Di Li và truyện trinh thám kinh dị trên blog
Di Li đang nổi lên như một nhà văn trẻ có lối viết riêng: truyện trinh thám kinh dị. Năm qua, chị đã xuất bản 2 tập truyện ngắn (Tầng thứ nhất và Điệu valse địa ngục) theo thể loại trên. Điều thú vị, Di Li còn là một nhà văn mạng, theo nghĩa xuất bản các tác phẩm trên blog cá nhân, sau đó mới in sách.
Được biết, chị đang viết tiểu thuyết "Trang trại" đăng tải trên blog Di Li, nhiều tác phẩm khác của chị cũng xuất hiện trên blog. Chị có thể cho biết khi xuất bản trên blog, nó có hiệu ứng như thế nào?
Có thể thấy một điều rất rõ ràng là nhiều độc giả biết đến tôi và tác phẩm của tôi qua blog chứ không phải qua các kênh thông tin khác. Vì thế, đây là một hiệu ứng rất tốt đối với người sáng tác. Đặc biệt khi tiểu thuyết "Trang trại" được post lên từng chương, độc giả sẽ được tiếp nhận ngay tác phẩm mà không cần phải chờ đến khi được in thành sách. Đây cũng là một cách giới thiệu sách rất hiệu quả trước khi phát hành, và tôi sẽ post tất cả các chương, trừ chương cuối cùng, là chương thâu tóm toàn bộ bí mật của câu chuyện.
Những bình luận (comment) đến với chị như thế nào?
Những lời bình luận (comment) quả rất tuyệt vời. Khi tôi xuất bản sách, và cho dù những cuốn sách đó có đến tay vài ngàn độc giả, tôi không thể biết họ nghĩ gì về truyện của tôi. Nhưng trong một mối quan hệ tương tác thế này, tôi có thể trao đổi trực tiếp với độc giả và nếu độc giả muốn có vài lời nhận xét, họ có thể bày tỏ quan điểm với tác giả và với các độc giả khác. Nhìn chung các comment thường là những lời giục giã tôi viết tiếp phần sau, tôi cũng phải thú nhận rằng, nếu như thiếu những comment này của độc giả, tôi khó có thể hoàn thành cuốn tiểu thuyết đúng thời hạn, thậm chí không biết có hoàn thành nổi hay không.
Trong quá trình viết "Trang trại", chị đã mở cuộc thi đoán tình huống trên blog?
Tôi vẫn chưa mất chút giải thưởng nào! Đó cũng là hy vọng của tôi về kết quả cuộc thi, vì nếu độc giả giành được giải thưởng thì tác phẩm coi như thất bại rồi. Và ngược lại, trong thể loại trinh thám kinh dị, thất bại của độc giả cũng chính là thành công của tác giả. Đặc biệt là khi người ta vẫn có một mặc định cố hữu đối với các tác phẩm trinh thám Việt Nam là chưa xem đã biết ngay ai là thủ phạm. Còn về "Trang trại", tôi cố gắng không để độc giả đoán được trước, dù chỉ là một tình tiết nhỏ.
Có nhà văn nói: việc in sách là quan trọng, độc giả là khách hàng, là "thượng đế"... chị nghĩ sao?
Tôi tuyệt đối tin tưởng rằng độc giả là đối tượng ưu tiên số một. Vì mình viết cho độc giả chứ có phải cho mình đọc đâu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi chạy theo thị hiếu của độc giả, vì nếu làm như vậy tôi đã chuyển sang viết thể loại khác. Tôi đã tự mình làm những cuộc điều tra nho nhỏ ở các nhà sách và cửa hàng sách thì thấy ngay cả đối với những cuốn trinh thám của các tác giả nước ngoài đã nổi đình nổi đám ở vài chục quốc gia cũng không bán chạy bằng một vài cuốn tự truyện với giọng điệu nhẹ nhàng.
Tôi vẫn cho rằng một tác phẩm cũng giống như một ngôi nhà có nhiều cánh cửa với nhiều gian phòng khác nhau, khách đến thăm sẽ bao gồm rất nhiều đối tượng, có đối tượng chỉ thích mở (hay chỉ mở được) cánh cửa thứ nhất hoặc thứ hai nhưng cũng có những vị khách đi đến cánh cửa tận cùng. Tôi không chủ định thiết kế một ngôi nhà chỉ một cửa đóng kín hoặc một ngôi nhà mở toang cửa. Vì thế khi nghe một đồng nghiệp của tôi kể rằng, hai cô bé giúp việc của cô ấy thường xuyên đọc truyện của tôi, tôi cũng hạnh phúc không kém gì khi nghe tin tác phẩm của mình đã lọt vào mắt những vị giám khảo khó tính của cuộc thi bên tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Có người cho rằng chị đi theo con đường văn học giải trí?
Tôi chưa rõ người nói câu đó hình dung từ "giải trí" ở khía cạnh nào để có thể bình luận. Nhưng tôi đồ rằng phần lớn chúng ta hay đánh đồng từ "giải trí", "ăn khách" với "bình dân", "thương mại", "lá cải" và "rẻ tiền". Tôi chỉ có hai khái niệm: "văn học" hoặc "không phải văn học" mà thôi. Tất cả các tác phẩm trong hai tập truyện mà tôi đã xuất bản đều từng được đăng tải trên các báo và phần nhiều là các tờ báo văn nghệ uy tín.
Lê Anh Hoài