NHÀ VĂN NHƯ MỘT NGƯỜI THỢ MAY

Báo Phú Yên 

Sau khi đoạt giải thưởng tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, nhà văn nữ Di Li ra mắt liên tục hai tập truyện ngắn kinh dị có tên gọi Tầng thứ nhất và Điệu Valse địa ngục. Điều có thể khiến nhiều người ngạc nhiên hơn nữa: Di Li ngoài đời chính là giảng viên Nguyễn Diệu Linh mỗi ngày đứng trên bục giảng Trường Cao đẳng Thương mại - Du lịch Hà Nội.

Thưa cô giáo kiêm nhà văn Di Li, nhìn chị không ai nghĩ chị lạ i đi viết truyện kinh dị. Thể loại đặc biệt này đối với chị như một cuộc tìm kiếm khó hiểu chăng?

Tôi say mê các tác phẩm trinh thám và kinh dị, hoặc trinh thám – kinh dị, chứ không chỉ riêng kinh dị. Nhiều người khuyên can tôi rằng cứ viết những gì dung dị thôi. Nói thẳng ra là chưa ai ủng hộ tôi viết thể loại này. Nếu có một hai người ủng hộ, thì họ cũng hoài nghi về khả năng thành công rất thấp của tôi.

Vì sao chị vẫn “dấn thân”?

Tôi mê những câu chuyện hãi hùng và nghẹt thở, nhưng đọc mãi truyện nước ngoài thì cũng chán. Ra hiệu sách, quanh đi quẩn lại thấy trinh thám thì có Phạm Cao Củng, kinh dị có Thế Lữ, Tchya Đái Đức Tuấn. Lại toàn là những tác phẩm viết từ thời bố tôi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí tập truyện Đêm bướm ma sưu tầm cả truyện ma cổ xưa của Nguyễn Dữ và truyện ma truyền miệng được ưa chuộng đến nỗi tái bản đi tái bản lại. Trước “cám cảnh” đó, tôi cũng muốn đóng góp vài tập truyện cho vui.

 

 

Theo thói quen của nhiều người, thì phụ nữ viết văn sẽ rất phức tạp…

Đúng, cả nhà tôi đều bảo, phụ nữ không nên viết văn. Thậm chí, khi mình mang giải thưởng về nhà, và nhiều tờ báo viết về mình, rồi mình ra sách nọ sách kia, mọi người thân trong gia đình chẳng vui vẻ gì. Trái lại, họ còn lo lắng hơn, và dùng những câu mềm mỏng để thuyết phục như “chỉ chơi vui thôi nhé, đừng chuyên sâu”.

Hình như xã hội ta vẫn còn không ít quan niệm sợ hãi người theo đuổi văn chương?

Nói thẳng ra, đó là một sự ấu trĩ. Nhiều người cứ nghĩ, viết văn thì hão huyền, sớm muộn gì cũng mắc bệnh vĩ cuồng, đồng tiền không kiếm được. Tôi thấy có bao nhiêu người không viết văn nhưng vẫn thiếu trước hụt sau đấy chứ! Ngược lại, có những người cầm bút sống rất ung dung!

Không phải chuyện vật chất đâu, thiên hạ nghi ngờ phụ nữ viết văn thì không vun vén được hạnh phúc cá nhân!

Sự nghiệp cá nhân và hạnh phúc cá nhân là hai phạm trù hoàn toàn độc lập. Làm bất cứ nghề gì, mà muốn sở hữu cả hai thứ này đều phải mệt mỏi hơn những người khác!

Dạy học và viết văn, công việc nào cho chị hứng thú hơn?

Cái nào tôi cũng thích, nếu viết văn có thể khiến người ta say mê đọc, còn dạy học khiến người ta hứng thú nghe. Còn làm như cái bóng vật vờ thì công việc nào cũng chán!

Trước khi viết một truyện ngắn trinh thám – kinh dị, chị thường chuẩn bị tâm lý như thế nào?

Đầu tiên là rà soát lại xem cái cốt truyện mình vừa nghĩ ra có mới mẻ không, có ăn khách không? Xin đừng đánh đồng từ ăn khách với từ thương mại, rồi đánh đồng tiếp từ thương mại với từ rẻ tiền nhé. Hiệp hội nhà văn kinh dị thế giới HWA luôn căn cứ vào mức độ ăn khách để kết nạp hội viên. Ví dụ, mức độ cho thành viên creative là nhà văn phải được trả tối thiểu 100 USD/ trang bản thảo.

Chị có bao giờ chột dạ, viết truyện trinh thám – kinh dị sẽ bị người khác nhìn bằng con mắt hơi lạ lùng?

Điều ấy cũng không nên để tâm nhiều quá. Mỹ là nước có nhiều nhà văn kinh dị nhất thế giới, song hầu như không có nhiều nhà văn nữ. Trong đời thường, mình không tỏ ra trinh thám hay kinh dị là được rồi!

Chị có bám chút xíu nào vào thực tế, hay chỉ tưởng tượng?

Tôi quan niệm nhà văn như một người thợ may, may một cái chăn ghép từ hàng trăm mảnh vải. Vải thì có sẵn trong đời sống rồi! Tình tiết gay cấn cũng chỉ là vải nhiều màu sắc ít gặp hơn!

TÂM HUYỀN (thực hiện)