tính thứ tư và cảnh báo về sự tàn phá nguy hiểm của một loại ma túy mới. Những điều này đều chưa được nhắc tới tới ở bất kỳ tác phẩm văn học Việt Nam nào.

 

Hồ Huy Sơn (Thực hiện)